GIỮ GÌN VÀ PHÁT HUY BẢN SẮC VĂN HÓA CÁC DÂN TỘC CỦA TỈNH HÀ GIANG TRONG THỐNG NHẤT VÀ ĐA DẠNG - NỀN TẢNG PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG VÙNG CAO BIÊN GIỚI CỰC BẮC TỔ QUỐC
BTGDVTU: Trong tiến trình phát triển của đất nước, văn hóa luôn giữ vai trò là nền tảng tinh thần, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững. Với Hà Giang - một tỉnh miền núi biên giới, nơi hội tụ 19 dân tộc cùng chung sống, việc đảm bảo tính thống nhất trong đa dạng văn hóa không chỉ là yêu cầu khách quan mà còn là điều kiện tiên quyết để bảo tồn bản sắc, củng cố khối đại đoàn kết và phát triển bền vững trong thời đại hội nhập.
Tính thống nhất trong đa dạng - đặc trưng của bản sắc văn hóa các dân tộc tỉnh Hà Giang
Hà Giang là mảnh đất có vị trí địa lý đặc biệt, nơi hội tụ đa dạng dân tộc như Mông, Tày, Dao, Nùng, Pà Thẻn, Lô Lô... Mỗi dân tộc đều sở hữu kho tàng văn hóa truyền thống đặc sắc, từ lễ hội, tiếng nói, trang phục, kiến trúc nhà ở đến tri thức dân gian và phong tục tập quán. Chính sự đa dạng này đã tạo nên bức tranh văn hóa sinh động, phong phú của Hà Giang - nơi “mỗi dân tộc là một bông hoa, cùng góp sắc thắm cho rừng hoa đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam”.
Tuy nhiên, điều đặc biệt ở Hà Giang là dù có sự đa dạng về văn hóa, nhưng các dân tộc vẫn hòa quyện trong một chỉnh thể thống nhất - cùng một khát vọng hòa bình, phát triển, cùng xây dựng quê hương giàu đẹp. Tính thống nhất trong đa dạng đó không tự nhiên mà có, mà là kết quả của quá trình lãnh đạo, định hướng chiến lược của Đảng bộ tỉnh trong suốt nhiều thập niên qua.
Thực trạng xây dựng, phát triển bản sắc văn hóa các dân tộc tỉnh Hà Giang thời gian qua
Trong hành trình đổi mới và phát triển, Hà Giang đã đạt nhiều kết quả quan trọng trong xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc. Tỉnh đã ban hành và triển khai đồng bộ các nghị quyết, đề án chuyên đề như: Nghị quyết số 15-NQ/TU về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa; Nghị quyết số 27-NQ/TU về xóa bỏ hủ tục, xây dựng nếp sống văn minh; Nghị quyết số 39-NQ/TU về xây dựng văn hóa, con người Hà Giang đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững...
Hát trích đoạn trong Lễ cấp sắc của dân tộc Dao xã Phương Tiến (Vị Xuyên).
Hàng trăm di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được kiểm kê, bảo tồn; các lễ hội truyền thống như Lễ hội chợ tình Khâu Vai, Lễ hội hoa tam giác mạch, Lễ nhảy lửa của người Pà Thẻn... được tổ chức bài bản, thu hút du khách trong và ngoài nước. Các mô hình “Làng văn hóa du lịch cộng đồng”, “Lễ tang không vòng hoa”, “Đám cưới tiết kiệm”... đã góp phần định hình lối sống văn minh, hiện đại nhưng vẫn đậm đà bản sắc.
Những vấn đề đặt ra và nguyên nhân
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phát triển văn hóa ở Hà Giang vẫn còn những hạn chế: nguồn lực đầu tư cho văn hóa còn ít; thiết chế văn hóa cơ sở thiếu đồng bộ; một bộ phận thanh thiếu niên chưa nhận thức đầy đủ giá trị văn hóa truyền thống; nguy cơ mai một ngôn ngữ, chữ viết, trang phục, phong tục... của các dân tộc thiểu số còn hiện hữu.
Nguyên nhân chủ yếu là do sự phát triển kinh tế - xã hội chưa đồng đều; nhận thức về vai trò của văn hóa trong một bộ phận cán bộ và người dân còn hạn chế; sự tác động tiêu cực từ văn hóa ngoại lai và công nghệ số chưa được kiểm soát chặt chẽ.
Một số giải pháp trọng tâm
Để tiếp tục giữ gìn tính thống nhất trong đa dạng, xây dựng nền văn hóa các dân tộc tỉnh Hà Giang tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, cần tập trung một số giải pháp:
Thứ nhất, tiếp tục quán triệt và triển khai hiệu quả các nghị quyết, chủ trương lớn của Đảng về phát triển văn hóa, trọng tâm là Nghị quyết số 33-NQ/TW của Trung ương và các nghị quyết chuyên đề của tỉnh.
Thứ hai, tăng cường vai trò lãnh đạo toàn diện của Đảng đối với lĩnh vực văn hóa; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa, bảo tồn di sản và hoạt động sáng tạo nghệ thuật.
Thứ ba, quan tâm đầu tư đồng bộ hệ thống thiết chế văn hóa - thể thao - du lịch, nhất là tại vùng sâu, vùng xa; khuyến khích xã hội hóa, huy động các nguồn lực phát triển văn hóa.
Thứ tư, đẩy mạnh giáo dục truyền thống, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của thế hệ trẻ về giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc; đưa văn hóa dân tộc vào chương trình học đường và các hoạt động ngoại khóa.
Thứ năm, gắn phát triển văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội, phát triển du lịch văn hóa cộng đồng, du lịch sinh thái và làng nghề truyền thống. Xây dựng thương hiệu bản sắc văn hóa các dân tộc tỉnh Hà Giang trên bản đồ quốc gia và quốc tế.
Thứ sáu, chủ động đấu tranh với các biểu hiện mai một văn hóa, xâm nhập văn hóa độc hại; từng bước xóa bỏ hủ tục, phong tục lạc hậu; phát huy vai trò nêu gương, truyền dạy của nghệ nhân dân gian, già làng, trưởng bản.
Bản sắc văn hóa các dân tộc tỉnh Hà Giang là một phần không thể tách rời của văn hóa dân tộc Việt Nam. Giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số trong sự thống nhất chung của quốc gia chính là đóng góp thiết thực vào công cuộc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc - một nền tảng quan trọng góp phần định hình sự phát triển ổn định và lâu dài của đất nước.
Ngạc Văn Tuấn - Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy