A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Người mẹ nuôi đổi đời cậu bé Nùng liệt hai chân

Ba năm trước, Lù Văn Chiến lê đôi chân teo tóp với bộ quần áo lấm lem ra đón đoàn từ thiện mà không biết cuộc đời mình sẽ rẽ sang hướng khác từ đó.

Lần đầu gặp cậu bé tật nguyền, chị Trần Mai Vy - thành viên nhóm thiện nguyện Kết nối yêu thương- không kìm được nước mắt.

Ba năm sau, trong căn nhà nhỏ ở thành phố Kon Tum, Mai Vy mỉm cười khi thấy cậu bé Chiến thoăn thoắt đạp xe đi quanh sân. Giấc mơ đưa cậu bé trở thành người bình thường và sống một cuộc đời bình thường của chị đã thành hiện thực.

Cậu bé Lù Văn Chiến khi đang học lớp 1 tại trường Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Nậm Khòa. Lúc này cậu di chuyển bằng hai tay, quần áo lúc nào cũng lấm lem bùn đất. Ảnh: Mạch Diệp

Cậu bé Lù Văn Chiến khi đang học lớp 1 tại Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Nậm Khòa, năm 2019. Lúc này cậu di chuyển bằng hai tay, quần áo lúc nào cũng lấm lem bùn đất. Ảnh: Mạch Diệp

Lù Văn Chiến, dân tộc Nùng, sinh năm 2012 ở vùng núi Nậm Khòa, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang. Mẹ bỏ đi, bố ngồi tù, cậu lớn lên với hai bàn chân bé xíu quặp vào nhau, từ nhỏ sống cùng bà nội và chú thím. Giống như phần lớn người trong bản, tuổi thơ cậu chỉ biết tới ngô và sắn.

Đói nghèo không làm bà nội Chiến bỏ quên tương lai của cháu. Năm em 6 tuổi, bà cõng đứa cháu chỉ nặng 10 kg với đôi chân lủng lẳng tới trường. Được bạn bè, thầy cô giúp đỡ, hết lớp 1, Chiến biết đọc viết cơ bản tiếng phổ thông.

Tháng 9/2019, trong lần đi thiện nguyện tại xã Nậm Khòa, một Việt kiều Na Uy chụp lại hình ảnh Chiến lê lết dưới bùn đất, bò theo các bạn tới trường trong một ngày mưa.

"Có ai biết bác sĩ có thể giúp đỡ bé này không?", vị Việt kiều đăng lên trang cá nhân. Một nhóm thiện nguyện gồm những gia đình có con khuyết tật, đặt trụ sở tại TP HCM biết được hoàn cảnh của Chiến nên đã kết nối với giáo sư, bác sĩ Trần Anh Tôn - chuyên gia phẫu thuật chỉnh hình đang sống và làm việc ở thành phố Melbourne, Australia. Ông nhận lời chữa cho Chiến nhưng với điều kiện phải thăm khám qua video. Lúc này, câu hỏi đặt ra, ai biết tiếng Anh có thể đến Hà Giang giúp đỡ bác sĩ Tôn kết nối với cậu bé?

Cách Hà Giang 1.500 km, chị Trần Mai Vy, giáo viên tiếng Anh ở thành phố Kon Tum, có con trai đầu bị bại não. Từng nhiều năm đưa con đi chữa trị, hiểu được nỗi khổ của trẻ khuyết tật nên nhìn thấy Chiến qua ảnh, chị lập tức nhấc máy gọi chồng: "Mấy ngày tới em ra Bắc công tác. Anh sắp xếp công việc lo hai đứa ở nhà giúp em". Cùng với một người bạn, vài ngày sau họ xuất phát đi Hà Giang.

Nghe tin có đoàn thiện nguyện từ trong Nam ra giúp Chiến, thầy Nông Xuân Dũng - nguyên hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Nậm Khòa, lập tức thông báo tới gia đình, nhờ đưa cậu bé xuống trường. "Ở đây mới có sóng 3G để nói chuyện với bác sỹ bên Tây, chữa chân cho thằng bé", người thầy thuyết phục.

Chú và bà nghe vậy, cố đưa Chiến xuống đúng giờ, hy vọng phép màu để thằng cháu có thể chạy nhảy cùng bạn bè trong bản.

Trong cuộc thăm khám, bác sĩ Tôn khẳng định có thể chữa được nếu có người đưa Chiến sang Australia nhưng cả nhóm thiện nguyện không ai kịp thu xếp công việc để đồng hành với cậu.

"Đứa bé nếu cứ sống như vậy, sẽ chẳng có tương lai", câu nói của người bạn khiến Vy suy nghĩ nhiều. Từ Hà Giang trở về, hình ảnh cậu bé da bọc xương lấm lem bùn đất mãi ám ảnh chị. Sau vài ngày, Vy nêu nguyện vọng với chồng muốn đưa Chiến sang Australia chữa trị. "Em muốn cậu bé trở thành người bình thường và sống một cuộc đời bình thường", chị nói với chồng.

Tháng 11/2019, chuyến bay hy vọng của Chiến cất cánh. Hành trình lần này, Vy đưa cậu con trai đầu 17 tuổi bị bại não đi cùng.

Tại Bệnh viện St John of God Berwick ở Melbourne, ca phẫu thuật hai bàn chân và khớp háng bên phải của Chiến kéo dài 9 tiếng do giáo sư Trần Anh Tôn và ê-kíp thực hiện thành công. Sau ca mổ, Vy gửi con trai 17 tuổi cho người quen rồi cùng các y tá chăm sóc cũng như vật lý trị liệu cho đôi chân của Chiến.

