A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Thẩm định Quy hoạch tỉnh Hà Giang thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050

CTTBTG - Chiều 14.2, tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hội đồng thẩm định Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Hội đồng thẩm định) tổ chức Hội nghị thẩm định Quy hoạch tỉnh Hà Giang. Đồng chí Nguyễn Chí Dũng, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch Hội đồng thẩm định chủ trì hội nghị. Tham dự có đại diện các bộ, ngành T.Ư và các chuyên gia.

 

Quang cảnh hội nghị
Quang cảnh hội nghị

Về phía tỉnh ta có các đồng chí: Đặng Quốc Khánh, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH khóa XV đơn vị tỉnh Hà Giang; Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Mạnh Dũng, Phó Bí thư Tỉnh ủy; Phạm Thúy Chinh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội; Tráng A Dương, Ủy viên thường trực Hội đồng Dân tộc Quốc hội, đại biểu Quốc hội khóa XV đơn vị tỉnh Hà Giang; các đồng chí trong BTV Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh.

Các đại biểu dự hội nghị
Các đại biểu dự hội nghị

Quy hoạch tỉnh Hà Giang thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định quan điểm: Phát triển KT-XH theo hướng xanh và bền vững trên cơ sở phát huy nội lực của tỉnh cùng với sự đầu tư, hỗ trợ của T.Ư và thu hút các nguồn lực khác, dựa trên 4 trụ cột tăng trưởng: Hạ tầng giao thông và hạ tầng số; du lịch bản sắc và đẳng cấp; hình thành chuỗi sản phẩm nông nghiệp đặc trưng phù hợp với khí hậu thổ nhưỡng của vùng; xây dựng phát triển các đô thị mang kiến trúc bản sắc (biên giới, núi cao, dân tộc) và hiện đại. Đẩy mạnh liên kết phát triển vùng và tăng cường mở cửa, hội nhập; tận dụng tốt nhất cơ hội, thúc đẩy chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực để tạo ra đột phá, lợi thế so sánh phát triển. Chuyển dịch mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế theo các lợi thế so sánh. Tận dụng công nghệ số để tiếp cận, kết nối các thị trường trong nước và quốc tế. Nâng cao chất lượng cuộc sống, tạo điều kiện sinh kế cho người dân và an sinh xã hội, y tế; giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng trong đồng bào dân tộc của tỉnh, thúc đẩy giảm nghèo; đẩy mạnh tiến bộ và công bằng xã hội; bảo tồn và phát huy các giá trị di tích lịch sử-văn hóa và cách mạng; coi trọng phát triển KT-XH, văn hóa, đời sống và kết cấu hạ tầng vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa, các vùng khó khăn và chậm phát triển.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại hội nghị
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại hội nghị

Một số mục tiêu phát triển quan trọng đến năm 2030: Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt trên 8%/năm. Cơ cấu kinh tế: Ngành nông - lâm - thủy sản khoảng 22%; ngành công nghiệp - xây dựng khoảng 29%; ngành dịch vụ khoảng 44%; thuế và trợ cấp khoảng 5%. Tổng sản phẩm bình quân đầu người đến năm 2030 đạt 95 triệu đồng, bằng 45% so với cả nước. Giai đoạn 2021 - 2030, tăng trưởng năng suất lao động đạt khoảng 7%/năm. Thu ngân sách trên địa bàn đến năm 2030 đạt 6.000 tỷ đồng. Nhu cầu huy động vốn đầu tư phát triển giai đoạn 2021 - 2030 trên 132 nghìn tỷ đồng. Tỷ lệ đầu tư trên GRDP bình quân khoảng 30%/năm. Khách du lịch năm 2030 đạt khoảng 5 triệu lượt người. Duy trì độ che phủ rừng đạt 60%. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều đến năm 2025 giảm còn 24%, đến 2030 còn 10%...

Bí thư Tỉnh ủy Đặng Quốc Khánh phát biểu tại hội nghị
Bí thư Tỉnh ủy Đặng Quốc Khánh phát biểu tại hội nghị

Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030 lựa chọn 3 khâu đột phá là: Phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông (đường cao tốc, sân bay…), hạ tầng đô thị, hạ tầng thương mại cửa khẩu, hạ tầng khu, cụm công nghiệp, hạ tầng số. Phát triển du lịch bản sắc, đẳng cấp; phát triển nông nghiệp đặc trưng, chất lượng cao sản xuất theo chuỗi giá trị. Tạo sinh kế, giảm nghèo và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Đồng thời xác định 3 nhiệm vụ trọng tâm, 4 trụ cột, 4 trục động lực tăng trưởng, 4 cực phát triển và phương hướng phát triển các lĩnh vực trọng tâm của tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn tiếp thu các ý kiến của Bộ trưởng và các thành viên Hội đồng thẩm định và các chuyên gia
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn tiếp thu các ý kiến của Bộ trưởng và các thành viên Hội đồng thẩm định và các chuyên gia

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Đặng Quốc Khánh cảm ơn sự quan tâm của T.Ư Đảng, Chính phủ, Quốc hội, các bộ, ngành T.Ư, các chuyên gia, nhà khoa học, đặc biệt là Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã quan tâm đến sự phát triển của tỉnh Hà Giang và đóng góp ý kiến cho quy hoạch của tỉnh thời gian qua.

