A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Một số nét về du lịch và văn hóa ẩm thực Xín Mần

CTTBTG - Là một huyện miền núi nằm ở phía Tây của mảnh đất địa đầu Hà Giang, được thiên nhiên ban tặng nhiều cảnh quan kỳ thú, nơi lưu giữ giá trị lịch sử, văn hoá truyền thống vô cùng phong phú và độc đáo. Với điều kiện khí hậu đặc trưng, Xín Mần có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, những cánh rừng nguyên sinh rộng lớn, thảo nguyên mênh mông như bức tranh kỳ vỹ hay nhiều di tích, si sản đã được xếp hạng…Xín Mần có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, hứa hẹn sẽ góp phần thúc đẩy vào ngành du lịch của tỉnh nhà và đặc biệt sẽ lưu lạị những khoảnh khắc ấn tượng khó quên trong lòng mỗi du khách khi một lần đặt chân đến với Xín Mần.
 
 

Nằm ở vị trí địa lý 22o33’30” - 22o48’31” vĩ bắc, 104o22’30” - 104o37’30” kinh đông, huyện miền núi biên giới Xín Mần cách thành phố Hà Giang 150 km, phía bắc giáp nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, phía nam giáp huyện Quang Bình, phía đông giáp huyện Hoàng Su Phì, phía tây giáp huyện Si Ma Cai và huyện Bắc Hà (Lào Cai). Từ xa xưa, Xín Mần đã có một vị trí trọng yếu về quân sự của nước ta. Ngày nay, huyện có diện tích đất tự nhiên là 58.267 ha, chia thành 18 đơn vị hành chính (17 xã và 1 thị trấn) với 186 thôn, bản và tổ dân phố. Toàn huyện có 4 xã biên giới giáp với huyện Mã Quan, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc ( Nàn Sỉn, Chí Cà, Pà Vầy Sủ, Xín Mần) với chiều dài đường biên giới 30,72 km.
Địa hình Xín Mần được cấu tạo khá đa dạng và phức tạp, đặt trong khu vực của khối núi thượng nguồn sông Chảy chủ yếu là đồi núi có độ dốc lớn và bị chia cắt bởi nhiều con suối. Đây là nơi định cư lâu đời của người dân thuộc 16 dân tộc, trong đó người Nùng, Mông, Tày, La Chí chiếm đa số. Do nằm trên cung đường nối liền các vùng phía Đông và Tây Bắc, cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ cùng các nét văn hóa độc đáo được cộng đồng người dân ở đây bảo tồn và lưu giữ nên du lịch Xín Mần có rất nhiều tiềm năng để phát triển, nhất là du lịch sinh thái cộng đồng.
Trên địa bàn huyện có 10 điểm du lịch, di tích, danh lam thắng cảnh được công nhận, trong đó: 05 Di tích Quốc gia; 03 Di tích cấp tỉnh; có 02 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia; đồng thời có những thuận lợi cho việc phát triển du lịch như: Du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng và các lễ hội văn hoá dân gian truyền thống như: Lễ hội tết Khu Cù Tê, lễ hội Đình Mường, lễ hội Gầu Tào, lễ hội Đền Thần Hoàng, lễ Cấp sắc dân tộc Dao, lễ cúng rừng dân tộc Nùng, dân tộc Phù Lá; cùng với các sản phẩm làng nghề truyền thống như: Sản phẩm thêu dệt, sản phẩm trạm bạc Dân tộc Nùng U; Mây tre đan...
Huyện Xín Mần nằm giáp gianh với huyện Bắc Hà và huyện Si Ma Cai tỉnh Lào Cai có các tour, tuyến du lịch trong huyện và đến các huyện bạn như: Bắc Hà, Si Ma Cai  tỉnh Lào Cai; Quang Bình, Hoàng Su Phì tỉnh Hà Giang, Đô Long, Mã Quan Trung Quốc. Đây là những tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch, hình thành các sản phẩm du lịch mang đậm nét đặc trưng của huyện.
1.Di tích khảo cổ Bãi đá cổ Nấm Dẩn

Di tích bãi đá cổ nằm ở thôn Nấm Dẩn, xã Nấm Dẩn, năm 2008 được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích khảo cổ cấp Quốc gia. Khu vực này có tổng diện tích 52.567m2, phát hiện được 06 phiến đá có hình chạm khắc cổ và 02 di tích Cự Thạch.
2. Danh lam thắng cảnh Thác Tiên - Đèo Gió
Thác Tiên Đèo Gió nằm cách đường tỉnh lộ 178 khoảng 120m, nằm trong khu rừng nguyên sinh, lưu lượng nước của dòng thác khá ổn định kể cả mùa khô. Thác được chia thành 2 dòng chính, đổ từ trên cao xuống khoảng 12m tạo thành một vực nước sâu từ 4m - 5m, rộng hơn 150m2. Thác Tiên - Đèo Gió được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là danh lam thắng cảnh cấp quốc năm 2009.
3. Làng Văn hóa du lịch thôn Nà Ràng xã Khuôn Lùng

Thôn Nà Ràng xã Khuôn Lùng được được UBND tỉnh công nhận làng văn hoá du lịch tiêu biểu gắn với xây dựng Nông thôn mới năm 2017; năm 2021 được công nhận lại đạt các tiêu chí xây dựng làng văn hoá du lịch tiêu biểu. Tổng số 95 hộ với 436 khẩu, 100% hộ dân trong thôn là người dân tộc Tày. Thôn có 08 hộ gia đình tham gia hoạt động du lịch cộng đồng (homestay).
4. Di tích lịch sử văn hóa Đình Mường xã Khuôn Lùng
Di tích lịch sử văn hóa Đình Mường nằm trong khuôn viên làng văn hoá du lịch thôn Nà Ràng xã Khuôn Lùng. Năm 2011 được UBND tỉnh Hà Giang xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.
5. Làng Văn hóa du lịch thôn Quảng Hạ xã Quảng Nguyên

