Hoạt động văn hóa, thể thao tỉnh Hà Giang, một năm nhìn lại
Dù chịu nhiều tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19 và tình hình biến động giá cả nhưng năm 2022 ngành văn hóa, thể thao (VHTT) tỉnh đã ghi nhận nhiều dấu ấn tích cực; thể hiện sự nỗ lực vượt khó của toàn ngành trong việc thực hiện các nhiệm vụ được giao, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, công tác VHTT của tỉnh đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm chỉ đạo và đạt được kết quả tích cực. Trong đó, tập trung triển khai Nghị quyết số 11-NQ/TU về phát triển du lịch Hà Giang giai đoạn 2021-2025 và các giải pháp kích cầu du lịch, linh hoạt hiệu quả; dự án số 6 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch”…
Công tác bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa được quan tâm. Ngành tiếp tục làm tốt công tác tham mưu nội dung thuyết minh trưng bày Bảo tàng không gian văn hóa các dân tộc vùng Công viên địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn; bổ sung hồ sơ di tích đền Mẫu – thành phố Hà Giang và di tích lịch sử Nàn Ma – huyện Xín Mần đề nghị nâng cấp di tích quốc gia. Hoàn thiện hồ sơ các di sản văn hóa phi vật thể trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận như: Hát quan làng của người Tày huyện Quang Bình; Lễ cúng thần rừng của người Cờ Lao; Hát Páo dung của người Dao tỉnh Hà Giang; Lễ hội cầu mùa của người Pà Thẻn
Tiếp tục bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị công viên địa chất toàn cầu, cơ quan chuyên môn luôn thường xuyên quan tâm kiểm tra công tác phục vụ tái đánh giá Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng văn; tiến hành làm việc với đoàn công tác của Viện khoa học địa chất và khoáng sản; đoàn chuyên gia Mạng lưới công viên địa chất; duy trì việc kiểm tra hiện trạng các điểm di sản, điểm dừng chân, các công trình xây dựng trên địa bàn theo quy định về Luật di sản văn hóa.
Triển lãm tranh "sắc màu văn hóa Hà Giang"
Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, xây dựng nếp sống văn minh được triển khai rộng rãi và đạt kết quả tích cực, có 64,5% thôn, tổ dân phố được công nhận văn hóa; 73,5% gia đình được công nhận danh hiệu gia đình văn hóa; trình 122 hồ sơ đề nghị xét, công nhận “Cơ quan đạt chuẩn văn hóa”; “Đơn vị đạt chuẩn văn hóa”; “Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa” 5 năm, giai đoạn 2017 – 2021. Đồng thời tích cực triển khai công tác chống bạo lực gia đình; giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình; tổ chức các hoạt động hưởng ứng ngày quốc tế Hạnh phúc 20/3, ngày Gia đình Việt Nam 28/6, ngày thế giới phòng chống bạo hành giới.
Trong lĩnh vực thể thao, ngành đã tổ chức thành công 04 giải (giải Bóng bàn; giải cầu lông; giải bóng chuyền hơi; tổ chức thành công giải Marathon quốc tế “Chạy trên cung đường Hạnh Phúc” tỉnh Hà Giang lần thứ IV, năm 2022; giải Quần vợt Cúp các câu lạc bộ); cử đoàn huấn luyện viên, vận động viên tham gia các giải của Trung ương tổ chức đạt 52 huy chương (08 huy chương Vàng, 23 huy chương Bạc và 21 huy chương Đồng). Bên cạnh đó, triển khai có hiệu quả Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại"; các hoạt động bơi an toàn phòng, chống đuối nước trẻ em và sinh hoạt thể thao quần chúng. Tính đến cuối năm, số gia đình thể thao ước đạt 13,5%; 100% số trường thực hiện giáo dục thể chất nội khóa; 87% số trường hoạt động giáo dục thể chất ngoại khóa.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác thể thao trong năm 2022 của tỉnh vẫn còn một số tồn tại, do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh, nhiều hoạt động văn hóa, thể thao chưa được tổ chức theo đúng kế hoạch; việc triển khai các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao quần chúng chưa thực sự đa dạng; việc xóa bỏ hủ tục lạc hậu trong việc cưới, việc tang, lễ hội có nơi chưa thiết thực. Vì vậy, trong thời gian tới để phát huy việc khai thác và sử dụng có hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa cơ sở; tăng cường quản lý và khai thác di tích lịch sử, danh thắng trên địa bàn tỉnh, khoanh vùng các khu vực bảo vệ di tích, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh; tích cực ngăn chặn, xóa bỏ hủ tục lạc hậu, đồng thời có giải pháp phục dựng các chất liệu dân ca, dân vũ, nhạc cụ truyền thống các dân tộc thiểu số trên địa bàn.
Lương Nghĩa (BTGTU)