A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Hoạt động đối ngoại và tình hình thế giới nổi bật số tháng 6/2021

Chuyến thăm chính thức Việt Nam của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc

Từ ngày 24-27/4/2021, nhận lời mời của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, Đoàn đại biểu quân sự cấp cao nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa do Thượng tướng Ngụy Phượng Hòa, Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc dẫn đầu thăm chính thức Việt Nam. Chuyến thăm góp phần thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai Đảng, hai nước nói chung và hai Bộ Quốc phòng nói riêng.

Tại cuộc Hội đàm giữa Bộ trưởng Quốc phòng hai nước, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Phan Văn Giang cho rằng, hơn 70 năm qua, kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao, mặc dù có những lúc thăng trầm, nhưng thực tiễn lịch sử cho thấy, hữu nghị và hợp tác luôn là dòng chảy chính trong quan hệ giữa hai Đảng, hai nước. Việt Nam luôn ghi nhớ sự giúp đỡ to lớn, có hiệu quả của Đảng, Chính phủ và Nhân dân Trung Quốc đã dành cho Nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước trước đây và công cuộc đổi mới ngày nay. Về phía Trung Quốc, Bộ trưởng Ngụy Phượng Hòa khẳng định, quan hệ hợp tác quốc phòng giữa Trung Quốc và Việt Nam là một trong những hoạt động quan trọng, góp phần nâng cao quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai Đảng, Nhà nước.

Đánh giá cao hiệu quả hợp tác quốc phòng giữa Việt Nam và Trung Quốc thời gian qua, hai bên thống nhất cho rằng, hợp tác quốc phòng giữa hai nước đã không ngừng được mở rộng với các hình thức phong phú, ngày càng đi vào thực chất. Mặc dù chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, hai bên vẫn duy trì các hình thức trao đổi linh hoạt, hiệu quả. Thời gian tới, hai bên cần tiếp tục triển khai có hiệu quả các lĩnh vực hợp tác theo các thỏa thuận đã ký, nhất là Tuyên bố tầm nhìn chung về hợp tác quốc phòng đến năm 2025 giữa Bộ Quốc phòng hai nước, trong đó tập trung vào một số nội dung: (1) Triển khai hiệu quả các cơ chế giao lưu, hợp tác hiện có, đặc biệt là Đối thoại chiến lược quốc phòng cấp thứ trưởng, Giao lưu hữu nghị Quốc phòng biên giới Việt Nam-Trung Quốc; (2) Hoạt động công tác đảng, công tác chính trị; (3) Hợp tác giữa các quân, binh chủng, học viện, nhà trường... Khi tình hình dịch Covid-19 chưa được kiểm soát hoàn toàn, hai bên cần tích cực phát huy hiệu quả các hình thức điện đàm, hội nghị trực tuyến để duy trì tiếp xúc, trao đổi.

Hai bên cũng thẳng thắn trao đổi về những vướng mắc hiện nay trong quan hệ hai nước. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Phan Văn Giang khẳng định, quan điểm nhất quán của Việt Nam là giải quyết các bất đồng thông qua biện pháp hòa bình trên tinh thần tôn trọng quyền và lợi ích chính đáng của nhau, trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982, thực hiện đầy đủ và hiệu quả “Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông” (DOC); kiểm soát tốt bất đồng trên biển, không làm phức tạp tình hình, không có hành động vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực.

Sau cuộc Hội đàm, hai Bộ trưởng đã chứng kiến ký kết Bản ghi nhớ về việc thiết lập quan hệ đơn vị hữu nghị trong lĩnh vực hợp tác quân sự quốc tế giữa Bộ Quốc phòng hai nước.

Bên cạnh cuộc Hội đàm với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Phan Văn Giang, đồng chí Ngụy Phượng Hòa đã gặp gỡ, tiếp xúc với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và một số lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam.

Từ chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thượng tướng Ngụy Phượng Hòa, Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc, công tác tuyên truyền cần chú trọng một số nội dung sau đây:

Thứ nhất, thông tin, tuyên truyền về kết quả của chuyến thăm, trong đó nhấn mạnh những nội dung trao đổi tại các cuộc Hội đàm của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc với các lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta, các văn bản đã được thông qua và ký kết trong chuyến thăm.

