Tác động của biến đổi cấu trúc gia đình đến hệ giá trị gia đình Việt Nam trong bối cảnh hiện nay
Gia đình là tế bào của xã hội, là một thiết chế xã hội đặc biệt vừa được pháp luật thừa nhận và bảo vệ vừa được nuôi dưỡng trong trong không gian văn hóa truyền thống của đất nước. Theo đó, gia đình có mối quan hệ mật thiết với xã hội. Trình độ phát triển mọi mặt của xã hội quyết định đến tính chất, kết cấu, quy mô của gia đình. Ngược lại với vai trò là tế bào của xã hội, gia đình có tác động to lớn đến sự phát triển của xã hội, trong quá trình vận động vừa tuân thủ những quy luật của xã hội vừa tuân theo những quy định và tổ chức của riêng mình.
Quy mô gia đình ngày nay không ngừng nhỏ đi, cấu trúc gia đình cũng đơn giản hơn theo hướng hạt nhân hóa. Ảnh: Internet
Biến đổi cấu trúc gia đình Việt Nam hiện nay
Cấu trúc gia đình Việt Nam hiện đại theo quy mô gia đình và thế hệ đang có những biến đổi nhanh chóng, theo số liệu từ Tổng cục thống kê kết quả điều tra biến động dân số và kế hoạch hóa gia đình từ năm 2008, 2010…2020 đến nay cho thấy quy mô gia đình không ngừng nhỏ đi, cấu trúc gia đình cũng đơn giản hơn theo hướng hạt nhân hóa. Gia đình có từ 5 người trở lên có xu hướng giảm (năm 2019: 25,1%, năm 2020: 24,3%), gia đình có số người từ 2 đến 4 người bình quân phổ biến chiếm 65%, tỷ lệ gia đình độc thân tăng lên (năm 2009:7,2%, năm 2020: 10,4%)[1]. Việc biến động theo hướng thu nhỏ cấu trúc gia đình có tác động, ảnh hưởng đến gìn giữ hệ giá trị gia đình truyền thống nhưng cũng đồng thời hình thành hệ giá trị gia đình mới, trong bối cảnh mới.
Trước sự biến đổi này, đã có những tác động mang tính tích cực như đời sống vật chất được tăng lên cả về thu nhập và chỉ số tiêu dùng. Tính đến năm 2020, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam 1 người/1tháng là 4249,8 nghìn đồng (trong đó thành thị là 5590,2 nghìn đồng, cao gấp gần 1,6 lần khu vực nông thôn (3481,5 nghìn đồng)[2]. Đời sống văn - tinh thần được cải thiện khi quy mô gia đình nhỏ đi, điều kiện để quan tâm, chia sẻ, chăm sóc lẫn nhau nhiều hơn, vị thế của trẻ em và phụ nữ cũng dần được coi trọng.
Song song với việc thu nhỏ số lượng, thành viên trong gia đình, xuất hiện các hình thức gia đình mới, giản đơn, lỏng lẻo là việc suy giảm những giá trị nhất định trong mối quan hệ giữa các thành viên, giữa các thế hệ trong gia đình Việt Nam hiện đại. Đó là thay đổi quan hệ hôn nhân như vấn đề tuổi kết hôn, không gian địa lý trong lựa chọn hôn nhân, tiêu chuẩn lựa chọn khi kết hôn, quyền quyết định hôn nhân, nghi thức hôn nhân và không gian sống sau hôn nhân; Đó là thay đổi quan hệ giữa vợ và chồng như quan niệm về người làm chủ trong gia đình, quan niệm về phân công lao động trong gia đình, quyền quyết định trong gia đình, tiếp cận và kiểm soát quyền lực, đặc biệt là vấn đề nhức nhối hiện nay – bạo lực trong gia đình; Đó là thay đổi quan hệ giữa các thế hệ trong gia đình như quan hệ ông bà với cháu, cha mẹ với con cái…
Biến đổi một số giá trị gia đình Việt Nam truyền thống
Thứ nhất, về quan hệ hôn nhân. Trước những biến đổi cấu trúc gia đình Việt Nam hiện đại, một số quan niệm truyền thống trong các tiêu chuẩn lựa chọn bạn đời và đi đến hôn nhân của người Việt Nam đang có xu hướng dịch chuyển sang các giá trị mang tính cá nhân và hiện đại. Tiêu chí tình yêu được quan tâm trong giới trẻ, yếu tố tình cảm và sự tự do lựa chọn hôn nhân được đề cao. Do đó so với trước đây, vai trò của cha mẹ không còn ảnh hưởng nhiều đến quyết định tiến tới hôn nhân của con cái về đối tượng kết hôn (trong nước hay nước ngoài), về hình thức hôn nhân, tuổi kết hôn ngày càng cao hơn, cũng như vấn đề không gian sống sau kết hôn với sự lựa chọn không gian độc lập, tôn trọng sự riêng tư của giới trẻ ngày càng nhiều.
