A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Ấm no đang về

Tạo sinh kế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân là 1 trong 3 đột phá được xác định trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Sau một thời gian đưa nghị quyết vào cuộc sống, đã mang ấm no về cho hàng nghìn hộ đồng bào các dân tộc nơi biên cương cực Bắc.

Để nghị quyết “thấm” vào đời sống người dân, cấp ủy, chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở xác định là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Tỉnh ủy ban hành nhiều nghị quyết, chương trình để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo; HĐND – UBND tỉnh ban hành nhiều nghị quyết, quyết định, kế hoạch để triển khai thực hiện. Thành lập Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia cấp tỉnh, cấp huyện để thống nhất trong chỉ đạo triển khai thực hiện. Các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia được triển khai đồng bộ, quyết liệt, trong đó chú trọng hỗ trợ các hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng chính sách.

Phát triển du lịch trên lòng hồ thủy điện Nho Quế 1 (Mèo Vạc) giúp tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Phát triển du lịch trên lòng hồ thủy điện Nho Quế 1 (Mèo Vạc) giúp tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, tỉnh đã bố trí nguồn lực để tạo sinh kế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân trên 1.810 tỷ đồng; làm tốt công tác quản lý, phân bổ, sử dụng các nguồn lực đúng quy định, đảm bảo công khai, minh bạch, hiệu quả. Công tác xã hội hóa các nguồn lực thu hút sự tham gia của các cấp, ngành, sự hưởng ứng tích cực của doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài tỉnh. Huy động nguồn lực xã hội hóa và triển khai hoàn thành hỗ trợ xây dựng 3.113 căn nhà cho người có công, cựu chiến binh nghèo, hộ nghèo các xã biên giới (giai đoạn 2), với kinh phí trên 186 tỷ đồng. Hỗ trợ xây dựng 47 nhà Đại đoàn kết từ Quỹ “Vì người nghèo”, sửa chữa 503 nhà ở cho các gia đình bị thiên tai, hỏa hoạn. Quan tâm sắp xếp, bố trí ổn định dân cư đối với các hộ đang cư trú phân tán nơi xa xôi, hẻo lánh, có nguy cơ sạt lở cao; tập trung giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, nghiên cứu triển khai dự án cấp nước sinh hoạt, nước sản xuất tại huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc.

Các sản phẩm tiêu biểu của tỉnh được bán tại thành phố Hà Giang thu hút du khách đến tham quan, mua sắm.
Các sản phẩm tiêu biểu của tỉnh được bán tại thành phố Hà Giang thu hút du khách đến tham quan, mua sắm.

 Để giúp các hộ vươn lên thoát nghèo từ chính mảnh vườn của gia đình, BCH Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết 05 về Cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ, tạo sinh kế cho người dân giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021 - 2025. Đến nay, có 1.935 vườn cho hiệu quả kinh tế, với thu nhập 18,8 triệu đồng/hộ/năm; rà soát diện tích đất canh tác không hiệu quả để chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Quan tâm, chú trọng công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động; đã đào tạo nghề cho trên 17,3 nghìn người, giáo dục nghề nghiệp cho trên 24,4 nghìn người, giải quyết việc làm cho trên 66,5 nghìn lao động; trong đó, trên 19,4 nghìn người làm việc tại địa phương, đi làm việc ngoài tỉnh trên 46,7 nghìn người, xuất khẩu lao động trên 400 người. Qua đó, góp phần tích cực nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, giữ gìn và phát huy được các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc. Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về giảm nghèo giúp tỷ lệ nghèo đa chiều toàn tỉnh năm 2023 đạt 45,75%, giảm 4,2% so với năm 2022, tương ứng giảm 8.040 hộ nghèo.

Trong niềm hân hoan đón chào năm mới, để tạo thêm sinh kế cho người dân, tỉnh tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với thị trường lao động, tăng cường liên kết giữa cơ sở đào tạo với doanh nghiệp sử dụng lao động. Phấn đấu đào tạo giáo dục nghề nghiệp cho lao động, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo; mở rộng và phát triển thị trường lao động; nâng cao năng lực hoạt động của hệ thống dịch vụ việc làm. Đa dạng hóa các hình thức tạo sinh kế, nâng cao thu nhập cho người nghèo, kết hợp việc thực hiện đồng bộ các chương trình của tỉnh. Duy trì giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 4%/năm, trong đó huyện nghèo, xã nghèo đặc biệt khó khăn giảm 6%/năm trở lên; hạn chế thấp nhất tình trạng tái nghèo và phát sinh nghèo mới… để ấm no luôn hiện hữu trong đời sống đồng bào các dân tộc.

Bài, ảnh: KIM TIẾN


Nguồn: Báo Hà Giang
Thống kê truy cập
Hôm nay : 198
Hôm qua : 2.710
Tháng 11 : 18.355
Năm 2024 : 896.015