Diện tích làng là 84ha, thôn có 127 hộ, 628 khẩu, với hơn 90% dân số là dân tộc Tày với nét đẹp văn hóa truyền thống, phong tục tập quán được giữ gìn và phát huy qua nhiều thế hệ.
6. Suối khoáng Nậm Choong xã Quảng Nguyên
Suối khoáng Nậm Choong là địa điểm có tài nguyên du lịch rất phong phú, người dân rất nồng hậu, mến khách, Hiện nay có 03 hộ gia đình khai thác và quản lý gồm 24 phòng tắm và 04 phòng nghỉ phục vụ khách du lịch.
7. Di tích lịch sử văn hóa Khu Mộ Hoàng Vần Thùng xã Bản Díu

Khu mộ Hoàng Vần Thùng nằm tại thôn Ngam Lim và thôn Díu Thượng, xã Bản Díu, được đồng bào dựng lên để thờ Hoàng Vần Thùng, tục cúng Hoàng Vần Thùng được duy trì vào tháng 7 âm lịch hàng năm. Di tích lịch sử văn hóa Khu mộ Hoàng Vần Thùng được UBND tỉnh Hà Giang xếp hạng năm 2014.
8. Di tích lịch sử văn hóa Đền Thần Hoàng thị trấn Cốc Pài

Được UBND tỉnh Hà Giang xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh năm 2011, có diện tích gần 4.000m2, được xây dựng kiểu kiến trúc nhà sàn cổ, 3 gian, 2 trái với 2 cầu thang lên xuống; tổng diện tích sàn trên 250m2.
9. Di tích lịch sử Nàn Ma

Tháng 7/1952 tại xã Nàn Ma, huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang Đội Văn công Trung đoàn 148 (nay là Trung đoàn 148 thuộc Sư đoàn 316, Quân khu 2) bị giặc Phỉ giết hại trong thời gian đến địa bàn xã Nàn Ma biểu diễn văn nghệ phục vụ bộ đội và nhân dân. Qua hồi ký của nhân chứng còn sống và thân nhân của một số chiến sỹ đã hi sinh, năm 2006 Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xây dựng hồ sơ địa điểm nơi Đội Văn công Trung đoàn 148 bị giặc Phỉ giết hại và được UBND tỉnh Hà Giang xếp hạng di tích cấp tỉnh.

10.Thảo nguyên Suôi Thầu, Cốc Pài

Nằm ở vị trí tiếp giáp với huyện Bắc Hà tỉnh Lào Cai, đồng thời cách trung tâm huyện Xín Mần 6 km. Trong vòng 2 năm trở lại đây, thảo nguyên Suôi Thầu, thị trấn Cốc Pài đã thu hút hàng nghìn lượt du khách đến thăm quan. Từ lợi thế đó, huyện Xín Mần đang từng bước quy hoạch, xây dựng Suôi Thầu trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn.

 
11. Chợ phiên Xín Mần

Nằm trong lòng của trung tâm thị trấn Cốc Pài, chợ phiên Xín Mần họp vào ngày Chủ nhật hàng tuần. Hàng hóa trao đổi là những vật phẩm trong sinh hoạt hàng ngày như rau quả, vải vóc, chỉ thêu, vật dụng làm nương rẫy…Không sầm uất như chợ dưới xuôi, việc trao đổi mua bán ở đây diễn ra khá đơn giản để nhanh chóng nhường chỗ cho phần giao lưu tinh thần. Dăm ba quả trứng, vài chai mật ong, mấy trái su su… đổi lấy túi mì chính, quả pin, cái ô, ít chỉ khâu… nhưng chợ phiên vùng cao lại thấm đậm tình người.
Các món ăn ngon và đặc sản của Xín Mần
Khó mà kể hết được những món ăn truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Xín Mần. Cho đến nay, rất ít món ăn bị thất truyền cho thấy, dù thời nào đi chăng nữa, ẩm thực vẫn luôn gắn chặt với đời sống người dân bản địa. Ẩm thực không chỉ là vị ngon trên đầu lưỡi mà trong mỗi món ăn chứa đựng cả hành trình sống của người dân nơi đây.

  • Xôi ngũ sắc
  • Cá chép ruộng
  • Thắng cố Dê
  • Thịt trâu gác bếp
  • Rượu nếp Quảng Nguyên
  • Rượu Làng Táo Bản Ngò
  • Trà shan tuyết Chế Là
  • Trà Khổ Qua
  • Mật ong rừng
  • Hồng không hạt Chí Cà
  • Miến Dong Gia Long
  • Gạo Già Dui Thèn Phàng
Xín Mần, mảnh đất phía tây của Hà Giang, có trong mình đầy đủ những lợi thế để có thể bứt phá ngoạn mục phát triển du lịch, góp phần nâng cao đời sống văn hóa- xã hội của đồng bào dân tộc nơi đây. Du khách hãy cùng đến với Xín Mần để khám phá trọn vẹn mảnh đất địa đầu Tổ quốc đầy tuyệt vời này./.
Nguyễn Ngọc Khuyên, Xín Mần

Tác giả: Nguyễn Ngọc Khuyên
Thống kê truy cập
Hôm nay : 3.502
Hôm qua : 2.579
Tháng 05 : 73.556
Năm 2024 : 372.970