Thứ hai, về quan hệ giữa vợ và chồng. Nếu như trong gia đình truyền thống, quan hệ giữa vợ và chồng không được coi trọng như quan hệ cha mẹ và con cái, thì trong gia đình hiện đại, quan hệ vợ - chồng được coi trọng do giá trị cốt lõi của hôn nhân dựa trên tiêu chí tình yêu và sự nương tựa và nhau. Mục tiêu hôn nhân của vợ và chồng vì duy trì nòi giống trong gia đình truyền thống, thì trong gia đình hiện đại các cặp đôi theo đuổi hạnh phúc cá nhân và thỏa mãn tình yêu. Quan niệm về vai trò của vợ và chồng cũng đã thay đổi theo hướng bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau. Luật Hôn nhân gia đình 2014 góp phần vào thay đổi hệ giá trị này, do thừa nhận về các quyền trong gia đình như quyền sở hữu tài sản, quyền tiếp cận, quyết định và kiểm soát nguồn lực trong gia đình và quyền thụ hưởng bình đẳng giữa các thành viên trong gia đình, mà trước hết là giữa vợ và chồng.
Thứ ba, về quan hệ giữa các thế hệ. Mô hình gia đình hạt nhân đã có ảnh hưởng, tác động rất lớn đến quan hệ giữa các thế hệ. Nhiều gia đình thiếu đi không gian giao tiếp giữa các thế hệ dẫn đến sự thay đổi giá trị tính tập thể, tính cộng đồng. Những giá trị như “kính trên nhường dưới” vẫn được duy trì, gìn giữ nhưng thiếu đi không gian thực hành giữa các thế hệ dẫn đến hệ lụy của bộ phận trẻ em ngày nay kém cỏi trong khả năng giao tiếp, người già cô đơn. Một bộ phận trẻ em ngày nay không còn tuân thủ các chuẩn mực truyền thống của gia đình, nhiều bậc cha mẹ mải làm kinh tế, không có thời gian chăm sóc gia đình, con cái, cha mẹ… Áp lực công việc nặng nề dẫn đến tình trạng bạo ực gia đình ngày càng tăng lên, dẫn đến suy giảm mối quan hệ gắn bó, yêu thương trong gia đình.
Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đề cập đến 6 nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện tốt để thực hiện xây dựng, giữ gìn, phát huy những giá trị đặc sắc của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Với nhiệm vụ thứ hai là “xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hóa, giá trị quốc gia - dân tộc; kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại: Yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo. Những giá trị ấy được nuôi dưỡng bởi văn hóa gia đình Việt Nam với những giá trị cốt lõi: Ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh; được bồi đắp bởi nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc với hệ giá trị: Dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học trên nền tảng của hệ giá trị quốc gia và cũng là mục tiêu phấn đấu cao cả của dân tộc ta: Hòa bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc[3].
Do vậy, việc nhận biết sự thay đổi và đưa ra cách thức để phát huy, thay đổi các giá trị theo hướng tích cực, thúc đẩy sự phát triển văn hóa, con người Việt Nam theo định hướng xã hội chủ nghĩa là vấn đề rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay
(Theo vietnamthingvuong.com)