A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Một số xu hướng biến đổi dân số ở nước ta (tiếp theo và hết)

Bước sang thế kỷ XXI, dân số Việt Nam xuất hiện nhiều xu hướng chưa từng có tác động mạnh mẽ theo cả hai hướng tích cực và như tiêu cực đến phát triển nhanh, bền vững của nước ta. Chính vì vậy, cần tính toán đầy đủ những xu hướng nói trên vào chính sách, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội nhằm tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức.

Năm 2011, Việt Nam đã bước vào giai đoạn già hoá dân số và dự báo, năm 2038 sẽ trở thành nước có “dân số già”. Ảnh: Báo Nhân dân.

DÂN SỐ VIỆT NAM ĐANG GIÀ HÓA NHANH

Việt Nam - quốc gia già hóa nhanh

Pháp luật Việt Nam quy định những người từ đủ 60 tuổi trở lên là người cao tuổi (NCT). Đây là một bộ phận dân số ngày càng lớn, có nhiều đặc trưng chung của tổng thể dân số nhưng cũng mang nhiều nét đặc thù.

Cùng với xu hướng chung của thế giới, NCT Việt Nam không ngừng tăng lên cả về số lượng và tỷ lệ (Bảng 7). Khi tỷ lệ NCT đạt mức 10% tổng dân số, người ta nói rằng: Dân số đã bắt đầu bước vào quá trình già hóa. Nếu tỷ lệ NCT chạm “ngưỡng” 20%, quốc gia được gọi là có “dân số già” và nếu tỷ lệ này đạt tới 30% thì gọi là dân số “rất già”, còn từ 35% trở lên thì gọi là “siêu già”!

Theo thống kê, năm 2011, Việt Nam đã bước vào giai đoạn già hoá dân số và dự báo, năm 2038 sẽ trở thành nước có “dân số già”.

Bảng 7: Người cao tuổi của Việt Nam: Số lượng và tỷ lệ. Nguồn: Ban Chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở Trung ương; Tổng cục Thống kê; UNFPA.

Điều đáng chú ý là: Quá trình già hóa của nước ta chỉ diễn ra trong 27 năm (2011-2038) là dân số đã đạt đến ngưỡng “dân số già”. Trong khi đó, Pháp phải mất 115 năm, Thụy Điển 85 năm, Úc 73 năm, Mỹ: 69 năm và Nhật 26 năm! Điều này cho thấy, nhịp độ già hóa ở nước ta diễn ra rất nhanh và nhanh hơn nhiều so với các nước đã phát triển.

Thách thức của già hóa đối với phát triển bền vững

- Người cao tuổi ở nước ta chủ yếu sống ở nông thôn, đa số không có thu nhập thường xuyên

Kết quả tổng điều tra Dân số năm 2019 cho thấy: 67,2 % NCT sống ở nông thôn. Tổng cục Thống kê dự báo: Đến giữa thế kỷ 21, tỷ lệ này vẫn chiếm khoảng 56%. Cư trú ở nông thôn, nên thế hệ cao tuổi ngày nay phần lớn làm nông nghiệp, là nông dân, hầu hết không có lương hưu. Năm 2021, chỉ có 23% NCT hưởng lương hưu hoặc trợ cấp từ nguồn Quỹ Bảo hiểm xã hội. Theo dự báo đến năm 2060 cũng chỉ có 10 triệu người hưởng hưu , chiếm 31,8% NCT. Như vậy, an ninh thu nhập của NCT không chỉ là thách thức hiện nay mà còn cả trong tương lai xa.

- Sức khoẻ người cao tuổi không ngừng được cải thiện nhưng vẫn chưa tốt

Cùng với sự phát triển nhanh của nền kinh tế và sự tiến bộ xã hội, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam năm 2021 đã đạt 73,6 năm, cao hơn thế giới (71 năm). Sức khỏe người cao tuổi được cải thiện rõ rệt. Tuổi thọ tăng thêm của những người đạt 65 tuổi trung bình là 16,4 năm (thế giới 16,2 năm). Tình trạng sức khỏe do người cao tuổi tự đánh giá cũng tiến triển tốt dần lên (Bảng 8).

Mặc dù so với thế giới, tuổi thọ trung bình của dân số Việt Nam cao hơn nhưng tuổi thọ khỏe mạnh lại thấp hơn. Năm 2019, nam 60 tuổi của Việt Nam bình quân sống thêm được 12,9 năm khỏe mạnh; nữ là 16,4 năm; các số tương ứng của thế giới là 14,8 và 16,6 năm .

Bảng 8: Sức khoẻ do NCT tự đánh giá. Nguồn: Diễn đàn các đại biểu dân cử về Dân số và Phát triển; Viện Dân số, Sức khỏe và Phát triển (PHAD).

Năm 2018, tình trạng sức khỏe NCT được phân loại chi tiết như sau: Rất khỏe:1,8%; Khỏe hơn bình thường:23,8% (được xếp vào nhóm “sức khỏe khá” trong Bảng 8);Trung bình: 47,7%;các nhóm“Không khỏe lắm”:23%;“Rất không khỏe”: 3,6% (được xếp vào nhóm:“sức khỏe yếu”); Tỷ lệ “Không chắc”:0,1% quá nhỏ nên bỏ qua.

Tình trạng NCT mắc bệnh khá phổ biến, chẳng hạn: 48,5% NCT bị viêm khớp, đau dây thần kinh hoặc thấp khớp; 40,9% bị tăng huyết áp; 37,5% bị đau nhức cơ thể (thường xuyên); 30,3% bị đau lưng mạn tính; 18,8% bị bệnh về tiêu hóa ;… NCT vẫn thường có hành vi có hại cho sức khỏe, như lạm dụng rượu, bia và hút thuốc lá, thuốc lào,…

- Cứ 100 người cao tuổi thì có 38 người tham gia lực lượng lao động.

Tuổi thọ, tuổi thọ khỏe mạnh ngày càng cao, tỷ lệ có thu nhập thường xuyên và mức hưởng thấp nên nhiều NCT có khả năng lao động và có nhu cầu làm việc. Theo Tổng điều tra Dân số năm 2019, khoảng 4,41 triệu NCT tham gia lực lượng lao động, chiếm 7,9% lực lượng lao động của cả nước và bằng 38% số NCT. Tại khu vực nông thôn, lực lượng lao động cao tuổi chiếm 9,2% lực lượng lao động của khu vực. Còn ở đô thị, tỷ lệ này là 5,2%. Năm 2020, số NCT có việc làm chiếm 8,7% tổng số lao động có việc làm của cả nước, với số tuyệt đối là 4,7 triệu người.

Hàng triệu NCT đang hoạt động kinh tế vừa phản ánh khả năng, vừa phản ánh nhu cầu có việc làm của NCT, đồng thời là đóng góp lớn cho nền kinh tế quốc dân. Tuy nhiên, phần lớn NCT tham gia lực lượng lao động khó khăn trong tiếp cận việc làm (81,8% đối với nam giới và 69% đối với nữ giới )

Việc làm cho NCT chẳng những có ý nghĩa kinh tế, an ninh thu nhập, sức khỏe, nhân văn đối với NCT, giảm bớt khó khăn cho gia đình có NCT mà còn đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế quốc gia.

- Phần lớn người cao tuổi sống với con nhưng tỷ lệ này giảm nhanh.

Mối liên hệ giữa các thế hệ trong văn hóa truyền thống Việt Nam là “Trẻ cậy cha, già cậy con”, gia đình thường có “tam, tứ đại đồng đường”. Yếu tố văn hóa và yếu tố kinh tế đã trình bày ở trên vẫn thể hiện rõ trong sắp xếp cuộc sống của NCT. Khảo sát năm 2018 cho thấy, 61,3% NCT đang sống cùng ít nhất một người con. Năm 2009, tỷ lệ NCT ở riêng (sống một mình hoặc chỉ sống với vợ/chồng) là 18,37%; đến năm 2019 đã tăng lên 27,83%. Xu hướng này đồng nghĩa với việc NCT sống cùng con cháu giảm nhanh. Một đặc điểm của thời đại ngày nay là phụ nữ tham gia lực lượng lao động gần ngang bằng với nam giới. Năm 2029, tỷ lệ nữ trong lực lượng lao động của cả nước là 47,3% .

Như vậy, việc “tự cung, tự cấp chăm sóc NCT” sẽ ngày càng khó khăn do thiếu nhân lực gia đình.

- Khác biệt thế hệ, mâu thuẫn thế hệ và xung đột thế hệ

Thế hệ tuổi trẻ (sinh sau năm 1986) và thế hệ cao tuổi (sinh trước năm 1964) ở Việt Nam sinh ra và lớn lên trong bối cảnh hết sức khác biệt, như: Chiến tranh và hòa bình; kinh tế bao cấp, nghèo khó và kinh tế thị trường, khá giả; đóng cửa và mở cửa; thủ công và Internet;…

Sự khác biệt nói trên được phản ảnh trong từng gia đình, cộng đồng và xã hội. Nếu không vượt qua được sự khác biệt giữa hai thế hệ, không có sự chia sẻ, thấu hiểu sẽ dẫn đến mâu thuẫn giữa thế hệ trẻ và thế hệ già. Không giải quyết được mâu thuẫn sẽ dẫn đến xung đột. NCT yếu thế về nhiều mặt sẽ luôn là nạn nhân của xung đột. “Trong giai đoạn 2009 – 2017, tổng số vụ bạo lực gia đình các địa phương đã phát hiện, tổng hợp báo cáo là 292.268 vụ, tính trung bình mỗi năm tổng hợp được 36.534 vụ bạo lực, nạn nhân là phụ nữ chiếm hơn 70%, trẻ em là 15% và người già khoảng 10%” .

