A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Lũng Cẩm Trên - Những điều ít người biết

CTTBTG -  Lũng Cẩm Trên thuộc xã Sủng Là là xã biên giới của huyện Đồng Văn, cách trung tâm huyện lỵ 23km về phía tây. Phía Bắc giáp thị trấn Phố Bảng và huyện Malypho, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, phía nam giáp xã Sảng Tủng, phía đông giáp xã Sà Phìn, phía tây giáp xã Phố Cáo. Với đặc điểm là xã vùng cao núi đá, nhưng lại không có tài nguyên khoáng sản, vì vậy đất đai là nguồn tài nguyên đặc biệt và quan trọng của người dân địa phương. Địa hình chủ yếu là núi đá vôi, diện tích đất ít ỏi, đồi núi dốc do đó lớp đất mầu mỡ dễ bị rửa trôi nên để canh tác được, cộng đồng dân tộc nơi đây đã sáng tạo bằng cách kè nương đá, gùi đất và đổ vào các hốc đá để có đất trồng ngô và các loại cây hoa màu; người dân trong làng canh tác chủ yếu là trồng ngô và trồng đậu, đặc biệt họ trồng cây lanh dệt ra những tấm vải thổ cẩm đặc trưng cho đồng bào dân tộc Mông trên vùng Cao nguyên đá Đồng Văn này. Làng văn hóa Lũng Cẩm Trên nhiều năm đã trở thành điểm đến thu hút đông đảo du khách ...
 
Làng VHDL Lũng Cẩm Trên với diện tích tự nhiên là 184 ha, trong đó đất canh tác nông nghiệp là 44ha. Dân cư lập nghiệp trong làng có hai dân tộc chính là dân tộc Mông và dân tộc Hán, trong đó dân tộc Mông chiếm 95% dân số trong làng.
Vào thời kỳ chiếm đóng Hà Giang (1887) quân Pháp thiết lập chế độ đạo quan binh nhằm quản lý thực hiện tất cả các quyền lực về quân sự theo lệnh của Tổng chỉ huy tối cao và tất cả các quyền lực về dân sự theo lệnh của Thống sứ Bắc Kỳ, dưới sự chỉ đạo tối cao của Toàn quyền Đông Dương trên toàn bộ khu vực vùng cao Bắc Kỳ.
Ngày 28/11/1905, Quyền Toàn quyền Đông Dương, ban hành nghị định kể từ ngày 01/01/1906 thiết lập các trung tâm hành chính tại các Đạo quan binh 2,3. Châu Đồng Văn thuộc đạo quan binh 3, có 2 tổng là: Quan Mậu gồm 4 xã, 101 làng; Đông Minh gồm 14 xã, 364 làng. Địa danh Sủng Là thuộc tổng Đông Minh, Châu Đồng Văn xuất hiện cùng với Trung tâm hành chính Đồng Văn, như vậy xã Sủng Là xuất hiện cùng với sự ra đời của huyện Đồng Văn ngày 01/01/1906.
Thời kỳ này, ở Sủng Là có lính Lê Dương và lính Khố đỏ đóng tại làng Lũng Cắm (nay là thôn Lũng Cẩm Trên) đã có 1 số cuộc tấn công của người Mông tại đây, nên đến nay tại "Nhà của Pao" ở thôn Lũng Cẩm Trên còn lưu giữ bia nghĩa trang bằng chữ Pháp khắc trên đá. Trước khi người Pháp đến Đồng Văn, ở Lũng Cẩm (Lũng Cắm) đã có chợ (là 1 trong 2 chợ duy nhất ở Đồng Văn lúc bấy giờ) và tên gọi thôn hiện nay theo tiếng Mông vẫn là qaz khư (có nghĩa là dưới chợ).
Là xã điểm xây dựng nông thôn mới, kết cấu hạ tầng của Sủng Là đã cơ bản được đầu tư hoàn chỉnh theo các tiêu chí, đặc biệt ngày 16/11/2017, UBND huyện đã tổ chức Lễ Công bố "thôn Lũng Cẩm Trên hoàn thành các tiêu chí xây dựng làng văn hóa du lịch tiêu biểu gắn với xây dựng nông thôn mới"; Làng văn hóa du lịch Lũng Cẩm Trên được công nhận làng văn hóa lần 1 vào ngày 16 tháng 11 năm 2017 công nhận lần 2 vào ngày 23 tháng 12 năm 2020.

