A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Một số xu hướng biến đổi dân số ở nước ta

Nghiên cứu thực trạng xu hướng biến đổi dân số hiện nay ở nước ta có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc có thể kịp thời cung cấp những bằng chứng mới để xây dựng các chính sách phát triển kinh tế-xã hội phù hợp…

Việt Nam đang trong thời kỳ "cơ cấu dân số vàng" nhưng tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động đã giảm.

Chính sách dân số đã được Đảng và Nhà nước ta chú trọng trong nhiều năm qua. Mở đầu là Quyết định 216/CP ngày 26/12/1961 của Hội đồng Chính phủ về việc sinh đẻ có hướng dẫn, với mục đích: “Vì sức khoẻ của người mẹ, vì hạnh phúc và hoà thuận của gia đình, vì để cho việc nuôi dạy con cái được chu đáo”. Do hoàn cảnh chiến tranh, công tác này chưa được đẩy mạnh. Ngay sau khi hòa bình lập lại trên cả nước, Đại hội Đảng lần thứ IV (năm 1976) đã nhấn mạnh chủ trương “Đẩy mạnh hơn nữa cuộc vận động sinh đẻ có kế hoạch, kiên quyết giảm dần tốc độ tăng dân số hàng năm” . Từ đó, vấn đề dân số được đề cập ở văn kiện của tất cả các kỳ Đại hội Đảng và các văn kiện quan trọng khác của Đảng. Đặc biệt, đến nay Ban chấp hành Trung ương đã có 2 nghị quyết chuyên đề về công tác dân số. Đầu tiên là Nghị quyết số 04-NQ/HNTW của Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá VII về chính sách dân số và kế hoạch hoá gia đình và gần đây là Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về chính sách dân số trong tình hình mới.

Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, với việc kiên trì và đẩy mạnh chính sách dân số trong hơn nửa thế kỷ qua, tình hình dân số nước ta đến nay đã có nhiều thay đổi căn bản, thể hiện qua một số xu hướng biến đổi như sau:

MỨC SINH THẤP, CÓ XU HƯỚNG GIẢM SÂU VÀ KHÁC BIỆT GIỮA CÁC VÙNG, CÁC TỈNH

Nếu những năm 60 của thế kỷ trước, trung bình mỗi phụ nữ Việt Nam, khi hết tuổi sinh đẻ thường có trung bình khoảng 7 con, thì bước vào thế kỷ XXI, mức sinh đã giảm hẳn: Năm 2005 chỉ còn 2,11 con/phụ nữ (mức sinh thay thế), tức là đạt mục tiêu của Nghị quyết 04-NQ/HNTW sớm 10 năm, cũng là mục tiêu của chính sách dân số Việt Nam theo đuổi suốt từ năm 1961. (Bảng 1).

Bảng 1: Số con trung bình của một phụ nữ (Total Fertily rate -TFR). Nguồn: Tổng cục Thống kê.

Như vậy, bước sang thế kỷ XXI, phụ nữ Việt Nam chỉ sinh số con chưa bằng 1/3 so với con số cách đây nửa thế kỷ. Mặt khác, việc sinh đẻ đã chuyển từ hành vi mang tính tự nhiên, bản năng sang hành vi có kế hoạch, văn minh; từ bị động sang chủ động; từ số lượng nhiều, chất lượng thấp sang số lượng ít, chất lượng cao; từ sinh đẻ ít trách nhiệm sang sinh đẻ có trách nhiệm đầy đủ hơn. Đây thực sự là một trong những biến đổi xã hội sâu sắc nhất ở Việt Nam trong nửa thế kỷ qua.

Làm một phép so sánh nhỏ, nếu đạt mức sinh cao như của Philippines thì đến năm 2022, Việt Nam có 143,2 triệu người. Còn với mức sinh như của Uganda thì dân số Việt Nam đạt tới 230,5 triệu. Nhưng thực tế Việt Nam chỉ có 99,5 triệu! Kết quả nói trên đã và đang tác động mạnh mẽ, sâu rộng, tích cực đối với chất lượng cuộc sống của mỗi cá nhân, mỗi gia đình, nhất là đối với phụ nữ và sự phát triển bền vững của đất nước. Ghi nhận thành tựu này, ngay từ năm 1999, Liên Hợp quốc đã trao Giải thưởng Dân số cho Việt Nam.