MẤT CÂN BẰNG GIỚI TÍNH NGHIÊM TRỌNG Ở NHÓM TUỔI TRẺ VÀ NHÓM CAO TUỔI

Kết quả Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019, cho thấy cơ cấu dân số theo tuổi và giới tính, như ở Bảng 9.

Bảng 9: Cơ cấu dân số theo tuổi và giới tính của Việt Nam, năm 2019. Nguồn: kết quả Tổng điều tra Dân số và Nhà ở, năm 2019

Bảng 9 cho thấy: Cơ cấu dân số theo giới tính của Việt Nam, tính trên tổng số dân thì khá cân bằng: Tương ứng với 100 nữ thì có 99,1 nam. Tuy nhiên, cơ cấu giới tính lại mất cân đối nghiêm trọng, theo hướng nam nhiều hơn nữ ở nhóm tuổi trẻ (0-14): 100 nữ, tương ứng có 109 nam. Trong khi ở nhóm cao tuổi, nữ nhiều hơn nam: 100 nữ chỉ có 72 nam. Đặc biệt, nhóm trẻ sơ sinh, tình trạng mất cân đối giới tính không giảm và vẫn ở mức rất nghiêm trọng, (Bảng 10).

Bảng 10: Tỷ số giới tính khi sinh (SRB), Việt Nam (2007- 2022). Nguồn: Niên giám Thống kê hằng năm

Bảng 10 cho thấy, sau 5 năm (2017-2022), tỷ số giới tính khi sinh (SRB) chỉ giảm được 0,6. Điều này cho thấy, việc thực hiện mục tiêu đưa “Tỉ số giới tính khi sinh xuống dưới 109 bé trai/100 bé gái sinh ra sống”, như Nghị quyết số 21/NQ-TW đề ra là thách thức rất lớn. Đặc biệt, năm 2022, SRB của khu vực đồng bằng sông Hồng lên tới 115,3; tại vùng Trung du và miền núi phía Bắc là 113,4 !

Sự mất cân bằng giới tính của các nhóm tuổi nói trên là sự mất cân bằng về vật chất nên để lại hậu quả trên nhiều phương diện, đặc biệt trong hôn nhân, gia đình. Nguyên nhân của tình trạng này nằm trong văn hóa trọng nam hơn nữ, bất bình đẳng giới đã kết tinh hàng ngàn năm; trình độ phát triển kinh tế - xã hội chưa cao; lạm dụng thành tựu khoa học, kỹ thuật. Vì vậy, cần triển khai cả một hệ thống giải pháp, vừa cấp bách, vừa lâu dài để giải quyết tình trạng này, như: (1) Đẩy mạnh tuyên truyền – giáo dục; (2) Chú trọng xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật, hương ước, quy ước; (3) Tăng cường giám sát việc thực thi pháp luật; (4) Đẩy nhanh phát triển kinh tế – xã hội, hoàn thiện chính sách an sinh xã hội và (5) Nâng cao chất lượng công tác đăng ký, thống kê dân số.

PHÂN BỐ DÂN SỐ KHÔNG ĐỀU, DI CƯ DIỄN RA MẠNH MẼ.

Năm 2022, mật độ dân số nước ta là 300 người/km2 nhưng chênh lệch lớn giữa các vùng (Bảng 11). Theo các đơn vị hành chính, sự chênh lệch về mật độ dân số còn lớn hơn nhiều. Chẳng hạn, mật độ dân số Lai Châu là 53 người/km2, trong đó huyện Mường Nhé chỉ có 31 người/km2. Nhưng tại Thành phố Hồ Chí Minh là 4.481 người/km2, trong đó, Quận 4 lên tới 42.216 người/km2; Quận 11: 40.987 người/km2.

Bảng 11: Diện tích và dân số các vùng năm 2022. Nguồn: Tổng cục Thống kê.

