A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng và đảng viên vùng đồng bào dân tộc thiểu số (kỳ cuối)

CTTBTG - Công tác điều động, luân chuyển cán bộ, từ huyện về cơ sở và từ xã này sang xã khác, thời gian qua được Đảng bộ huyện Đồng Văn (Hà Giang) quan tâm thực hiện có hiệu quả. Qua đó, có sự chuyển biến tích cực trong xây dựng đội ngũ cán bộ trong vùng đồng bào DTTS, đã tạo ra một luồng gió mới trong công tác cán bộ góp phần xây dựng Đảng, hệ thống chính trị TSVM.

 

Kỳ cuối: Công tác cán bộ khâu “then chốt” của “then chốt”

 

Cán bộ, đảng viên xã Sính Lủng ngày thứ 7, chủ nhật giúp bà con nhân dân cải tạo vườn tạp theo Nghị quyết số 05 của Tỉnh ủy Hà Giang

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng vị trí, vai trò của đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ. Người khẳng định: “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Thấm nhuần sâu sắc tư tưởng của Bác; trên cơ sở các chủ trương, nghị quyết, quy định, quy chế của Trung ương về công tác cán bộ và Nghị quyết số 21-NQ/TU, ngày 16/12/2021 của BCH Đảng bộ tỉnh Hà Giang về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Đảng bộ huyện đã cụ thể hóa thành các quy định, kế hoạch, đề án để đồng bộ, thống nhất về công tác cán bộ đảm bảo khoa học, khách quan, dân chủ, minh bạch, chặt chẽ; chú trọng xây dựng và tạo nguồn cán bộ trẻ, cán bộ nữ và cán bộ là người DTTS.

Khi Bí thư, Chủ tịch UBND xã không phải là người địa phương

Tháng 6/2019, đồng chí Vừ Thị Dính, đang là Chủ tịch UBND xã Tả Lủng, huyện Đồng Văn, được BTV Huyện ủy điều chuyển về xã Sính Lủng và giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy xã. Đồng chí đã nhanh chóng bắt tay ngay vào công việc, tranh thủ những ngày nghỉ xuống với nhân dân để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của bà con; sau đó cùng tập thể Đảng ủy lựa chọn những vấn đề có trọng tâm, trọng điểm có tính đột phá và cùng tập thể Đảng ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo. Nhờ đó, những năm qua xã Sính Lủng đã có nhiều chuyển biến tích cực, đạt được nhiều kết quả nổi bật trong công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị gắn với phát triển kinh tế - xã hội, đời sống người dân được nâng lên rõ rệt. Đơn cử một trong những việc đồng chí Dính trực tiếp chỉ đạo, giải quyết có hiệu quả đó là minh chứng sinh động nhất như: Đã phát huy được tình thần đoàn kết của tập thể, sức mạnh của cả hệ thống chính trị và nhân dân tham gia làm đường giao thông nông thôn, cải tạo vườn tạp, xóa bỏ hủ tục lạc hậu; đến nay 100% các thôn xóm của xã đều đã có đường bê tông đến tận thôn, xóm và khu dân cư, thuận tiện cho bà con nhân dân đi lại, nhiều thôn xóm của xã đã trở thành điểm sáng của huyện về xây dựng các công trình phụ trợ như nhà vệ sinh, nhà tắm, di dời chuồng trại ra xa nhà ở đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn luôn sáng, xanh, sạch, đẹp… thực hiện cải tạo được 16 vườn tạp theo Nghị quyết số 05 của Tỉnh ủy Hà Giang, bước đầu các vườn mang lại hiệu quả, cho thu nhập cao hơn gấp 3-4 lần so với trồng ngô truyền thống. Đồng thời, đồng chí tăng cường tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân dân, tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân đều được giải quyết kịp thời, đã chỉ đạo giải quyết dứt điểm được nhiều đơn thư, bức xúc của nhân dân về tranh chấp đất đai, đất rừng đã tồn tại từ nhiều năm chưa được giải quyết… Qua đánh giá, hằng năm có trên 95% chi bộ hoàn thành tốt nhiệm, không có chi bộ không hoàn thành nhiệm vụ, 98% đảng viên đủ tư cách hoàn thành nhiệm vụ trở lên, trong đó 20% đảng viên đủ tư cách hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Qua đó niềm tin và sự gắn bó giữa nhân dân với cấp ủy đảng, chính quyền xã được tăng cường và củng cố.

