Đa dạng hóa sinh kế giảm nghèo cho người dân Quang Bình
Đa dạng hóa sinh kế, phát triển các mô hình giảm nghèo là dự án có ý nghĩa rất quan trọng trong thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững. Với sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành, người dân trên địa bàn huyện Quang Bình đã sớm được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa, mở ra cơ hội thoát nghèo cho đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đây.
Từ tháng 8.2023, 41 hộ nghèo, cận nghèo thuộc các thôn đặc biệt khó khăn của xã Tân Trịnh rất phấn khởi khi được hỗ trợ tổng kinh phí trên 2,3 tỷ đồng để mua trâu, dê chăn nuôi sinh sản lẫn thương phẩm. Đây là những vật nuôi có tiềm năng, lợi thế trong phát triển kinh tế của người dân. Để dự án đem lại hiệu quả thiết thực, lâu dài, tạo sinh kế bền vững cho bà con, xã đã định hướng thành lập 3 tổ cộng đồng chăn nuôi trâu và 1 tổ cộng đồng chăn nuôi dê ở thôn Mác Hạ. Những hộ nằm trong dự án còn được tập huấn kỹ thuật chăm sóc đàn gia súc, nâng cao năng lực quản lý và phát triển thị trường. Thông qua các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, nhiều hộ đã chủ động cải tạo chuồng trại để đáp ứng đủ điều kiện chăn nuôi, số lượng đàn trâu, đàn dê đang bắt đầu tăng lên. Điều đó cho thấy tín hiệu đáng mừng trong công tác giảm nghèo tại địa phương.
Anh Đặng Văn Luyện, thôn Mác Hạ, xã Tân Trịnh phát triển kinh tế nhờ mô hình chăn nuôi dê. |
Anh Đặng Văn Luyện, thôn Mác Hạ, xã Tân Trịnh cho hay: “Gia đình tôi thuộc hộ cận nghèo nên để có được số tiền hàng chục triệu đồng mua dê và mở rộng chăn nuôi rất khó. Năm ngoái, nhờ chủ chương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tôi đã được hỗ trợ nguồn vốn hơn 60 triệu đồng để mua 30 con dê và tu sửa lại chuồng trại chăn nuôi. So với những vật nuôi khác, dê ăn được rất nhiều lá cây và cỏ nên nguồn thức ăn tự nhiên dồi dào. Trung bình, mỗi năm dê mẹ đẻ 2 lứa, mỗi lứa từ 1 đến 3 con, nếu nuôi dê lấy thịt thì từ tháng thứ 8 có thể bán được, trọng lượng đạt 20 kg. Với giá bán thị trường hiện tại, dê đạt khoảng 100.000 - 130.000 đồng/kg. Tôi hi vọng mô hình nuôi dê là hướng đi phù hợp để tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình”.
Thôn Nặm Khẳm là thôn vùng 3 còn nhiều khó khăn của xã Tân Bắc. Toàn thôn có 42 hộ cũng đã được hỗ trợ hơn 1,3 tỷ đồng để triển khai dự án phát triển sản xuất đa dạng hóa sinh kế tổ cộng đồng chăn nuôi trâu sinh sản, lợn sinh sản và thương phẩm. Để phát huy tối đa hiệu quả của ngồn vốn, các hộ trực tiếp được lựa chọn và mua con giống tốt nhất cũng như phải đảm bảo chuồng trại, diện tích trồng cỏ, phương pháp chăn nuôi. Nhờ vậy, nhiều gia đình đồng bào dân tộc thiểu số được mở mang, tiếp cận với khoa học kỹ thuật, có điều kiện vươn lên thoát nghèo. Anh Lý Văn Phong bày tỏ: “Với số tiền hỗ trợ 20 triệu đồng, tôi mua được 1 con trâu, giờ đã sinh sản thêm 1 con nữa. Con trâu là cơ nghiệp, tài sản lớn nên gia đình tôi sẽ cố gắng chăn nuôi thật tốt”.
Đồng chí Nguyễn Văn Hưng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quang Bình cho biết: “Tính đến nay, các xã, thị trấn trong toàn huyện đã triển khai, thực hiện 113 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất đa dạng hóa sinh kế cho người dân với tổng số tiền đã giải ngân hơn 65,9 tỷ đồng. Đây là tiểu dự án 2 của dự án 3 phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị trong chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021 - 2025. Với cách làm Nhà nước hỗ trợ dự án, người dân đóng góp một phần kinh phí đối ứng đã tạo nguồn vốn, động lực, khơi dậy ý chí, quyết tâm nỗ lực vươn lên thoát nghèo của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện. Dựa theo nhu cầu và mong muốn của nhân dân, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các xã, thị trấn trong công tác kiểm tra, giám sát, mở rộng mô hình chăn nuôi hiệu quả, tạo đòn bẩy phát triển KT - XH trên những vùng đất khó”.
Bài, ảnh: MỘC LAN