Ảnh: Làng Lũng Cẩm Trên, xã Sủng Là
Nơi đây, nổi tiếng với khuôn viên ngôi nhà cổ đóng phim Chuyện của Pao, người chủ xây dựng ngôi nhà này là ông Mua Súa Páo, người từng giữ chức vụ đội trưởng đội quân của “Vua Mèo”. Ngôi nhà được thiết kế theo lối kiến trúc vùng cao nguyên phù hợp với điều kiện khí hậu khắc nghiệt trên vùng. Mái ngôi nhà được lập bằng ngói âm dương, tường được trình bằng đất, nền nhà được lát bằng những khối đá to do bàn tay người thợ đục đẽo mà thành. Ở giữa có một khoảng không được gọi là giếng trời, giếng trời giúp cho ngôi nhà thu hút tinh hoa của đất và trời làm cho ngôi nhà thêm vượng khí. Để tạo ra sự sang trọng cho ngôi nhà, người chủ đã cho thợ dùng những đồng bạc trắng Đông Dương để mài vào chân cột tạo màu bạc ánh xám. Trong khuôn viên ngôi nhà đã từng có một tấm bia được khắc bằng tiếng Pháp dịch ra tiếng Việt có nghĩa là nghĩa địa Lũng Cẩm, 3 lính lê dương, 3 xạ thủ. Năm 1896-1897 và cuối thế kỷ thứ 19 đã có một đồn lính Pháp đồn trú tại đây, khi lính Pháp đổ bộ vào làng Lũng Cẩm đã nổ ra cuộc chiến giữa lính Pháp và người dân tại làng Lũng Cẩm và 3 lính Pháp đã chết.
Ảnh: Các ngôi nhà cổ ở Làng Lũng Cẩm Trên
Bên trên cửa là tấm vải đỏ được treo trước cửa, tấm vải đỏ tượng trưng cho lá cờ của “vua Mông” và theo quan niệm của người Mông tấm vải đỏ này sẽ xua đuổi tà ma ra khỏi gia đình của mình. Gian giữa là nơi quan trọng nhất nhìn từ cửa vào gia chủ đặt bàn thờ ở sát tường nơi thờ tổ tiên những người đã khuất trong dòng họ chính vì thế kiêng kỵ ngồi trên thanh ngang bên ngoài cửa, khi đó thế ngồi sẽ quay lưng vào bàn thờ của gia chủ. Bên cạnh gian giữa là phòng ngủ của gia chủ và con cái; nhà của người Mông có gác, gác này chỉ người đàn ông trong gia đình mới được lên đó. Với lối kiến trúc trình tường độ dày bức tường từ 40-50 cm mùa đông rất ấm và mùa hè thì mát mẻ.
Ảnh: Khuôn hình ưu thích của du khách khi tới  với ngôi nhà "Chuyện Của Pao"
Từ gian giữa qua phòng ngủ của con cái sẽ có cửa xuống bếp, bếp của người Mông là nơi nấu nướng đồ ăn cho tất cả gia đình, là nơi giữ ấm cho gia đình. Trên bếp người ta có làm một cái gác nhỏ, trên đó người ta sẽ bảo quản hạt giống của gia đình cho mùa vụ sau để khỏi mối mọt.
 

Ảnh: Cổng làng văn hóa du lịch Lũng Cẩm Trên

Ảnh: Ngôi nhà cổ trong phim "Chuyện của Pao"
Với cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp, làng VHDL Lũng Cẩm Trên đã được lựa chọn làm bối cảnh chính trong bộ phim "Chuyện của Pao" được chuyển thể từ tác phẩm "Tiếng đàn môi sau bờ rào đá" của nhà văn Đỗ Thị Bích Thúy. Bộ phim đạt được nhiều giải thưởng quan trọng tại Cánh Diều Vàng năm 2005, Cánh Diều Vàng cho tác phẩm điện ảnh, Giải thưởng nữ diễn viên xuất sắc nhất cho diễn viên Đỗ Thị Hải Yến trong vai Pao và Giải thưởng nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất cho diễn viên Như Quỳnh trong vai mẹ của Pao. Vào năm 2014 ngôi nhà này lại được chọn làm bối cảnh chính trong bộ phim Lặng yên dưới vực sâu. Bộ phim đặt tiền đề nổi tiếng cho diễn viên Phương Oanh trong vai Súa.
Lường Thị Ánh Hồng, ĐV

Tác giả: Lường Thị Ánh Hồng - Đồng Văn
Thống kê truy cập
Hôm nay : 164
Hôm qua : 2.127
Tháng 09 : 27.884
Năm 2024 : 761.292