A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Một số điểm nhấn nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2023

Năm 2023, Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc Hà Giang đã đồng tâm, hiệp lực vượt qua mọi khó khăn thử thách, gặt hái nhiều thành quả nổi bật trên các lĩnh vực, tạo thế và lực vững chắc để tiếp tục có những bước tiến cao hơn, xa hơn trong năm tiếp theo. Một số điểm nhấn nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của tỉnh năm 2023:

Ngày 13.11.2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1339/QĐ-TTg về việc phê duyệt Quy hoạch tỉnh Hà Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Mục tiêu phát triển đến năm 2030, tỉnh Hà Giang là tỉnh phát triển khá, toàn diện và bền vững trong vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ.  Đến năm 2050, phấn đấu là tỉnh phát triển trung bình khá của cả nước, theo hướng xanh, bản sắc, bền vững và toàn diện; giữ vị trí quan trọng của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ về phát triển kinh tế cửa khẩu, thương mại biên giới, du lịch và bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng các đồng chí lãnh đạo bộ, ngành Trung ương và 2 tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang bấm nút khởi công dự án.

Dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn 1) được khởi công ngày 28.5 có tổng chiều dài 104,5 km, trong đó 77 km thuộc tỉnh Tuyên Quang và 27,5 km thuộc tỉnh Hà Giang. Quy mô giai đoạn 1 gồm 2 làn xe (giai đoạn hoàn chỉnh, sẽ mở rộng lên 4 làn xe); phấn đấu hoàn thành cuối năm 2025. Dự án có ý nghĩa quan trọng cho sự phát triển KT – XH, QP – AN, góp phần hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông khu vực miền núi phía Bắc nói chung và hai tỉnh Tuyên Quang, Hà Giang nói riêng.

Công trình cải tạo, nâng cấp Bảo tàng tỉnh được khởi công tháng 12.2020 trên diện tích quy hoạch 4.100m2, tổng mức đầu tư trên 106 tỷ đồng đã hoàn thành đúng tiến độ và kế hoạch đề ra; đảm bảo yêu cầu cao về kiến trúc truyền thống, kỹ thuật, mỹ thuật và giá trị văn hóa, lịch sử. Công trình góp phần gìn giữ, bảo tồn, quảng bá, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử của  Nhân dân các dân tộc Hà Giang.

Tỉnh ủy Hà Giang tổ chức Hội nghị Văn hóa năm 2023 nhằm đánh giá sâu sắc, toàn diện về các giá trị văn hóa, xây dựng và phát triển văn hóa, con người Hà Giang trong giai đoạn mới. Hội nghị khẳng định quyết tâm chính trị cao của lãnh đạo tỉnh trong thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp và phát biểu chỉ đạo quan trọng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc tháng 11.2021; đánh giá sâu sắc, toàn diện thành tựu đạt được, những hạn chế, yếu kém cần khắc phục trên lĩnh vực xây dựng, phát triển văn hóa, con người Hà Giang trong những năm qua, đồng thời đề ra  nhiệm vụ, giải pháp trong giai đoạn mới hiện nay.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trò chuyện với người dân trong vùng thực hiện Dự án Cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang. Ảnh: DUY TUẤN

Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn được trao Bằng chứng nhận Thành viên mạng lưới lần thứ III. Sau hơn 13 năm phát triển, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang đã chú trọng bảo tồn, phát huy giá trị di sản địa chất, văn hóa; phát triển du lịch bền vững phù hợp với chủ trương, quy hoạch, định hướng của Đảng, Nhà nước và tiêu chí của mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO; tạo sinh kế đa dạng, nâng cao đời sống đồng bào các dân tộc.

Công trình đập dâng nước tạo cảnh quan trung tâm thành phố Hà Giang được xây dựng trên sông Lô có tổng mức đầu tư hơn 330 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành năm 2025. Đây là cây cầu kết nối Quốc lộ 2 với tuyến đường vành đai phía Nam thành phố. Đập dâng hoàn thành sẽ tạo không gian xanh, tự nhiên sinh thái, tôn vinh vẻ đẹp dòng sông Lô, góp phần xây dựng thành phố Hà Giang thêm xanh - sạch - đẹp.

Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại Hà Giang được thành lập mang ý nghĩa chính trị, KT-XH, được Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang cũng như các tỉnh trong khu vực mong đợi. Qua đó góp phần đào tạo nguồn nhân lực, phát triển khoa học công nghệ tại chỗ phục vụ phát triển KT-XH của tỉnh và các tỉnh lân cận. Đây cũng là tiền đề thực hiện liên kết vùng, liên kết quốc tế về đào tạo nhân lực trong tương lai.

Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương và các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy thăm gian hàng giới thiệu sản phẩm OCOP của huyện Bắc Quang.
Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương và các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy thăm gian hàng giới thiệu sản phẩm OCOP của huyện Bắc Quang.

Festival Khèn Mông tỉnh Hà Giang và Lễ hội Văn hóa ẩm thực ba miền Bắc – Trung – Nam là chương trình đặc sắc, tôn vinh di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia nghệ thuật Khèn của người Mông; giới thiệu giá trị tinh hoa ẩm thực của ba miền Bắc – Trung – Nam và các nước: Nhật Bản, Trung Quốc. Là cơ hội thúc đẩy mạnh mẽ liên kết giữa Hà Giang với các tỉnh, thành, các hội, hiệp hội, doanh nghiệp lữ hành, du lịch trên cả nước. Cùng chung tay xây dựng các sản phẩm, tuyến du lịch mới; mở rộng thị trường du lịch trong nước và quốc tế.

Hà Giang đón trên 3 triệu lượt khách du lịch, vượt 21% so với chỉ tiêu kế hoạch năm; doanh thu du lịch, dịch vụ hơn 7.000 tỷ đồng. Trong năm, Hà Giang được công nhận điểm đến du lịch mới nổi hàng đầu châu Á do Giải thưởng Du lịch Thế giới - World Travel Awards (WTA) lần thứ 30 khu vực châu Á và châu Đại Dương bình chọn; Tờ New York Times (Mỹ) xếp Hà Giang vào top 25/52 điểm đến hấp dẫn nhất thế giới. Đó là sự ghi nhận những nỗ lực của tỉnh trong việc xây dựng hình ảnh, phát triển đúng hướng, trọng tâm, bền vững; khẳng định vị trí của địa phương trên bản đồ du lịch khu vực và quốc tế.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương trao Bằng chứng nhận tái công nhận Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn lần thứ III cho Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn và Chủ tịch UBND 4 huyện vùng Cao nguyên đá.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương trao Bằng chứng nhận tái công nhận Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn lần thứ III cho Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn và Chủ tịch UBND 4 huyện vùng Cao nguyên đá.

Phố đi bộ Nguyễn Trãi, thành phố Hà Giang khai trương hoạt động từ tháng 9.2023 tại khu vực Quảng trường 26.3 đến Bảo tàng tỉnh, duy trì vào tối thứ Sáu và thứ Bảy hàng tuần với các hoạt động: Biểu diễn văn hóa, văn nghệ, các trò chơi dân gian và tham quan, trải nghiệm; kinh doanh dịch vụ, ẩm thực đã góp phần thúc đẩy phát triển du lịch, thương mại, dịch vụ trên địa bàn, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, vui chơi, giải trí của Nhân dân, du khách trong và ngoài nước.

Hơn 21.900 người được đào tạo nghề, đạt 209% kế hoạch năm, tăng 48% so với năm 2022; giải quyết việc việc làm cho hơn 27.300 lao động, đạt 153,7% kế hoạch. Cùng với việc thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp giảm nghèo bền vững đã góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo đa chiều cuối năm 2023 của tỉnh giảm 7,34% (từ 49,95% năm 2022 xuống còn 42,61%), tương ứng giảm 13.276 hộ nghèo và cận nghèo.

UBND tỉnh Hà Giang, Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT) và Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) ký kết thỏa thuận hợp tác chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Hà Giang giai đoạn 2023 – 2025. Lãnh đạo các Tập đoàn cam kết đồng hành cùng Hà Giang trong triển khai toàn diện các giải pháp về chuyển đổi số theo lộ trình phù hợp với thực tiễn tại Hà Giang; huy động cán bộ, chuyên gia tốt nhất thực hiện các nội dung phối hợp, đảm bảo việc hợp tác giữa hai bên hiệu quả, thiết thực; phấn đấu đưa Hà Giang trở thành địa phương mạnh về chuyển đổi số, sớm thực hiện thắng lợi ba đột phá, năm nhiệm vụ trọng tâm theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra.


Nguồn: Báo Hà Giang
Thống kê truy cập
Hôm nay : 211
Hôm qua : 4.812
Tháng 05 : 31.373
Năm 2024 : 330.787