A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Phong trào “Xóa bỏ hủ tục lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh” góp phần xây dựng văn hóa, con người Hà Giang

CTTBTG - Hà Giang là một tỉnh vùng cao biên giới với 19 dân tộc anh em cùng chung sống. Trong suốt quá trình trưởng thành và phát triển, mỗi dân tộc đều có những giá trị văn hoá truyền thống riêng, độc đáo, phản ánh chân thực đời sống văn hoá của dân tộc mình qua từng thời kỳ lịch sử. Với đặc thù là tỉnh miền núi, phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 90%, trình độ dân trí không đồng đều, đời sống còn gặp nhiều khó khăn, nhiều phong tục tập quán, hủ tục lạc hậu còn tồn tại. Chính vì vậy, trong những năm qua cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở luôn quan tâm chú trọng đến công tác xây dựng văn hóa, con người trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trọng tâm là xóa bỏ các phong tục, hủ tục lạc hậu...Các chủ trương, chính sách được ban hành và thực hiện đã góp phần quan trọng trong việc xây dựng văn hóa, con người, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, đồng thời tạo động lực để phát triển đời sống kinh tế -xã hội của địa phương.

Quyền Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Dũng thăm hỏi người dân thôn Sảng Pả 1

Quyền Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Dũng thăm hỏi người dân thôn Sảng Pả 1, xã Đường Thượng huyện Yên Minh trong chuyến công tác tháng 9 năm 2023. Ảnh: Văn Nghị

Thực hiện Kết luận số 76-KL/TW, ngày 04/6/2020 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI về xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; Kết luận chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc và Nghị quyết đại hội XVII của Đảng bộ tỉnh Hà Giang. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 09-CT/TU, ngày 10/5/2021 về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng bài trừ các hủ tục lạc hậu, ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Hà Giang; tiếp đó Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 6/10/2021 về “Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa Hà Giang, giai đoạn 2021-2025 và  Nghị quyết số 27-NQ/TU, ngày 01/5/2022 về thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030; đồng thời chỉ đạo các cấp ủy Đảng, cơ quan, đơn vị  tăng cường công tác tuyên truyền, triển khai thực hiện bài trừ, xóa bỏ các hủ tục lạc trong nhân dân, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đã phát huy vai trò nhiệm vụ, tập trung tuyên truyền vận động đồng bào dân tộc thiểu số giữ gìn bản sắc văn hóa, tín ngưỡng truyền thống của dân tộc mình, loại bỏ các hủ tục lạc hậu ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống văn hóa, tinh thần, gây lãng phí, tổn hại đến sức khỏe con người. Phát huy sức mạnh tổng hợp của đội ngũ làm công tác tuyên truyền ở cơ sở, nâng cao vai trò của bí thư chi bộ, trưởng thôn, trưởng dòng họ, người có uy tín, hội viên Hội nghệ nhân dân gian cùng tham gia trong công tác tuyên truyền, giáo dục nhân dân nhận diện được những hiện tượng sinh hoạt văn hóa lỗi thời, không phù hợp với tình hình hiện nay, phê phán bài trừ các hủ tục lạc hậu như: Nạn tảo hôn, kết hôn cận huyết, thách cưới cao, tổ chức cưới dài ngày, không cho người chết vào áo quan, làm ma mổ nhiều trâu, bò gây lãng phí, tốn kém cho gia đình...Các cơ quan trong khối tuyên truyền đã tăng cường mở các chuyên trang, chuyên mục, tổ chức viết tin, bài, xây dựng chương trình phát thanh, truyền hình với nội dung bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc gắn với việc bài trừ xóa bỏ các hủ tục, phong tục tập quán lạc hậu. Xây dựng các gương điển hình tiến tiến, người tốt việc tốt để nhân rộng và khuyến khích động viên mọi tầng lớp nhân dân tích cực tham gia xóa bỏ các hủ tục, phong tục tập quán lạc hậu trên địa bàn.

Dòng họ Thào thôn Tả Chả Lảng, xã Sủng Trà huyện Mèo Vạc thực hiện xóa bỏ hủ tục lạc hậu. Ảnh: Minh Đức

Cấp ủy, chính quyền các cấp đã chỉ đạo, triển khai thực hiện công tác bảo tồn văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số, có cơ chế, khuyến khích và tạo điều kiện để tổ chức cá nhân nghiên cứu, sưu tầm, lưu giữ, truyền dạy, trình diễn và phục dựng các loại hình văn hoá truyền thống của các dân tộc. Phong trào “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa”, nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng thực hiện nghiêm túc nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội gắn với phong trào thi đua “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc” thực sự lan tỏa đi vào đời sống của nhân dân. Công tác xây dựng gia đình văn hóa, thôn, bản, tổ dân phố văn hóa, được triển khai thực hiện và xem đó là nhiệm vụ thường xuyên; hương ước, quy ước được chỉnh sửa, bổ sung và thực hiện nghiêm túc, xuất hiện nhiều trưởng họ, trưởng tộc, trưởng thôn gương mẫu đứng ra phát động xây dựng gia đình, dòng họ văn hóa. Duy trì tổ chức các hoạt động lễ hội, thể thao, văn hóa truyền thống, mang đậm nét văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số của địa phương. Tiếp tục triển khai đưa kỹ năng sống và văn hóa truyền thống vào giảng dạy trong trường học nhằm giáo dục, khơi dậy cho các thế hệ trẻ lòng tự hào dân tộc, yêu văn hóa truyền thống của dân tộc mình, bảo tồn và trao truyền những giá trị văn hóa tiêu biểu cho thế hệ kế tiếp, đồng thời loại bỏ những hủ tục lạc hậu còn tồn tại.