Bí thư Tỉnh ủy khẳng định: Quá trình lập quy hoạch được tỉnh triển khai bài bản, khoa học, bám sát vào các định hướng chỉ đạo của T.Ư. Quan điểm xuyên suốt của tỉnh, với vị trí địa chính trị đặc biệt quan trọng, mục tiêu trọng yếu của tỉnh là đảm bảo QP-AN, giữ vững biên cương tổ quốc; vừa giữ dân, giữ đất, bảo vệ môi trường và giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc vừa có khát vọng đưa Hà Giang phát triển nhanh, bền vững.

Chuyên gia, PGS. TS Hoàng Văn Cường góp ý vào Quy hoạch tỉnh
Chuyên gia, PGS. TS Hoàng Văn Cường góp ý vào Quy hoạch tỉnh

Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn năm 2050 là nội dung rất quan trọng, là cơ sở để lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý toàn diện, thống nhất; là căn cứ để hoạch định chính sách, xây dựng kế hoạch đầu tư và kiến tạo động lực phát triển, là tiền đề để tỉnh thực hiện mục tiêu từng bước trở thành tỉnh phát triển khá của vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Đồng chí mong muốn nhận được các ý kiến đóng góp tâm huyết của các thành viên Hội đồng thẩm định, các chuyên gia, giúp tỉnh hoàn thiện hơn quy hoạch, thúc đẩy phát triển KT-XH toàn diện trong thời gian tới.

Chuyên gia TS. Trần Công Thắng góp ý vào Quy hoạch tỉnh
Chuyên gia TS. Trần Công Thắng góp ý vào Quy hoạch tỉnh

Góp ý vào Quy hoạch tỉnh Hà Giang thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, các chuyên gia và thành viên Hội đồng thẩm định cho rằng tỉnh đã chuẩn bị công phu, phù hợp với các quy định và nhất trí với các nội dung. Đồng thời cho rằng, tỉnh nên tiếp tục nhận diện, đánh giá kỹ hơn vị trí địa lý, tiềm năng, dư địa phát triển của tỉnh so với các địa phương trong khu vực, thực trạng và vị thế phát triển, chỉ rõ những nguyên nhân trọng tâm cản trở sự phát triển của tỉnh; làm rõ thêm quan điểm thực hiện quy hoạch, các khâu đột phá, các quy hoạch ngành, lĩnh vực; cân nhắc các chỉ tiêu phát triển trong giai đoạn 2021 – 2030…

Đại diện Bộ Quốc phòng, thành viên Hội đồng thẩm định tham gia ý kiến tại hội nghị
Đại diện Bộ Quốc phòng, thành viên Hội đồng thẩm định tham gia ý kiến tại hội nghị

Phát biểu chỉ đạo, kết luận hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng thẩm định khẳng định: Quy hoạch tỉnh có vai trò đặc biệt quan trọng, vừa chỉ rõ tiềm năng, lợi thế, những khó khăn, thách thức vừa xác định hướng đi mang tính đột phá để Hà Giang phát triển nhanh, bền vững vừa phù hợp xu hướng quốc tế và những chỉ đạo của Đảng, Chính phủ.

Bộ trưởng cho rằng, Hà Giang là tỉnh miền núi, biên giới có nhiều khó khăn. Quy hoạch tỉnh sẽ vẽ ra bức tranh mới cho Hà Giang, biến những hạn chế thách thức thành những tiềm năng, cơ hội phát triển. Khi có cách tiếp cận tốt, với nỗ lực, quyết tâm cao sẽ giải quyết được bài toán khó khăn hiện nay của Hà Giang. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chia sẻ.

Đại diện Bộ Xây dựng, thành viên Hội đồng thẩm định góp ý kiến tại hội nghị
Đại diện Bộ Xây dựng, thành viên Hội đồng thẩm định góp ý kiến tại hội nghị

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Hội nghị thẩm định là cơ hội cho tỉnh Hà Giang đánh giá lại những góp ý của Hội đồng thẩm định và các chuyên gia để nghiên cứu sắp xếp lại không gian phát triển, xác định được cơ hội, động lực, hướng đi, mục tiêu để tạo nên cách tiếp cận mới cho tỉnh phát triển với tầm nhìn, không gian, giá trị mới. 

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng yêu cầu tỉnh Hà Giang nghiêm túc tiếp thu, giải trình, rà soát các ý kiến góp ý của các bộ, ngành, các chuyên gia vào các hồ sơ quy hoạch tỉnh; chỉ đạo cơ quan tư vấn phối hợp với các sở, ngành cập nhật các chủ trương mới, xu thế mới trong phát triển KT-XH, phát triển vùng, quy hoạch tổng thể quốc gia; tập trung làm rõ các nội dung về tích hợp quy hoạch ngành, lĩnh vực vào quy hoạch chung của tỉnh; vai trò của tỉnh trong vùng, nhiệm vụ đảm bảo QP-AN, bảo tồn văn hóa, mục tiêu phát triển kinh tế biên mậu…

Theo Bộ trưởng, Hà Giang cần xác định rõ những động lực, đột phá trong tăng trưởng, sự đóng góp của các ngành, lĩnh vực cho sự phát triển. Lựa chọn thứ tự ưu tiên đột phá phát triển. Xác định định giá trị văn hóa, con người là nguồn lực, động lực phát triển. Hướng phát triển tập trung vào kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thông tin, 100% thành viên Hội đồng thẩm định đánh giá cao và nhất trí thông qua hồ sơ Quy hoạch tỉnh Hà Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhưng tỉnh cần bổ sung một số nội dung theo góp ý của các chuyên gia.

Tin, ảnh: Duy Tuấn


Nguồn: Báo Hà Giang
Thống kê truy cập
Hôm nay : 1.271
Hôm qua : 2.092
Tháng 04 : 70.895
Năm 2024 : 259.235