Cần chú ý rằng, mức sinh của nước ta đang có xu hướng giảm sâu. Năm 2023, lần đầu tiên, mức sinh cả nước giảm, chỉ còn 1,96 con/phụ nữ. Đặc biệt, tại hai vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long (chiếm khoảng 37% dân số cả nước) cũng như tại khu vực đô thị, mức sinh đã giảm sâu từ hàng chục năm nay (Bảng 2).

Bảng 2: Xu hướng giảm sinh của các vùng, giai đoạn (2009-2022). Nguồn: Tổng cục Thống kê.

Bảng 2 cho thấy, mức sinh rất khác biệt giữa các vùng. Đặc biệt, năm 2022, mức sinh tại Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạt 1,39 con/phụ nữ, chưa bằng nửa mức sinh của Hà Tĩnh: 2,87 con/phụ nữ! Thưc tế chứng minh rằng, mức sinh tỷ lệ nghịch với sự phát triển. Do đó, có thể thấy mức sinh của Việt Nam sẽ tiếp tục giảm sâu, dưới mức sinh thay thế. Kết quả là, chưa đến giữa thế kỷ này, Việt Nam đã đứng trước thách thức dân số già, hết “cơ cấu dân số vàng”, thiếu hụt lao động và nhiều hệ lụy khác ở tầm gia đình, cá nhân, như các nước phát triển hiện nay. Thậm chí, có dự báo đáng lo ngại rằng, dân số Việt Nam sẽ giảm mạnh: Năm 2100, sẽ chỉ có 73 triệu dân, năm 2200 giảm tiếp còn 47,5 triệu và năm 2500 chỉ còn 3,6 triệu

MỨC CHẾT GIẢM MẠNH, ĐẶC BIỆT LÀ MỨC CHẾT TRẺ EM

Nhờ những thành tựu về kinh tế, xã hội, đặc biệt là Y tế, tỷ suất chết trẻ em dưới 1 tuổi đã giảm từ 45,2 ‰ (năm 1994) xuống còn 12,1‰ (năm 2022)!

Tỷ suất chết thô (tỷ suất chết tính cho toàn bộ dân số) cũng giảm từ 21‰ (giai đoạn 1960-1965) xuống còn 6,1‰ (năm 2022).

Có thể nói Việt Nam đã chuyển đổi thành công quá độ dân số từ sinh nhiều, chết nhiều đến sinh ít, chết ít. Hay như người ta thường nói chuyển từ “cân bằng lãng phí” sang “cân bằng hiệu quả”. Thí dụ minh họa: Nếu trước đây sinh 7 con, chết 5, chỉ còn 2 (cân bằng lãng phí); ngày nay chỉ sinh 2 con, chết không, kết quả vẫn có 2 con (cân bằng hiệu quả).

QUY MÔ DÂN SỐ VIỆT NAM ĐÃ VƯỢT 100 TRIỆU NGƯỜI, MẬT ĐỘ DÂN SỐ RẤT CAO

Mặc dù mức sinh thấp, dân số tăng chậm lại nhưng Việt Nam vẫn có quy mô dân số lớn và mật độ dân số rất cao. Theo Tổng cục Thống kê, năm 2023, Việt Nam đã có 100,3 triệu người, đứng thứ 15 trên thế giới, thứ 3 ở Đông Nam Á (sau Indonesia, Philippines) và nhiều hơn tổng dân số của 6 nước Brunei, Campuchia, Lào, Malaysia, Singapore, Đông Timor. Tuy vậy, dân số Việt Nam vẫn tiếp tục tăng nhưng tỷ lệ tăng đã giảm từ trên 3,3%/năm giai đoạn (1955-1965), chỉ còn 0,84% vào năm 2023.

Với trên 100 triệu dân, Việt Nam là thị trường lao động và thị trường tiêu dùng lớn. Ảnh: Báo Dân trí.

Năm 2022, mật độ dân số nước ta là 300 người/1km2. Trên thế giới, chỉ có 4 nước (Ấn Độ, Nhật Bản, Bangladesh, Philippines) có dân số nhiều hơn, đồng thời mật độ dân số cao hơn nước ta. So với mật độ dân số thế giới, mật độ dân số nước ta cũng cao gấp hơn 5 lần!

