A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Tạo giải pháp đột phá trong xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số

CTTBTG - Mèo Vạc là huyện miền núi, biên giới có tới 17 dân tộc anh em cùng sinh sống. Trong những năm qua, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước ta về công tác cán bộ, Đảng bộ huyện Mèo Vạc đã dành sự quan tâm, chăm lo đặc biệt, triển khai nhiều giải pháp, cách làm sáng tạo nhằm bồi dưỡng, sử dụng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số.

Ảnh: Huyện ủy Mèo Vạc công bố quyết định về công tác cán bộ

Vai trò của đội ngũ cán bộ, đảng viên người dân tộc thiểu số ở cơ sở.

Chỉ vài năm trước, ở xã Pả Vi, hủ tục tang ma kéo dài nhiều ngày, nạn tảo hôn cùng nhiều hủ tục lạc hậu khác vẫn còn tồn tại rất nặng nề trong đời sống của cộng đồng dân tộc Mông. Mối quan hệ giữa xóa bỏ hủ tục, xây dựng nếp sống văn minh khu dân cư với công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc chưa đồng nhất. Vậy nhưng tất cả đã đổi thay nhanh chóng nhờ tư duy mới, cách làm sáng tạo và đặc biệt là ý thức trách nhiệm cao của chính những đảng viên, cán bộ lãnh đạo, người Mông đối với tương lai phát triển bền vững của cộng đồng mình. Đảng ủy xã đã chỉ đạo xây dựng quy ước, hương ước, tăng cường tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và gia đình mình phải đi trước, làm trước và cuối cùng là áp dụng các biện pháp cứng rắn ngăn chặn các hủ tục lạc hậu dựa trên chính luật tục và những điều kiêng kỵ của cộng đồng. Giải pháp gồm bốn bước ấy đã giúp cho cộng đồng dân tộc Mông ở Pả Vi huyện Mèo Vạc dần đoạn tuyệt với những hủ tục lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh, con em đồng bào được đến trường, được thực hiện những ước mơ, hoài bão đẹp của tuổi thơ. Đồng chí Lê Văn Quý Bí thư Đảng ủy xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc cho biết: Mỗi cán bộ của xã mặc dù có tuổi đời, tuổi nghề khác nhau, với nhiều phương thức, cách làm khác nhau, nhưng họ đều có điểm chung đó là những người “chân đi, miệng nói, tay làm”. Họ là những người có năng lực, uy tín trong cộng đồng dân cư, nhiệt tình, tâm huyết với công việc được giao. Nhiều vụ việc diễn ra trên địa bàn đã được giải quyết nhờ vai trò dân vận của những cán bộ là người dân tộc thiểu số. Bằng mối quan hệ họ hàng, làng xóm, đặc biệt là cách thức nói chuyện luôn bám sát cơ sở đã khiến việc tiếp xúc và nắm bắt tâm tư của cán bộ với bà con thuận lợi hơn. Sự hồ hởi, đồng tình của người dân trong việc thực hiện xây dựng nếp sống văn minh là minh chứng cho niềm tin của nhân dân, vào những người cán bộ, đảng viên, người con của chính cộng đồng mình.

Là địa phương có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tới hơn 90 % dân số, bên cạnh những tố chất chung cần có của người cán bộ lãnh đạo thì việc am hiểu phong tục, tập quán, ngôn ngữ, văn hóa, đời sống kinh tế của đồng bào là vô cùng quan trọng, giúp mỗi cán bộ, đảng viên có thể hoàn thành được trọng trách mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Vì vậy, trong suốt nhiều năm qua, huyện Mèo Vạc đã triển khai nhiều giải pháp tạo nguồn đào tạo, bồi dưỡng, quản lý và sử dụng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số. Có thể khẳng định đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số đã, đang và sẽ tiếp tục đóng góp vai trò quan trọng, góp phần tích cực thúc đẩy cho sự phát triển của huyện.

Luân chuyển, tăng cường cán bộ đi cơ sở

Trước những khó khăn trong phát triển kinh tế xã hội và công tác cán bộ tại một số địa phương, Đảng bộ huyện Mèo Vạc đã thực hiện công tác luân chuyển, tăng cường cán bộ cho các xã này. Việc tăng cường cán bộ hướng tới ba mục tiêu, vừa để thử thách và rèn luyện cán bộ trong môi trường công tác khó khăn, vừa giúp tạo ra những chuyển biến trong công tác lãnh đạo của hệ thống chính trị tại cơ sở và cuối cùng là cán bộ được tăng cường sẽ có trách nhiệm đào tạo đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số ở nơi mình được tăng cường đến.

