A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Quang Bình tập trung khắc phục hậu quả sau mưa lũ

Trong đợt mưa lũ vừa qua, huyện Quang Bình là nơi chịu tổn thất nặng nề nhất, ước tính tổng thiệt hại trên 120 tỷ đồng. Đến nay, công tác khắc phục hậu quả sau mưa lũ đang được địa phương tập trung dồn sức thực hiện. Với trách nhiệm và tinh thần “Tương thân, tương ái”, nhiều tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm cũng đã đến chia sẻ, chung tay hỗ trợ người dân vùng lũ sớm ổn định cuộc sống.

Huy động nhân lực, phương tiện khắc phục tuyến đường đi xã Xuân Minh.

Huy động nhân lực, phương tiện khắc phục tuyến đường đi xã Xuân Minh.

Trận mưa lớn kéo dài vào đêm 15.9 trên địa bàn xã Xuân Minh đã khiến cho 5 người bị thương; 41 căn nhà bị sập đổ, trong đó, có 16 nhà bị thiệt hại hoàn toàn thuộc thôn Minh Sơn, Lang Cang, Nậm Chàng và Pắc Pèng; hàng chục ha lúa bị đất đá vùi lấp; gia súc, gia cầm, trên 20 tấn chè cùng nhiều tài sản khác bị nước lũ cuốn trôi. Tuyến đường đi vào trung tâm xã có đến 30 điểm sạt lở, các tuyến đường liên thôn, bản vẫn bị chia cắt, chưa thể thông xe. Bên cạnh đó, hệ thống điện, đường ống nước, các công trình dân sinh bị hư hỏng nghiêm trọng. Mưa lũ đi qua đã làm cho hàng chục hộ dân phút chốc phải rơi vào cảnh màn trời chiếu đất, mất nhà, mất của, trắng tay hoàn toàn.

Cố gắng thu dọn những gì còn lại sau trận lũ lịch sử, anh Phùng Sùn Chòi, thôn Minh Sơn, xã Xuân Minh vẫn chưa thể tin cơ ngơi chục tỷ đồng trong 10 năm xây dựng xưởng sản xuất chè đã mất hết theo dòng nước lũ. Chỉ trong vòng vài tiếng đồng hồ nước lũ từ nhiều nơi dồn về con suối trước nhà, làm ngập toàn bộ nhà xưởng, máy móc, thiết bị vùi lấp trong bùn đất, hơn 3 tấn chè thành phẩm trôi theo dòng nước. Anh Chòi ngậm ngùi cho biết: “Nhìn nước lũ cuốn trôi tài sản nhưng tôi không làm được gì, giờ nếu làm lại từ đầu, tôi rất mong muốn được tỉnh, huyện quan tâm hỗ trợ nguồn lực giúp hợp tác xã có hướng khôi phục sản xuất nghề chè truyền thống”.

Người dân xã Xuân Minh khiêng xe máy qua cầu tràn.

Người dân xã Xuân Minh khiêng xe máy qua cầu tràn.

Theo đánh giá, xã Xuân Minh là địa bàn chịu tác động nặng nề nhất trong đợt lũ này và là trận lũ lớn nhất trong hơn 30 năm qua. Ngay sau khi thiên tai xảy ra, cấp ủy, chính quyền xã đã trực tiếp xuống các thôn nắm tình hình, huy động cán bộ, các hội, đoàn thể đến hỗ trợ các hộ dân bị sập nhà, hộ nằm trong vùng nguy cơ sạt lở cao di dời đến các nơi an toàn, trước mắt là ở nhờ nhà anh em, người thân. Những ngày này, ngoài số tiền hỗ trợ ban đầu của huyện, xã, các ban, ngành, đoàn thể, các đoàn từ thiện cũng đã kịp thời đến động viên, hỗ trợ lương thực, thực phẩm và đồ dùng cần thiết cho các gia đình bị thiệt hại. Hiện xã cũng đã rà soát, lên phương án chọn nơi tái định cư cho người dân. Tuy nhiên, thiệt hại của người dân rất lớn, bà con nơi tâm lũ đang gồng mình khắc phục hậu quả thiên tai, cuộc sống trước đã khó khăn, sau lũ lại càng chồng chất khó khăn hơn - đồng chí Phù Quang Sỹ, Bí thư Đảng ủy xã Xuân Minh cho biết.

Nhà ở của chị Sùng Thị Dậu, thôn Nậm Chàng, xã Xuân Minh bị đất đá vùi lấp hoàn toàn.

Nhà ở của chị Sùng Thị Dậu, thôn Nậm Chàng, xã Xuân Minh bị đất đá vùi lấp hoàn toàn.

Theo báo cáo, mưa lũ xảy ra trên địa bàn huyện Quang Bình làm 9 người bị thương, 1 người mất tích; 155 nhà ở bị đổ sập, ngập, sạt đất, đá và tốc mái; 427 ha lúa chuẩn bị cho thu hoạch và hàng trăm ha ngô, lạc, rau màu, cây chè, cam, bưởi bị thiệt hại; 40 con trâu và hàng nghìn con gia súc, gia cầm, thủy sản chết, mất trắng. Về giao thông, hàng chục km đường liên huyện, liên xã, thôn, cầu, cống, kênh, mương thủy lợi bị sạt lở, đứt gãy, hư hỏng, lũ cuốn trôi... Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện đã chỉ đạo các thành viên, các xã, thị trấn huy động lực lượng 4 tại chỗ để sơ tán người dân, tài sản ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở, lũ ống, lũ quét. Đồng thời, tổ chức thăm hỏi, động viên các gia đình bị thiệt hại, công tác tìm kiếm người mất tích vẫn đang được thực hiện.

Qua trao đổi, đồng chí Tăng Trung In, Phó Chủ tịch UBND huyện Quang Bình cho biết: “Công tác khắc phục hậu quả thiên tai được tiến hành khẩn trương, linh hoạt ngay sau khi lũ rút. Đặc biệt, đối với gia đình có thiệt hại về người và 22 hộ có nhà ở bị sập hoàn toàn, huyện đã trích kinh phí hỗ trợ ban đầu là 74 triệu đồng và cấp 1.215 kg gạo cứu trợ. Ngoài việc huy động lực lượng giúp dân sửa chữa lại nhà cửa, xử lý môi trường, khôi phục sản xuất nông nghiệp, huyện tập trung khôi phục các công trình hạ tầng dân sinh thiết yếu như: Giao thông, thủy lợi để phục vụ sản xuất, sinh hoạt của nhân dân. Trước diễn biến bất thường của thời tiết, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện khuyến cáo người dân nêu cao cảnh giác, không chủ quan để hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra”.

Bài, ảnh: MỘC LAN

 


Thống kê truy cập
Hôm nay : 1.203
Hôm qua : 1.586
Tháng 12 : 41.373
Năm 2024 : 978.071