Với trên 100 triệu dân, Việt Nam là thị trường lao động và thị trường tiêu dùng lớn. Đông dân, lao động dồi dào tạo điều kiện thuận lợi cho phân công lao động xã hội, đủ nhân lực để thúc đẩy cả nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ phát triển và bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Mặt khác, ngày nay, mỗi người Việt Nam chỉ cần tiết kiệm hay đóng góp một khoản tiền nhỏ, chẳng hạn 10.000 đồng, cả nước đã có hàng ngàn tỷ để tập trung giải quyết một vấn đề nào đó. Đây là lợi thế “Tích tiểu thành đại”, lợi thế tiết kiệm và đầu tư do quy mô dân số lớn mang lại. Tuy nhiên, bên cạnh lợi thế, quy mô dân số lớn, mật độ dân số cao cũng gây ra những thách thức đối với an ninh lương thực, năng lượng, giải phóng mặt bằng trong xây dựng cơ sở hạ tầng, xã hội, bảo vệ môi trường….

TUỔI KẾT HÔN NGÀY CÀNG TĂNG, GIA ĐÌNH NHỎ DẦN VÀ THIẾU BỀN VỮNG

Tuổi kết hôn ngày càng cao

Từ năm 1989 đến nay, tuổi kết hôn trung bình lần đầu của nữ ổn định quanh 23 tuổi. Đối với nam giới, tuổi kết hôn đã tăng từ 24,4 năm 1989 lên 27,2 năm 2019 ; trong đó, tại khu vực Đông Nam bộ và thành thị lên tới 28,1 tuổi. Cũng theo thống kê của năm 2019, trong độ tuổi (30-34) có tới 18,3% nam giới và 8,1% nữ giới chưa kết hôn. 

Quy mô gia đình Việt Nam nhỏ dần

Bảng 3: Số hộ gía đình và quy mô (số khẩu trung bình) của hộ gia đình. Nguồn: Số liệu các cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở.

Bảng 3 cho thấy: Số hộ gia đình của nước ta tăng nhanh nhưng quy mô trung bình của gia đình Việt Nam có xu hướng giảm rõ rệt. Một số tỉnh có quy mô trung bình gia đình nhỏ hơn mức trung bình của cả nước, như: Thái Bình, Nam Định, chỉ có 3,1 người/hộ; Bình Dương 2,9 người/hộ. Quy mô gia đình ngày càng nhỏ là do: (1) Giảm sinh, (2) Hạt nhân hóa gia đình, nghĩa là gia đình chỉ có vợ chồng hoặc bố mẹ và các con chung sống, chứ không phải là mô hình “tam, tứ đại đồng đường”, (3) Di cư tăng lên, đa số người di cư trẻ tuổi và chưa xây dựng gia đình, (4) Số vụ ly hôn tăng.

Quy mô gia đình nhỏ góp phần đáng kể vào việc phát triển kinh tế gia đình, tạo điều kiện xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc. Các cuộc Điều tra mức sống dân cư ở Việt Nam, từ 2002 đến nay cho thấy quy mô gia đình càng nhỏ thì thu nhập và chi tiêu bình quân đầu người càng tăng. Tuy nhiên, gia đình nhỏ cũng gây thách thức đối với chăm sóc người cao tuổi.

Gia đình thiếu bền vững

Cùng với sự phát triển kinh tế thị tr¬ường, sự hội nhập quốc tế và giao l-ưu văn hoá ¬diễn ra mạnh mẽ đã xuất hiện ngày càng nhiều những hiện tượng, như quan hệ tình dục ngoài hôn nhân, đồng tính luyến ái, hôn nhân thử nghiệm, kết hôn muộn, sống độc thân, ly thân, đặc biệt là ly hôn không ngừng tăng, mang tính “đột biến”. Điều này đang đặt gia đình trước những thách thức mới về tính bền vững. Theo Tổng điều tra dân số, tỷ lệ ly hôn tăng gần gấp đôi sau 10 năm (năm 2009 là 1%, năm 2019 là 1,8%). Thống kê của Toà án nhân dân tối cao, cho biết: Giai đoạn 1977 - 1982, trung bình mỗi năm có 5.672 vụ ly hôn nhưng giai đoạn 2008-2018, bình quân mỗi năm có 138.466 vụ, cao gấp 25 lần so với giai đoạn trước. Gần đây, năm 2022 có trên 500.000 vụ ly hôn được thụ lý .

Quá trình chuyển từ gia đình gia trưởng, truyền thống sang gia đình dân chủ, hiện đại... đang thách thức tính bền vững của gia đình mà biểu hiện là ly hôn ngày càng tăng, nếu các thành viên gia đình không được trang bị đầy đủ kỹ năng xử lý những khác biệt, những mâu thuẫn và xung đột trong cuộc sống chung.

