Di tích lịch sử văn hóa Đền Mẫu (Cấm sơn linh từ)
Di tích lịch sử văn hóa Đền Mẫu (Cấm sơn linh từ) được xếp hạng là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh năm 2007, nằm trên địa bàn tổ 6, phường Nguyễn Trãi, Thành phố Hà Giang.
Mở đầu là cổng đền - còn gọi là "nghi môn", được xây bằng gạch, quét ve màu vàng. Đây là kiến trúc duy nhất còn giữ được nguyên trạng cổ xưa. Mái của nghi môn gồm 2 tầng, 8 mái được đắp ngói giả loại ngói máng âm dương, các góc của mái được tạo thành những đầu đao hình rồng, có đầu và đuôi xoắn. Đỉnh của nghi môn đắp nổi lưỡng long chầu nguyệt, phía dưới đắp nổi 3 đại tự "Cấm Sơn Từ" (Đền núi Cấm).
Tầng mái thứ hai của nghi môn, các góc mái đao cũng đắp nổi hình 4 con rồng chầu vào giữa, gần góc mái đắp 4 con nghê chầu vào, dưới tầng mái đắp nổi hình lưỡng long chầu nguyệt, cùng những hình vân mây, sóng nước khá đẹp mắt. Nghi môn có ba cửa hình vòm, hai trụ cổng hình chữ nhật tạo thành một thế vững chãi. Tại trụ chính của nghi môn có đôi câu đối chữ Hán, nhưng đến nay chữ bị bào mòn không đọc được. Cổng Đền cao hơn 7m, ngoài nghi môn chính, còn có 4 trụ cột được chia đều ở hai bên với độ cao dần từ trong ra ngoài, được đắp hình vuông, ở đầu các trụ đắp nổi 4 con chim phượng, đuôi vểnh lên trời, đầu chúc xuống đất tỏa ra 4 hướng tạo thành bông hoa sen cách điệu. Từ trên xuống khoảng 1/3 các trụ được tạo thành những ô vuông (mỗi trụ có 4 ô vuông) - gọi là phần "ô lồng đèn", đắp nổi nhiều hình các loài cây, con như: Tùng, cúc, trúc, mai, rồng phun nước, rùa cõng kinh thi, cá vượt vũ môn… đều tượng trưng cho sự thanh tao, kiên nhẫn. 4 trụ cột hoa biểu này cũng có những câu đối bằng chữ Hán, nhưng cũng như nghi môn, đều không rõ chữ, không đọc được.
Đi qua nghi môn là con đường Thần đạo được lát bằng gạch vuông, đường rộng 3m, bên trái mới xây một miếu thờ Sơn Thần quay mặt vào chính diện cửa chính của ngôi đền. Ngoài miếu thờ Sơn Thần, còn có hồ bán nguyệt, và động Sơn Trang. Qua khu vực miếu Sơn Thần là một khoảng sân rộng rãi và thoáng đãng, được lát gạch đỏ vuông là đến khu đền thờ chính gồm nhà Tiền tế ở chính giữa, hai bên là hai nhà Tả vu và Hữu vu.
Nhà Tiền tế gồm 3 gian, 2 trái, xây theo hình chuôi vồ, lợp ngói mũi hài, tường hồi bít đốc. Đền Mẫu được xây theo kiểu kiến trúc "chồng diêm" 2 tầng, 8 mái, theo thuyết dịch học là 4 phương tám hướng. Các đầu đao, lá mái được đắp nổi hình đuôi rồng cách điệu chạy dọc theo bờ ghìm. Phần vì kèo bằng bê tông cốt thép đổ giả cột gỗ, cửa chính được lắp ghép bằng những phiến gỗ rộng theo hình thức "bức bàn". Hệ thống cột cái, cột công đều bằng bê tông liên kết với nhau theo kiểu vì kèo "giá chiêng". Phía trên cửa sổ là những song gỗ tròn, phía dưới cửa bưng ván được bố trí theo kiểu "thượng song hạ bản".
Nhà Tiền tế được trang trí lộng lẫy, phía trên cao là bức hoành phi được sơn son thếp vàng rực rỡ. Là gian thờ chính, có ban thờ Tam tòa thánh Mẫu, gồm: Tiên Thiên thánh Mẫu Liễu Hạnh; Mẫu Thượng Ngàn đệ nhị; Mẫu Thoải đệ tam.
Ngoài thờ chính là Thánh Mẫu, Theo đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc Việt Nam, Đền còn thờ các anh hùng dân tộc như Đức thánh Trần Hưng Đạo, Đức Đại Vương Trần Quốc Tuấn.
Các công trình khác là hai nhà Tả vu và Hữu vu giống nhau, mỗi nhà gồm 3 gian, 2 trái, mái lợp ngói mũi hài, cửa được làm bằng gỗ ghép theo kiểu bức bàn "thượng song hạ bản". Dải bờ nóc tạo những nét cong uốn lượn hình rồng. Nói chung hai nhà Tả vu và Hữu vu được xây dựng đơn giản. Thông thường hai nhà Tả vu và Hữu vu là nơi để chuẩn bị các đồ lễ, và cũng là nơi nghỉ ngơi của Thủ từ và những người có trách nhiệm của nhà đền. Do Đền Mẫu đang trong thời gian xây dựng, trùng tu và hoàn thiện, vì vậy nhà Tả vu hiện còn thờ pho tượng Phật A Di Đà và pho tượng Phật Bà nghìn mắt nghìn tay.
Đền còn lưu giữ quả chuông đồng đúc năm Thành Thái Đinh Mùi (1907). Tồn tại đến ngày nay với hơn 120 năm, ngoài giá trị lịch sử, kiến trúc nghệ thuật, Đền Mẫu còn là nơi diễn ra những lễ hội dân gian truyền thống. Lễ hội dân gian diễn ra tại Đền Mẫu có liên quan đến tục thờ Thánh Mẫu. Đền Mẫu còn là nơi thờ các Thần linh, Đức Thánh Trần - là những bậc tiền nhân có công với cộng đồng làng, xã, dân tộc trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của người Việt Nam.
Các công trình kiến trúc của Đền hiện nay mới được trùng tu, quy mô vừa phải, kiến trúc xây dựng theo nguyên mẫu của các ngôi đền cổ Việt Nam, vẫn giữ được nguyên vẹn hình thức kiến trúc mang tính truyền thống. Đặc biệt, trong xu hướng phát triển mạnh mẽ của quá trình đô thị hóa hiện nay, Đền Mẫu và các cơ sở tín ngưỡng tôn giáo trên đất Hà Giang sẽ là hình ảnh minh chứng cho bề dày lịch sử văn hóa của vùng đất biên cương Tổ quốc.
Nguyễn Vân