Hoạt động đối ngoại và tình hình thế giới nổi bật số tháng 3/2021
Vai trò trung tâm của ASEAN trong năm 2020
Khái niệm “Vai trò trung tâm của ASEAN” (ASEAN Centrality) bắt đầu được các nước thành viên nhắc đến nhiều từ các năm 2005, 2006, khi ASEAN đối mặt với sức ép tác động, lôi kéo ngày càng tăng từ các đối tác bên ngoài. Trong bối cảnh đó, “Vai trò trung tâm” được hiểu là ASEAN luôn phối hợp quan điểm và hành động trong quan hệ với các đối tác, giữ vững vai trò “Động lực chính” trong hợp tác cũng như ở “Vị trí trung tâm” trong nỗ lực định hình cấu trúc hợp tác ở khu vực dựa trên các khuôn khổ, diễn đàn do ASEAN khởi xướng và dẫn dắt.
Năm 2015, ASEAN đã cụ thể hóa vai trò trung tâm của ASEAN theo 05 khía cạnh: (1) Vai trò trung tâm trong bản thân ASEAN (độc lập, tự cường); (2) Vai trò trung tâm trước các vấn đề nóng ở khu vực; (3) Vai trò trung tâm trong quan hệ với nước lớn và đối tác, đối thoại khác; (4) Vai trò trung tâm trong cấu trúc khu vực; (5) Vai trò trung tâm trong tham gia, xử lý những vấn đề, thách thức mang tính toàn cầu.
Trong năm 2020, trước những thử thách chưa từng có, vai trò trung tâm của ASEAN tiếp tục được thể hiện và khẳng định trên nhiều khía cạnh:
Thứ nhất, chủ đề của năm Chủ tịch ASEAN 2020: “ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng”, thể hiện hài hòa các khía cạnh của vai trò trung tâm.
Vượt qua những khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra, ASEAN tiếp tục duy trì vững chắc đà xây dựng Cộng đồng, thúc đẩy triển khai hiệu quả các kế hoạch, chương trình nhằm hiện thực hóa các mục tiêu nêu trong Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025. Trong năm 2020, hơn 550 hội nghị, cuộc họp được tổ chức theo hình thức trực tuyến. Điều này không chỉ giúp giữ vững đà đối thoại và hợp tác ở khu vực, mà còn tạo cơ sở để định hình một phương cách hoạt động mới, giúp nâng cao khả năng linh hoạt và thích ứng của ASEAN.
Thứ hai, ASEAN tiếp tục khẳng định vai trò, tiếng nói quan trọng về những vấn đề thiết yếu liên quan tới hòa bình và an ninh khu vực. Trước những tác động tiêu cực do cạnh tranh, cọ xát giữa các nước lớn gia tăng, ngày 08/8/2020, các bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã ra Tuyên bố về tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và ổn định ở Đông Nam Á. Đặc biệt, trong năm 2020, vai trò của luật pháp quốc tế được các nước nhấn mạnh, nhất là vai trò của Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển là khuôn khổ pháp lý điều chỉnh mọi hoạt động trên các vùng biển và đại dương.
Thứ ba, trên nền tảng quan hệ đối tác, đối thoại đã được thiết lập, ASEAN tiếp tục mở rộng và làm sâu sắc thêm các quan hệ đối tác hiện có, trong đó đã nhất trí nâng cấp quan hệ ASEAN-EU lên tầm đối tác chiến lược, đồng thời chủ động triển khai nhiều biện pháp tăng cường quan hệ với các đối tác khác. Trước việc một số đối tác tìm cách lôi kéo ASEAN theo sáng kiến, chiến lược khu vực riêng, ASEAN kiên trì đề cao các mục tiêu, nguyên tắc và ưu tiên nêu trong Tài liệu quan điểm về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương…
Thứ tư, ở cấp độ toàn cầu, ASEAN đã có nhiều nỗ lực tham gia, đóng góp vào xử lý những thách thức, vấn đề chung. Nhiều đề xuất về thúc đẩy phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu, bình đẳng giới và tăng quyền cho phụ nữ đã được thông qua và đưa vào triển khai. Ngoài ra, việc hoàn tất đàm phán và ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) không chỉ mang lại lợi ích thiết thực cho các nước tham gia, mà còn là một đóng góp quan trọng của ASEAN, giúp củng cố niềm tin và tạo thêm động lực cho chủ nghĩa đa phương và hệ thống thương mại đa phương.
Trong vai trò Chủ tịch ASEAN, cùng ASEAN vượt qua năm 2020 với những khó khăn, thách thức chưa từng có, Việt Nam càng khẳng định được vị thế là một trong những thành viên “Nòng cốt”, “Dẫn dắt”, tích cực xây dựng và định hình các luật chơi trong ASEAN và khu vực. Việt Nam đã thực sự trở thành một “Chỗ dựa vững chắc, tin cậy, đặc biệt trong những thời khắc ASEAN phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức”. Những kết quả này sẽ tạo tiền đề quan trọng để Việt Nam cùng các nước ASEAN tiếp tục chèo lái “Con tàu ASEAN” vượt qua mọi thử thách, gắn kết hơn và có năng lực thích ứng ngày càng cao hơn, đạt thêm nhiều thắng lợi mới trong thời gian tới.
Nhận thức rõ vấn đề “Vai trò trung tâm” của ASEAN, công tác tuyên truyền cần chú trọng một số vấn đề sau:
Một là, tiếp tục thông tin, tuyên truyền về quá trình ra đời, phát triển, những thành tựu ASEAN đã đạt được từ khi thành lập đến nay để thấy được vai trò trung tâm rất quan trọng của ASEAN đối với khu vực và thế giới.
