A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Văn hóa Hà Giang - Động lực phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh

CTTBTG - Ngày 28/10, Hà Giang đã tổ chức Hội nghị văn hóa năm 2023 với chủ đề: ‘‘Văn hóa Hà Giang - động lực phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh”. Đây là Hội nghị có ý nghĩa rất quan trọng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và ý kiến chỉ đạo của Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc, ngày 24 tháng 11 năm 2021. Hội nghị đã đánh giá sâu sắc, toàn diện về những thành tựu đã đạt được, những hạn chế, yếu kém cần khắc phục trên lĩnh vực xây dựng, phát triển văn hóa, con người Hà Giang trong suốt những năm qua, đồng thời đề ra những nhiệm vụ, giải pháp trong giai đoạn mới hiện nay. Hội nghị đã thu hút sự quan tâm và kỳ vọng sâu sắc của đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh, nhất là đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa, văn học, nghệ thuật. Thành công của Hội nghị đã được lan tỏa sâu rộng, tạo thành động lực mạnh mẽ thúc đẩy văn hóa Hà Giang phát triển và tỏa sáng; đóng góp xứng đáng vào sự phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của tỉnh trong giai đoạn mới.

Toàn cảnh Hội nghị văn hóa tỉnh Hà Giang năm 2023

Để chuẩn bị cho Hội nghị, dưới sự chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, các cơ quan chức năng đã tích cực triển khai, tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch số 412-KH/TU ngày 17/7/2023 tổ chức Hội nghị văn hóa năm 2023, đồng thời triển khai thực hiện kế hoạch đạt hiệu quả, đặc biệt Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã chủ động, tích cực phối hợp với các cơ quan Trung ương và địa phương có liên quan, nghiên cứu, xây dựng báo cáo, phóng sự và đặt vấn đề các tham luận, tìm ra các giải pháp nhằm xây dựng và phát triển văn hóa, con người Hà Giang trong bối cảnh đổi mới và hội nhập, để văn hóa Hà Giang thực sự là động lực phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh. Trong quá trình chuẩn bị, Hội nghị đã nhận được số lượng lớn bài tham luận với tổng số 51 bài, trong đó có 12 bài của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu văn hóa ở Trung ương và 39 bài của các nhà quản lý ở địa phương, đội ngũ văn nghệ sĩ, nghệ nhân dân gian, các cơ quan, đơn vị, địa phương trong toàn tỉnh... Các bài viết đã tập trung làm rõ vị trí, vai trò của văn hóa trong đời sống xã hội, những thành tựu to lớn, cũng như những hạn chế, yếu kém, những vấn đề còn tồn tại phải giải quyết, đồng thời đưa ra các giải pháp khắc phục trong thời gian tới, như: Định vị văn hóa Hà Giang trong nền văn hóa Việt Nam thống nhất trong đa dạng; Bảo tồn di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững ở Hà Giang; Phát triển văn hóa, con người Hà Giang vì mục tiêu giàu mạnh, văn minh, hạnh phúc; Thực hiện lời Bác Hồ căn dặn Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang trong sự nghiệp xây dựng văn hóa Hà Giang tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc ; Phát huy giá trị văn hóa, con người Hà Giang đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững trong giai đoạn hiện nay; Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Hà Giang; Nguồn lực văn hóa phục vụ phát triển bền vững Hà Giang giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Phát triển đội ngũ văn nghệ sỹ và nâng cao chất lượng tác phẩm văn học nghệ thuật; Phát huy vai trò của đội ngũ trí thức trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người Hà Giang thời kỳ hội nhập... Những ý kiến tâm huyết gửi tới Hội nghị sẽ là cơ sở quan trọng để cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp đề ra các chủ trương, chính sách phù hợp nhằm thúc đẩy mạnh mẽ sự nghiệp xây dựng, phát triển văn hóa, con người Hà Giang trong giai đoạn mới.

Đồng chí Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa và các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy Hà Giang chủ trì Hội nghị

Phát biểu đề dẫn, khai mạc hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Thào Hồng Sơn nhấn mạnh, Hội nghị văn hóa toàn tỉnh năm 2023 là dịp quan trọng để nhìn nhận, đánh giá sâu sắc, toàn diện về thực trạng và giải pháp xây dựng, phát triển văn hóa, con người Hà Giang trong giai đoạn mới, hướng đến các mục tiêu: Nhận diện một cách hệ thống giá trị văn hóa, giá trị chuẩn mực của con người Hà Giang với vai trò là động lực, nguồn lực phát triển nhanh và bền vững trong giai đoạn mới, để làm cơ sở, tiền đề trong hoạch định chính sách trong thời gian tới; tiếp tục cụ thể hóa các nội dung cốt lõi của Hội Nghị Văn hóa toàn quốc; tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện các quan điểm, chủ trương của Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa, con người, đồng thời  đề ra các nhiệm vụ, giải pháp mang tính đột phá, tạo chuyển biến mới tích cực trong việc xây dựng văn hóa, con người Hà Giang; nâng cao nhận thức, động viên toàn Đảng, toàn quân và toàn dân trong tỉnh, nhất là các nhà văn hóa, trí thức, văn nghệ sĩ tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất đồng lòng, dốc sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

