Quang Bình tập trung triển khai thực hiện 03 Chương trình mục tiêu quốc gia
CTTBTG - Quang Bình là một trong bốn huyện động lực của tỉnh Hà Giang, toàn huyện hiện có tổng diện tích tự nhiên là 78.065,7ha, dân số 68.510 người với 12 dân tộc cùng sinh sống.
Trong những năm qua, huyện đã chú trọng thực hiện lồng ghép các nguồn vốn đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng, tạo sinh kế, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm nghèo bền vững cho người dân, đặc biệt là việc lồng ghép thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Qua đó, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, đời sống vật chất, tinh thần của người dân nâng lên; vai trò của hệ thống chính trị, chủ thể của nhân dân được phát huy. Đến nay, toàn huyện có 9/14 xã đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 15,08%, hộ cận nghèo giảm còn 11,32%; thu nhập bình quân đầu người đạt 44 triệu đồng/người/năm, hệ thống cơ sở vật chất, điện, đường, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa xã, thôn được đầu tư xây dựng đồng bộ, đáp ứng nhu cầu của cộng đồng dân cư.
Phong trào “Ngày thứ 7 chung tay xây dựng Nông thôn mới” (ảnh Minh Tuân)
Phát huy những kết quả đạt được, trong giai đoạn 2023 - 2025, huyện Quang Bình xác định việc triển khai thực hiện 03 chương trình mục tiêu quốc gia là trách nhiệm, nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, thường xuyên, liên tục của cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở. Đồng thời, cụ thể hóa các các chương trình mục tiêu quốc gia đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế của huyện và các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và Nghị quyết Đại hội đại biểu huyện Quang Bình lần thứ IV đề ra, trọng tâm là tăng cường đầu tư, thu hút đầu tư và khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của từng địa phương để phát triển kinh tế - xã hội bền vững; bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc; tập trung giải quyết có hiệu quả những vấn đề bức thiết trong nhân dân. Thực hiện lồng ghép nguồn vốn của 03 Chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình dự án khác để thực hiện các mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Xác định lấy Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới làm gốc, Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi sẽ hỗ trợ, lồng ghép nguồn vốn để hoàn thành mục tiêu xây dựng huyện Quang Bình đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2025.
Cùng với đó, huyện đặt ra mục tiêu sẽ tập trung đẩy mạnh phát triển sản xuất, khai thác tiềm năng, lợi thế, đổi mới sáng tạo, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống của nhân dân các dân tộc; giảm nghèo nhanh, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống; giảm số xã, thôn có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn, quy hoạch sắp xếp ổn định dân cư, xây dựng hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, phát triển toàn diện giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc thiểu số, từng bước xóa bỏ các phong tục tập quán lạc hậu, giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc; bảo đảm an ninh, quốc phòng; xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, nâng cao niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng và Nhà nước.
Đồng thời, phấn đấu đến năm 2025, toàn huyện có 40 thôn được công nhận đạt chuẩn thôn nông thôn mới theo quy định Bộ tiêu chí của tỉnh; xây dựng huyện Quang Bình đạt chuẩn huyện nông thôn mới. Duy trì và nâng cao các tiêu chí của các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó có 02 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện giảm bình quân 4%/năm trở lên; trong đó tỷ lệ hộ nghèo các xã đặc biệt khó khăn giảm 6%/năm trở lên; hạn chế thấp nhất tình trạng tái nghèo và phát sinh nghèo mới. Hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo có ít nhất một thành viên trong độ tuổi lao động có việc làm bền vững; tỷ lệ người lao động qua đào tạo có việc làm đạt 70%. Đảm bảo 100% người dân thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ tham gia bảo hiểm y tế; giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi trẻ em dưới 16 tuổi. Tỷ lệ trẻ em thuộc hộ nghèo, cận nghèo đi học đúng độ tuổi đạt trên 96%. Triển khai hỗ trợ nhà ở cho 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo thiếu hụt nhà ở.
Tư vấn tuyển dụng lao động góp phần đảm bảo thu nhập ổn định cho người dân (ảnh Trung Hậu)
Tập trung hoàn thành cơ bản công tác định canh, định cư sắp xếp, bố trí ổn định số hộ di cư không theo quy hoạch, nhằm ổn định và nâng cao đời sống của người dân, hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai, du canh, du cư, di cư tự do, giải quyết sinh kể, tăng thu nhập, góp phần giảm nghèo, bảo vệ môi trường và củng cố an ninh, quốc phòng. Đào tạo, quy hoạch, xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số, nhất là cán bộ dân tộc thiểu số tại chỗ, cán bộ là dân tộc thiểu số rất ít người. Đảm bảo tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số phù hợp với tỷ lệ dân số là người dân tộc thiểu số ở từng địa phương. Bảo tồn và phát triển các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc, 100% thôn, tổ dân phố vùng đồng bào dân tộc thiểu số có nhà văn hóa hoặc nơi sinh hoạt cộng đồng, trong đó 55% đạt chuẩn theo quy định, 65% số thôn có đội văn hóa, văn nghệ (câu lạc bộ) truyền thống hoạt động thường xuyên, có chất lượng. Giảm dần số cặp tảo hôn và kết hôn cận huyết thống phấn đấu đến năm 2025 trên địa bàn không còn tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống. 100% đồng bào dân tộc thiểu số tham gia bảo hiểm y tế và được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, 100% đồng bào dân tộc thiểu số được xem truyền hình hoặc nghe đài phát thanh.
Để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu trên, huyện đã đề ra các nhiệm vụ, giải pháp để tập trung triển khai thực hiện như: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia.Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai toàn diện nhiệm vụ của các chương trình mục tiêu quốc gia. Triển khai đồng bộ hệ thống cơ chế, chính sách; huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực thực hiện; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện các chương trình...