A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Thực trạng và những vấn đề đặt ra trong phát triển kinh tế xanh ở tỉnh Hà Giang

Nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của phát triển kinh tế xanh, Hà Giang đã cụ thể hóa nhiệm vụ phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường bằng các quy hoạch, kế hoạch, đề án phát triển cho từng ngành, địa phương nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế xanh.

 

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã chỉ rõ nhiệm vụ phát triển kinh tế cần gắn với bảo vệ môi trường. 

1. Thực trạng phát triển kinh tế xanh ở tỉnh Hà Giang

Nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của phát triển kinh tế xanh, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã chỉ rõ nhiệm vụ phát triển kinh tế cần gắn với bảo vệ môi trường. Theo đó, trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền tỉnh Hà Giang đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành trong tỉnh cụ thể hóa nhiệm vụ phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường bằng các quy hoạch, kế hoạch, đề án phát triển cho từng ngành, địa phương, nhằm đẩy  mạnh  phát  triển kinh tế xanh(1)

Kết quả quá trình phát triển kinh tế trong thời gian qua của tỉnh Hà Giang ghi nhận nhiều dấu ấn tích cực, song cũng bộc lộ một số hạn chế làm ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển kinh tế xanh và bền vững. Cụ thể:

Lĩnh vực nông nghiệp

Mô hình tăng trưởng nông nghiệp của tỉnh Hà Giang hiện nay còn bộc lộ một số hạn chế, bất cập như: quy mô sản xuất hộ gia đình nhỏ lẻ, khó áp dụng các quy trình sản xuất khép kín, quy mô lớn của nông nghiệp xanh, trình độ ứng dụng khoa học và công nghệ của nông dân chưa cao. Một số địa phương chưa tuân thủ tốt các quy định, quy chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm gắn với bảo vệ môi trường. Mặc dù trang trại, hộ chăn nuôi, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, chế biến nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh có phương pháp, hệ thống xử lý nước thải, chất thải, song phương pháp, phương tiện xử lý còn đơn giản, thô sơ, gây ảnh hưởng tới môi trường.

Lĩnh vực lâm nghiệp

Tỉnh Hà Giang đặc biệt chú trọng công tác bảo vệ rừng, nhất là đối với khu vực rừng đặc dụng, rừng phòng hộ. Tuy nhiên, việc chuyển đổi đất rừng thành đất canh tác nông nghiệp, trồng cây công nghiệp hoặc nuôi trồng thủy sản, hoạt động khai thác khoáng sản, quá trình đô thị hóa và phát triển cơ sở hạ tầng hoặc thực hiện các dự án đầu tư xây dựng thời gian gần đây đã dẫn đến việc mất, chia cắt hay phá vỡ các hệ sinh thái, sinh cảnh tự nhiên, làm suy giảm đa dạng sinh học. Nguy cơ mất rừng, suy thoái rừng còn tiềm ẩn. Ngành lâm nghiệp tỉnh Hà Giang mặc dù có tiềm năng phát triển lớn, có sứ mệnh quan trọng nhưng đang  trong  tình trạng phát triển chưa bền vững và đóng góp chưa tương xứng cho nền kinh tế - xã hội.

