A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

TÓM TẮT TIN TRONG NƯỚC NGÀY 18/02/2022

CHÍNH TRỊ - XÃ HỘI

- Ngày 17/2, làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị tỉnh cải thiện mạnh mẽ hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh; khai thác tốt hơn nữa tiềm năng lợi thế của một địa phương có đường biển dài để tăng trưởng nhanh hơn nữa. Tỉnh cần chú ý quan tâm hàng đầu đến chất lượng nguồn nhân lực, rà soát lại quy hoạch tổng thể với tầm nhìn xa hơn; đặc biệt cần định hướng cơ cấu phát triển Khu Kinh tế Dung Quất bền vững hơn.

Nhân dịp này, Chủ tịch đã trao tặng 150 ngôi nhà cho đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Ngãi gặp khó khăn.

Sáng cùng ngày, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã tới dâng hương, dâng hoa tại Khu mộ nhà chí sỹ yêu nước Huỳnh Thúc Kháng nằm trên đỉnh núi Thiên Ấn.

- Ngày 17/2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam đã dự, chỉ đạo Hội nghị sơ kết thực hiện chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh ở Việt Nam giai đoạn 2010-2020 và định hướng nhiệm vụ giai đoạn 2021-2025 (Chương trình 504).

Trên cơ sở phân tích các bài học thành công, nguyên nhân của khó khăn, hạn chế, để đẩy nhanh tốc độ khắc phục hậu quả bom mìn, đưa Việt Nam sớm trở thành quốc gia không còn bom mìn, không còn người dân vô tội bị thương vong do bom mìn sau chiến tranh gây ra, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính lưu ý 6 nhiệm vụ trọng tâm trong thực hiện Chương trình giai đoạn 2021-2025.

Thủ tướng cũng giao UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đưa các hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; cân đối ngân sách để thực hiện các nội dung của Chương trình 504 thuộc nhiệm vụ chi của địa phương.

-Sáng 17/2, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiến hành bế mạc Phiên họp thứ 8. Sau 2,5 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ kế hoạch, chương trình đề ra.

Trước đó, trong sáng 17/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét báo cáo kết quả bước đầu về việc triển khai chuyên đề giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành”; cho ý kiến về đề nghị bổ sung dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022.

- Ngày 17/2, tại Hà Nội, Bộ Công an tổ chức Hội nghị Giao ban Tổ công tác của Chính phủ thực hiện Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia năm 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (gọi tắt là Đề án 06/CP) từ ngày 6/1/2022 đến ngày 16/2/2022. Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Tổ trưởng Tổ công tác chủ trì hội nghị.

- Tính từ 16 giờ ngày 16/2 đến 16 giờ ngày 17/2, cả nước ghi nhận 36.200 ca mắc mới COVID-19, trong đó có 36.190 ca ghi nhận trong nước (tăng 1.467 ca so với ngày trước đó) tại 62 tỉnh, thành phố (có 25.345 ca trong cộng đồng); ghi nhận 90 ca tử vong.

Các tỉnh, thành phố ghi nhận nhiều ca mắc mới nhất là Hà Nội (3.893 ca), Thái Nguyên (2.478 ca), Quảng Ninh (2.477 ca), Hải Phòng (1.548 ca), Phú Thọ (1.417 ca), Vĩnh Phúc (1.362 ca), Bắc Ninh (1.362 ca), Nghệ An (1.352 ca). Trong ngày đã có 5.810 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số ca bệnh được điều trị khỏi ở nước ta đến nay lên 2.254.965 ca.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 2.643.024 ca mắc COVID-19, đứng thứ 34/225 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đến nay, Việt Nam đã ghi nhận 200 ca mắc COVID-19 do biến thể Omicron.

+ Sáng 17/2, chủ trì cuộc họp trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố nhằm đánh giá tình hình mở cửa trường học của các địa phương, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, các giải pháp đưa trẻ trở lại trường phải mang tính dài hơn, trên tinh thần chủ động, không mất cảnh giác, không cực đoan, khôi phục lại các hoạt động kinh tế - xã hội trong điều kiện bình thường mới, “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh”. Trong thời gian tới, cần tiếp tục triển khai kế hoạch tiêm vaccine cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi theo hướng dẫn của Bộ Y tế; kiểm soát tốc độ lây nhiễm trong trường học.

+ Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết Bộ Y tế sẽ sớm có hướng dẫn về chăm sóc, thuốc điều trị cho học sinh mắc COVID-19 nhằm tạo sự an tâm cho phụ huynh và xã hội.

+ Thường trực Thành ủy Hà Nội đã thống nhất lộ trình cho trẻ mầm non trở lại trường từ ngày 1/3; giao Sở Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, xây dựng phương án, đề xuất, tham mưu về nội dung này, trong đó lưu ý đến các giải pháp tổ chức bảo đảm an toàn, linh hoạt, hiệu quả nhưng không cứng nhắc, cực đoan, đáp ứng nguyện vọng của người dân.

+ Ngày 17/2, Cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) ban hành danh mục 3 loại thuốc chứa Molnupiravir sản xuất trong nước, được cấp giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam. Theo đó, Cục Quản lý dược cấp phép cho 3 loại thuốc gồm: Molravir 400, hàm lượng Molnupiravir 400 mg, dạng viên nang cứng; Movinavir, hàm lượng 200 mg Molnupiravir, dạng viên nang cứng; Molnuporavir Stella 400, hàm lượng 400 mg Molnupiravir, dạng viện nang cứng.

- Ngày 17/2, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có văn bản đề nghị Văn phòng Chính phủ báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép từ ngày 15/3/2022 áp dụng chính sách về thị thực cho khách nhập cảnh Việt Nam như đã thực hiện trước khi có dịch COVID-19 nhằm thu hút hiệu quả khách du lịch quốc tế, sớm phục hồi và phát triển du lịch trong thời gian tới.

- Ngày 17/2, kỷ niệm 43 năm Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc (17/2/1979-17/2/2022), nhiều đoàn đại biểu của tỉnh Quảng Ninh đã đến thắp hương, tưởng niệm, tri ân các Anh hùng Liệt sỹ tại Khu Di tích lịch sử Pò Hèn (xã Hải Sơn, thành phố Móng Cái).

+ Hiệp hội Du lịch tỉnh Hà Giang đã chính thức ra mắt sản phẩm du lịch trải nghiệm với chủ đề "Hành quân theo bước chân anh". Đây là một chuỗi hoạt động du lịch trải nghiệm thực tế tìm hiểu về Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, góp phần giáo dục truyền thống lịch sử cho thế hệ trẻ, tạo tour tuyến du lịch tâm linh hướng về nguồn cội để kích cầu du lịch địa phương.

- Chiều 17/2, tại buổi họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu quan điểm đối với vụ việc một số cá nhân của Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) bị khởi tố, bắt tạm giam về tội "Nhận hối lộ"; phản ứng của Việt Nam trước việc Bộ Thương mại Hoa Kỳ công bố mức thuế chống bán phá giá sơ bộ dự kiến lên tới 400% đối với sản phẩm mật ong của Việt Nam; thông tin chính sách thị thực với du khách nước ngoài vào Việt Nam, công tác bảo hộ công dân tại Ukraine và một số kết quả của Hội nghị hẹp các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN.

- Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNPD), Quỹ Nhi Đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) vừa phối hợp khởi động dự án chung về quyền của người khuyết tật tại Việt Nam, cung cấp các can thiệp đa ngành hỗ trợ Việt Nam thực hiện cam kết thực thi Công ước về Quyền của Người khuyết tật (CRPD). Dự án chung có tên gọi: "Làm việc cùng nhau vì một tương lai hòa nhập - Thực hiện Công ước về Quyền của Người Khuyết tật thông qua hợp tác hiệu quả" được khởi động trước thềm Ngày Thế giới về Công bằng Xã hội (20/2/2022).

- Báo cáo về chỉ số sẵn sàng trí tuệ nhân tạo (AI) năm 2021 được công bố trong báo cáo "Chỉ số sẵn sàng AI của chính phủ (Government AI Readiness Index) do Oxford Insights (Vương quốc Anh) kết hợp với Trung tâm nghiên cứu phát triển quốc tế của Canada (IDRC) thực hiện cho thấy: Việt Nam đứng thứ 62 toàn cầu và xếp thứ 6 trong 10 nước ASEAN, tăng 14 bậc so với xếp hạng thế giới năm 2020 và tăng 1 bậc trong ASEAN. Đây là năm đầu tiên, điểm trung bình của Việt Nam đạt mức 51,82, vượt qua ngưỡng trung bình của thế giới là 47,42.