Hai là, thông tin tuyên truyền vai trò trung tâm của ASEAN trong năm 2020 trên tất cả các khía cạnh, trong đó đặc biệt nhấn mạnh vai trò và những đóng góp của Việt Nam vào thành công của ASEAN trên cương vị Chủ tịch luân phiên ASEAN.
Ba là, tuyên truyền về mối quan hệ Việt Nam-ASEAN cũng như quan hệ giữa Việt Nam với các nước thành viên ASEAN.
Thế giới cần đoàn kết và hành động để ứng phó biến đổi khí hậu
Theo báo cáo của Liên Hợp quốc, nồng độ khí gây hiệu ứng nhà kính trong bầu khí quyển đã tăng lên mức cao kỷ lục trong năm 2020, đặc biệt là khí thải gây hiệu ứng nhà kính carbon dioxide (CO2), khiến các hiện tượng thời tiết cực đoan càng trở nên trầm trọng, trong đó có các vụ cháy rừng, bão lớn, khô hạn và lũ lụt... Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu được ký năm 2015 đặt mục tiêu không để nhiệt độ toàn cầu tăng quá 1,5-2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp nhằm tránh những tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, Liên Hợp quốc cho rằng vẫn có ít nhất 20% khả năng nhiệt độ trung bình của Trái Đất sẽ vượt mức tăng 1,5 độ C vào năm 2024. Các chuyên gia cũng lo ngại lượng khí thải carbon có thể tăng trở lại trong năm 2021.
Thiên tai do biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan năm 2020 đã gây ra “Những hậu quả thảm họa cho hàng triệu người” trên khắp các quốc gia, bất kể giàu hay nghèo, cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người và gây thiệt hại hàng chục tỷ USD. Theo đánh giá mới nhất về mối đe dọa trực tiếp của tình trạng biến đổi khí hậu đối với con người của đại diện tổ chức môi trường Germanwatch của Đức, trong 02 thập kỷ qua, gần 480.000 người đã thiệt mạng trong các thảm họa thiên tai liên quan đến các hiện tượng thời tiết cực đoan. Kể từ đầu thế kỷ 21 đến nay, các thảm họa thiên tai gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu ước tính lên đến 2.560 tỷ USD.
Trước vấn đề cấp thiết toàn cầu hiện nay là phục hồi bền vững sau đại dịch Covid-19 và ứng phó với biến đổi khí hậu, tại Hội nghị Thượng đỉnh trực tuyến về Thích ứng với Biến đổi khí hậu diễn ra từ ngày 25-26/01/2021, Tổng Thư ký Liên Hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi các nước đoàn kết và hành động một cách nhanh chóng, quyết đoán, tham vọng hơn, đồng thời khẳng định mục tiêu trọng tâm trong năm 2021 là xây dựng liên minh toàn cầu về trung hòa khí thải carbon thông qua các biện pháp chấm dứt trợ cấp cho nhiên liệu hóa thạch, định giá carbon, không xây thêm các nhà máy điện chạy bằng than, đầu tư vào năng lượng tái tạo.
Hưởng ứng lời kêu gọi, lãnh đạo các nước tham dự Hội nghị cam kết cùng nỗ lực để hạn chế nền nhiệt toàn cầu tăng dưới ngưỡng 2 độ C vào cuối thế kỷ 21 so với thời kỳ tiền cách mạng công nghiệp; đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc Mỹ quay lại Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có thông điệp quan trọng gửi Hội nghị. Trong thông điệp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, các quốc gia cần nâng cao năng lực thích ứng của cộng đồng, tăng cường khả năng chống chịu của tất cả các ngành, lĩnh vực trước các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu; thúc đẩy quan hệ đối tác nhiều bên, khuyến khích, thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp, các nhà khoa học, cộng đồng dân cư và các tổ chức phi chính phủ vào các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu... Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cam kết Việt Nam sẽ tiếp tục tích cực tham gia vào các nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế nhằm biến thách thức do biến đổi khí hậu thành cơ hội phát triển bền vững cho tất cả mọi người, không để ai bị bỏ lại phía sau. Các đề xuất của Việt Nam cùng Thông điệp của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị đã được các đại biểu tham dự trân trọng, đánh giá cao.
Để góp phần nâng cao nhận thức của người dân đối với vấn đề biến đổi khí hậu trên toàn cầu nói chung cũng như Việt Nam nói riêng, công tác tuyên truyền cần chú ý một số nội dung sau:
Một là, thông tin, tuyên truyền trong các tầng lớp nhân dân về vấn đề biến đổi khí hậu trên toàn cầu hiện nay; những tác động tiêu cực của vấn đề biến đổi khí hậu đối với đời sống người dân nhằm góp phần nâng cao nhận thức và hành động trong việc chủ động thực hiện các giải pháp ứng phó.
Hai là, thông tin, tuyên truyền kết quả Hội nghị Thượng đỉnh trực tuyến về Thích ứng với Biến đổi khí hậu; nỗ lực và cam kết của các nước trong việc hạn chế tối đa các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.
Ba là, tuyên truyền nhấn mạnh Thông điệp của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi Hội nghị; các nỗ lực của Chính phủ, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng của Việt Nam trong việc chủ động ứng phó với vấn đề biến đổi khí hậu trong thời gian qua.
Bốn là, phổ biến, giáo dục ý thức, trách nhiệm, nghĩa vụ bảo vệ môi trường trong các tầng lớp nhân dân; vận động nhân dân xây dựng lối sống thân thiện với môi trường, tiêu dùng bền vững, giữ gìn vệ sinh chung, tiến tới xây dựng xã hội hài hòa, thân thiện với môi trường.