Lĩnh vực công nghiệp

Hiện nay, tỉnh Hà Giang có 36 nhà máy thủy điện đang hoạt động với tổng công suất thiết kế 725,7 MW. So với nhiệt điện, thủy điện cung cấp một nguồn năng lượng sạch, không phát sinh khí thải gây hiệu ứng nhà kính, giải quyết nhu cầu sử dụng điện của địa phương. Tuy nhiên, việc xây dựng nhà máy thủy điện làm nhấn chìm nhiều nguồn thực vật, rừng cây, thay đổi dòng chảy, sạt lở, xói mòn đất. Tỉnh có 38 mỏ đang hoạt động khai thác, trong đó có 33 mỏ vật liệu xây dựng thông thường, 5 mỏ khoáng sản kim loại; 18 mỏ tạm dừng hoặc dừng hoạt động, trong đó có 12 mỏ khoáng sản kim loại, 6 mỏ vật liệu xây dựng thông thường. Số còn lại đang trong quá trình xây dựng, chưa đủ điều kiện đi vào khai thác. Mặc dù phần lớn cơ sở sản xuất, khai thác mỏ trên địa bàn tỉnh  đã  đầu  tư  thu  gom  xử  lý  bùn  thải  quặng,  tuy  nhiên, do các nhà máy tuyển quặng thường đặt cạnh dòng suối, ao lắng đắp bằng đập đất nên có những thời điểm xảy ra sự cố tràn bùn thải, nước thải ra suối, ảnh hưởng đến nước phục vụ tưới tiêu và sản xuất nông nghiệp của người dân phía hạ lưu, phát sinh bụi do quá trình vận chuyển. Tình trạng này đòi hỏi tỉnh Hà Giang cần phát triển sản xuất công nghiệp theo hướng đi mới, ít ảnh hưởng đến môi trường; đẩy mạnh quản lý, khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường.

Lĩnh vực du lịch

Hà Giang có tài nguyên thiên nhiên tươi đẹp, hùng vĩ, có văn hóa dân tộc độc đáo. Đảng bộ  tỉnh Hà Giang xác định phát triển du lịch xanh là một trong những nội dung trọng tâm trong phát triển kinh tế xanh. Trong những năm  qua, tỉnh Hà Giang đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách về phát triển du lịch gắn với văn hóa, tổ chức nhiều hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch, đẩy mạnh mô hình phát triển du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm, du lịch mạo hiểm, du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch lịch sử, du lịch tâm linh. Do đó, lượng khách du lịch đến Hà Giang ngày càng gia tăng. Năm 2023, lượng khách du lịch đến Hà Giang đạt 3 triệu lượt người, tăng 32% so với năm 2022, vượt 20% kế hoạch. Tổng doanh thu du lịch đạt 7.050 tỷ đồng. Hà Giang được công nhận là điểm đến du lịch mới nổi hàng đầu châu Á do Giải thưởng Du lịch Thế giới - World Travel Awards (WTA) lần thứ 30 khu vực châu Á và châu Đại Dương bình chọn. Tờ New York Times (Mỹ) xếp Hà Giang vào top 25/52 điểm đến hấp dẫn nhất thế giới. Tuy nhiên, kết quả phát triển du lịch ở Hà Giang thời gian qua vẫn chưa tương xứng với tiềm năng du lịch của tỉnh.

Lĩnh vực bảo vệ môi trường

Công tác quản lý và bảo vệ môi trường được cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh quan tâm, chú trọng với phương châm bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội gắn liền với bảo vệ môi trường theo hướng phát triển bền vững. Tuy nhiên, công tác quản lý, phân loại và xử lý rác thải, chất thải khu vực đô thị, khu vực nông thôn, quản lý chất thải rắn trong xây dựng dân dụng của Hà Giang còn nhiều bất cập. Hạ tầng thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt tại các đô thị chưa được đầu tư đồng bộ. Theo số liệu tổng hợp của Sở Xây dựng tỉnh Hà Giang năm 2019, tổng lượng nước thải sinh hoạt khu vực đô thị phát sinh 9.017 m3/ngày, nước thải sinh hoạt khu vực nông thôn phát sinh 39.672 m3/ngày. Phần lớn nước thải của các hộ gia đình trên địa bàn tỉnh đều xả trực tiếp ra các rãnh, kênh, ao, hồ, sông. Các bãi xử lý rác thải chưa được đầu tư hoàn chỉnh dẫn đến phát sinh ô nhiễm, ảnh hưởng đến môi trường và cuộc sống của nhân dân. Ý thức của một bộ phận dân cư về bảo vệ môi trường chưa cao, chưa trở thành thói quen, nếp sống. Các thói quen xấu như: vứt rác, chất thải bừa bãi ở nơi công cộng, nguồn nước... vẫn diễn ra, gây ô nhiễm môi trường, làm ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng. Ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của một số cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ chưa cao, vẫn còn tình trạng phát sinh chất thải gây ô nhiễm môi trường và gây bức xúc cho nhân dân. Hệ thống tổ chức, bộ máy quản lý về bảo vệ môi trường từng bước được kiện toàn, song vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đặc biệt là tại cấp huyện và cấp xã. Mặc dù trang thiết bị, phương tiện và cơ sở vật chất phục vụ công tác chuyên môn đã được đầu tư, song chưa đáp ứng được yêu cầu. Công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường mặc dù đã được quan tâm nhưng hiệu lực chưa cao, chưa đủ sức răn đe; việc phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường chưa nhiều và chưa triệt để. Rác thải sinh hoạt tại khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh được thu gom chiếm tỷ lệ thấp.