Cuối năm 2018, từ cơ quan Huyện ủy Mèo Vạc, anh Mua Mí Sử được tăng cường về xã biên giới Thượng Phùng công tác. Sau gần 4 năm được tăng cường về cơ sở, với cương vị là người đứng đầu Đảng bộ xã, Bí thư Đảng ủy Mua Mí Sử đã cùng với đội ngũ cán bộ chủ chốt của Đảng bộ, chính quyền xã Thượng Phùng chủ yếu là cán bộ người bản địa tạo ra bước đột phá lớn nhất trong phát triển kinh tế địa phương với quy mô đàn gia súc đã phát triển lên tới 3.000 con. Thế mạnh lớn nhất của xã Thượng Phùng là chăn nuôi đại gia súc và giờ đây ở địa phương này hộ dân nào cũng phát triển nuôi trâu, bò; nhà ít thì vài con, nhà nhiều lên tới vài chục con. Dưới cái lạnh khắc nghiệt của mùa đông nơi đây, gia súc đã không bị chết rét vì có chuồng trại che chắn kín gió, tập quán nuôi gia súc gần nhà gây ô nhiễm môi trường cũng đã được xóa bỏ.

Ảnh: Bí thư Đảng uỷ Mua Mí Sử phát biểu tại hội nghị của Hội đồng nhân dân xã

Vượt qua những khó khăn cố hữu trong công tác cán bộ ở địa bàn vùng cao. Tại những nơi được tăng cường cán bộ, hệ thống chính trị cơ sở đã có những chuyển biến tích cực, sự trì trệ trong công tác lãnh đạo, điều hành, công tác tuyên truyền, vận động quần chúng đều có nhiều đổi mới. Không khí đoàn kết và cả phong cách làm việc của đội ngũ cán bộ cơ sở, đặc biệt là các cán bộ người dân tộc thiểu số đã thực sự khác nhiều so với trước. Với thực tế một chủ trương đa lợi ích như vậy, cho đến thời điểm này của nhiệm kỳ 2020 – 2025 Đảng bộ huyện Mèo Vạc đã luân chuyển, tăng cường 66 lượt cán bộ tại địa bàn các xã, thị trấn nhằm đáp ứng yêu cầu công tác lãnh đạo nhiệm vụ tại cơ sở, đồng thời phối hợp với Đảng ủy Biên phòng tăng cường cán bộ cho các xã biên giới.

Trở lại với xã vùng cao biên giới Thượng Phùng Cái, mặt trời dần lặn cũng là lúc đàn gia súc đã no nê cỏ, được người dân lùa về. Dưới những nếp nhà, một nhịp sống mới đang hiện hữu, xua đi sự khắc nghiệt của vùng cao núi đá. Những đổi thay tích cực đó có được chính là từ những cách làm sát, hợp với thực tiễn về công tác cán bộ tại những địa bàn vùng cao, biên giới.

Chú trọng đào tạo nguồn cán bộ người dân tộc thiểu số

Để xây dựng những địa bàn có đông đồng bào dân tộc thiểu số phát triển nhanh và bền vững, hòa nhập với sự phát triển chung của cả nước. Việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí và sử dụng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Chính vì vậy, Huyện ủy Mèo Vạc đã đề ra nghị quyết riêng về tập trung phát triển nguồn cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm thực hiện nhiệm vụ. Nghị quyết hướng đến mục tiêu từng bước bố trí hài hòa cán bộ là người dân tộc thiểu số, đặc biệt là dân tộc Mông trong các cơ quan của Đảng, chính quyền, các đơn vị, tổ chức chính trị - xã hội từ cấp huyện đến cơ sở; phù hợp với cơ cấu dân tộc, trình độ, năng lực, vị trí việc làm.

Đồng chí Vương Thị Thủy, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Mèo Vạc cho biết: Thực hiện nghị quyết, Huyện ủy Mèo Vạc đặt ra nhiều nhiệm vụ và giải pháp cụ thể. Trước hết là nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền về mục tiêu của nghị quyết; xây dựng môi trường giáo dục theo hướng phân luồng học sinh, tạo nguồn quy hoạch, đào tạo; đẩy mạnh công tác khuyến tài, khuyến học để giúp đỡ, hỗ trợ học sinh, sinh viên là người Mông có đủ điều kiện phát huy khả năng và năng lực của mình. Hàng năm, rà soát và khảo sát nguyện vọng của sinh viên người Mông tốt nghiệp các trường chuyên nghiệp để có hướng bồi dưỡng kết nạp Đảng cũng như bố trí, sử dụng vào những vị trí việc làm phù hợp. Đối với CBCVC là người Mông hiện đang công tác thì tiếp tục có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao về chuyên môn, nghiệp vụ; nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Dù đã đạt những kết quả nổi bật trong công tác này nhưng so với đòi hỏi của thực tế phát triển, Huyện ủy Mèo Vạc cũng thẳng thắn đánh giá số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số, có nơi vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Mặt khác, trình độ, năng lực của một số cán bộ còn bất cập so với yêu cầu nhiệm vụ, đặc biệt là ở cấp xã.

Để tháo gỡ những khó khăn trên, Huyện ủy Mèo Vạc sẽ tiếp tục nỗ lực làm tốt công tác cán bộ, đặc biệt là chăm lo phát triển đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số. Bởi điều này không chỉ góp phần quyết định mang tới cho địa phương sự phát triển phồn vinh mà còn là nền tảng đảm bảo cho sự ổn định, phát huy tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc ở một địa bàn đa dân tộc.

Minh Chuyên


Thống kê truy cập
Hôm nay : 1.264
Hôm qua : 3.304
Tháng 10 : 32.788
Năm 2024 : 835.765