A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Chiêu trò phủ nhận sự độc lập của tòa án trong xét xử các vụ án ở Việt Nam

Lợi dụng vào diễn biến xét xử các vụ án của Tòa án Việt Nam, nhiều cơ quan truyền thông quốc tế, các trang phản động hải ngoại và mạng xã hội lợi dụng để tung các bài viết, phân tích theo hướng suy diễn, xuyên tạc về cơ quan thực hiện quyền tư pháp ở Việt Nam. Từ đó miệt thị nền tư pháp, cơ quan tố tụng; quy kết, suy diễn, chính trị hóa xét xử các vụ án; kích động, gây tâm lý hoang mang, mất niềm tin của nhân dân vào Đảng, nhà nước và đặc biệt là cơ quan thực hiện quyền tư pháp.

Những luận điệu sai trái, xuyên tạc

Các thế lực phản động, thù địch đã lên tiếng xuyên tạc rằng: Tòa án không độc lập trong xét xử các vụ án, tình trạng đó bắt nguồn từ chế độ một đảng cầm quyền duy nhất ở Việt Nam hay các vụ án do Tòa án xét xử đều có sự chỉ đạo, can thiệp của yếu tố chính trị - chính trị hóa xét xử các vụ án ở Việt Nam(?!).

Bên cạnh đó, chúng đưa ra chiêu trò suy diễn, xuyên tạc hoạt động xét xử của Tòa án đối với các vụ án ở Việt Nam, chúng cho rằng vấn đề quyền lực nhà nước mà thống nhất như hiện nay ở Việt Nam thì sẽ không có sự độc lập của Tòa án, chúng đưa ra yêu cầu “tam quyền phân lập” để chống oan, sai và bảo đảm sự độc lập của Tòa án…(?!).

Những luận điệu của các thế lực thù địch và những phần tử cơ hội chính trị, phản động hướng tới với ý đồ gây ra sự hoài nghi trong nội bộ, phá hoại sự đồng thuận trong xã hội, chia rẽ cán bộ, đảng viên với quần chúng nhân dân, hạ thấp vai trò, uy tín lãnh đạo của Đảng, hòng làm giảm sút niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước, đặc biệt làm giảm vai trò, uy tín của cơ quan thực hiện quyền tư pháp. Đây là dã tâm hòng phủ nhận những nỗ lực của Việt Nam trong công tác cải cách tư pháp và sự độc lập của Tòa án Việt Nam trong thực hiện quyền tư pháp.

Những nỗ lực không thể phủ nhận

Thứ nhất, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với cơ quan thực hiện quyền tư pháp

Điều 4 Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đây là sứ mệnh lịch sử và vị thế lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với nhà nước và xã hội trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Đảng lãnh đạo nhà nước, trong đó có lãnh đạo cơ quan thực hiện quyền tư pháp trên các mặt hoạt động sau: Đảng hoạch định và đề ra đường lối, chủ trương, chính sách về cải cách tư pháp, tạo hành lang cơ sở chính trị để Tòa án hoạt động; Đảng lựa chọn, giới thiệu, bố trí cán bộ của Đảng làm nòng cốt trong các cơ quan Tòa án và lãnh đạo việc xây dựng đội ngũ cán bộ Tòa án; Đảng lãnh đạo công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan Tòa án; Đảng thực hiện vai trò lãnh đạo thông qua các tổ chức cơ sở do Đảng thành lập trong các cơ quan Tòa án từ trung ương đến địa phương và các đảng viên làm việc trong các cơ quan Tòa án.

Hiện nay, đối với các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi thì cũng được quy định chặt chẽ tại Khoản 4 Điều 5 Quy định số 32-QĐ/TW ngày 16/9/2021. Mặc dù Ban Chỉ đạo Trung ương phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là một cơ quan của Đảng, có chức năng tham gia vào các giai đoạn của tố tụng hình sự nhưng không phải can thiệp trực tiếp vào các hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử của Tòa án mà chỉ theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát cấp ủy, tổ chức Đảng của các cơ quan tiến hành tố tụng, trong đó có cơ quan Tòa án xét xử các vụ án về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Như vậy, Đảng lãnh đạo công tác xét xử của Tòa án nhưng Đảng không làm hộ, làm thay hoặc can thiệp vào công việc nội bộ xét xử của Tòa án, bởi một trong những nguyên tắc cơ bản và làm nền tảng cho hoạt động xét xử của Tòa án là nguyên tắc xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, nguyên tắc này là yêu cầu đòi hỏi của nền tư pháp trong nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Thứ hai, sự độc lập của tư pháp trong xét xử

Dưới góc độ pháp luật quốc tế, tính độc lập của tư pháp đã được ghi nhận tại Điều 10 Tuyên ngôn Nhân quyền Quốc tế năm 1948 (UDHR): mọi người đều có “quyền được xét xử công bằng và công khai bởi một Tòa án độc lập và khách quan”. Tiếp đến, tại Điều 14 Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 (ICCPR) quy định: mọi người có “quyền được xét xử công bằng, công khai bởi một Tòa án có thẩm quyền, độc lập, công minh được thiết lập theo pháp luật”.