CHẤT LƯỢNG DÂN SỐ TĂNG LÊN NHƯNG CHƯA CAO

Theo Pháp lệnh Dân số: “Chất lượng dân số là sự phản ánh các đặc trưng về thể chất, trí tuệ và tinh thần của toàn bộ dân số”. Để đo lường chất lượng dân số, trong các văn bản chính sách của Đảng và Nhà nước thường dùng “Chỉ số phát triển con người” (Human Development Index - HDI). Đó là chỉ số được tổng hợp từ: (1) Tuổi thọ, (2) Trình độ học vấn của những người từ 25 tuổi trở lên, (3) Thu nhập bình quân đầu người. HDI có giá trị từ 0 đến 1.

Theo Pháp lệnh Dân số: “Chất lượng dân số là sự phản ánh các đặc trưng về thể chất, trí tuệ và tinh thần của toàn bộ dân số”. Để đo lường chất lượng dân số, trong các văn bản chính sách của Đảng và Nhà nước thường dùng “Chỉ số phát triển con người” (Human Development Index - HDI). Đó là chỉ số được tổng hợp từ: (1) Tuổi thọ, (2) Trình độ học vấn của những người từ 25 tuổi trở lên, (3) Thu nhập bình quân đầu người. HDI có giá trị từ 0 đến 1.

Bảng 4: Chỉ số phát triển con người (HDI) của nước ta. Nguồn: UNDP, Tổng cục Thống kê.

Bảng 4 cho thấy, HDI của nước ta không ngừng tăng lên, từ 0,486 năm 1992 đã đạt 0,703 vào năm 2019, tức là thuộc nhóm các nước có HDI cao trên thế giới. Tuy nhiên, so với các nước trên thế giới, thứ hạng HDI của nước ta còn thấp, năm 2022 vẫn xếp thứ 107 trong số 193 nước so sánh! Chưa bao giờ Việt Nam lọt vào tốp 100 nước có HDI cao nhất. Tổng cục Thống kê đã tính HDI cho từng địa phương, từng năm trong giai đoạn 2016-2020. Kết quả cho thấy sự khác biệt về chất lượng dân số giữa các tỉnh. Chẳng hạn, năm 2020, HDI của Hà Nội là 0,799 nhưng của Lai Châu chỉ là 0,582.

Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội nâng cao chất lượng dân số, như: Mức sinh thấp, gia đình ít con, tạo điều kiện nuôi dạy con tốt. Công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế đòi hỏi con người có trình độ cao. Đây là động lực mạnh thúc đẩy con người học tập, không ngừng nâng cao trình độ. Đô thị hóa, dịch chuyển cơ cấu lao động theo hướng hiện đại, tạo cơ hội nâng cao năng suất lao động, từ đó nâng cao thu nhập bình quân đầu người. Khoa học, kỹ thuật nói chung và y học và y tế nói riêng ngày càng tiên tiến, có khả năng phòng và chữa các loại bệnh tật từ sớm, mang lại cho con người sức khỏe, trường thọ.

Cùng với cơ hội, việc nâng cao chất lượng dân số về phương diện thể lực cũng đứng trước các thách thức, như: (1) Tỷ lệ bệnh, tật bẩm sinh của thai nhi và trẻ sơ sinh khá cao, (2) Nhiều trẻ em còn bị suy dinh dưỡng thể nhẹ cân, thể thấp còi, thừa cân, béo phì (3) Rối nhiễu tâm trí ở trẻ em. (4) Nhiều thách thức đối với sức khỏe sinh sản vị thành niên và thanh niên trẻ, chẳng hạn: Các trang Web sex, blog không lành mạnh, kích dục; ma tuý bất hợp pháp; quan hệ tình dục không được bảo vệ; lạm dụng rượu bia, thuốc lá;....(5) Sinh con sớm và sinh con muộn, (6) tỷ lệ khuyết tật cao,....

Nghị quyết số 21/NQ-TW của Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương (khoá XII) về chính sách dân số trong tình hình mới đề ra các mục tiêu cụ thể nhằm nâng cao chất lượng dân số, vào năm 2030, như:

- Duy trì vững chắc mức sinh thay thế (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 2,1 con), quy mô dân số 104 triệu người.

- Tỷ lệ nam, nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn đạt 90%;

- Giảm 50% số cặp tảo hôn;

- Giảm 60% số cặp hôn nhân cận huyết thống;

- 70% phụ nữ mang thai được tầm soát ít nhất 4 loại bệnh tật bẩm sinh phổ biến nhất;

- 90% trẻ sơ sinh được tầm soát ít nhất 5 bệnh bẩm sinh phổ biến nhất.

