A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Hà Giang triển khai có hiệu quả chủ trương của Đảng về văn hóa

Trong suốt quá trình lãnh đạo, Đảng ta luôn coi trọng vấn đề bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn với việc xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện đáp ứng nhu cầu phát triển đất nước.

Từ sau Cách mạng tháng Tám, Đảng và Nhà nước coi việc bảo tồn di tích, cổ tích là việc cấp thiết cho công cuộc kiến thiết nước nhà. Tháng 7 năm 1998, Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII ra Nghị quyết về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Đó là nền văn hóa với vai trò là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực thúc đẩy kinh tế- xã hội phát triển, gắn với sự nghiệp CNH- HĐH đất nước, gắn với những vấn đề nảy sinh trong xu thế toàn cầu hóa và nền kinh tế thị trường. Đại hội X, Đảng xác định tiếp tục phát triển sâu rộng, nâng cao chất lượng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; đầu tư cho việc bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử cách mạng, kháng chiến, di sản văn hóa vật thể, phi vật thể; Kết hợp hài hòa giữa bảo tồn, phát huy với kế thừa và phát triển, giữ gìn di tích với phát triển kinh tế du lịch. Ngày 09/6/2014 Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa XI tiếp tục ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước. Mục tiêu là xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Trong xây dựng văn hóa, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp, với các đặc tính cơ bản: yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo. Xây dựng đồng bộ môi trường văn hóa, trong đó chú trọng vai trò của gia đình, cộng đồng. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 trong mục tiêu tổng quát cho cả nhiệm kỳ cũng đã xác định: “….Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc; thực hiện giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân…”. Định hướng phát triển là “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc các dân tộc, xây dựng con người Hà Giang phát triển toàn diện; tiếp tục thực hiện Đề án bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa đặc trưng của dân tộc Mông và nhân rộng đối với các dân tộc thiểu số khác; phát triển Hội nghệ nhân dân gian, truyền dạy văn hóa truyền thống trong các trường học; đầu tư, nâng cấp các thiết chế văn hóa cơ sở…

Thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng về văn hóa, trong những năm qua Đảng bộ, chính quyền tỉnh Hà Giang đã tổ chức triển khai thực hiện sâu rộng các chủ trương, đường lối, chỉ thị, nghị quyết của Đảng về văn hóa. Hà Giang đã ban hành hơn 500 văn bản để cụ thể hoá chủ trương của Đảng về văn hóa, điều đó được thể hiện trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh qua các nhiệm kỳ. UBND tỉnh đã ban hành các kế hoạch, đề án, chỉ thị, hướng dẫn về công tác văn hóa. Tỉnh ủy cũng đã ban hành các văn bản như: Chương trình số 62-CTr/TU ngày 29/3/2013 về phát triển Văn hóa gắn với Du lịch (giai đoạn 2013 - 2020); Chương trình số 117-CTr/TU ngày 06/10/2014  về thực hiện Nghị quyết Trung ương 9 (khoá XI) về xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 1/5/2021 về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn toàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025; Nghị quyết số 27-NQ/TU, ngày 01/05/2022 về thực hiện xóa bỏ các hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030

Hát dân ca của dân tộc Dao

Với sự quan tâm của các cấp ủy Đảng trong đổi mới phương thức lãnh đạo đối với lĩnh vực văn hóa, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thông tin, thể dục, thể thao ngày càng mở rộng, từng bước đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân. Tính tích cực, chủ động sáng tạo trong nhân dân được phát huy, dân chủ xã hội được mở rộng. Hệ thống các di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh được đầu tư, tôn tạo và phát huy vai trò trong phát triển kinh tế - xã hội. Những giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc được giữ gìn, kế thừa và phát huy, làm phong phú cho nền văn hóa dân tộc, hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở đạt được kết quả đáng kể. Đã xuất hiện nhiều điển hình, nhiều bài học kinh nghiệm về tổ chức xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở thông qua việc huy động các nguồn vốn xã hội hóa, huy động công sức, trí tuệ của nhân dân trong đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa cơ sở.

Công tác định hướng chính trị, tư tưởng trong các hoạt động văn hóa, văn học, nghệ thuật và báo chí được quan tâm sâu sắc. Qua thực tiễn hoạt động văn học, nghệ thuật, nhất là sau thực hiện Nghị quyết Trung ưong 5 khóa VIII và Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa X hoạt động văn học, nghệ thuật luôn hoạt động theo định hướng của Đảng và tiếp tục có bước phát triển, đạt được những kết quả quan trọng. Nhiều cuộc triển lãm mỹ thuật, nhiếp ảnh, nhiều tiết mục văn hóa, văn nghệ... thu hút được người xem, người đọc. Quyền tự do sáng tạo và điều kiện hoạt động của văn nghệ sĩ được bảo đảm và cải thiện, tiềm năng và cảm hứng sáng tạo được khơi dậy.