Đồng chí Vừ Thị Dính chia sẻ: mình nhiều năm công tác tại xã Tả Lủng, nơi mình sinh ra và lớn lên nên quá trình công tác gặp nhiều thuận lợi, vì đã quen thuộc cán bộ, đảng viên ở xã mình, nắm rõ phong tục, tập quán, sinh hoạt của người dân; nhưng cũng gặp không ít khó khăn vướng mắc trong quá trình giải quyết công việc vì có nhiều mối quan hệ, anh em họ hàng, làng xóm thân quen…. Sau khi được cấp trên tin tưởng, điều chuyển tôi từ xã Tả Lủng về làm Bí thư Đảng ủy xã Sính Lủng, ban đầu cũng lo lắng, bởi chưa đi công tác xa gia đình, lần đầu giữ vai trò Bí thư Đảng ủy xã, hơn nữa Sính Lủng là địa bàn rất khó khăn, giao thông không thuận lợi, trình độ, nhận thức của bà con nhân dân còn nhiều hạn chế, kinh tế - xã hội chưa phát triển, nhiều hủ tục lạc hậu còn tồn tại, nhưng với sự không ngừng học hỏi, nỗ lực của bản thân, tôi luôn cố gắng để hoàn thành tốt nhiệm vụ mà đảng và nhân dân tin tưởng giao phó. Với sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng bộ xã, được sự đồng thuận của nhân dân, nên các chỉ tiêu theo nghị quyết của Đảng bộ xã, hàng năm đều đạt và hoàn thành vượt mức, được cấp trên ghi nhận và đánh giá cao, nhiều năm liền xã đạt giải nhất, nhì của khối giao ước thi đua khen thưởng do huyện tổ chức phát động. Niềm vui lớn nhất của nữ Bí thư xã Vừ Thị Dính chính là đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao.

Xã Phố Cáo, huyện Đồng Văn tổ chức lễ phát động trồng cây ăn quả gắn với phát triển làng văn hóa du lịch cộng đồng tại thôn Lan Xì A.

Tương tự tháng 3/2020, đồng chí Giàng Mí Say, phó trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện, được BTV Huyện ủy luân chuyển về xã Phố Cáo giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã. Đây là xã biên giới, nhiều thành phần DTTS và đông dân cư nhất của huyện. Việc thay đổi nhiệm vụ công tác từ một phòng chuyên môn của huyện về xã, do không phải người địa phương, nên thời gian đầu đồng chí Say không tránh khỏi những khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, đồng chí Say nhanh chóng làm quen và bắt tay ngay vào công tác điều hành chỉ đạo UBND xã với quyết tâm hoàn thành thật tốt công việc được giao; xác định được việc quan trọng và cần làm ngay là thay đổi tư duy của người dân về phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa; đồng chí tranh thủ lắng nghe, tiếp thu ý kiến của các đồng chí nguyên lãnh đạo xã, cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân trong xã. Bằng những kinh nghiệm của mình; ngay trong năm 2020, đồng chí đã có những đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp với tập thể UBND và BTV Đảng ủy xã đưa ra các chủ trương quyết sách có tính đột phá để khai thác, phát huy tiềm năng lợi thế về phát triển nông nghiệp trên địa bàn xã. Kết quả nổi bật là: đã thành công trong việc vận động nhân dân chuyển đổi cây trồng có giá trị kinh tế thấp, sang trồng rau chuyên canh liền khoảnh được gần 11ha ở 5 thôn: Lán xì A,B, Tráng Phúng A. Chúng Pả A,B gắn với phát triển chăn nuôi phục vụ nhu cầu của khách du lịch, bước đột phá này đã làm thay đổi tư duy sản xuất rất lớn trong bào DTTS vốn quen với sản xuất tự cung tự cấp; thành công ở bước đầu, đồng chí Say tiếp tục đề xuất với tập thể BTV Đảng ủy xã cho chủ trương vận động nhân dân chuyển đổi gần 30ha đất xấu, một số cây trồng có giá trị kinh tế thấp sang trồng cây có giá trị kinh tế cao như trồng dược liệu, trồng gừng, cây ăn quả… gắn với liên kết trong sản xuất giữa nhà nước, doanh nghiệp và người nông dân, quan đó đã tạo được công ăn việc làm ổn định tại chỗ cho hàng nghìn người dân địa phương. Đồng chí trực tiếp hướng dẫn cầm tay chỉ việc cho 03 thôn chăn nuôi lợn nái sinh sản theo mô hình hàng hóa; thành lập và phát triển 7 gia trại chăn nuôi với hàng nghìn con gia súc, gia cầm để vừa cung cấp cho thị trường và phục vụ con giống tại chỗ cho bà con nhân dân. Qua đó, đã góp phần tăng thu nhập cho người dân trong vùng đồng bào DTTS; bình quân đầu người tăng từ 16,5 triệu đồng năm 2018 lên 23,8 triệu đồng năm 2022; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 81,19% năm 2018 xuống còn 62,37% năm 2022. Bên cạnh đó, đồng chí còn vận động nhân dân hiến được hàng nghìn mét vuông đất và đóng góp hàng nghìn ngày công nâng cấp, mở mới các tuyến đường giao thông nông thôn, đến nay 18/18 thôn của xã đều có các tuyến giao thông được kết nối bằng nhựa hóa, bê tông hóa đồng bộ đến tận thôn và các khu dân cư....

Xã Sính Lủng và Phố Cáo chỉ là hai trong số 19 xã, thị trấn của huyện Đồng Văn có chuyển biến rõ rệt từ chủ trương bố trí, sắp xếp Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã không phải người địa phương.

Đồng chí Hoàng Văn Thịnh, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện cho hay: thực hiện chủ trương trên đã gắn kết chặt chẽ, hiệu quả giữa công tác quy hoạch cán bộ với luân chuyển cán bộ, tạo ra sự đổi mới mang tính đột phá trong công tác cán bộ trong vùng đồng bào DTTS. Qua đó, cho thấy nhiều vấn đề khó khăn, tồn tại qua nhiều nhiệm kỳ trước đã được xử lý, giải quyết kịp thời, hiệu quả, củng cố được niềm tin giữa nhân dân với Đảng, chính quyền địa phương. Đồng thời, khi thực hiện chủ trương này đã góp phần hạn chế được tình trạng cục bộ địa phương, giúp kiểm soát tốt quyền lực. Từ đó tình hình kinh tế-xã hội, công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị; quốc phòng an ninh, công tác đối ngoại có nhiều chuyển biến tích cực.

Cần chọn đúng cán bộ

Quán triệt Nghị quyết số 21-NQ/TU, ngày 16/12/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang, về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 đề ra mục tiêu đến năm 2025 phấn đấu 100% Bí thư Đảng ủy xã không phải là người địa phương. Bằng các giải pháp quyết liệt, cụ thể phù hợp với địa phương, đến tháng 6/2023, Huyện Đồng Văn đã bố trí, sắp xếp 19/19 Bí thư Đảng ủy và 18/19 Chủ tịch UBND xã, thị trấn không phải là người địa phương; các tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị đã nghiêm túc triển khai tổ chức thực hiện xây dựng các Đề án về công tác cán bộ, triển khai thực hiện rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ quản lý các cấp…

Cùng với đó, để nhằm phát huy tốt nhất năng lực của cán bộ; bố trí, sử dụng cán bộ đúng người, đúng việc, đúng sở trường năng lực công tác; bảo đảm cơ cấu hợp lý thông qua đó tạo ra môi trường để cán bộ trẻ, cán bộ nữ là người DTTS được rèn luyện, thử thách, trưởng thành và có điều kiện tham gia cấp ủy, kết quả từ năm 2021 đến nay đã bổ nhiệm từ ngành này sang ngành khác 13 đồng chí; điều động bổ nhiệm cán bộ từ xã về huyện 07 đồng chí; giới thiệu ứng cử từ huyện về xã 05 đồng chí và từ xã này sang xã khác 34 đồng chí.