- Tuổi thọ bình quân đạt 75 tuổi, thời gian sống khỏe mạnh đạt tối thiểu 68 năm;

- Chiều cao người Việt Nam 18 tuổi đối với nam đạt 168,5 cm, nữ đạt 157,5 cm.

- Chỉ số Phát triển con người (HDI) nằm trong nhóm 4 nước hàng đầu khu vực Đông Nam Á.

VIỆT NAM ĐANG TRONG THỜI KỲ "CƠ CẤU DÂN SỐ VÀNG" NHƯNG TỶ LỆ DÂN SỐ TRONG ĐỘ TUỔI LAO ĐỘNG ĐÃ GIẢM

Dưới góc độ kinh tế, một cách tương đối, người ta chia dân số thành hai nhóm: Nhóm “Dân số hoạt động kinh tế” (từ 15 đến 64 tuổi) và Nhóm “Dân số không hoạt động kinh tế” hay còn gọi là “nhóm phụ thuộc” bao gồm trẻ em (từ 0 đến 14 tuổi) và người cao tuổi (65 tuổi trở lên).

Bảng 5: Cơ cấu dân số theo tuổi của Việt Nam (1979-2024). Nguồn: Tổng cục Thống kê.

Khi ít nhất 66% dân số trong độ tuổi hoạt động kinh tế (15-64), thì được gọi là “cơ cấu dân số vàng” (2 lao động “gánh” 1 phụ thuộc). Cơ cấu này rất hiếm gặp. Nó chỉ xuất hiện một lần và kéo dài trong khoảng 30-45 năm trong lịch sử phát triển của một quốc gia. Bởi vậy, nó quý và hiếm như “vàng”. Bảng 5 cho thấy, năm 2005 “Tỷ lệ nhóm dân số trong độ tuổi lao động” của Việt Nam đạt 66,9 % nghĩa là đã bước vào giai đoạn “Cơ cấu dân số vàng”. Dự báo thời kỳ này sẽ kéo dài khoảng 35 năm, tức là đến năm 2040. Đến nay (2024), Việt Nam đã có 20 năm trong “cơ cấu dân số vàng” và đã qua đỉnh của tỷ lệ dân số trong độ tuổi (15-64). Tuy nhiên, cơ hội “cơ cấu dân số vàng” còn kéo dài khoảng 15 năm nữa.

Đặc điểm nổi bật của dân số trong giai đoạn cơ cấu “vàng” là tỷ lệ dân số trong độ tuổi có khả năng lao động (15-64) cao. Chẳng hạn, năm 2019, nói số tròn, Việt Nam có 96 triệu dân. Nếu tỷ lệ dân số trong độ tuổi có khả năng lao động như năm 1979, tức là 52,7% thì chỉ có 50,6 triệu người. Thực tế, có gần 65,3 triệu người, tăng tới gần 15 triệu người hay gần 30% so với số liệu giả định. Đây là dư lợi lớn của “dân số vàng” về số lượng lao động, mang lại cơ hội cho tăng trưởng và phát triển kinh tế. Nhật Bản, Hàn Quốc và nhiều nước khác đã có nền kinh tế “thần kỳ” trong giai đoạn “cơ cấu dân số “vàng”.

Bảng 6: Tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động (15-64) của một số tỉnh. Nguồn: Tổng cục Thống kê.

Cần chú ý rằng, xét trên cả nước thì dân số đang có “cơ cấu vàng” nhưng ở phạm vi cấp tỉnh, Bảng 6 cho thấy: Có tỉnh đang tiến đến “cơ cấu dân số vàng” (Lai Châu), có tỉnh đang có “cơ cấu dân số vàng” (Bình Dương) và thậm chí có tỉnh đã qua thời kỳ “cơ cấu dân số vàng” (Thái Nguyên). Tình trạng này, chủ yếu là do xuất cư lớn hoặc nhập cư mạnh.

Để tận dụng hiệu quả thời kỳ “cơ cấu dân số vàng” cần: (1) Nâng cao tỷ lệ những người trong “độ tuổi lao động” có khả năng làm việc. (2) Nâng cao tỷ lệ người “có khả năng làm việc” có việc làm. (3) Nâng cao tỷ lệ người “có việc làm” làm việc với năng suất cao.

GS,TS.Nguyễn Đình Cử (Nguyên Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội, Trường Đại học Kinh tế quốc dân)


Nguồn: baocaovien.vn
Thống kê truy cập
Hôm nay : 939
Hôm qua : 3.657
Tháng 05 : 66.295
Năm 2024 : 365.709