Thứ hai, tuyên truyền nhấn mạnh, việc Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc sang thăm và làm việc với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam là hoạt động ngoại giao quân sự thường xuyên giữa hai nước; quan hệ Việt Nam và Trung Quốc trong hơn 70 năm qua mặc dù có những lúc thăng trầm, nhưng tinh thần hữu nghị và hợp tác luôn là dòng chảy chính trong quan hệ giữa hai Đảng, hai Nhà  nước.

Thứ ba, thông tin, tuyên truyền các kết quả đạt được trong hợp tác giữa  hai nước Việt Nam-Trung Quốc trên tất cả các lĩnh vực thời gian qua và phương hướng hợp tác trong thời gian tới.

Một số kết quả chủ yếu của Hội nghị Ngoại trưởng Nhóm các nước công nghiệp phát triển

Từ ngày 03-05/5/2021, tại London (Anh) đã diễn ra Hội nghị Ngoại trưởng Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7). Đây là Hội nghị trực tiếp đầu tiên sau 02 năm gián đoạn vì đại dịch Covid-19. Hội nghị tập trung thảo luận các vấn đề: (1) Đại dịch Covid-19 và kế hoạch phục hồi sau đại dịch; (2) Chương trình hạt nhân Triều Tiên; (3) Cuộc khủng hoảng Syria; (4) Hỗ trợ tài chính cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, ngăn chặn nạn đói; (5) Quan hệ với Nga, Trung Quốc; (6) Các nỗ lực ngoại giao nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran…

Kết thúc Hội nghị, Ngoại trưởng các nước G7 đã ra Tuyên bố chung với nhất trí cao trong nhiều vấn đề, đặc biệt là về các biện pháp ứng phó dịch Covid-19. Trong Tuyên bố chung, Ngoại trưởng Nhóm G7 cam kết sẽ có động thái để mở rộng quá trình sản xuất các loại vắc xin ngừa Covid-19 với mức giá chấp nhận được; phối hợp cùng nhau để thể hiện khả năng lãnh đạo trên toàn cầu và có hành động “phản ứng nhanh” để vạch trần và ngăn chặn những mối đe dọa như tình trạng tin giả…; tăng cường quan hệ của cái gọi là “Cơ chế phản ứng nhanh” với các đối tác quốc tế, trong đó có Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO)

Ngoài ra, trong Tuyên bố chung, các ngoại trưởng đề nghị Triều Tiên quay trở lại đàm phán về chương trình hạt nhân của nước này; bày tỏ sự ủng hộ dành cho những nỗ lực của Mỹ nhằm phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên bằng biện pháp ngoại giao; nhấn mạnh các nước thành viên G7 sẽ tiếp tục nỗ lực thúc đẩy thực hiện Nghị quyết 2254 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc trên tất cả các phương diện nhằm tạo điều kiện cho một giải pháp chính trị tại Syria để chấm dứt cuộc xung đột hiện nay… 

Theo các chuyên gia, Hội nghị Ngoại trưởng G7 tổ chức trực tiếp tại London sau 02 năm gián đoạn do đại dịch Covid-19 là cơ hội để tập hợp các xã hội dân chủ và cởi mở, thể hiện sự đoàn kết của các nước trong đối phó với những thách thức chung của toàn cầu. Trong bối cảnh số ca lây nhiễm Covid-19 trên toàn cầu tiếp tục tăng trong khi tỷ lệ tiêm vắc xin phòng Covid-19 giữa các quốc gia có sự chênh lệch lớn, cam kết mở rộng sản xuất vắc xin phòng Covid-19 của G7 trong Tuyên bố chung có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc đảm bảo sự công bằng trong tiếp cận vắc xin, qua đó tạo cơ hội thúc đẩy sự phục hồi bền vững và đồng đều của nền kinh tế toàn cầu trong giai đoạn hậu Covid-19. Bên cạnh đó, những thông điệp tại Hội nghị cho thấy nỗ lực xích lại gần nhau của các cường quốc thế giới nhằm hợp tác chặt chẽ hơn trong việc đương đầu với các thách thức quốc tế.


Thống kê truy cập
Hôm nay : 1.765
Hôm qua : 2.961
Tháng 07 : 7.549
Năm 2024 : 512.895