Triển vọng cây Sa nhân tím ở Hoàng Su Phì
CTTBTG - Cùng với việc đẩy mạnh phát triển các loại cây chủ lực như chè Shan tuyết, Thảo quả, những năm gần đây, người dân một số xã trên địa bàn huyện Hoàng Su Phì đưa cây Sa nhân tím vào trồng dưới tán rừng, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân.
Vườn cây Sa nhân tím của gia đình chị Xạ Thị Ơi, thôn Tân Thành, xã Hồ Thầu. |
Năm 2017, gia đình chị Xạ Thị Ơi, thôn Tân Thành, xã Hồ Thầu trồng gần 1ha cây Sa nhân tím. Sau một thời gian chăm sóc, chị Ơi nhận thấy đây là loại cây phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, chi phí đầu tư ít, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Cây Sa nhân tím trồng sau 2 - 3 năm cho thu hoạch quả, rễ cây lan tới đâu thì diện tích trồng được mở rộng tới đó. Hiện nay, giá Sa nhân có giá dao động từ 50 – 60 nghìn đồng/kg, trung bình mỗi năm chị Ơi thu gần 100 triệu đồng từ bán quả và giống cây.
Đồng chí Phượng Chàn Nu, Bí thư Đảng ủy xã Hồ Thầu cho biết: Năm 2017 xã tuyên truyền, vận động bà con nhân dân trồng thử nghiệm 40 ha cây Sa nhân tím. Sau thời gian chăm sóc, nhận thấy phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng địa phương, giá trị kinh tế cao hơn so với các loại cây trồng khác, xã đã vận động người dân mở rộng thêm diện tích. Đến nay, toàn xã có hơn 60 ha cây Sa nhân tím.
Sa nhân thuộc loại cây thân thảo, cao khoảng 1 - 2 mét, nhìn gần giống cây riềng nhưng rễ không phát triển thành củ mà bò lan dưới lớp đất mỏng hoặc nổi lên trên mặt đất. Quả cuống ngắn, có gai, hình tròn, vị cay, mùi thơm, tính ấm, có tác dụng kháng khuẩn, kích thích tiêu hóa. Sa nhân là loại cây ưa bóng dưới tán rừng, dễ trồng, vốn đầu tư ít, giá bán tương đối cao so với các cây trồng khác. Với lợi thế về điều kiện đất đai, khí hậu cũng như tập quán canh tác của nhân dân, những năm qua, huyện Hoàng Su Phì tích cực vận động người dân trồng và chăm sóc cây Sa nhân tím. Hiện nay, toàn huyện có trên 70 ha cây Sa nhân tím, tập trung ở các xã Nậm Ty, Hồ Thầu, Chiến Phố và Thèn Chu Phìn.
Trồng Sa nhân tím dưới tán rừng còn tăng thêm độ che phủ, hạn chế tình trạng rửa trôi và xói mòn đất, góp phần bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng, giúp người dân có thêm nguồn sinh kế từ rừng, đồng thời mở ra hướng đi trong phát triển kinh tế cho người dân Hoàng Su Phì.
Bài, ảnh: Hoàng Tính (Hoàng Su Phì)