Huyện ủy Đồng Văn tổ chức Hội nghị học tập, quán triệt, triển khai nghị quyết, kết luận, quy định, hướng dẫn của Trung ương Đảng; Hướng dẫn học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2023; Mô hình “Dân vận khéo”, giai đoạn 2021-2025

Bên cạnh, những kết quả đạt được, việc thực hiện chủ trương trên cũng có một số vấn đề cần quan tâm: Một số cán bộ được điều động, luân chuyển về xã chưa chịu khó tự nghiên cứu, học hỏi, dẫn đến chưa am hiểu phong tục tập quán người dân địa phương, có một số cán bộ trẻ có trình độ, nhưng lại thiếu kinh nghiệm thực tiễn; chưa tạo được sự đoàn kết thống nhất cao trong nội bộ, thiếu quyết liệt, ngại va chạm, nể nang, một số cơ sở vẫn còn biểu hiện cục bộ địa phương...

Để phát huy hiệu quả, khắc phục các hạn chế, cấp ủy đảng các cấp phải xác định xây dựng đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ phải thực sự là nhiệm vụ “then chốt” của “then chốt” trong công tác xây dựng Đảng, đặc biệt đối với các địa phương có đông đồng bào DTTS, miền núi, biên giới càng phải chú trọng đến xây dựng đội ngũ cán bộ ở địa phương, nhất là đội ngũ cán bộ chủ chốt ở cấp xã, nơi trực tiếp tổ chức, triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối, của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống. Cấp xã là cấp gần dân nhất hàng ngày trực tiếp giải quyết những vấn đề liên quan đến mọi mặt của đời sống của nhân dân. Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND cấp xã phải đáp ứng được yêu cầu ngoài về trình độ chuyên môn, lý luận chính trị thì phải có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ mà thực tiễn đang đòi hỏi, chọn đúng cán bộ có đức, có tài, trọng dân, gần dân, hiểu dân. Có như vậy thì công tác cán bộ mới thành công, được nhân dân tin yêu.

Trong thời gian tới, Đảng bộ huyện sẽ tiếp tục đổi mới công tác luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý. Kết hợp giữa điều động, luân chuyển, chuyển dọc với luân chuyển ngang giữa các xã, thị trấn, bảo đảm sự cân đối, hài hoà giữa luân chuyển cán bộ với phát triển nguồn cán bộ tại chỗ; lựa chọn cán bộ thật kỹ lưỡng, không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn; thực hiện có hiệu quả chủ trương bố trí chức danh lãnh đạo chủ chốt cấp xã không phải là người địa phương. Bảo đảm đúng quy trình, quy định, công tâm, khách quan, chặt chẽ, thận trọng trong từng khâu của công tác cán bộ; cùng với đó, là tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực và xử lý nghiêm những sai phạm trong công tác cán bộ. Tiếp tục quan tâm quy hoạch, đào tạo và bồi dưỡng cán bộ, nhất là cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người DTTS, gắn với đó là đưa cán bộ qua các môi trường thực tiễn để rèn luyện, thử thách; lấy hiệu quả công việc làm thước đo cán bộ và lấy kết quả đánh giá cán bộ là tiền đề cho công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, điều động và bố trí cán bộ, đồng chí Hoàng Văn Thịnh, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện cho hay.

Tin tưởng, với những giải pháp đồng bộ, quyết liệt về công tác xây dựng, chỉnh đốn đảng ở Đồng Văn, huyện vùng cao biên giới cực Bắc của Tổ quốc Việt Nam thân yêu sẽ góp phần sớm hiện thực hóa thành công khát vọng đến năm 2025 huyện Đồng Văn thoát khỏi tình trạng huyện đặc biệt khó khăn, đến năm 2030 thoát khỏi huyện nghèo và đến năm 2045 là huyện phát triển trung bình khá của tỉnh Hà Giang, góp phần cùng tỉnh Hà Giang và cả nước thực hiện “khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”.

Bài, ảnh: Dương Ngọc Đức- Ban Dân vận Huyện ủy Đồng Văn (Hà Giang)

-----------

Kỳ đầu: Củng cố vững chắc “nền móng của đảng” trong đồng bào DTTS

Kỳ II: “Ở đâu có dân thì ở đó có đảng viên”

Kỳ III: “Đảng không phải chỉ cần số cho nhiều”


Nguồn: Ban Biên tập
Thống kê truy cập
Hôm nay : 2.158
Hôm qua : 2.961
Tháng 07 : 7.942
Năm 2024 : 513.288