Ngày thứ ba sau ca mổ, cậu bé bắt đầu tập đứng trên đôi chân của mình. Vy kể, lần đầu tiên được đứng thẳng, Chiến tròn xoe mắt lạ lẫm, còn mắt chị đỏ hoe. Nhiều lúc tập luyện vất vả, vết thương ứa máu ngấm ra lớp băng bó nhưng cậu bé không kêu đau, tiếp tục tập luyện. "Sức chịu đựng của con quá lớn nên tôi cũng tự dặn mình phải cố gắng tới cùng", người mẹ hồi tưởng.

Một lần ra ngoài về, Vy thấy cậu bé hí hoáy viết trên đôi chân bó bột. Một bên, Chiến viết "Con yêu mẹ", chân còn lại viết "Mẹ Vy", bên cạnh vẽ thêm hình trái tim. Lúc này, chị bỗng nhận ra, cậu bé từng là người xa lạ đã yêu thương mình đến nhường nào.

Sự thay đổi kỳ diệu của Lù Văn Chiến sau đó được nhiều báo ở Australia đưa tin. Họ gọi cậu với cái tên "Lucky boy" - cậu bé may mắn. Một tờ viết: "Đó là sự may mắn đến từ những nỗ lực tuyệt vời của nhiều người tốt, trong đó có mẹ Vy".

Lù Văn Chiến trong những ngày nằm viện tại thành phố Melbourne, sau khi trải quan cơn phẫu thuật, tháng 11/2019. Ảnh: Mai Vy

Lù Văn Chiến trong những ngày nằm viện tại thành phố Melbourne, sau khi trải qua ca phẫu thuật đôi chân, tháng 11/2019. Ảnh: Mai Vy

Đầu năm 2020, ba mẹ con về nước, khi đó Chiến đã đi lại được nhưng chân vẫn phải đeo khung nẹp định vị. Họ ở lại trung tâm nhóm thiện nguyện tại Sài Gòn tập luyện rồi về Kon Tum ăn Tết, dự định sẽ quay trở lại sau một tháng.

Nhưng Tết qua đã lâu, vì bận chăm sóc con cái và công việc, Vy chưa thể đưa Chiến trở lại Sài Gòn. Đôi chân cậu bé cũng cần tập luyện thời gian dài để cải thiện, nếu đưa về Hà Giang, khó có điều kiện chăm sóc. "Nếu vậy đôi chân sẽ trở lại như cũ, uổng công sức của bao người", Vy nói với chồng khi thuyết phục anh nhận Chiến làm con nuôi.

"Nhà mình đã có một đứa bại não, nuôi thêm cậu bé này, em đủ sức không?". Trước câu hỏi của chồng, Vy trả lời, chỉ cần gia đình đồng sức đồng lòng, khó khăn mấy chị tin cũng vượt qua được.

Khi có giấy tờ chính thức, Chiến được mẹ nuôi xin cho học lớp 2 ở Kon Tum, chậm một năm so với các bạn cùng trang lứa. Nhiều lúc cậu thắc mắc, sao bản thân lại có tên họ khác xa với hai anh trai, người mẹ giải thích để cậu luôn nhớ tới nguồn gốc. Nghe vậy Chiến lại đùa, khi nào lớn sẽ chuyển mẹ sang họ Lù, cho giống mình.

Hai năm sau ca mổ, giờ Chiến đi lại không cần sự hỗ trợ của mẹ nữa. Hàng ngày, cậu tự đạp xe hoặc đi bộ đến trường. Đang theo học lớp 4 một trường tiểu học gần nhà, mẹ Vy đánh giá cậu con trai khá thông minh, muốn trở thành bác sĩ trong tương lai. "Tôi tin rằng thằng bé có thể làm được", chị nói.

Đồng hành cùng Mai Vy thời gian dài, chị Trần Ngọc Trâm, thành viên nhóm thiện nguyện Kết nối yêu thương, phục bạn mình bởi tình yêu thương và trách nhiệm hết mình với những đứa trẻ yếu thế: "Không chỉ với Chiến, mà cả những đứa trẻ tật nguyền khác, Vy luôn có sự nhẫn nại và yêu thương hiếm có", Trâm chia sẻ.

Hai mẹ con chị Trần Mai Vy và Lù Văn Chiến chụp tại Kon Tum, Tết năm 2021. Lúc này, Chiến đã bỏ nẹp, tự đi lại trên đôi chân của mình. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Hai mẹ con chị Trần Mai Vy và Lù Văn Chiến chụp tại Kon Tum, Tết năm 2021. Lúc này, Chiến đã bỏ nẹp, tự đi lại trên đôi chân của mình. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Hè năm nay, khi dịch bệnh ổn định trở lại, cả gia đình mới có dịp đưa Chiến về thăm lại người thân, thầy cô và bạn bè ở Hoàng Su Phì. Nhìn thấy cậu bé tung tăng chạy nhảy, mọi người vừa bất ngờ, vừa mừng rỡ vì không thể tin thằng bé hai chân buông thõng, di chuyển bằng đôi tay năm nào giờ có thể đi lại mà không cần ai giúp đỡ.

Trên chuyến xe trở về xuôi, Chiến líu lo cả buổi, thỉnh thoảng lại ngân nga vài câu hát lạ tai. Người mẹ nghe không hiểu, tò mò quay sang hỏi: "Con đang hát gì thế?", Chiến thẹn thùng: "Tối qua, chú thím vừa dạy con bài hát tiếng Nùng mới".


Thống kê truy cập
Hôm nay : 1.880
Hôm qua : 1.752
Tháng 09 : 32.933
Năm 2024 : 766.341