Đồn Pố Lũng, di tích lịch sử quan trọng thời kỳ thực dân Pháp xâm lược
CTTBTG - Hoàng Su Phì là một huyện nằm ở phía Tây của tỉnh Hà Giang. Trước đây, vùng đất này thuộc châu Bình Nguyên của xứ Tuyên Quang. Đến thời nhà Mạc, châu Bình Nguyên được chia thành 2 huyện là Vị Xuyên và Vĩnh Tuy. Năm Minh Mệnh thứ 16 (1835), triều đình nhà Nguyễn sắp xếp lại địa giới hành chính các địa phương, trong đó vùng đất Vĩnh Tuy bao gồm cả huyện Hoàng Su Phì ngày nay trực thuộc phủ Yên Bình. Đến thời kỳ Pháp thuộc, ngày 30/8/1891, Toàn quyền Đông Dương đã lập ra 04 đạo quan binh bao gồm các tiểu quân khu, trong đó huyện Vĩnh Tuy - Nay là các huyện Quang Bình, Hoàng Su Phì, Xín Mần và một phần đất thuộc 2 huyện Vị Xuyên và Bắc Quang thuộc Tiểu quân khu Hà Giang của Đạo quan binh thứ 2.
Ngày 28/11/1905. Toàn quyền Đông Dương tiếp tục ban hành nghị định kể từ ngày 01/01/1906 thiết lập các trung tâm hành chính tại các đạo quan binh số 2, số 3 và số 4, trong đó đạo quan binh số 3 có thêm 4 trung tâm hành chính là Đồng Văn, Quản Bạ, Bắc Quang và Hoàng Su Phì, các trung tâm hành chính này được tổ chức về bộ máy quản lý tương đương với đơn vị hành chính cấp huyện của tỉnh dân sự. Từ đây, mảnh đất vùng cao biên giới này chính thức trở thành một đơn vị hành chính với tên gọi Hoàng Su Phì thuộc Tiểu quân khu Hà Giang, tức tỉnh Hà Giang ngày nay. Khi đó Hoàng Su Phì bao gồm 2 tổng là Tổng Tụ Nhân có 04 xã và Tổng Xín Mần có 02 xã.
Đến với Hoàng Su Phì, có rất nhiều di tích lịch sử, văn hóa, tuy nhiên du khách không nên bỏ qua di tích lịch sử quan trọng, một chứng tích chiến tranh thời thực dân pháp xâm lược huyện Hoàng Su Phì, đó là “Đồn Pố Lũng” – di tích lịch sử cấp tỉnh đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang công nhận năm 2011 theo quyết định số 2643/QĐ-UBND ngày 30/11/2011.
Ảnh: “Đồn Pố Lũng” – di tích lịch sử cấp tỉnh
Đồn Pố Lũng thị trấn Vinh Quang hay còn gọi là Bốt Pháp (Lô cốt 800) theo cách gọi của người dân địa phương được người Pháp xây dựng từ những năm cuối thế kỷ XIX. Đây là quần thể kiến trúc quân sự liên hoàn gồm hầm hào, lô cốt, sân bay trên một ngọn đồi phía đông thị trấn Vinh Quang của huyện Hoàng Su Phì với mặt bằng diện tích 6 ha thuộc điểm tọa độ, vĩ độ 22045’7”, kinh độ 104045’23”. Án ngữ phía tây lô cốt xây bằng đá hình tháp trụ phía tây nửa nổi nửa chìm, có độ cao 5,5m, đường kính 3,3m, bên trong chia thành 3 tầng bằng xà gỗ, phía dưới được nối với hệ thống giao thông hào, ụ gác và một đoạn hầm ngầm lên khu vực lô cốt phía trên đỉnh đồi, khu vực này bao gồm phòng họp dã chiến, phòng hậu phẫu quân y. Tiếp theo là hệ thống giao thông hào được nối dài sang lô cốt kiên cố xây bằng đá phía đông với đầy đủ giá súng, lỗ châu mai có thể bao quát cả 3 hướng và bảo vệ toàn bộ sườn núi phía nam khu vực lô cốt. Ngoài ra tại khu vực này còn có nhà chỉ huy, chuồng ngựa, bể dự trữ nước...Cùng với lô cốt Min (Lô cốt 1000) nằm án ngữ phía trên tuyến đường từ huyện lỵ đi Xín Mần - Bắc Hà và lô cốt Cán Chỉ Dền xã Tụ Nhân, đồn Pố Lũng tạo thành thế chân vạc bảo vệ lòng chảo thung lũng huyện lỵ Hoàng Su Phì (tức thị trấn Vinh Quang ngày nay), đồng thời kiểm soát toàn bộ tuyến đường huyết mạch từ Hà Giang đi Bắc Hà - Lào Cai.
Để xây dựng quần thể kiến trúc quân sự này, thực dân Pháp đã bắt hàng ngàn người dân địa phương dùng sức người vận chuyển đá, cát sỏi, nước từ Sông Chảy ngược đoạn đường đèo dốc hơn 3km lên đỉnh núi làm vật liệu xây dựng và đào hàng chục km giao thông hào, địa đạo, san lấp mặt bằng, làm nhà cửa. Trong quá trình xây dựng hàng trăm người đã bỏ mạng tại nơi này. Sau khi huyện Hoàng Su Phì được giải phóng, nhất là trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới hệ thống hầm hào lô cốt đã được bộ đội địa phương tiếp quản sử dụng.
Hiện nay, hệ thống lô cốt, hầm hào vẫn được nhân dân thôn Pố Lũng giữ gìn gần như nguyên vẹn như một chứng tích chiến tranh và tội ác của thực dân Pháp, song do thời gian mưa nắng nên công trình nhà chỉ huy đã bị đổ sập hư hỏng, xung quanh khu vực đồn Pố Lũng đã được tán rừng thông, tường lô cốt được bao phủ bởi lớp rêu xanh, tạo cảnh quan thiên nhiên rất hấp dẫn du khách khi đến tham quan, trải nghiệm.
Ma Thị Thơ – Hoàng Su Phì