A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Ý nghĩa lịch sử của cách mạng tháng Tám năm 1945 và tác động đối với phong trào cách mạng tỉnh Hà Giang

CTTBTG - Cách đây gần 80 năm, chỉ trong khoảng thời gian hai tuần lễ cuối tháng 8/1945 (từ ngày 14-28/8/1945), toàn dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, Mặt trận Việt Minh và lãnh tụ Hồ Chí Minh đã nhất tề vùng lên trong một cuộc tổng khởi nghĩa. Sự kiện đó được ghi nhận là một trong những trang sử vẻ vang nhất, chói lọi nhất của lịch sử dựng nước, giữ nước…

Cách mạng tháng Tám - biểu tượng của sức mạnh Việt Nam  (Ảnh: TTXVN)

Cách mạng tháng Tám năm 1945 diễn ra trong hoàn cảnh khách quan hết sức thuận lợi. Chiến tranh thế giới thứ hai đi đến hồi kết thúc. Kẻ thù trực tiếp của nhân dân ta lúc này là phát xít Nhật đã bị Liên Xô và Đồng Minh đánh bại, quân đội Nhật ở Đông Dương mất hết tinh thần chiến đấu, Chính phủ Trần Trọng Kim rệu rã. Tình thế cách mạng trực tiếp xuất hiện. Tuy nhiên, quân đội các nước đế quốc với danh nghĩa Đồng Minh chuẩn bị vào Đông Dương tước vũ khí phát xít Nhật. Vấn đề giành chính quyền được đặt ra như một cuộc chạy đua nước rút.

Cách mạng tháng Tám diễn ra nhanh, gọn, ít đổ máu và giành được thắng lợi hầu khắp các địa phương trên cả nước (từ ngày 14-28/8/1945). Ngày 2/9/1945, Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu tuyên bố nước nhà độc lập trước quốc dân và toàn thế giới. Thắng lợi của cách mạng tháng tám là thắng lợi của chủ nghĩa Mác - Lênin, tưởng Hồ Chí Minh và đường lối cách mạng đúng đắn, sáng tạo của Đảng ta, là biểu tượng sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc.

Với ý nghĩa lịch sử to lớn, thắng lợi của cách mạng tháng Tám đã có tác động sâu sắc, tạo bước chuyển biến mới đối với phong trào cách mạng ở một tỉnh miền núi, biên giới Hà Giang. Thời điểm này, trên địa bàn tỉnh đã hình thành hai vùng cách mạng ở phía Bắc và phía Nam, với gần 2/3 diện tích đất đai toàn tỉnh do lực lượng Việt Minh đứng đầu và hàng vạn quần chúng. Lực lượng vũ trang có quân số đáng kể, hàng trăm đội viên được tổ chức và huấn luyện tương đối tốt, được rèn luyện qua thực tế chiến đấu trong phong trào kháng Nhật, đã kết hợp chặt chẽ hình thức đấu tranh chính trị đấu tranh vũ trang. Cùng với đó, trước khí thế tiến công của cách mạng tháng Tám, ngày 29/8/1945, phát xít Nhật rút khỏi Hà Giang, bọn tay sai bị bỏ lại vô cùng hoang mang lo sợ. Thị xã Hà Giang gần như bỏ trống.

Bác Hồ nói chuyện với đồng bào các dân tộc tỉnh Hà Giang (3-1961)

Tuy nhiên, lúc này phong trào cách mạng ở Hà Giang còn bó hẹp trong các vùng nông thôn hẻo lánh; phong trào cách mạng ở phía Bắc và phía Nam chưa có sự phối hợp chặt chẽ; việc giáo dục, giác ngộ chính trị ở một số nơi cho quần chúng cơ bản chưa được triệt để. Lợi dụng tình hình đó, ngày 30/8/1945, một toán quân Tưởng lấy danh nghĩa là quân Đồng Minh vào giải giáp quân Nhật đã vào chiếm đóng thị xã Hà Giang. Bám gót quân Tưởng, giữa tháng 9/1945, tên Hoàng Quốc Chính, Uỷ viên Trung ương của Việt Nam Quốc dân Đảng cầm đầu một toán quân chiếm đồn Quản Bạ. Đến cuối tháng 9/1945, chúng chiếm đóng thị xã Hà Giang và lập ra tỉnh Đảng bộ Việt Nam Quốc dân Đảng.

Trước tình thế cách mạng có nhiều diễn biến khó khăn, phức tạp, Trung ương Đảng, Xứ ủy Bắc kỳ đã nhanh chóng trực tiếp chỉ đạo tăng cường lực lượng cho phong trào cách mạng ở Hà Giang. Mục tiêu chính lúc này là chống áp bức, bóc lột của thực dân và phong kiến, đánh đuổi các Đảng phái phản động, tiến đến tiêu diệt hoàn toàn bè lũ Quốc dân Đảng Hoàng Quốc Chính. Đi đôi với các biện pháp tranh thủ thuyết phục, lôi kéo về chính trị, việc đẩy mạnh hoạt động vũ trang để giải phóng châu lỵ cũng được tích cực triển khai thực hiện và đã giành được thành công: Châu lỵ Bắc Quang (ngày 4/11/1945), châu lỵ Hoàng Su Phì (ngày 15/11/1945), các đồn Quản Bạ và Bạch Đích, Đồng Văn (ngày 21/11/1945). Đặc biệt, với chủ trương mềm dẻo, linh hoạt, lực lượng cách mạng của ta đã lôi kéo, thuyết phục tiểu đoàn khố đỏ làm cuộc binh biến giải phóng thị xã Hà Giang (ngày 8/12/1945). Đây là sự kiện có ý nghĩa quyết định việc kết thúc căn bản đấu tranh giành chính quyền cách mạng trong phạm vi toàn tỉnh, mở ra một thời kỳ mới trong lịch sử phát triển của đồng bào các dân tộc Hà Giang.

Ngày 25/12/1945, đồng thời với việc thành lập Ủy ban hành chính lâm thời tỉnh Hà Giang, Xứ ủy Bắc Kỳ quyết định thành lập Đảng bộ tỉnh Hà Giang. Từ đây, chính quyền cách mạng ở cấp huyện, xã cũng được kiện toàn, củng cố từng bước. Ở một vài khu vực vùng cao thuộc phạm vi ảnh hưởng của thổ ty như ở Đồng Văn, Mèo Vạc, ta đã kiên trì tranh thủ vận động thổ ty, tiến tới thành lập chính quyền mới dưới sự chỉ đạo thống nhất của chính quyền dân chủ nhân dân cấp trên. 

Nguyễn Yến


Tác giả: Nguyễn Yến
Thống kê truy cập
Hôm nay : 1.932
Hôm qua : 3.657
Tháng 05 : 67.288
Năm 2024 : 366.702