 Báo cáo kết quả xây dựng và phát triển văn hóa con người Hà Giang; thực hiện kết luận của đồng chí Tổng Bí thư tại Hội nghị văn hóa toàn quốc và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVII về văn hóa, được thể hiện qua hai phóng sự tại Hội nghị đã đánh giá sâu sắc và toàn diện kết quả phát triển văn hóa, con người Hà Giang trong suốt những năm qua, đặc biệt là kết quả triển khai thực hiện Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư tại Hội nghị văn hóa toàn quốc và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII về lĩnh vực văn hóa. Báo cáo đã khẳng định những đóng góp to lớn của văn hoá và là động lực quan trọng trong xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo vững chắc quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh. Một số kết quả được ghi nhận như: Nhận thức của hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân từ tỉnh đến cơ sở về vai trò, nhiệm vụ xây dựng, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Hà Giang được đầy đủ và toàn diện hơn. Nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy được đổi mới; hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước về văn hóa được nâng cao. Công tác xây dựng môi trường văn hóa được triển khai qua phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với phong trào “Xóa bỏ hủ tục lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh” trong nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh, được các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai quyết liệt và đồng bộ, thực sự lan tỏa đi vào đời sống của nhân dân. Công tác bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc được quan tâm triển khai thực hiện, văn hóa của các dân tộc thiểu số từng bước được khôi phục, bảo tồn và phát triển, thể hiện qua 131 di sản văn hóa vật thể, 446 di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc đã được nhận diện, lưu giữ, bảo tồn cùng rất nhiều di sản được xếp hạng, tu bổ, tôn tạo, phục dựng và phát huy tương đối hiệu quả. Việc giáo dục truyền thống văn hóa địa phương trong trường học được triển khai tương đối đồng bộ, đạt được những kết quả đáng khích lệ. Các hoạt động sáng tác, biểu diễn, quảng bá văn học, nghệ thuật được quan tâm, tạo điều kiện phát triển thông qua các cơ chế, chính sách cụ thể. Việc xây dựng văn hóa trong Đảng và trong hệ thống chính trị; văn hóa trong kinh tế; xây dựng văn hóa số được chú trọng, tăng cường. Nguồn lực đầu tư cho sự nghiệp văn hóa có bước cải thiện đáng kể. Đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa, văn học, nghệ thuật có sự thay đổi về chất. Hoạt động giao lưu, quảng bá các giá trị văn hóa Hà Giang với nhân dân trong nước và quốc tế được quan tâm.

Đại biểu dự Hội nghị

Bên cạnh những kết quả quan trọng đã đạt được, Báo cáo cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém và những vấn đề đang đặt ra trong lĩnh vực văn hoá như: Hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Hà Giang chưa được định vị rõ ràng, nhất quán. Chưa có những giải pháp đồng bộ để giữ gìn và phát huy hiệu quả giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc. Môi trường văn hóa ở một số vùng đồng bào dân tộc vẫn còn nhiều biểu hiện bị ô nhiễm, thiếu lành mạnh; phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân ở một số địa phương còn thiếu bền vững, việc công nhận các danh hiệu văn hóa có mặt còn mang tính hình thức. Trong sáng tác, biểu diễn, truyền bá các tác phẩm văn học nghệ thuật còn thiếu các tác phẩm có giá trị cao. Công tác bảo tồn ngôn ngữ, chữ viết của một số dân tộc thiểu số đang có xu hướng bị mai một. Một bộ phận không nhỏ thế hệ trẻ thiếu hiểu biết, chưa ý thức đầy đủ trách nhiệm đối với việc giữ gìn, trang phục truyền thống dân tộc, thiếu sức đề kháng văn hóa trước sự xâm nhập của các sản phẩm độc hại, lai căng. Cơ chế, chính sách cho văn hóa tuy có bước phát triển mạnh mẽ, nhưng còn nhiều mặt chưa đáp ứng được yêu cầu. Hệ thống thiết chế văn hóa và cơ sở vật chất, kỹ thuật cho hoạt động văn hóa còn thiếu đồng bộ, có nơi xuống cấp. Công tác quy hoạch, đào tạo, bố trí cán bộ lãnh đạo, quản lý văn hóa các cấp, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao còn nhiều hạn chế, bất cập. Việc quảng bá, giới thiệu giá trị, sản phẩm văn hóa Hà Giang đến với bạn bè trong nước và quốc tế còn thiếu bài bản.

Đồng chí Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu chỉ đạo Hội nghị

Tại Hội nghị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đã biểu dương những cố gắng nỗ lực và thành tựu quan trọng mà Hà Giang đã đạt được trên các lĩnh vực, nhất là việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Hà Giang và đề nghị trong thời gian tới Hà Giang tiếp tục nghiên cứu, ban hành Nghị quyết chuyên đề của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Hà Giang, tầm nhìn đến năm 2045, tập trung vào 7 nhóm nhiệm vụ trọng tâm: Nâng cao nhận thức và quán triệt đầy đủ các quan điểm tư tưởng của Đảng về văn hóa; vị trí, vai trò của nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa, con người trong sự nghiệp phát triển nhanh và bền vững tỉnh Hà Giang; quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện hiệu quả 6 nhóm nhiệm vụ, 4 nhóm giải pháp lớn về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc. Triển khai hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam tại Hà Giang một cách sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tiễn của tỉnh. Tiếp tục đổi mới tư duy, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa trên địa bàn tỉnh; khai thác có hiệu quả giá trị di sản văn hóa, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tăng cường phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể trung ương; nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Tập trung phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành văn hóa, chăm lo xây dựng, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ, nghệ nhân dân gian truyền dạy văn hóa truyền thống cho thế hệ trẻ. Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế về văn hóa, tăng cường phát triển văn hóa đối ngoại. Tăng cường tuyên truyền, quảng bá hình ảnh của Hà Giang, đặc biệt là quảng bá các di sản văn hóa riêng có của Hà Giang

Quyền Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Nguyễn Mạnh Dũng phát biểu tại Hội nghị

Tiếp thu chỉ đạo của Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa các ý kiến tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học, văn nghệ sỹ, nghệ nhân, các nhà quản lý, các sở, ngành, địa phương trong tỉnh; Quyền Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Nguyễn Mạnh Dũng giao nhiệm vụ cho Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với các cấp, các ngành, đơn vị, địa phương trong toàn tỉnh chủ động tham vấn các chuyên gia, các cơ quan chuyên môn ở Trung ương, tiếp tục tổng kết lý luận và thực tiễn, tham mưu Tỉnh uỷ ban hành Nghị quyết chuyên đề về “Xây dựng và phát triển văn hoá, con người Hà Giang đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững”. Đồng thời đề nghị Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa, sức mạnh con người Hà Giang đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững, tập trung thực hiện tốt 4 nhóm nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Cụ thể là: Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý lĩnh vực văn hóa; xác định phát triển văn hóa và xây dựng con người là một nhiệm vụ trọng tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu; đồng bộ hóa các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển văn hóa và xây dựng con người với các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo vững chắc quốc phòng, an ninh của tỉnh. Vận dụng và triển khai thực hiện có hiệu quả hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới, phù hợp với điều kiện thực tiễn của tỉnh; tổ chức nghiên cứu, xác định các giá trị văn hóa, giá trị chuẩn mực con người Hà Giang, từ đó định vị những giá trị truyền thống được lưu giữ và những giá trị định hướng cho sự phát triển trong giai đoạn mới. Quan tâm và triển khai các giải pháp đồng bộ, đột phá trong công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị di sản văn hóa, nhất là các di sản đã được vinh danh, gắn với phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh; nâng cao hiệu quả mô hình hoạt động của nghệ nhân dân gian, chất lượng giáo dục văn hóa truyền thống, văn hóa cách mạng trong nhà trường và trong thế hệ trẻ. Chú trọng phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, môi trường văn hóa, đời sống văn hóa trên địa bàn tỉnh; tập trung xây dựng văn hóa trong Đảng và trong hệ thống chính trị gắn với tăng cường xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ; thực hiện tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, gắn với bài trừ các hủ tục lạc hậu, phong tục tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân trên địa bàn toàn tỉnh; nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa, văn học, nghệ thuật, trên địa bàn dân cư; huy động sự tham gia tích cực của đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức trong sáng tạo và quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật; đẩy mạnh truyền thông, quảng bá giá trị văn hóa đến với nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế; phát huy lợi thế của công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn, đẩy mạnh giới thiệu, quảng bá vẻ đẹp của đất và người Hà Giang nói riêng, vẻ đẹp của đất nước, con người Việt Nam nói chung ra thế giới.

GS.TS Mạch Quang Thắng, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý khoa học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu về thực hiện Tám lời Bác Hồ căn dặn Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang trong sự nghiệp xây dựng văn hóa Hà Giang tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Nghệ nhân ưu tú Vàng Chá Thào, Chủ tịch Hội Nghệ nhân dân gian xã Phố Cáo (Đồng Văn) phát biểu về giải pháp bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc Mông trên địa bàn tỉnh.

Nghệ nhân ưu tú Vàng Chá Thào, Chủ tịch Hội Nghệ nhân dân gian xã Phố Cáo (Đồng Văn) phát biểu về giải pháp bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc Mông trên địa bàn tỉnh.

Một tiết mục nghệ thuật đặc sắc của huyện Mèo Vạc tại Hội nghị 

Đánh giá, nhìn lại chặng đường đã qua và định hướng nhiệm vụ xây dựng, phát triển văn hóa, con người Hà Giang trong những năm tiếp theo, Hội nghị văn hóa năm 2023 sẽ là sự kiện ghi dấu ấn đặc biệt. Văn hóa Hà Giang sẽ phát triển và tỏa sáng, thực sự trở thành nền tảng tinh thần, sức mạnh nội sinh quan trọng, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng ở địa phương, góp phần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XVII.

Nguyễn Thị Hải Hà


Nguồn: Ban Biên tập
Thống kê truy cập
Hôm nay : 2.398
Hôm qua : 3.750
Tháng 05 : 64.097
Năm 2024 : 363.511