A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Hoạt động đối ngoại và tình hình thế giới nổi bật số tháng 5/2021

Việt Nam thúc đẩy các hoạt động ưu tiên trên vai trò Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc lần thứ hai

Năm 2020, Việt Nam đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ của năm đầu tiên là Ủy viên không Thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc (HĐBA LHQ) nhiệm kỳ 2020-2021, trong đó có việc đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch HĐBA LHQ vào tháng 01/2020. Tháng 4/2021, Việt Nam tiếp tục đảm nhận vai trò Chủ tịch HĐBA LHQ lần thứ hai trong nhiệm kỳ này. Đây là trọng trách đối ngoại đa phương đầu tiên mà Việt Nam đảm nhiệm, ngay sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng thành công rất tốt đẹp.

Với vai trò Chủ tịch HĐBA LHQ lần thứ hai, Việt Nam sẽ thúc đẩy 03 chủ đề ưu tiên: (1) Tiếp tục tăng cường hợp tác giữa LHQ và các tổ chức khu vực để thúc đẩy xây dựng lòng tin và đối thoại trong ngăn ngừa, giải quyết xung đột; (2) Khắc phục hậu quả bom mìn và duy trì hòa bình bền vững; (3) Bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu đối với sự sống của người dân trong xung đột vũ trang.

Trong năm 2021, tình hình chính trị-an ninh thế giới và khu vực dự báo tiếp tục có những diễn biến phức tạp, nhất là đại dịch Covid-19 chưa có dấu hiệu suy giảm. Đây cũng là năm đầu tiên toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta nỗ lực triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII với những định hướng, mục tiêu lớn về phát triển KT-XH giai đoạn 2021-2025 và đến năm 2030, tầm nhìn phát triển đất nước đến năm 2045. Với tinh thần “Đối tác vì hòa bình bền vững”, Việt Nam sẽ tiếp tục kiên định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, nỗ lực thúc đẩy đối thoại, giảm căng thẳng, đối đầu, tìm giải pháp công bằng, hợp lý cho các vấn đề hoà bình, an ninh khu vực và quốc tế trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, Hiến chương LHQ; đồng thời, theo dõi sát tình hình, đề xuất các điều chỉnh chính sách phù hợp trước các diễn biến mới có thể phát sinh.

Để nhận thức đầy đủ vai trò của Việt Nam trên cương vị Chủ tịch HĐBA LHQ lần thứ hai, nhiệm kỳ 2020-2021 và những đóng góp tích cực của Việt Nam cho HĐBA LHQ, trong thời gian tới, công tác tuyên truyền cần chú trọng một số nội dung sau:

Thứ nhất, thông tin, tuyên truyền nhấn mạnh “Dấu ấn của Việt Nam” trong năm đầu tiên đảm nhận cương vị Chủ tịch HĐBA LHQ để thấy được vị thế, vai trò quan trọng và những đóng góp tích cực của Việt Nam đối với hòa bình, an ninh, ổn định và phát triển thịnh vượng trên thế giới.

Thứ hai, tuyên truyền khẳng định Việt Nam là thành viên năng động, trách nhiệm, góp phần tạo dựng những dấu mốc quan trọng trong chặng đường phát triển của HĐBA LHQ.

Thứ ba, thông tin, tuyên truyền những kết quả đạt được trong quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với các nước thành viên HĐBA LHQ trên tất cả các lĩnh vực trong thời gian qua, từ đó tiếp tục khẳng định quan điểm, đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta trong xu thế hội nhập và phát triển.

Một số tình hình thế giới đáng chú ý thời gian gần đây

- Hoạt động của tàu Trung Quốc ở đá Ba Đầu xâm phạm chủ quyền của Việt Nam: Trước thông tin hàng trăm tàu của Trung Quốc tập trung ở khu vực đá Ba Đầu ở đảo Sinh Tồn Đông, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ:

“Cần phải nhắc lại rằng Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và chứng cứ lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế. Là quốc gia biển và là thành viên của Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, Việt Nam được hưởng chủ quyền, quyền chủ quyền, và quyền tài phán đối với các vùng biển của mình, được xác lập bởi Công ước.

Hoạt động của các tàu Trung Quốc trong phạm vi lãnh hải của Sinh Tồn Đông, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, vi phạm quy định của Công ước về hoạt động của tàu thuyền nước ngoài trong lãnh hải quốc gia ven biển, đi ngược lại tinh thần và nội dung Tuyên bố về ng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), làm phức tạp tình hình, không có lợi cho tiến trình đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc.

Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt vi phạm, tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, thiện chí thực hiện Công ước, nghiêm chỉnh tuân thủ DOC, đặc biệt là nghĩa vụ kiềm chế, không làm phức tạp tình hình, tạo môi trường thuận lợi cho tiến trình đàm phán COC, đóng góp vào việc duy trì hòa bình, an ninh, ổn định, và trật tự pháp lý trên biển tại khu vực.

Về việc có hay không sự xuất hiện tàu cảnh sát biển Việt Nam tại đá Ba Đầu, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh: Các lực lượng chấp pháp của Việt Nam thực hiện nghĩa vụ, nhiệm vụ như đã được quy định trong các luật liên quan của Việt Nam, cũng như tuân thủ nghiêm túc các quy định liên quan của luật pháp quốc tế, trong đó trước hết là UNCLOS 1982.