Biến đổi khí hậu, đời sống sinh hoạt và sản xuất gây ra ô nhiễm môi trường đang có  chiều hướng gia tăng.  Bên cạnh đó, mặc dù tỉnh đã triển khai các giải pháp bảo vệ tài nguyên thiên nhiên nhưng chưa thực sự hiệu quả. Nếu không có hướng đi mới, dự báo kinh tế Hà Giang trong những năm tới khó có thể phát triển  bền vững. Do đó, để phát triển kinh tế bền vững, tỉnh Hà Giang cần chủ động thực hiện tốt quá trình chuyển đổi kinh tế xanh. Đây là bước đi tất yếu, phù hợp với xu hướng phát triển kinh tế xanh trên toàn thế giới và tại Việt Nam.

2. Một số giải pháp phát triển kinh tế xanh ở tỉnh Hà Giang trong thời gian tới

Một là, đẩy mạnh và đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền nhằm tạo sự thống nhất trong nhận thức của người dân, doanh nghiệp, hệ thống chính trị về vai trò, ý nghĩa của phát triển kinh tế xanh; tuyên truyền các chương trình, dự án, nhiệm vụ phát triển kinh tế xanh, phục hồi hệ sinh thái, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên và đa dạng sinh học, bảo tồn hiệu quả các loài và nguồn gen, đặc biệt là áp dụng các giải pháp nhằm giảm nhẹ tác động từ sự phát triển kinh tế - xã hội tới các hệ sinh thái, thúc đẩy việc xây dựng và thực hiện các mô hình kinh tế sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên; tuyên truyền về phát triển nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp sạch, hữu cơ bền vững, công tác bảo vệ rừng, phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững; tuyên truyền các gương điển hình tiên tiến tại các địa phương trong toàn tỉnh. Tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc phân loại chất thải sinh hoạt tại nguồn; giảm thiểu tối đa sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy; không săn bắt, vận chuyển, tiêu thụ động vật hoang dã, quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng; không khai thác, đánh bắt, hủy diệt, sử dụng cạn  kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên; thả động vật con giống về với tự nhiên... Từ đó, từng bước thay đổi hành vi sản xuất, sinh hoạt của người dân, góp phần thúc  đẩy phát triển kinh tế xanh của tỉnh Hà Giang.

Hai là, trong lĩnh vực nông nghiệp, phát triển  nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp sạch, hữu cơ, bền vững. Đẩy nhanh tiến độ các dự án trồng rừng, tái tạo rừng, phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững. Thực hiện dồn điền đổi thửa và sử dụng đất theo định hướng thị trường để thúc đẩy cơ giới hóa và đa dạng hóa cây trồng, từ đó dẫn đến tăng năng suất. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư nông nghiệp bằng cách mở rộng hạn điền, cho phép tích tụ đất đai, chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp một cách  thông thoáng, linh hoạt hơn; nghiên cứu phát triển các mô hình liên kết khác trong nông nghiệp để người nông dân đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Tiếp tục nghiên cứu, ban hành, triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong việc tiếp cận tín dụng đầu tư vào khoa học và công nghệ trong nông nghiệp. Bên cạnh đó, cần thúc đẩy tổ chức lại sản xuất theo chuỗi liên kết, trong đó doanh nghiệp là hạt nhân liên kết, tổ chức sản xuất với hộ nông dân, trang trại, hợp tác xã để ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và quản trị chu trình sản xuất hàng hóa, truy xuất nguồn gốc.

