A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Nếp sống văn hóa lan tỏa khắp làng quê

Với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành và nhân dân, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” ngày càng phát triển rộng khắp, góp phần làm thay đổi diện mạo các miền quê của tỉnh. Nhiều nét đẹp văn hóa được gìn giữ, phát huy, hủ tục được đẩy lùi, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng nâng lên.

Về với xã Tùng Bá (Vị Xuyên), một diện mạo thanh bình và trù phú hiện diện khắp các thôn, xóm. Những tuyến đường được bê tông hóa phẳng phiu, kết cấu hạ tầng nông thôn được đầu tư đồng bộ. Dọc hai bên đường, lúa Xuân và rau màu đang lên xanh mơn mởn, nhà cửa san sát, khang trang, minh chứng cuộc sống no đủ trên vùng quê thuần nông này. Bí thư Đảng ủy xã Tùng Bá, Hoàng Trung Tá cho biết: Xã có nhiều dân tộc anh em sinh sống, cùng các phong tục, tập quán lâu đời trong đó có những hủ tục; cấp ủy, chính quyền xã đã đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” đến từng thôn, bản. Yêu cầu các gia đình ký cam kết không vi phạm pháp luật, không tham gia tệ nạn xã hội, giữ gìn vệ sinh môi trường, không có bạo lực trong gia đình; xóa bỏ hủ tục lạc hậu, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang; tích cực tham gia xây dựng Nông thôn mới. Các thôn thi đua xây dựng thôn văn hóa, người người, nhà nhà tích cực chỉnh trang khuôn viên nhà cửa, vệ sinh và trồng hoa các tuyến đường, hăng hái lao động, sản xuất, tạo nên khí thế sôi nổi khắp các ngõ xóm.

Hoạt động văn hóa, văn nghệ đã nâng cao đời sống tinh thần cho người dân thôn Nà Lòa, xã Tùng Bá (Vị Xuyên).

Tại huyện phía Tây - Xín Mần, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” cũng lan tỏa rộng khắp đến các xã, thôn, tổ dân phố. Huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn thường xuyên rà soát, sửa đổi, bổ sung quy ước, hương ước các thôn, bản, trong đó bổ sung các nội dung xây dựng nếp sống văn minh, xóa bỏ hủ tục trong việc cưới, việc tang. Chú trọng đầu tư kinh phí xây dựng các thiết chế văn hóa - thể thao ở cơ sở, nhờ đó các phong trào văn hóa, văn nghệ, hoạt động thể dục, thể thao ngày càng phát triển rộng khắp. Các hội, đoàn thể cũng tích cực triển khai nhiều mô hình như “Nhà sạch – vườn đẹp”; tuyến đường hoa, tuyến đường thanh niên tự quản... Các ngành, địa phương luôn quan tâm, chăm sóc, thực hiện tốt chế độ chính sách với người có công, gia đình chính sách, các đối tượng bảo trợ xã hội; chú trọng đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng gia đình, dòng họ, cộng đồng học tập. Các mô hình, cách làm sáng tạo trong xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế, liên kết sản xuất được duy trì và nhân rộng. Cùng với sự ấm no về kinh tế, đời sống văn hóa, tinh thần của người dân ngày được nâng cao.

Tuyên truyền xóa bỏ tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống tại chợ phiên xã Bản Luốc (Hoàng Su Phì).

Để phong trào thu hút sự tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân dân, các địa phương đã xây dựng kế hoạch, lồng ghép xây dựng đời sống văn hóa với chương trình xây dựng Nông thôn mới, đô thị văn minh. Huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa. Đến nay, tỷ lệ xã, phường, thị trấn có nhà văn hóa hoặc hội trường đa năng đạt trên 84%; số thôn, tổ dân phố có nhà văn hóa đạt trên 89%. Hầu hết các xã, thôn đều xây dựng đội văn nghệ, thể thao, thường xuyên tổ chức giao lưu, biểu diễn, góp phần xây dựng đời sống văn hóa, tinh thần lành mạnh cho nhân dân. Năm 2023, tỷ lệ làng, thôn, tổ dân phố văn hóa toàn tỉnh đạt 68%; tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 74,2%. Nhân dân tích cực phát triển kinh tế, giúp nhau xóa đói, giảm nghèo; các phong trào vệ sinh đường làng, ngõ xóm, trồng hoa, trồng cây cảnh quan, thu gom rác thải được duy trì thường xuyên. Bản sắc văn hóa truyền thống được gìn giữ, phát huy; các hủ tục lạc hậu từng bước đẩy lùi.

Năm 2024, Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa và Gia đình tỉnh” đặt mục tiêu phấn đấu toàn tỉnh có 74,6% số hộ gia đình trên địa bàn được công nhận và giữ vững danh hiệu “Gia đình văn hóa”; 72% số làng, thôn, tổ dân phố được công nhận và giữ vững danh hiệu “Làng văn hóa”; 90% cơ quan đơn vị được công nhận “Cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa”. Để thực hiện mục tiêu trên, Ban chỉ đạo phong trào từ tỉnh đến cơ sở chú trọng đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh đến các tầng lớp nhân dân. Tập trung triển khai thực hiện hiệu quả các nội dung cụ thể của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Tăng cường công tác bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác văn hóa ở cơ sở. Nâng cao chất lượng xây dựng các mô hình văn hóa. Tiếp tục thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Củng cố hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao gắn với phát triển phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao quần chúng; góp phần xây dựng đời sống văn hóa vui tươi, lành mạnh ở địa bàn dân cư.

Bài, ảnh: YÊN HOA


Nguồn: Báo Hà Giang
Thống kê truy cập
Hôm nay : 2.053
Hôm qua : 4.261
Tháng 05 : 23.823
Năm 2024 : 323.237