- Phiên Thảo luận mở cấp Bộ trưởng của Hội đồng Bảo an về chủ đề “Khắc phục hậu qủa bom mìn và duy trì hòa bình bền vững: Tăng cường gắn kết để hành động hiệu quả hơn” tổ chức ngày 08/4/2021 bằng hình thức kết hợp giữa trực tuyến và trực tiếp tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc (HĐBA LHQ).

Phát biểu tại Phiên thảo luận, các đại biểu đánh giá cao sáng kiến của Việt Nam tổ chức cuộc họp này. Đồng thời bày tỏ ủng hộ mục đích nhân đạo của việc hạn chế sử dụng bom mìn trên thế giới, ủng hộ các nỗ lực quốc gia và quốc tế nhằm khắc phục hậu qủa bom mìn, hỗ trợ nạn nhân, ổn định tình hình và phục vụ tái thiết, phát triển KT-XH. Các nước nhấn mạnh cần tăng cường gắn kết, phối hợp trong hệ thống LHQ, trong đó có HĐBA, để đóng góp nhiều hơn nữa cho các nỗ lực khắc phục hậu quả bom mìn của LHQ và các quốc gia liên quan.

Tại Phiên họp, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã chia sẻ các bài học kinh nghiệm thành công của Việt Nam trong việc khắc phục hậu quả bom mìn. Bộ trưởng cho rằng, các nước cần hợp tác tốt hơn nữa để đạt được các kết quả bền vững hơn trong khắc phục hậu quả bom mìn, thông qua cung cấp tài chính, hỗ trợ kĩ thuật, nâng cao năng lực, nhận thức và chia sẻ kinh nghiệm cho những nước bị ảnh hưởng…

HĐBA LHQ đã thông qua Tuyên bố Chủ tịch đầu tiên của HĐBA do Việt Nam đề xuất, đề cập đến vấn đề khắc phục hậu quả bom mìn. Tuyên bố có ý nghĩa quan trọng, nhấn mạnh mối liên hệ giữa khắc phục hậu quả bom mìn với duy trì hòa bình, ổn định và phát triển bền vững, khẳng định cam kết của HĐBA và đề cao sự cần thiết của hợp tác quốc tế trong lĩnh vực khắc phục hậu quả bom mìn.

- Báo cáo Nhân quyền 2020 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nhận định thiếu khách quan về Việt Nam: Trước Báo cáo Nhân quyền thường niên năm 2020 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng khẳng định: “Chính sách nhất quán của Việt Nam là tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy các quyền của người dân. Các nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong lĩnh vực này thời gian qua đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Việt Nam ghi nhận việc Báo cáo Nhân quyền thường niên năm 2020 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã nêu các tiến triển tích cực của Việt Nam trong việc bảo vệ quyền con người. Tuy nhiên, Báo cáo vẫn đưa ra một số nhận định thiếu khách quan dựa trên những thông tin không chính xác về tình hình thực tế tại Việt Nam.

Việt Nam luôn sẵn sàng trao đổi thẳng thắn, cởi mở và trên tinh thần xây dựng với Hoa Kỳ về những vấn đề còn có sự khác biệt, để tăng cường hiểu biết và đóng góp vào sự phát triển của quan hệ Đối tác toàn diện giữa hai nước”.

- Tình hình bán đảo Triều Tiên tuy không xảy ra sự cố lớn nhưng tiếp tục bế tắc. Đối thoại Triều-Mỹ vẫn chưa thể nối lại, Mỹ coi vấn đề hạt nhân Triều Tiên là đe dọa và cần ưu tiên xử lý. Quan hệ liên Triều chưa có tiến triển mới, Triều Tiên tiếp tục chỉ trích chính sách liên Triều của Hàn Quốc. Ngày 25/3, Triều Tiên triển khai hoạt động thử tên lửa mới, đánh dấu việc lần đầu tiên thử nghiệm vũ khí dưới thời chính quyền mới của Mỹ. Nhật Bản và Hàn Quốc phải đối mạnh mẽ vụ phóng tên lửa. Mỹ phản ứng chừng mực nhưng cho biết đang tham vấn đồng minh, đối tác và sẽ có biện pháp đáp trả nếu Triều Tiên leo thang.

- Tình hình Trung Đông có tiến triển bước đầu sau những điều chỉnh chính sách của chính quyền Bai-đờn đối với khu vực. Vấn đề hạt nhân I-ran có dấu hiệu giảm căng thẳng khi Mỹ rút lại tuyên bố của chính quyền Trump về tái áp đặt các biện pháp cấm vận, chấp thuận lời mời của EU tham gia đàm phán P5+1; I-ran đạt thỏa thuận tạm thời với IAEA về tiếp tục thanh sát có hạn chế; Mỹ và I-ran nhiều lần thể hiện thông điệp coi trọng và mong muốn trở lại thỏa thuận hạt nhân JCPOA. Mỹ đã nối lại tiếp xúc với chính quyền Pa-le-xtin, cam kết thúc đẩy hợp tác trong việc điều  phối  hoạt  động  viện  trợ  quốc tế  cho  Pa-le-xtin. Ca-ta và các nước vùng Vịnh khôi phục quan hệ ngoại giao, chấm dứt khủng hoảng dài gần 04 năm, đây là bước tiến quan trọng thúc đẩy đoàn kết và hợp tác trong Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh. Quan hệ giữa I-xra-en và các Tiểu vương quốc A-rập thống nhất (UAE) được cải thiện.


Nguồn: Ban Biên tập
Thống kê truy cập
Hôm nay : 1.676
Hôm qua : 2.961
Tháng 07 : 7.460
Năm 2024 : 512.806