       Sự phân bố dân số rất không đồng đều tạo nên thách thức phát triển bền vững ở cả nơi đông đúc và nơi thưa thớt dân cư, thường là miền núi, biên giới, hải đảo nơi “phên dậu” của đất nước. Mặt khác, phân bố dân số không đều và vốn đầu tư có sự khác biệt lớn dẫn đến di cư mạnh, hơn một triệu người di cư mỗi năm, (Bảng 12)

Bảng 12: Số người di cư trong 5 năm trước thời điểm tổng điều tra dân số Nguồn: Kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở 2019

Việt Nam đã hình thành 2 nhóm tỉnh: Nhóm xuất cư mạnh và nhóm nhập cư lớn, (Bảng 13).

Bảng 13: Những tỉnh xuất cư và nhập cư mạnh giai đoạn (2004-2009) và (2014-2019). Nguồn: Ban Chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở Trung ương.

Ngày nay, di cư là nguyên nhân quyết định phân bố dân số. Động lực tăng dân số ở các địa phương chủ yếu sẽ thông qua di cư (hiệu giữa số người di cư đến và số người di cư đi). Chẳng hạn, năm 1979, số dân Đông Nam Bộ chỉ có 6.067.876 người, chiếm 11,5% dân số cả nước nhưng năm 2022 đã có tới trên 18.810.000 người, chiếm 18,9% dân số cả nước. Vùng Tây Nguyên, hiện có 6.092.400 ngàn người, chiếm 6,1% dân số cả nước nhưng lại là vùng tăng dân số nhanh nhất, nếu chú ý rằng năm 1979, số dân vùng này chỉ có 1.482.761 người, chiếm 2,8 % dân số cả nước .

Di cư có nhiều tác động tích cực cả ở tầm vi mô lẫn vĩ mô. Những tác động tích cực chủ yếu của di cư, có thể kể là: (1) Di cư giải quyết tình trạng mất cân đối lao động - việc làm của các địa phương; (2) Di cư góp phần dịch chuyển cơ cấu lao động theo hướng hiện đại và nâng cao năng suất lao động xã hội; (3) Di cư góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người di cư; (4) Di cư là phương thức chia sẻ đầu tư và thành tựu phát triển. Tuy nhiên, di dân không quản lý tốt cũng tác động tiêu cực đến việc nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân, như: (1) Di cư dẫn đến chỗ thưa thớt chỗ quá đông đúc dân cư, (2) Làm mất cân đối dân số và cơ sở hạ tầng; (3) Ở những nơi quá đông đúc dân cư có thể dẫn đến tắc nghẽn giao thông và tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường; (4) Diện tích rừng suy giảm; (5) Người già và trẻ em vùng xuất cư có thể bị thiếu sự quan tâm, chăm sóc;....

Các nghiên cứu cần tạo cơ sở để thiết lập chính sách tạo điều kiện cho các dòng di cư diễn ra suôn sẻ ở cả đầu đi và đầu đến; điều hòa chứ không ngăn cản các dòng di cư nhằm tiến tới thực hiện phân bố dân số hợp lý.

TỶ LỆ DÂN ĐÔ THỊ THẤP NHƯNG TĂNG NHANH TRONG THẾ KỶ XXI

Nếu năm 2000, cả nước có 650 đô thị, gồm 25 thành phố, 62 thị xã và 563 thị trấn, thì năm 2022, cả nước đã có 761 đô thị, gồm 87 thành phố, 50 thị xã và 624 thị trấn .

Tỷ lệ dân đô thị của nước ta rất thấp và tăng chậm trong thế kỷ XX. Bước sang thế kỷ XXI, đô thị hoá diễn ra nhanh hơn (Bảng 14).

Bảng 14: Tỉ lệ dân số thành thị nước ta thời kỳ 1970 – 2022. Nguồn: Tổng cục Thống kê; World urbanization Prospectives.

Năm 2022, dân số đô thị của nước ta đạt 37,351 triệu người, chiếm 37,55% tổng dân số, thấp hơn nhiều so với thế giới. Năm 2020, tỉ lệ dân đô thị của thế giới là 56,2%; châu Phi: 43,8% (thấp nhất); châu Mỹ: hơn 80% (cao nhất).

Mặt khác, nhiều tỉnh tỷ lê dân đô thị rất thấp, chưa đến 20% nhưng cũng đã có địa phương tỷ lệ này khá cao, gần 90%, (Bảng 15).

Bảng 15: Sự khác biệt về tỷ lệ dân đô thị giữa các tỉnh, năm 2022. Nguồn: Tổng cục Thống kê.

        Đô thị hóa góp phần dịch chuyển cơ cấu lao động theo ngành kinh tế, nâng cao năng suất lao động, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân./.

GS,TS.Nguyễn Đình Cử (Nguyên Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội, Trường Đại học Kinh tế quốc dân)


Nguồn: baocaovien.vn
Thống kê truy cập
Hôm nay : 750
Hôm qua : 3.657
Tháng 05 : 66.106
Năm 2024 : 365.520