Tập trung chỉ đạo, ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh hàng hóa đặc trưng theo chuỗi giá trị. Cùng với đó, tiếp tục chú trọng thực hiện tốt công tác bảo tồn nguồn gen cây trồng, bình tuyển một số giống cây đầu dòng như: chè Shan Tuyết, cam sành Hà Giang, cây ăn quả ôn đới (lê, mận, hồng không hạt...) của các địa phương trong tỉnh để tiếp tục phát triển.

Tiếp tục thực hiện tốt các chương trình, dự án về bảo vệ và phát triển rừng, đặc biệt là thực hiện Đề án “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025”; thực hiện tốt việc bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên; bảo tồn các loài hoang dã và các giống vật nuôi, cây trồng nguy cấp, quý hiếm; sử dụng bền vững và thực hiện cơ chế chia sẻ hợp lý lợi ích từ dịch vụ hệ sinh thái và đa dạng sinh học; kiểm soát các hoạt động gây tác động xấu đến đa dạng sinh học và bảo tồn đa dạng sinh học trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Tiến hành trồng rừng với những loài cây bản địa, đặc hữu, những loài có giá trị về bảo vệ nguồn gen và cảnh quan; khuyến khích, vận động người dân trồng và bảo vệ rừng.

Ba là, trong lĩnh vực công nghiệp, cần khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh, bảo đảm dự trữ hợp lý tài nguyên khoáng sản nhằm phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế địa phương bền vững; không triển khai mới các dự án khai thác khoáng sản, thủy điện khi chưa đáp ứng đủ các điều kiện về quy hoạch, bảo vệ môi trường. Tăng cường quản lý việc cấp phép, khai thác và chế biến khoáng sản bảo đảm đúng quy định, hạn chế tối đa tác động ô nhiễm môi trường.

Từng bước hạn chế các ngành kinh tế phát sinh chất thải lớn, gây ô nhiễm, suy thoái môi trường, tạo điều kiện phát triển các ngành sản xuất xanh mới. Khai thác tối đa các tiềm năng, lợi thế, tạo động lực cho tăng trưởng xanh phát triển, trong đó có nội dung thúc đẩy công nghiệp; thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo, giảm tỷ trọng công nghiệp khai thác; kết hợp hài hòa giữa phát triển công nghiệp theo cả chiều rộng và chiều sâu, tạo bước đột phá trong nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh và  giá  trị  của  sản phẩm công nghiệp; từng bước chuyển dịch ngành công nghiệp chế biến nông, lâm sản từ quy mô nhỏ mang tính truyền thống sang phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, vừa tạo ra các sản phẩm chất lượng cao, vừa bảo vệ môi trường.

Nghiên cứu, triển khai các giải pháp nâng cao hiệu suất và hiệu quả sử dụng năng lượng, giảm mức tiêu hao năng lượng; đẩy mạnh khai thác có hiệu quả và tăng tỷ trọng các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới. Tiếp tục rà soát quy hoạch phát triển mạng lưới thủy điện trên địa bàn tỉnh, nâng cao công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực thủy điện để bảo đảm các nhà máy thủy điện đang hoạt động không gây ảnh hưởng đến môi trường. Giảm  tổn  thất  điện  năng trên toàn tỉnh, phấn đấu đến năm 2030, các tòa nhà công sở và ít nhất 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu; 100% hệ thống chiếu sáng đường phố trên địa bàn tỉnh sử dụng đèn led. Khuyến khích lắp đặt, tích hợp sử dụng các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo như: năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng sinh khối, năng lượng rác...; ưu tiên sử dụng  các  thiết  bị  được  dán nhãn năng lượng hiệu suất cao; sử dụng hệ thống dự trữ năng lượng ở giờ thấp điểm để sử dụng vào giờ cao điểm. Thực hiện tốt việc quản lý, đánh giá công nghệ, chuyển giao công nghệ, thẩm định về thiết bị công nghệ và các hồ sơ, dự án về năng lượng. Qua đó, loại bỏ thiết bị và công nghệ lạc hậu, thiết bị đã qua sử dụng, giúp các cơ quan quản lý nhà nước kiểm soát được các vấn đề về công nghệ và chuyển giao công nghệ, bảo đảm đáp ứng tốt yêu cầu về công tác bảo vệ môi trường, nâng cao hiệu quả kinh tế.