Ở Việt Nam, tính độc lập của tư pháp được coi là một nguyên tắc Hiến định.Hiến pháp năm 2013 quy định về tính độc lập của tư pháp hay nguyên tắc xét xử độc lập có nội dung mới so với các bản hiến pháp trước đó là Thẩm phán, Hội thẩm độc lập trong mọi hoạt động của mình theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự kể từ khi thụ lý vụ án cho tới khi kết thúc phiên tòa. Việc quy định nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của Thẩm phán, Hội thẩm trong công tác xét xử là bảo đảm cho nguyên tắc này phải được thực thi trong thực tiễn xét xử của Thẩm phán và Hội thẩm.

Thẩm phán, Hội thẩm không bị phụ thuộc vào yêu cầu, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, không phụ thuộc vào ý kiến của Ban cán sự Đảng Tòa án cấp trên. Trong quá trình xét xử, Thẩm phán và Hội thẩm độc lập từ việc nhận định vụ án, diễn giải pháp luật, quyết định áp dụng pháp luật và ra bản án. Các cá nhân, tổ chức Đảng không được can thiệp, tác động tới các thành viên của Hội đồng xét xử để buộc họ phải xét xử theo ý chí của mình. Mọi hành vi can thiệp vào hoạt động xét xử của Tòa án đều bị coi là vi phạm pháp luật và ảnh hưởng tới tính khách quan của hoạt động xét xử.

Phiên toà xét xử bị cáo Phan Văn Anh Vũ về tội đưa hối lộ. Ảnh: Internet.

Thứ ba, trong tất cả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước Việt Nam đều khẳng định quyền lực nhà nước là thống nhất, điều này cho thấy chúng ta không thực hiện “tam quyền phân lập” trong thiết kể tổ chức và hoạt động bộ máy nhà nước Việt Nam nhưng chúng ta kế thừa những hạt nhân hợp lý trong lý thuyết “tam quyền phân lập” để thiết kế và tổ chức bộ máy nhà nước của mình, giữa ba quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp có sự phân công, phối hợp và kiểm soát lẫn nhau.

Trong thực tiễn, do những nguyên nhân khách quan và chủ quan khác nhau, quá trình thực hiện hoạt động xét xử của Tòa án vẫn để xảy ra tình trạng án oan, sai, hủy, sửa án. Các thế lực phản động, thù địch đã đưa ra luận điệu xuyên tạc rằng: vì ở Việt Nam, thiết kế quyền lực nhà nước là thống nhất thì mới có án oan sai, hủy, sửa, còn các nước theo lý thuyết “tam quyền phân lập” sẽ không xảy ra án oan, sai, từ đó cổ xúy cho tư tưởng đòi “tam quyền phân lập” ở Việt Nam (?!).

Thực tiễn cho thấy trên thế giới hiện nay, hầu hết các nước tư bản đều vận dụng thuyết “tam quyền phân lập” trong xây dựng, tổ chức bộ máy quyền lực nhà nước. Tuy nhiên, theo các báo cáo của Tòa án -cơ quan thực hiện quyền tư pháp của các nước vận dụng thuyết “tam quyền phân lập” thì tình trạng án oan, sai, hủy, sửa án vẫn diễn ra. Mới đây nhất, truyền thông Mỹ đã công bố các vụ án được giải oan cho những người tù đã bị giam mấy chục năm; chẳng hạn, Phillips (70 tuổi) bị tuyên án tù chung thân nhưng năm 2018 được bang Michigan bồi thường gần 1,6 triệu USD vì 46 năm oan sai. Qua đó cho thấy, thể chế “tam quyền phân lập” không thể là phương thức và giải pháp duy nhất, phù hợp để giải quyết vấn đề án oan sai, hủy, sửa hiệu quả, và việc đưa ra yêu cầu thực hiện “tam quyền phân lập” để chống oan, sai và bảo đảm sự độc lập của Tòa án chỉ là chiêu trò chống phá Đảng, Nhà nước của các thế lực thù địch, phản động.

Như vậy, tất cả các chiêu trò cho rằng do “chính trị hóa” các vụ án thì không có sự độc lập của tư pháp, “tam quyền phân lập” mới không có án oan sai, hủy, sửa là những luận điệu đơm đặt, dựng chuyện, xuyên tạc, suy diễn nhằm chống phá Đảng và Nhà nước Việt Nam. Mỗi người dân Việt Nam chân chính ở cả trong và ngoài nước cần nhận thức rõ về chiêu trò này và kiên quyết lật tẩy, đấu tranh, phản bác. Đồng thời, cần tỉnh táo, đề cao cảnh giác, không ngộ nhận, không tin vào luận điệu xuyên tạc, suy diễn, quy chụp của những phần tử cơ hội chính trị, phản động cực đoan; không tiếp tay cho các thế lực thù địch chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.

(vietnamthingvuong.com)


Thống kê truy cập
Hôm nay : 1.573
Hôm qua : 4.812
Tháng 05 : 32.735
Năm 2024 : 332.149