A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Giá trị ruộng bậc thang của huyện Hoàng Su Phì

Hoàng Su Phì là huyện vùng cao núi đất phía tây tỉnh Hà Giang. Toàn huyện có 24 đơn vị hành chính, bao gồm 23 xã và 1 thị trấn, với tổng diện tích tự nhiên là 63.238,06 ha, dân số 69.208 người. Là địa phương vùng cao có nhiều thành phần dân tộc cùng sinh sống, địa hình chia cắt mạnh, giao thông không thuận tiện, thời tiết khí hậu khắc nghiệt, nên từ bao đời nay canh tác nông nghiệp là một trong lĩnh vực chiếm tỷ lệ chủ yếu trong cơ cấu kinh tế của huyện.

Theo thống kê hiện nay Hoàng Su Phì có tổng số 3.720,6 ha ruộng bậc thang trải đều khắp 24/24 xã, thị trấn của huyện. Trong đó có 1.380 ha ruộng bậc thang tại 11 xã Bản PhùngBản LuốcSán Sả HồHồ ThầuThông NguyênNậm TyTả Sử ChoóngBản NhùngPố LồThàng TínNậm Khòa được công nhận di tích danh thắng cấp quốc gia. Các thửa ruộng bậc thang của huyện Hoàng Su Phì uốn lượn trùng điệp và chạy dài từ ven suối lên đỉnh núi và xen lẫn những cánh rừng nguyên sinh, những nương chè cổ thụ và những dòng sông, khe suối, tạo thành bức tranh thiên nhiên hài hòa, nhiều màu sắc. Cảnh quan ruộng bậc thang của huyện đẹp nhất là vào mùa cấy từ tháng 4 đến tháng 6 hàng năm và mùa lúa chín từ tháng 8 đến giữa tháng 10 hàng năm. 

Hoàng Su Phì mùa nước đổ có những nét hấp dẫn, đặc sắc rất riêng. Khi mùa hè đến, người dân nơi đây sẽ tận dụng nước từ trên cao đổ về ruộng để canh tác. Hình ảnh từng con nước chảy xuống từng bậc thang, lan ra khắp thung lũng khiến Hoàng Su Phì bỗng hóa những tấm gương phản chiếu cả bầu trời.

Ruộng bậc thang Mâm xôi thôn Khòa Hạ xã Nậm Khòa vào mùa nước đổ

Khác với mùa nước đổ và cấy lúa từ giữa tháng 4 đến tháng 6, Hoàng Su Phì vào mùa lúa chín vô cùng bắt mắt và sống động với những thửa ruộng bậc thang vàng óng, lướt nghiêng theo từng đợt gió. Nếu muốn chiêm ngưỡng vẻ đẹp kiệt tác ruộng bậc thang, du khách nên đến với Hoàng Su Phì vào khoảng tháng 9 – tháng 10.  

Ruộng bậc thang xã bản Phùng vào mùa lúa chín

Đây là một trong những tư liệu sản xuất quan trọng nhất của cư dân nông nghiệp huyện Hoàng Su Phì bởi trải qua quá trình hàng trăm năm các thế hệ người dân Hoàng Su Phì đã không ngừng tôn tạo bồi đắp để tạo lên những thửa ruộng bậc thang trùng điệp trải dài quanh các sườn núi như ngày nay. Nó mang ý nghĩa lịch sử, minh chứng rõ nét nhất về lịch sử định cư lâu đời và tập quán lao động sản xuất nông nghiệp của bà con các dân tộc thiểu số trong vùng. Với lịch sử hàng trăm năm, giá trị văn hóa của ruộng bậc thang huyện Hoàng Su Phì được thể hiện ở kinh nghiệm canh tác, tập quán sản xuất cũng như các phong tục tập quán mang những nét riêng của mỗi dân tộc, nó in đậm những nét đặc trưng khác nhau. Không những vậy, ruộng bậc thang của huyện Hoàng Su Phì còn mang lại giá trị cảnh quan mà không phải là kết quả lao động trong một thời gian nhất định là có được. Những thửa ruộng bậc thang là một bức tranh kỳ vĩ, một vẻ đẹp hoang sơ trên nền không gian thiên nhiên hùng vĩ của núi đồi vùng cao tạo nên một bức tranh thiên nhiên đẹp có giá trị phát triển du lịch bền vững.

Kiệt tác tạo lên từ sức lao động của nhân dân các dân tộc huyện Hoàng Su Phì

Ruộng bậc thang hơn 300 năm tuổi

Cũng như nhiều dân tộc có truyền thống canh tác nông nghiệp khác, các cư dân nông nghiệp của huyện Hoàng Su Phì có tín ngưỡng thờ đa thần, vì vậy đã sản sinh và duy trì nhiều nghi lễ tín ngưỡng cùng các tập quán kiêng kỵ liên quan đến trồng trọt và chăn nuôi như cúng cầu mùa, cúng hồn lúa, cúng thần rừng, thần sấm, lễ mừng cơm mới cũng như các quan niệm, tri thức dân gian về mùa vụ, cách thức ứng xử giữa người và thế giới thần linh… Song dù dưới hình thức nào thì việc kiến tạo lên những thửa ruộng bậc thang là một sự sáng tạo phi thường, một biểu tượng văn hoá thể hiện tính thích ứng tuyệt vời của cư dân nông nghiệp Hoàng Su Phì với môi trường vùng núi bởi đây là hình thức canh tác phù hợp với điều kiện tự nhiên đồi núi đất của huyện Hoàng Su Phì. Bên cạnh đó, việc canh tác trên ruộng bậc thang đã góp phần hạn chế việc chặt phá rừng, đốt nương làm rẫy, ổn định cuộc sống, xóa bỏ hình thức du canh, du cư, góp phần bảo vệ nguồn tài nguyên rừng. Lịch sử hình thành ruộng bậc thang ở đây cũng chính là lịch sử hình thành nên các bản làng định cư trong vùng. Mặt khác, từ những nét văn hoá riêng, những phương thức sản xuất riêng của từng dân tộc họ đã biết học hỏi khai thác lẫn nhau những kinh nghiệm để tạo nên những phương thức sản xuất tối ưu, tạo nên những kinh nghiệm sản xuất hay chính là những nét văn hoá riêng, khác biệt so với những vùng miền khác. Trong khi đó, xét về những giá trị về văn hoá thì ruộng bậc thang đã đóng góp thêm phần không nhỏ tạo lên vẻ đẹp cho vùng đất Hoàng Su Phì với một bức tranh khổng lồ đầy màu sắc, một công trình kiến trúc vĩ đại, đủ sức làm say lòng bất cứ ai khi đến với vùng đất này.

Nếu có dịp, du khách hãy một lần đến Hoàng Su Phì để tận mắt chiêm ngưỡng kiệt tác ruộng bậc thang trong mùa lúa chín, hoà mình vào sự hùng vĩ của núi rừng Tây Bắc và thưởng thức những đặc sản địa phương đặc sắc.

Lý Hà – Hoàng Su Phì


Tác giả: Lý Hà
Thống kê truy cập
Hôm nay : 1.057
Hôm qua : 2.955
Tháng 09 : 41.011
Năm 2024 : 774.419