Phụ nữ Hà Giang: Tiếp tục phát huy truyền thống thời kỳ đổi mới
CTTBTG - Trong thời kỳ đấu tranh chống thực dân phong kiến, nhất là từ năm 1927 đã có những tổ chức quần chúng bắt đầu hình thành và thu hút đông đảo tầng lớp phụ nữ tham gia như: Công Hội Đỏ, Nông Hội Đỏ, các nhóm tương tế, tổ học nghề và nhiều tổ chức khác có tính chất riêng của giới nữ.
Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Đông Dương thành lập. Đảng sớm nhận rõ, phụ nữ là lực lượng quan trọng của cách mạng và đề ra nhiệm vụ: Đảng phải giải phóng phụ nữ, gắn liền giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp với giải phóng phụ nữ. Phụ nữ phải tham gia các đoàn thể cách mạng (công hội, nông hội) và thành lập tổ chức riêng cho phụ nữ để lôi cuốn các tầng lớp phụ nữ tham gia cách mạng. Chính vì vậy, vào ngày 20 tháng 10 năm 1930, Hội Phụ nữ phản đế Việt Nam (nay đổi tên là Hội Phụ nữ Việt Nam) chính thức được thành lập. Sự ra đời của Hội Phụ nữ phản đế Việt Nam đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc trong tư duy của Đảng về lãnh đạo công tác vận động phụ nữ. Trải qua các thời kỳ cách mạng, phụ nữ Việt Nam không chỉ là hậu phương vững chắc cho tiền tuyến mà chính họ còn là những chiến sỹ cách mạng kiên cường bất khuất, những nữ dân quân du kích, nữ thanh niên xung phong mở đường, tải gạo, tải đạn với ý chí quật cường, chịu đựng gian khổ với tinh thần lạc quan cách mạng, họ chăm sóc thương binh, đồng đội bằng tất cả tấm lòng yêu thương; đó chính là các tấm gương như: chị Nguyễn Thị Minh Khai, chị Võ Thị Sáu, chị Lê Thị Hồng Gấm, chị Nguyễn Thị Định, Bác sĩ Đặng Thùy Trâm... Ghi nhận những đóng góp của phụ nữ Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: Giang sơn gấm vóc Việt Nam là do phụ nữ Việt Nam, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ. Sau Đại thắng mùa Xuân năm 1975, thực hiện Nghị quyết của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc thống nhất các đoàn thể nhân dân, từ ngày 10-12/6/1976, Hội nghị Thống nhất Hội Liên hiệp Phụ nữ toàn quốc được tổ chức. Hội nghị đã nhất trí quyết nghị: Thống nhất sự chỉ đạo hoạt động của Hội Liên hiệp Phụ nữ trong cả nước trong một tổ chức là Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Hội nghị cũng quyết định lấy ngày 20/10/1930 là ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Đến năm 2010, tại Thông báo số 382-TB/TW ngày 15/10/2010 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ban Bí thư đồng ý lấy ngày 20/10 hàng năm là ngày Phụ nữ Việt Nam. Là tỉnh miền núi, biên giới, nhiều dân tộc, trong thời kỳ đấu tranh giành chính quyền cách mạng, dưới sự vận động, tuyên truyền của Đảng, cán bộ Việt Minh, phụ nữ Hà Giang luôn phát huy truyền thống đoàn kết, lao động cần cù, sáng tạo, kiên cường đấu tranh chống giặc ngoại xâm. Trong khoảng thời gian từ năm 1943 đến đến tháng 10/1945, phong trào phụ nữ Hà Giang được phát triển mạnh mẽ với hoạt động của các tổ chức: Ban Vận động phụ nữ (xã Hùng An, Bắc Quang); Hội phụ nữ cứu quốc Tiểu khu Trọng Con (Bắc Quang), Hội phụ nữ cứu quốc xã Yên Phú (Bắc Mê)... Tháng 10/1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Trung ương Hội phụ nữ, phong trào thi đua ái quốc "Diệt giặc ngoại xâm", "Diệt giặc đói"'; phong trào thi đua lập thành tích chào mừng sự kiện tổ chức Hội phụ nữ Việt Nam đầu tiên tròn 15 năm được thành lập, các tầng lớp phụ nữ trên địa bàn tỉnh tích cực hưởng ứng sôi nổi với khí thế thi đua cách mạng. Trước yêu cầu thực tiễn đặt ra cần thiết phải có tổ chức Hội trực tiếp lãnh đạo phong trào phụ nữ trên địa bàn tỉnh, Hội Phụ nữ cứu quốc tỉnh Hà Giang được thành lập do đồng chí Phương Lâm phụ trách. Sau khi được thành lập, Hội đã tích cực vận động chị em phụ nữ tham gia tổ chức, tham gia dân quân tự vệ; tích cực chỉ đạo thành lập tổ chức Hội phụ nữ cứu quốc tại các huyện và xã...Phát huy truyền thống đã đạt được, bước vào thời kỳ đổi mới, phong trào phụ nữ tỉnh Hà Giang không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng; không ngừng đổi mới, sáng tạo, xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh; tích cực vận động chị em phụ nữ khắc phục khó khăn, thực hiện có hiệu quả các mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội. Từ năm 2015 đến nay, phụ nữ tỉnh Hà Giang tích cực triển khai các hoạt động tham gia xây dựng Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, đã có trên 5.000 chị được kết nạp vào Đảng. Phong trào phụ nữ phát triển kinh tế lan tỏa mạnh mẽ, nhiều mô hình kinh tế cho thu nhập cao được nhân rộng, toàn tỉnh có gần 700 doanh nghiệp, hợp tác xã do phụ nữ làm chủ và trên 3.000 nữ tiểu thương, hơn 400 phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh theo loại hình kinh tế hộ. Các cấp hội hỗ trợ trên 500 triệu đồng, trên 50 nghìn ngày công và hàng nghìn cây, con giống giúp hàng nghìn hội viên phát triển kinh tế, thoát nghèo. Các cuộc vận động, phong trào thi đua được các cấp Hội triển khai sáng tạo, linh hoạt, hiệu quả, đã có trên 2.500 tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực được biểu dương, khen thưởng; hàng nghìn mô hình, câu lạc bộ được nhân rộng; hơn 1.000 phần việc, công trình phụ nữ chung tay xây dựng nông thôn mới; gần 3.000 hộ đạt tiêu chí “5 không, 3 sạch”. Trải qua quá trình hình thành và phát triển, phụ nữ tỉnh Hà Giang đã trải qua 17 kỳ Đại hội (Ảnh: Đại hội đại biểu phụ nữ tỉnh Hà Giang lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2021-2026)Tại Đại hội đại biểu phụ nữ tỉnh Hà Giang lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2021-2026 với chủ đề "Phát huy truyền thống đoàn kết, vượt khó; xây dựng tổ chức Hội vững mạnh; vì sự tiến bộ và hạnh phúc của phụ nữ; góp phần đưa Hà Giang phát triển bền vững, bản sắc", phụ nữ tỉnh Hà Giang xác định cần tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng tổ chức Hội vững mạnh vì sự tiến bộ và hạnh phúc của phụ nữ, có nhiều đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà. Cùng với phụ nữ cả nước luôn giữ vai trò quan trọng, cống hiến to lớn, góp phần xây dựng và bảo vệ đất nước, giữ gìn và phát huy truyền thống vẻ vang 8 chữ vàng như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng phong tặng “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” trong thời kỳ đổi mới....Nguyễn Yến, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy