Tính gương mẫu trong thực hiện xoá bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu trong đảng viên.
CTTBTG - Với 19 dân tộc cùng sinh sống đoàn kết đã tạo nên cho huyện Quản Bạ một bức tranh về văn hoá mang đậm đà bản sắc truyền thống của từng dân tộc. Song, hiện nay một số hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu trong đồng bào các dân tộc không còn phù hợp cần phải bài trừ và loại bỏ. Nhằm giải quyết vấn đề đó, việc thực hiện và đưa Nghị quyết số 27 của Tỉnh uỷ và Đề án số 16 ĐA/HU, ngày 16/6/2022 của Ban Thường vụ Huyện uỷ Quản Bạ về thực hiện xoá bỏ các hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện đi vào cuộc sống của Nhân dân các dân tộc là thực sự cần thiết.
Chủ tịch Uỷ ban MTTQ VN huyện Quản Bạ Dương Chính Phù ( người đứng phát biểu) cùng lãnh đạo các Ban xây dựng Đảng huyện uỷ, cấp uỷ, chính quyền địa phương vận động gia đình thực hiện di nguyện của đảng viên Vàng Xín Dư tổ chức đám tang theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 27 và Đề án số 16.
Sau hơn một năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 27 của Tỉnh uỷ và Đề án số 16, ngày 16/6/2022 của Ban Thường vụ huyện, trên địa bàn huyện Quản Bạ đã cho thấy nhiều kết quả tích cực đó là sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và Nhân dân. Từ đó, từng bước thay đổi nhận thức của nhân dân trong việc xoá bỏ các hủ tục, phong tục tập quán lạc hậu không còn phù hợp, đưa nhân dân được tiếp cận những nếp sống văn minh mới. Trong đó, có thể kể đến tính tiên phong, gương mẫu của những đảng viên tại cơ sở trong việc thực hiện Nghị quyết số 27 và Đề án số 16 này.
Đảng viên Vàng Xín Dư, dân tộc Mông, sinh năm 1957 tại thôn Lò Suối Tủng, xã Tả Ván, huyện Quản Bạ nguyên là Phó Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh uỷ Hà Giang đã nghỉ hưu theo chế độ, được biết đến là đảng viên gạo cội, là người có uy tín tại cơ sở rất được nhân dân tín nhiệm, tin tưởng. Có thể nói, khi Nghị quyết số 27 của Tỉnh uỷ và Đề án số 16 của Ban Thường vụ Huyện uỷ Quản Bạ được triển khai và đưa vào cụ thể hoá thực hiện tại địa phương với các nhiệm vụ và giải pháp liên quan đến việc: trong tổ chức đám tang, đám cưới, lễ hội và đời sống sinh hoạt. Từ sự uy tín, tiếng nói của mình, đảng viên Vàng Xín Dư đã cùng cấp uỷ, chính quyền địa phương nỗ lực trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt Nghị quyết số 27 và Đề án số 16. Đã có lâu đời và ăn sâu vào tiềm thức của đồng bào dân tộc Mông về tổ chức đám tang phải kéo dài trong nhiều ngày, giết mổ nhiều gia súc, gia cầm cúng tế, việc đóng góp hiện vật tràn lan, người chết không đưa vào áo quan dẫn đến tiềm ẩn nhiều nguy cơ về mất vệ sinh, ảnh hưởng đến sức khoẻ, môi trường xung quanh, kinh phí tổ chức đám tang tốn kém dẫn đến nặng gánh cho gia chủ. Trong Nghị quyết số 27 và Đề án số 16 có những nhiệm vụ, giải pháp hết sức cụ thể để khắc phục tình trạng tổ chức đám tang trong đồng bào dân tộc Mông. Từ tính nêu gương của đảng viên Vàng Xín Dư luôn đồng hành cùng cấp uỷ, chính quyền địa phương trong công tác Dân vận, hiện trên địa bàn xã Tả Ván 10/11 dòng họ người dân tộc Mông thực hiện đưa chết vào áo quan, 08 thôn bản thành lập Ban tang lễ…
Các bài Khèn tại đám tang đã được đơn giản hoá, rút ngắn về số lượng và thời gian song vẫn đảm bảo đúng theo phong tục của dân tộc Mông.
