A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Phiên họp thứ 5 Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số và Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ

Sáng 25.2, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an và Văn phòng Chính phủ phối hợp tổ chức phiên họp lần thứ 5 Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số (CĐS) và Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ theo hình thức trực tuyến toàn quốc. Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban quốc gia về CĐS chủ trì phiên họp. Dự có Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Tổ trưởng Tổ công tác Đề án 06 của Chính phủ; lãnh đạo các bộ, ngành T.Ư.

Tại điểm cầu của tỉnh, các đồng chí: Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Hoàng Gia Long, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đồng chủ trì hội nghị. Dự có các đồng chí: Vàng Seo Cón, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh; Chúng Thị Chiên, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Trần Đức Quý, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành.

Các đại biểu tại điểm cầu của tỉnh nghe ý kiến phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.
Các đại biểu tại điểm cầu của tỉnh nghe ý kiến phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Theo báo cáo, CĐS đạt nhiều kết quả tích cực; tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử đạt 100%; tỷ lệ người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản thanh toán Ngân hàng Nhà nước đạt 65%; tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ đạt 80%; tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính nộp trực tuyến đạt 50%; tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử đạt 50%; tỷ lệ hộ dân có internet cáp quang băng rộng đạt 75%; tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số đạt 30%; tỷ lệ dân số có điện thoại thông minh đạt 85%. Thực hiện Đề án 06 của Chính phủ về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ CĐS quốc gia, có 58/63 địa phương kết nối, chia sẻ dữ liệu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Tính đến ngày 17.2.2023, đã thu nhận trên 21,8 triệu hồ sơ cấp định danh điện tử, trong đó phê duyệt trên 20 triệu hồ sơ. Cấp trên 78,5 triệu thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử; có 12.269/13.047 cơ sở khám, chữa bệnh triển khai bằng căn cước công dân gắn chíp tích hợp bảo hiểm y tế, đạt 94,03%.

Đối với Hà Giang, công tác CĐS bước đầu đạt nhiều kết quả quan trọng: Nhận thức của công chức, viên chức, người dân chuyển biến tích cực, chủ động tham gia ứng dụng công nghệ số trong công việc hàng ngày. 100% các xã thành lập Ban chỉ đạo CĐS; 100% các thôn có Tổ công nghệ số cộng đồng. Nhiều mô hình, cách làm mới về CĐS được người dân, doanh nghiệp tích cực tham gia, như: Thanh toán không dùng tiền mặt; triển khai chợ 4.0; đăng ký tài khoản trên Cổng dịch vụ công quốc gia… UBND tỉnh ký kết thỏa thuận hợp tác về CĐS với Tập đoàn Viettel, VNPT. Phủ sóng di động bổ sung 101/154 thôn trắng sóng di động. Các hệ thống thông tin dùng chung, cơ sở dữ liệu chuyên ngành được đầu tư, nâng cấp, đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả... 

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn và các đại biểu dự tại điểm cầu của tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn và các đại biểu dự tại điểm cầu của tỉnh.

Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, nêu rõ: Chủ đề chung về CĐS năm 2023 là “Tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới”. Do đó, các bộ, ngành, địa phương cần có tư duy đi trước, về trước và đi tắt, đón đầu; phát triển đột phá về công nghệ hiện đại; nguồn nhân lực chất lượng cao và quản trị kinh tế. Thủ tướng nhấn mạnh: Dữ liệu dân cư là tài nguyên quý của quốc gia nên cần cụ thể hóa thành chương trình hành động; biến nguồn tại nguyên đó thành động lực, nguồn lực phát triển. Các bộ, ngành, địa phương cần quán triệt quan điểm xuyên suốt: “Tổ chức triển khai CĐS quốc gia tại từng bộ, ngành, lĩnh vực, cơ quan phải đi vào thực chất, mang lại giá trị thiết thực cho chính quyền, người dân, doanh nghiệp”. CĐS nói chung, trong đó có Đề án 06 cần xác định là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, liên tục ở tất cả các cấp, ngành, địa phương trên cơ sở huy động sự tham gia tích cực của toàn dân, toàn bộ hệ thống chính trị. CĐS toàn diện nhưng phải có trọng tâm, trọng điểm; dễ làm trước, khó làm sau, từ thấp đến cao, từ nhỏ đến lớn, thực hiện một cách bài bản, thực chất, hiệu quả, làm đâu chắc đó; tránh hình thức, chồng chéo; tránh đầu tư dàn trải, lãng phí; dữ liệu phải “đúng, đủ, sạch, sống”, “dọc ngang thông suốt”, an toàn, bảo mật.

Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: CĐS là vấn đề mới, khó, phức tạp, đòi hỏi sự tham gia của cả hệ thống chính trị. Các bộ, ngành, địa phương cần nêu cao trách nhiệm người đứng đầu; có cách tiếp cận mang tính toàn dân, toàn xã hội; tập trung triển khai hiệu quả kế hoạch hoạt động năm 2023 của Ủy ban quốc gia về CĐS và kế hoạch năm quốc gia về dữ liệu số, phát triển hạ tầng số; căn cứ chức năng, nhiệm vụ để triển khai hiệu quả các nội dung được giao phù hợp với đặc điểm và thực tiễn của bộ, ngành, lĩnh vực; tăng cường kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện. Ban chỉ đạo CĐS của bộ, ngành, địa phương ban hành kế hoạch CĐS, phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số năm 2023 và kế hoạch hoạt động năm 2023; hoàn thành rà soát, cập nhật phù hợp với kế hoạch hoạt động của Ủy ban quốc gia về CĐS. Kiên trì, kiên quyết, đổi mới, sáng tạo, nhất là về công nghệ và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Tập trung chỉ đạo triển khai và thống nhất sử dụng các nền tảng số từ T.Ư tới địa phương trong từng ngành, lĩnh vực để vừa thúc đẩy CĐS, phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, vừa phát triển dữ liệu số.

Triển khai Đề án 06, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các bộ, ngành, địa phương tập trung rà soát, chuẩn hóa, điện tử hóa mẫu đơn tờ khai theo hướng cắt giảm tối thiểu 20% thông tin phải khai báo trên cơ sở tái sử dụng dữ liệu đã được số hóa; số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính. Xây dựng phương án cắt giảm bộ phận tiếp dân trực tiếp để đẩy mạnh sử dụng dịch vụ công trực tuyến tại nhà. Hoàn thiện hệ sinh thái, tạo lập dữ liệu dùng chung. Làm sạch dữ liệu thông tin thuê bao di động đối với những thông tin thuê bao không trùng khớp với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, góp phần phòng ngừa tội phạm, giải quyết tình trạng sim “rác”. Nâng cao hiệu quả công tác quản lý thu thuế, thúc đẩy sử dụng hóa đơn điện tử. Nghiên cứu các giải pháp ứng dụng dữ liệu dân cư, căn cước công dân, định danh điện tử trong du lịch để thuận lợi cho người dân và tăng cường thu thuế; đẩy mạnh việc thanh toán không dùng tiền mặt…


Nguồn: Báo Hà Giang
Thống kê truy cập
Hôm nay : 2.770
Hôm qua : 3.796
Tháng 04 : 95.351
Năm 2024 : 283.691