Về đây đồng đội ơi!
"Về đây chiến sỹ của tôi ơi
Sức trẻ đôi mươi hóa đất trời
Còn mãi Vị Xuyên thời máu đỏ
Anh hùng liệt sỹ tấm gương soi"
Giữ lời ước hẹn với đồng đội, tháng 7, hàng nghìn cựu chiến binh và thân nhân các Anh hùng liệt sỹ lại trở về miền biên giới Vị Xuyên để gặp mặt, tri ân, ôn lại truyền thống hào hùng của đơn vị và khắc khoải nhớ mong những đồng đội còn trên các điểm cao, trong khe đá, dưới thung sâu chưa được tìm thấy. Nước mắt xúc động ngày gặp lại hòa vào mây trời biên cương.
Cựu chiến binh Sư đoàn 356 dâng hương viếng các Anh hùng liệt sỹ tại đền thờ 468, xã Thanh Thủy. |
Cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc diễn ra từ năm 1979 - 1989. Mặt trận Vị Xuyên là chiến trường ác liệt, không lúc nào ngớt tiếng súng từ bên kia biên giới bắn sang. Với ý chí “Một tấc không đi, một ly không rời” và lời thề người lính "Sống bám đá đánh giặc, chết hóa đá bất tử", quân và dân ta đã anh dũng chiến đấu, hy sinh, bảo vệ toàn vẹn biên cương Tổ quốc. Thắng lợi vẻ vang nhưng chúng ta chịu nhiều tổn thất. Hơn 4.000 cán bộ, chiến sỹ, đồng bào ta đã anh dũng chiến đấu, hy sinh. Hàng ngàn người bị thương, hàng nghìn ha ruộng vườn, đồi núi bị cày xới, ô nhiễm bom, mìn, vật nổ. Đến nay, nhiều liệt sỹ vẫn chưa tìm được hài cốt, nhiều mộ liệt sỹ chưa xác định được thông tin.
Năm nay, kỷ niệm 40 năm ngày mở màn chiến dịch chiếm lại các điểm cao bị địch chiếm đóng trái phép (Chiến dịch MB-84), Ban liên lạc cựu chiến binh Sư đoàn 356 tổ chức gặp mặt đồng đội tại chiến trường xưa. Gần 1.500 cựu chiến binh, thân nhân các Anh hùng liệt sỹ đã về dự lễ gặp mặt. Trên điểm cao 468, những nhân chứng lịch sử xúc động kể cho người thân, du khách nghe về cuộc chiến đấu anh dũng, về những mất mát, hy sinh và tình quân dân thắm thiết giữa bộ đội và nhân dân Hà Giang. Cựu chiến binh Hồ Viết Xuân, Trung đoàn 876, Sư đoàn 356 không quản ngại đường xa, từ Bình Phước ra Hà Giang thăm đồng đội. Ông chia sẻ: "Tôi tham gia chiến đấu tại mặt trận Vị Xuyên từ năm 1984 - 1988, trực tiếp tham gia các trận đánh ác liệt giành lại các điểm cao. Hôm nay về lại đây như về quê hương thứ 2 của mình, đài hương 468 và Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên được xây dựng khang trang thể hiện sự quan tâm lớn của cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân đối với sự hy sinh to lớn của các Anh hùng liệt sỹ, chúng tôi về đây thấy ấm lòng".
Các cựu chiến binh kể cho người thân, du khách nghe về cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc. |
Chuyến về chiến trường xưa năm nay, cựu chiến binh Lê Thanh Tình, quê Nghệ An có thêm người bạn đồng hành là vợ ông, bà Lò Thị Miên. Chỉ tay về phía các điểm cao, ông Tình trực tiếp làm "hướng dẫn viên", giới thiệu cho vợ cặn kẽ về các địa danh, các trận đánh ác liệt. Bà Miên lau vội dòng nước mắt, chia sẻ: "Đây là lần đầu tiên tôi đến Hà Giang, qua những câu chuyện của chồng trước đây, tôi đã hình dung về một mặt trận Vị Xuyên ác liệt của 40 năm trước, nhưng khi trực tiếp đến đây, nhìn địa hình hiểm trở, thắp hương cho các đồng đội của chồng, chứng kiến tình cảm thắm sâu của những người lính ngày gặp lại, tôi cảm nhận rõ hơn nỗi đau, mất mát, cực khổ mà các anh đã trải qua, càng hiểu và thương chồng mình nhiều hơn".
Dâng hương viếng các Anh hùng liệt sỹ tại Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên và đền thờ trên điểm cao 468, Trung tá Đặng Việt Châu, nguyên Phó Chủ nhiệm Sư đoàn 356, Phó Ban liên lạc cựu chiến binh Sư đoàn 356 xúc động: "Chiến tranh đã lùi xa, những "lò vôi thế kỷ" đã được phủ xanh, đời sống người dân miền biên viễn đang tốt lên mỗi ngày, nhưng chúng ta không thể lãng quên, vẫn khắc khoải nỗi đau, luôn nhớ về Nặm Ngặt, nơi hàng nghìn chiến sỹ hy sinh đến nay chưa tìm thấy hài cốt....".
Niềm vui ngày gặp lại đồng đội sau 40 năm xa cách. |
Biên cương đã ngừng chiến trận từ lâu, màu xanh cuộc sống đã hồi sinh trên vùng chiến địa ác liệt năm nào. Xã Thanh Thủy đạt đô thị loại V, hướng đến mục tiêu trở thành vùng trọng điểm phát triển KT - XH khu vực phía Bắc của huyện Vị Xuyên nói riêng và của tỉnh Hà Giang nói chung. Hạ tầng được đầu tư, nâng cấp, tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình giai đoạn 2019 - 2023 đạt trên 10,7%/năm; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 36 triệu đồng/năm; 100% dân cư khu vực tập trung có nhà ở kiên cố, bán kiên cố; tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt trên 90%, được sử dụng điện đạt trên 97%; hệ thống mạng điện thoại và internet phủ kín 100% địa bàn. Trung tâm thương mại Cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy trở thành khu dịch vụ thương mại tổng hợp.
Thực hiện đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", tri ân các Anh hùng liệt sỹ, Đảng, Nhà nước và nhân dân quan tâm, xây dựng Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên và Đền thờ trên điểm cao 468 khang trang. Những phần mộ liệt sỹ được chăm sóc chu đáo, có hoa, cờ Tổ quốc và hương khói quanh năm. Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên giờ là "trang viên" ấm lòng người ở lại, là "địa chỉ đỏ" giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Tháng 7, Đài hương 468 đón đồng đội trở về trong làn mây trắng mỏng, vờn bay trên các điểm cao, đủ để đồng đội nhìn rõ những 1509, 812, 772, 685, 233... Hỡi những đồng đội còn nằm trên các điểm cao, dưới khe đá hay thung sâu, cùng tụ hội về đây, dưới áng hương trầm thơm tỏa, xin được gọi tên các anh...
Bài, ảnh: AN GIANG