A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh 6 tháng đầu năm 2023

CTTBTG - Mặc dù phải đối mặt với rất nhiều bất lợi, khó khăn, thách thức, nhưng với sự nỗ lực và quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự quyết liệt chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, sự đoàn kết, thống nhất và đồng hành, ủng hộ của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, tỉnh đã đạt được nhiều kết quả trong triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm năm 2023.

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 6.378,4 tỷ đồng, tăng 21,1% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 43,1% kế hoạch. Trong đó: Vốn đầu tư thuộc nguồn vốn nhà nước quản lý thực hiện 3.309,7 tỷ đồng, tăng 50,9% so với cùng kỳ; vốn đầu tư của dân cư và tư nhân 3.042,4 tỷ đồng, giảm 0,51% so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ đạt 7.864,5 tỷ đồng, tăng 15,83% so với cùng kỳ. Tổng dư nợ tín dụng đạt 28.154 tỷ đồng, tăng 1,1% so với cuối năm 2022. Các hoạt động xuất khẩu hàng hóa qua cửa khẩu của tỉnh; thương mại, dịch vụ diễn ra khá sôi động. Cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy (Việt Nam) - Thiên Bảo (Trung Quốc), Xín Mần - Đô Long đã chính thức khôi phục hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 148,5 triệu USD, tăng 6,7 lần so với cùng kỳ, trong đó: Xuất khẩu 102,3 triệu USD, nhập khẩu 46,2 triệu USD. Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội; các Chương trình Mục tiêu quốc gia được triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả. Tập trung thi công các dự án giao thông trọng điểm, giao thông đối ngoại, các tuyến đường liên tỉnh, liên vùng. Tổ chức khởi công Dự án Cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn 1) đoạn qua tỉnh Hà Giang; dập dâng nước tạo cảnh quan thành phố Hà Giang; cải tạo, nâng cấp đường Minh Ngọc – Mậu Duệ; nâng cấp, cải tạo đường Yên Bình - Cốc Pài; Dự án PaPiu - Lũng Hồ 2 tại xã Lũng Hồ, huyện Yên Minh; khánh thành dự án Cải tạo, nâng cấp Bảo tàng tỉnh…

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các đồng chí lãnh đạo Trung ương và lãnh đạo tỉnh cắt băng khánh thành Bảo tàng tỉnh (ảnh baohagiang.vn)

Chú trọng phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, tập trung vào các cây con có thế mạnh, sản phẩm đặc hữu, đặc trưng của tỉnh; sản xuất nông nghiệp tăng trưởng khá, tăng 4,61% so với cùng kỳ. Trong đó, diện tích gieo trồng các loại cây đạt 59.918,4 ha; tổng sản lượng lương thực có hạt sơ bộ đạt 121.115 tấn; sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 33.145,9 tấn, tăng 5,56% so với cùng kỳ; tổng sản lượng thủy sản thu hoạch đạt 1.470,5 tấn, tăng 4,59%; trồng rừng mới tập trung được 1.586,3ha, trồng cây phân tán 867,8 nghìn cây các loại. Giá trị sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm ước đạt 3.408,6 tỷ đồng.

Lĩnh vực văn hoá - xã hội có nhiều tiến bộ. Tổ chức dạy và học đảm bảo hiệu quả, phù hợp với kế hoạch năm học; các cơ sở giáo dục đã hoàn thành tổng kết năm học 2022 - 2023; xét tốt nghiệp Trung học sơ sở năm học 2021 - 2022; kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 và kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023 đảm bảo an toàn, nghiêm túc, chất lượng và hiệu quả. Thành lập và đi vào hoạt động Phân hiệu đại học Thái Nguyên tại tỉnh với kỳ vọng từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh. Công tác khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, phòng chống dịch bệnh, củng cố mạng lưới y tế tuyến cơ sở được quan tâm. Toàn tỉnh giải quyết việc làm cho 12.460 lao động; duy trì đào tạo hệ Cao đẳng, Trung cấp cho 1.723 người; tuyển mới đào tạo cho 8.580 người, tăng 245% so với cùng kỳ. Các giá trị văn hóa truyền thống, di sản văn hóa được bảo tồn và phát huy. Hoạt động du lịch có nhiều khởi sắc, Tổ chức thành công Festival Khèn Mông tỉnh Hà Giang, Lễ hội Văn hóa ẩm thực ba miền Bắc - Trung - Nam năm 2023 và Lễ hội Chợ Phong lưu Khâu Vai năm 2023 thu hút sự quan tâm của du khách trong và ngoài nước; lượng khách du lịch đạt 1.418.000 lượt người, tăng 28,2% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 56,7% kế hoạch. Công tác đảm bảo an sinh xã hội được quan tâm; các chế độ, chính sách cho các đối tượng người có công, đồng bào dân tộc thiểu số, người lao động và các đối tượng bảo trợ xã hội trong dịp Lễ, Tết được triển khai kịp thời, đầy đủ.

Lễ hội chợ Phong lưu Khâu Vai 2023 (ảnh baohagiang.vn)

Công tác chuyển đổi số được triển khai tích cực đồng bộ trên cả 03 phương diện: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Tổ chức các Hội nghị ký kết hợp tác giữa UBND tỉnh Hà Giang với tập đoàn FPT, tập đoàn Bưu chính - Viễn thông (VNPT) và tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) về chuyển đổi số. Trong 6 tháng, toàn tỉnh tiếp nhận, xử lý 39.311 hồ sơ cấp CCCD; tiếp nhận, hướng dẫn người dân đăng ký 243.000 tài khoản định danh điện tử; tuyên truyền, hướng dẫn người dân đăng ký 243.000 tài khoản định danh điện tử; kích hoạt 142.318 tài khoản định danh điện tử. Đưa 25/25 dịch vụ công thiết yếu lên cổng dịch vụ công quốc gia.

Trong 6 tháng cuối năm, tỉnh sẽ tập trung triển khai quyết liệt các giải pháp chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 03 chương trình mục tiêu quốc gia. Tập trung nguồn lực cho dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn 1). Đẩy mạnh cải cách hành chính; thực hiện đồng bộ các giải pháp cải thiện môi trường và thu hút đầu tư; thực hiện tốt công tác chuyển đổi số. Tiếp tục phát triển các sản phẩm du lịch đa dạng; phát triển nông nghiệp gắn với ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại. Nâng cao hiệu quả hoạt động kinh tế cửa khẩu. Đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới và chỉnh trang đô thị tại trung tâm các xã, thị trấn, các huyện và thành phố. Nâng cao hiệu quả hoạt động của các trường dân tộc nội trú, triển khai tốt công tác tuyển sinh của Phân hiệu đại học Thái Nguyên. Tiếp tục thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, các chính sách an sinh xã hội và giữ gìn, phát huy bản sắc và các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, đặc trưng của các dân tộc…


Tác giả: Phạm Hải
Nguồn: Ban Biên tập
Thống kê truy cập
Hôm nay : 104
Hôm qua : 2.071
Tháng 06 : 70.844
Năm 2024 : 483.230