Bốn là, về lĩnh vực du lịch, tiếp tục có giải pháp thực hiện mục tiêu phát triển du lịch xanh, bản sắc với việc phát triển 5 loại hình sản phẩm du lịch: du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch thể thao - mạo hiểm và thương mại biên giới. Trong đó, đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng, hướng tới danh hiệu “Làng văn hóa du lịch tiêu biểu”; thực hiện tốt chương trình mỗi xã một sản phẩm tiêu biểu; phát huy lợi thế về cảnh quan, giá trị đa dạng sinh học tại các khu bảo tồn thiên nhiên gắn với các di tích lịch sử, văn hóa... để hình thành, phát triển du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch tâm linh, du lịch mạo hiểm, đáp ứng nhu cầu của du khách trong nước và ngoài nước.

Tiếp tục nghiên cứu, triển khai thực hiện tốt các cơ chế, chính sách hỗ trợ đặc thù cho phát triển du lịch, như: hỗ trợ lãi suất cho vay; hỗ trợ đối với người trực tiếp trông coi di tích và nghệ nhân lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn toàn tỉnh... Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch thông qua tổ chức các sự kiện, hoạt động ngoại giao văn hóa, truyền thông trực tuyến trên các nền tảng công nghệ số, mạng xã hội, triển khai lắp đặt và duy trì hệ thống mã QRCode tại các điểm du lịch giúp cung cấp thông tin thuận tiện cho du khách. Tập trung nguồn lực và thu hút đầu tư để xây dựng hạ tầng du lịch, bao gồm nhựa hóa hoặc bê tông hóa đường đi đến các điểm du lịch, cứng hóa mạng lưới giao thông tại thôn, xóm để phục vụ du khách.

Tích cực đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, tuyên truyền về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với bảo vệ môi trường; tổ chức các hoạt động bảo vệ môi trường thu hút đông đảo nhân dân tham gia, hưởng ứng. Thực hiện đầu tư lắp đặt và vận hành hiệu quả các lò xử lý rác, bãi chôn lấp rác thải, chất thải  rắn; đầu tư mua sắm xe ôtô chở rác, xe đẩy tay và thùng đựng rác.

Năm là, thực hiện các quy hoạch gắn với mục tiêu tăng trưởng xanh. Quá trình phát triển đô thị cần gắn liền với các mục tiêu như: hiện đại hóa, tăng trưởng xanh, đô thị thông minh, đô thị có khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu... Quan tâm chỉ đạo, tích cực lồng ghép các mục tiêu phát triển đô thị tăng trưởng xanh và biến đổi khí hậu trong công tác lập Quy hoạch tỉnh Hà Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết tại các đô thị trên địa bàn tỉnh. Xác định rõ vai trò, chức năng của từng đô thị, nhất là các đô thị có vai trò động lực phát triển hệ thống đô thị trên địa bàn tỉnh với kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, bản sắc, thông minh, thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tiếp tục triển khai thực hiện công tác phân loại, thu gom, xử ý chất thải sinh hoạt theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường hiện hành. Nước thải sinh hoạt ở khu vực đô thị cần được thu gom xử lý bằng hệ thống xử lý nước thải của các hộ gia đình và hộ kinh doanh. Các dự án đầu tư trong khu đô thị (nhà hàng, khách sạn, trung tâm thương mại...) cần bảo đảm có hệ thống xử lý nước thải riêng. Hằng năm, duy trì thường xuyên hoạt động quan trắc môi trường không khí xung quanh tại khu vực đô thị, khu vực sản xuất công nghiệp có phát sinh khí thải để có giải pháp xử lý kịp thời.