- Theo Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, chiều 17/2 (theo giờ Việt Nam) tại Tashkent, Uzbekistan, Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) đã tiến hành bốc thăm chia bảng cho 16 đội bóng tham dự Vòng chung kết Giải bóng đá U23 châu Á 2022. Đội tuyển U23 Việt Nam vào bảng C cùng với đương kim vô địch Hàn Quốc, Thái Lan và Malaysia.

- Khoảng trưa chiều 18/2, bộ phận không khí lạnh sẽ ảnh hưởng đến một số nơi ở vùng núi phía Bắc của Bắc Bộ, sau đó sẽ ảnh hưởng đến các nơi khác ở Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và một số nơi ở Trung Trung Bộ. Từ ngày 19/2, Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trời chuyển rét đậm, rét hại; từ ngày 20-22/2, Bắc Bộ và Thanh Hóa trời rét hại với nền nhiệt độ thấp nhất phổ biến 8-11 độ C, vùng núi 3-6 độ C, vùng núi cao có nơi xấp xỉ 0 độ C và khả năng cao xảy ra băng giá, mưa tuyết.

KINH TẾ

- Ngày 17/2, Ngân hàng Thế giới (WB) công bố bản tin cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 2 năm 2022, ghi nhận nhiều chuyển biến theo chiều hướng tích cực. Cụ thể, sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng trưởng, dù tốc độ chậm hơn và không đồng đều giữa các ngành. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1/2022 tăng 6,7% so với tháng 12/2021 và tăng 1,3% so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu giảm tốc, tăng trưởng chậm lại nhưng cán cân thương mại hàng hóa vẫn thặng dư 1,4 tỷ USD. Việt Nam đã thu hút được 2,1 tỷ USD vốn FDI đăng ký trong tháng 1/2022, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2021. WB ghi nhận lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 1/2022 tăng 1,9% so cùng kỳ năm 2021.

- Sáng 17/2, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức cuộc họp báo công bố Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 -2030, tầm nhìn 2050. Tại đây, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhấn mạnh, Chiến lược với tầm nhìn dài hạn, không mang tính chất giải quyết những vấn đề nội tại của ngành nông nghiệp mà quan trọng hơn là tiếp cận dòng chảy, xu thế của nền kinh tế toàn cầu; trong đó, có xu thế tiêu dùng xanh của thế giới.

- Ngày 17/2, Phó Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Lào Cai Hà Đức Thuận cho biết, thông qua kênh liên lạc đường dây nóng, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Lào Cai nhận được thông tin từ Ban Quản lý cửa khẩu huyện Hà Khẩu (Trung Quốc) thông báo tạm thời ngừng hoạt động nhập khẩu hàng hóa do COVID-19. Nguyên nhân là do phía Hà Khẩu (Trung Quốc) phát hiện ca nhiễm COVID-19 mới từ nội địa, dự kiến sẽ phong tỏa huyện Hà Khẩu và tiến hành xét nghiệm COVID-19 toàn dân. Phía Hà Khẩu đề nghị phía Lào Cai phối hợp tạm thời không cho xe chở hàng hóa xuất khẩu sang Hà Khẩu từ ngày 17/2 cho đến khi có thông báo mới.   

- Tổng công ty Lắp máy Việt Nam - CTCP (Lilama) cho biết, tổ hợp Liên danh nhà thầu Samsung C&T và Lilama đã chính thức trở thành tổng thầu của Gói thầu Thiết kế, mua sắm, lắp đặt, chạy thử và nghiệm thu (EPC) Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4. Dự án Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư; Bộ Công Thương thẩm định thiết kế cơ sở và Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) quyết định đầu tư. Ban Quản lý dự án Điện làm đại diện chủ đầu tư triển khai thực hiện dự án.  Gói thầu Thiết kế, mua sắm, lắp đặt, chạy thử và nghiệm thu (EPC) Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4 có dự toán hơn 24.147 tỷ đồng (tương đương 1,044 tỷ USD)./.

Nguồn: TTXVN


Thống kê truy cập
Hôm nay : 645
Hôm qua : 1.689
Tháng 06 : 91.897
Năm 2024 : 504.283