Rạng sáng ngày 31/7/2023, sau một thời gian chống trọi với bệnh hiểm nghèo, đảng viên gạo cội, người có uy tín Vàng Xín Dư đã qua đời ở tuổi 67 tại nhà riêng thuộc thôn Lò Suối Tủng, xã Tả Ván. Trước đó, đảng viên Vàng Xín Dư từng chia sẻ: “Chúng ta phải biết rằng các hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu không còn phù hợp thì cần phải bài trừ, các nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc thì tiếp tục phát huy, phải biết phân biệt đâu là hủ tục lạc hậu, đâu là văn hóa truyền thống. Việc đưa người chết vào áo quan trong đồng bào dân tộc Mông theo Nghị quyết sô 27 và Đề án số 16 thực sự là một cuộc cách mạng tư duy, không phải dễ nhưng cũng không phải là không, thực hiện được. Tuyên truyền không được nhanh chóng, cần có thời gian. Tôi cũng nói với lãnh đạo xã rằng phải có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và Nhân dân. Tôi đến với bà con vào các giờ trong ngày, cả kể buổi tối có chuyện gì mới, tôi cũng chạy sang tâm sự, tỉ mẩn với bà con. Quan trọng, là phải gắn kết được tình làng, nghĩa xóm, đoàn kết trong bà con, một dòng họ thực hiện, thì dòng họ sau cũng sẽ theo”
Theo gia đình chia sẻ, di nguyện của đảng viên Vàng Xín Dư trước khi qua đời đó là “ Nếu không may ông chết thì dòng họ và gia đình chỉ cần tổ chức 01 đám tang đơn giản theo đúng Nghị quyết số 27 và Đề án số 16 để làm gương cho các dòng họ, gia đình người dân tộc Mông khác tại xã”. Thực hiện di nguyện, lễ tang của đảng viên Vàng Xín Dư đã được gia đình tổ chức đơn giản, tiết kiệm, người quá cố được đưa vào áo quan. Các bài Khèn trong đám tang được cắt giảm cơ bản về số lượng và thời gian từ 30 bài (theo phong tục ngày xưa của người dân tộc Mông) xuống còn 12 bài Khèn. Đặc biệt, thời gian tổ chức đám tang đến khi chôn cất của đảng viên Vàng Xín Dư là 36 tiếng, tức sớm hơn 12 tiếng so với Đề án số 16 quy định là không quá 48 giờ. Một số phong tục lạc hậu trong đám tang của người dân tộc Mông đã được loại bỏ hoàn toàn tại đám tang như: Tục treo người chết 07 ngày trên cột nhà, tục bón cơm….
Có thể nói, việc tổ chức đám tang tiết kiệm, đơn giản của đảng viên Vàng Xín Dư là một điển hình cho thấy tính gương mẫu của đảng viên và gia đình đảng viên trong thực hiện Nghị quyết số 27 và Đề án số16 tại huyện. Điều đó, càng thêm khẳng định rằng, các hủ tục, phong tục tập quán lạc hậu trong đồng bào các dân tộc thiểu số tại huyện cho dù có từ lâu đời, đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân đều có thể được thay đổi nhờ công tác dân vận khéo, từ những việc làm cụ thể, thiết thực. Từ đây, nhận thức của đồng bào dân tộc Mông trên địa bàn huyện Quản Bạ nói riêng và các dân tộc khác tại huyện đã có những thay đổi tích cực trong xoá bỏ các hủ tục, phong tục tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang.
Trong thời gian tới, Đảng bộ huyện Quản Bạ sẽ tiếp tục tập trung vào công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 27-NQ/TU và Đề án số 16- ĐA/HU với nhiều giải pháp cụ thể: Tăng cường công tác tuyên truyền, bám sát nội dung tuyên truyền trong cuốn Sổ tay tuyên truyền cải tạo, bài trừ tập tục lạc hậu trong đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Hà Giang để thực hiện đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương và từng dân tộc nhằm thay đổi tư duy, nhận thức của Nhân dân xóa bỏ hủ tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh. Các xã, thị trấn tiếp tục thực hiện việc rà soát các hủ tục lạc hậu, xây dựng kế hoạch, đưa ra từng giải pháp cụ thể xóa bỏ từng hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu của đồng bào các dân tộc trên địa bàn như: Trong tổ chức việc cưới tiếp tục thực hiện tiết kiệm, không thách cưới, ép rượu đảm bảo phù hợp với văn hoá tiến bộ; Trong việc tang thay hình thức phúng viếng, đi lễ, trả lễ bằng gia súc, gia cầm, hiện vật sang hình thức bằng tiền, khi làm lễ cúng dùng hình tượng hoặc chỉ bày đầu, chân gia súc cho phù hợp và tiết kiệm. Phát huy vai trò của người có uy tín, Hội nghệ Nhân dân gian, già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ, đảng viên. Để qua đó, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu trong phát triển kinh tế, văn hóa- xã hội, quốc phòng- an ninh.