Sáu là, tập trung đào tạo ngành, nghề phát triển kinh tế xanh, thúc đẩy tiêu dùng và mua sắm xanh, bền vững. Từng bước tạo lập môi trường và hình thành văn hóa, lối sống xanh. Tăng cường triển khai các giải pháp ứng dụng chuyển đổi số trong các hoạt động thương mại, như: hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh thực hiện tốt truy xuất nguồn gốc cây trồng, vật nuôi; xây dựng website bán hàng, tổ chức livestream quảng bá, giới thiệu sản phẩm...; tổ chức tìm kiếm thị trường tiêu thụ các sản phẩm đặc trưng  là thế mạnh của tỉnh đối với sản phẩm: cam sành, chè Shan tuyết, mật ong Bạc Hà, các sản phẩm chế biến từ dược liệu... tại trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối của các tỉnh, thành phố lớn trên cả nước.

Chủ động kiểm soát chặt chẽ hoạt động hóa chất, đặc biệt là đối với hóa chất mới, hóa chất nguy hiểm, hóa chất hạn chế kinh doanh, hóa chất cấm nhằm giảm thiểu những tác động tiêu cực đối với sức khỏe con người và môi trường.

Tập trung đào tạo nghề ở một số nhóm ngành, nghề nhằm tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế và xanh hóa nền kinh tế của tỉnh như: ngành nông nghiệp, ngành du lịch, ngành khách sạn - nhà hàng, ngành kỹ thuật điện, điện tử và viễn thông...

(1). Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 01/12/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Giang về phát triển bền vững cây cam sành trên địa bàn tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 01/12/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang về cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ để tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021 - 2025; Nghị quyết số 06-NQ/TU, ngày 10/5/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang về phát triển giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2021 - 2025; Nghị quyết số 11-NQ/TU, ngày 02/8/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang về phát triển du lịch Hà Giang, giai đoạn 2021 - 2025; Nghị quyết số 12-NQ/TU, ngày 11/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Giang về phát triển hạ tầng thương mại trên địa bàn tỉnh Hà Giang đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; Nghị quyết số 13-NQ/TU, ngày 11/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Giang về thu hút đầu tư giai đoạn 2021 - 2025; Nghị quyết số 15-NQ/TU, ngày 06/10/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Hà Giang, giai đoạn 2021 - 2025; Nghị quyết số 16-NQ/TU, ngày 10/10/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang về phát triển lâm nghiệp bền vững, giai đoạn 2021 - 2025; Nghị quyết số 17-NQ/TU, ngày 10/10/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang về phát triển nông nghiệp đặc trưng hàng hóa chất lượng cao theo chuỗi giá trị trên địa bàn tỉnh, giai  đoạn  2021 - 2025; Nghị quyết số 19-NQ/TU, ngày 26/11/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Giang về bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị Công viên địa chất toàn cầu UNESCO cao nguyên đá Đồng Văn giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn 2030; Nghị quyết số 26-NQ/TU, ngày 27/4/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang về tăng cường lãnh đạo thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Hà Giang giai đoạn 2021 - 2025; Nghị quyết số 27-NQ/TU, ngày 01/5/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang giai đoạn 2022 - 2025, định hướng 2030; Nghị quyết số 39-NQ/TU, ngày 05/4/2024 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang xây dựng và phát triển văn hóa, con người Hà Giang đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, giai đoạn 2024 - 2030...

T.S. Vương Ngọc Hà - Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hà Giang


Nguồn: Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam
Thống kê truy cập
Hôm nay : 1.326
Hôm qua : 3.304
Tháng 10 : 32.850
Năm 2024 : 835.827