Người Bí thư Chi bộ gương mẫu được “dân tin, dân yêu”
CTTBTG - Ở thôn Chà Hồ, xã Tả Sử Choóng (huyện Hoàng Su Phì) không ai không biết đến ông Giàng Pao Lìn (sinh năm 1960, dân tộc Mông). Bởi dù đã bước sang tuổi 62, nhưng trong suốt hơn 20 năm qua, được tin tưởng bầu giữ chức vụ Bí thư Chi bộ nhiều nhiệm kỳ liên tục, chưa khi nào ông buông nhẹ trọng trách của người đứng đầu thôn mà luôn gương mẫu, tận tình, làm tốt vai trò cầu nối giữa “ý Đảng - lòng dân”, nhận được sự tin yêu của đảng viên, bà con nơi đây.
Mùa vàng trên Tả Sử Chóong - Hoàng Su Phì vẽ nên một bức tranh làng quê vùng cao
Là thôn vùng cao, địa hình chia cắt, việc đi lại gặp rất nhiều khó khăn. Toàn thôn có 30 hộ với hơn 150 khẩu, gồm 2 dân tộc chung sống là Mông và Nùng. Những năm qua, cụ thể hoá chủ trương của cấp uỷ, chính quyền xã Tả Sử Choóng về phát triển trồng trọt, chăn nuôi, từng bước nâng cao đời sống cho người dân. Với vai trò Bí thư Chi bộ, cùng với việc thường xuyên quán triệt, triển khai chủ trương của cấp uỷ, chính quyền địa phương đến đảng viên, bà con trong thôn thông qua các buổi sinh hoạt chi bộ, họp thôn, ông Lìn đã không quản ngại vất vả để “đến từng nhà, gõ từng cửa” tìm hiểu, nắm bắt, tháo gỡ những khó khăn để phát triển kinh tế, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh từng hộ. Bằng sự kiên trì vận động của ông Lìn, nhiều hộ dân trong thôn từ việc đã quen nếp nghĩ, cách làm truyền thống, nay đã mạnh dạn thay đổi tư duy, vay nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước để mở rộng quy mô chăn nuôi lợn đen, trâu, bò vỗ béo và đưa giống lúa, ngô lai hiệu quả kinh tế cao phục vụ sinh hoạt và sản xuất. Vì vậy, từ một thôn 100% là hộ nghèo, hộ cận nghèo, đến nay thôn Chà Hồ đã có nhiều hộ khá, giàu, giảm hộ nghèo, cận nghèo trung bình từ 2-3 hộ/năm; thu nhập của các hộ dân được tăng lên, đạt 16 triệu đồng/người/năm.
Nhận thấy nhiều con em độ tuổi đến trường còn chưa được đi học, ông Lìn tin rằng, muốn sau này đời sống của con em mình khấm khá hơn, trước hết phải biết chữ, biết đọc, biết viết, để từ đó nâng cao hiểu biết. Vì vậy, ông Lìn đã đến từng hộ gia đình vận động, giải thích, để bà con hiểu được ý nghĩa quan trọng của việc học tập, tạo điều kiện cho con em đến trường. Ông Lìn cũng thường xuyên vận động bà con thực hiện nếp sống văn minh, khi gia đình nào có việc cưới, đám ma không tổ chức kéo dài ngày, không giết mổ nhiều trâu, bò, lợn, gà; ốm đau phải đến trạm xá xã thăm khám, điều trị, không ở nhà cúng bái, gây lãng phí. Để khắc phục khó khăn trong việc đi lại của bà con, nhất là vào mùa mưa, con đường đất trong thôn lầy lội, trơn trượt. Ông Lìn chủ động bàn bạc với trưởng các đoàn thể cùng huy động bà con đóng góp ngày công xây dựng tuyến đường bê tông từ trung tâm xã đến thôn rộng 4,8 m, dài 2km, phục vụ nhu cầu người dân.
Với mong muốn được bảo tồn, phát triển giống gà xương đen bản địa từ bao đời nay của bà con dân tộc mình. Vì vậy, khi bắt đầu triển khai, từ vài con gà mái giống và gà trống ban đầu của gia đình, ông Lìn đã chăm sóc và mua thêm giống gà đen bản địa của bà con trong xã để gây đàn, mở rộng quy mô. Được đảm bảo về nguồn thức ăn sạch đều là lúa, ngô, với ưu thế có sức đề kháng tốt và sự chăm chỉ, cần mẫn chăm sóc của ông Lìn, đàn gà xương đen đến nay đã phát triển lên tới gần 200 con, đem lại nguồn thu nhập ổn định.
Sự gương mẫu, tận tâm của ông Lìn trong hơn 20 năm qua đã được các cấp, các ngành ghi nhận; những năm qua, Chi bộ thôn Chà Hồ đã liên tục đạt tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh; thôn đạt danh hiệu văn hóa. Cá nhân ông vinh dự được nhận Bằng khen của Hội Nông dân tỉnh, Giấy khen của Huyện uỷ Hoàng Su Phì, Đảng uỷ xã Tả Sử Choóng.
Nguyễn Yến