Công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa được triển khai hiệu quả.  Đến nay, toàn tỉnh có 03 bảo vật quốc gia, 61 di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh được xếp hạng, trong đó có 31 di tích cấp quốc gia, 30 di tích cấp tỉnh. Khảo sát nhận diện được 131 di sản văn hóa vật thể, trong đó có 31 di tích đã xếp hạng cấp quốc gia, 30 di tích cấp tỉnh; 446 di sản văn hóa phi vật thể, trong đó 27 di sản được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, Di sản văn hóa thực hành Then Tày, Nùng, Thái của 11 tỉnh, thành (trong đó có Hà Giang) được UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.  Đã lập hồ sơ và trình Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu 01 nghệ nhân nhân dân, 33 nghệ nhân ưu tú trong giữ gìn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc. Công tác trùng tu, tôn tạo di tích bước đầu được quan tâm, có 29/62 di tích xếp hạng được tu bổ, tôn tạo; có 34 di sản văn hóa phi vật thể được đầu tư phục dựng. Nhận thức của cộng đồng về di sản văn hóa được nâng lên, các giá trị văn hóa truyền thống như: Kiến trúc, trang phục, hoạt động sản xuất, ẩm thực, ứng xử cộng đồng, văn nghệ dân gian… được bảo tồn và phát huy, đặc biệt là gắn với phát triển kinh tế - xã hội, du lịch góp phần tạo sinh kế, tăng thu nhập cho người dân.

Múa trống đồng của dân tộc Lô Lô

          Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, công tác văn hóa đã và đặt ra nhiều thách thức. Với mục tiêu xây dựng và phát triển con người phát triển toàn diện, trước hết xây dựng đạo đức xã hội hiện nay cần được chấn chỉnh, củng cố niềm tin vào chế độ. Trong đó, cần xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, hiệu quả, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, khắc phục bệnh thành tích, nói không đi đôi với làm. Gia đình, nhà trường và xã hội cần tăng cường vai trò, trách nhiệm trong giáo dục đạo đức, lối sống, nhân cách. Các cơ quan truyền thông cần đề cao trách nhiệm trong đấu tranh chống suy thoái đạo đức, lối sống; tăng cường biểu dương các nhân tố tích cực, điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt; triển khai có hiệu quả chương trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo nhằm nâng cao trí lực, bồi dưỡng tri thức cho con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu của kinh tế tri thức, sự phát triển của khoa học, công nghệ; phối hợp giáo dục trong nhà trường và ngoài nhà trường; ứng dụng công nghệ mới, các phương pháp giáo dục phù hợp; nâng cao thể chất, cần thực hiện tốt chương trình tổng thể nâng cao thể lực, tầm vóc người Việt Nam đến năm 2030; phát động các phong trào tập luyện thể thao, phát huy các thiết chế thể thao ở cơ sở nhằm nâng cao thể chất, tăng tuổi thọ, lành mạnh hóa lối sống của nhân dân; cần chú trọng việc cải thiện đời sống vật chất của người dân như giải quyết việc làm, nâng cao đời sống, đảm bảo an sinh xã hội, thu hút nhân tài, bổ nhiệm theo năng lực và phẩm chất cá nhân.

          Với đặc thù của tỉnh Hà Giang, để xây dựng con người Hà Giang phát triển toàn diện dựa trên các giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc, thiết nghĩ các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị xã hội cần Tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí của văn hóa trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Xây dựng con người Hà Giang phát triển toàn diện có nhân cách, lối sống tốt đẹp với các đức tính cơ bản: “yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo”. Đẩy mạnh xây dựng môi trường, đời sống văn hóa lành mạnh. Tăng cường xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế. Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động văn hóa. Chủ động hội nhập quốc tế, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, quảng bá hình ảnh, văn hóa, con người Hà Giang ra thế giới.

          Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc xây dựng con người Hà Giang phát triển toàn diện là mục tiêu cụ thể hóa Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước của Đảng bộ tỉnh Hà Giang qua các thời kỳ. Trong suốt chiều dài lịch sử quần cư, đấu tranh với thiên nhiên, kẻ thù xâm lược và vì mưu cầu của cuộc sống, cộng đồng các dân tộc ở Hà Giang đã hình thành nhiều giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu đó là ý thức cộng đồng dân tộc sâu sắc, tinh thần đoàn kết, gắn bó yêu thương đùm bọc lẫn nhau;  đức tính thật thà, bao dung, tự trọng và biết ơn; cần cù, kiên nhẫn, sáng tạo trong lao động; yêu tự do, lãng mạn, yêu đời; có vốn tri thức dân gian phong phú; có lòng yêu nước nồng nàn, dũng cảm kiên trung trong chiến đấu, thích ứng và tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại. Những giá trị văn hóa đó là nền tảng để người Hà Giang phát huy góp phần xây dựng con người Hà Giang phát triển toàn diện đáp ứng nhu cầu phát triển đất nước. Nhưng để thực hiện mục tiêu đó đòi hỏi sự vào cuộc của các cấp, các ngành, từng cộng đồng dân tộc, từng gia đình và mỗi thành viên trong xã hội cùng chung tay vì một Hà Giang phát triển.


Tác giả: Nguyễn Thị Hoài
Nguồn: Ban Biên tập
Thống kê truy cập
Hôm nay : 1.129
Hôm qua : 4.006
Tháng 05 : 12.436
Năm 2024 : 311.850