A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

6 lãnh đạo trẻ nổi bật trong lĩnh vực chuyển đổi số

Trong số 20 ứng viên vào vòng Phỏng vấn của chương trình Bình chọn lãnh đạo công nghệ trẻ, có sáu người trong lĩnh vực phần mềm, chuyển đổi số. Các ứng viên đều là những người phụ trách về công nghệ, tham gia thúc đẩy chuyển đổi số và tìm ra bài toán tăng trưởng bằng công nghệ cho doanh nghiệp.

Vũ Hồng Công (1988) hiện là đồng sáng lập kiêm CEO của Miichisoft, công ty tập trung vào mảng xuất khẩu và tư vấn phần mềm tại thị trường Nhật. Khi làm công nghệ, anh mong muốn nâng cao giá trị người Việt, công nghệ Việt trong mắt đối tác quốc tế.
Anh chia sẻ, người Việt có năng lực công nghệ tốt, học hỏi và thích ứng nhanh nhưng vẫn còn thiếu sót trong sự chuyên nghiệp, kỹ năng giải quyết vấn đề cũng như tính hoàn thiện. Anh mong muốn giúp một phần công sức để nâng cao năng lực cá nhân, thúc đẩy tinh thần dám nghĩ dám làm, sự chuyên nghiệp để người trẻ có thể sẵn sàng hội nhập và đón cơ hội trong cách mạng 4.0.

Nguyễn Tường Thụy (1988) là trưởng nhóm kỹ sư phần mềm tại Grab Holdings. Anh từng giành bổng trị giá 32.000 USD cho sinh viên người Việt tại Đại học Arizona và tốt nghiệp hai ngành Khoa học máy tính và Toán học.
Tường Thụy cho biết chương trình Bình chọn Lãnh đạo công nghệ trẻ 2022 là một điều đặc biệt với người làm việc lâu năm ở nước ngoài như anh. Thông qua chương trình, anh hiểu thêm về xu hướng đầu tư và phát triển công nghệ thông tin ở Việt Nam.

Nguyễn Hữu Linh (1987) giữ vai trò CEO của Beetsoft, công ty chuyên về dịch vụ CNTT, xuất khẩu và tư vấn phát triển phần mềm. Anh có gần 10 năm kinh nghiệm làm việc tại Nhật Bản với vị trí kỹ sư phần mềm và cũng từng điều hành các startup như Beetsoft, Best Innovators, Capichi...
Theo anh, ngoài sự nhiệt huyết và chân thành, hào sảng, người lãnh đạo công nghệ trẻ cần là những nhà lãnh đạo tri thức và toàn cầu.

Nguyễn Kim Thọ (1993) có hơn 8 năm kinh nghiệm trong triển khai và vận hành giải pháp an ninh mạng. Hiện anh là trưởng phòng Nghiên cứu và Phát triển công nghệ bảo mật tại Vnetwork.
Anh nói: "Điều thú vị nhất trong công việc của tôi là có nhiều bài toán cần phải giải quyết. Internet phát triển càng nhanh, tôi cùng đội ngũ sẽ phải đối mặt với càng nhiều cuộc tấn công với quy mô lớn và áp lực về bài toán tối ưu hạ tầng ngày càng cao".

Lê Minh Quân (1987) ghi dấu trong lĩnh vực công nghệ tại tập đoàn FPT. Anh là "cha đẻ" kiêm kiến trúc sư trưởng của nền tảng akaMES. Đây là nền tảng giúp kết nối toàn bộ các bộ phận của nhà máy, thống nhất dữ liệu, hỗ trợ tính toán chi phí, giúp doanh nghiệp nhanh chóng phát hiện các sai sót trên dây chuyền sản xuất và có kế hoạch thay đổi phù hợp.
Anh cho biết, khi làm chuyển đổi số, bản thân phải tạo ra môi trường kỹ thuật số gần gũi với khách hàng. Mỗi ngày, anh luôn tìm tòi, ứng dụng và truyền đạt công nghệ thông qua những công cụ hữu ích cho khách hàng chứ không phải là những giáo điều hay khoe khoang năng lực bản thân.

Phạm Đức Thành (1987) hiện là CTO của NextPay. Đưa công nghệ thông tin vào trong đời sống hàng ngày, tiện lợi hóa từng hoạt động nhỏ của mỗi cá nhân là kim chỉ nam để anh xác định hướng đi và hành động.
Đức Thành đã có hơn 12 năm kinh nghiệm thiết kế và phát triển các ứng dụng cho doanh nghiệp. Anh cũng từng trải qua các vị trí như Trưởng nhóm kỹ thuật, Trưởng phòng kỹ thuật, Quản lý dự án và Giám đốc kỹ thuật.
theo VNExpress

 


Thống kê truy cập
Hôm nay : 169
Hôm qua : 2.313
Tháng 10 : 11.027
Năm 2024 : 814.004