Phong tràoXóa bỏ hủ tục lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh” trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh được các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai quyết liệt và đồng bộ. Nhiều mô hình tiêu biểu, hoạt động hiệu quả như: Vận động tuyên truyền người dân thay đổi, xóa bỏ những tập tục không phù hợp, lạc hậu; xây dựng gia đình văn hóa, gia đình hạnh phúc...được triển khai, tạo điều kiện để người dân phát huy tính tự chủ và trách nhiệm trong xây dựng đời sống văn hóa. 11/11 huyện, thành phố đã xây dựng kế hoạch, tổ chức khảo sát, thống kê các phong tục tập quán trong từng xã, từng dân tộc, xác định những phong tục, tập quán lạc hậu cần xóa bỏ, sau đó tiến hành tổ chức Hội thảo bàn các giải pháp cải tạo, xóa hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trên địa bàn. Các huyện Xín Mần, Vị Xuyên, Quản Bạ, Hoàng Su Phì, Quang Bình và thành phố Hà Giang...đã tổ chức Hội thi “Tuyên truyền xóa bỏ hủ tục lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh”. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với Tỉnh đoàn thanh niên, Hội Nông dân, Hội phụ nữ tỉnh tổ chức 01 cuộc thi trắc nghiệm tìm hiểu Nghị quyết Đại hội VII và Nghị quyết số 27-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, thu hút đông đảo đoàn viên, hội viên và nhân dân tham gia; tổ chức khảo sát đánh giá thực trạng hủ tục trong cộng đồng 4 dân tộc: Tày, Lô Lô, Pà Thẻn, La Chí  tại một số xã trên địa bàn tỉnh, qua đó đã nhận diện được 17 phong tục, tập quán tốt đẹp cần được bảo tồn, phát huy và 15 hủ tục, tập tục lạc hậu đang tồn tại trong cộng đồng cần được cải tạo, xóa bỏ; mở các lớp tập huấn tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện xóa bỏ hủ tục lạc hậu trong tổ chức đám tang, lễ ma khô của đồng bào dân tộc Mông tại huyện Mèo Vạc, Bắc Mê và Quản Bạ...Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang đã trở thành một cuộc vận động lớn trong đồng bào dân tộc thiểu số, có tác động tích cực, mạnh mẽ đến nhiều mặt trong đời sống xã hội, bước đầu có sự chuyển biến về nhận thức trong nhân dân. Các nghi lễ trong đám cưới của các dân tộc đã được đơn giản hóa, gọn nhẹ, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của hai bên gia đình; kết hôn cận huyết cơ bản không còn, nạn tảo hôn giảm nhiều... Nghi lễ trong đám tang đã có nhiều thay đổi, thời gian tổ chức tang lễ được thực hiện theo đúng quy định, không kéo dài ngày. Các tập tục lạc hậu như: Tục bón cơm cho người chết, giết mổ nhiều trâu, bò, ăn uống rượu chè linh đình, đội mũ rơm, rắc vàng mã trong đám tang, để người chết lâu trong nhà, không cho người chết vào áo quan, mời thầy cúng yểm bùa, lăn đường, khóc mướn… những yếu tố mê tín đã dần được loại bỏ. Bài cúng của thầy mo, thầy tạo đã được cắt ngắn, thi hài được chôn cất chu đáo đúng nơi quy định, đảm bảo vệ sinh môi trường, đặc biệt nhiều gia đình đã tự nguyện thực hiện nghi lễ điện táng...

Một số kết quả tiêu biểu đạt được trong thời gian qua như: Các địa phương trong toàn tỉnh đã tuyên truyền vận động đưa được 9.009 chuồng trại ra xa nhà, cải tạo, làm mới 11.535 nhà vệ sinh, 7.047 nhà tắm; vận động được 420 cặp đôi trong đồng bào các dân tộc thiểu số tự nguyện hoãn hôn (chưa đủ tuổi kết hôn); vận động được 4.516 gia đình là người dân tộc Mông trên địa bàn tỉnh đưa người chết vào trong áo quan khi làm tang ma và thời gian không quá 48 giờ (đây là hủ tục mà từ trước đến nay người dân tộc Mông rất khó thay đổi); vận động được trên 2.000 đám tang không giết mổ nhiều trâu, bò; huyện Quản Bạ 13/14 dòng họ dân tộc Mông ký cam kết thực hiện đưa người chết vào áo quan khi làm tang ma; thành phố Hà Giang hiện nay nói không với vòng hoa, bức chướng trong đám tang...

Công tác bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống của các dân tộc, xóa bỏ các tập quán, hủ tục lạc hậu đã góp phần tích cực trong việc xây dựng văn hóa, con người vùng đồng bào dân tộc thiểu số Hà Giang. Với quyết tâm cao và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đoàn kết thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, phong trào Xóa bỏ hủ tục lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh” trong đồng bào dân tộc thiểu số đã đạt được những kết quả tích cực, phong trào ngày càng lan tỏa đi vào cuộc sống với những chuyển biến rõ rệt, góp phần xây dựng văn hóa, con người Hà Giang đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững trong thời kỳ hiện nay.

Nguyễn Thị Hải Hà


Nguồn: Ban Biên tập
Thống kê truy cập
Hôm nay : 172
Hôm qua : 4.086
Tháng 05 : 74.312
Năm 2024 : 373.726