A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Hà Giang đón trên 1,1 triệu lượt du khách trong 6 tháng đầu năm

6 tháng đầu năm 2022, du lịch Hà Giang chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ với trên 1,1 triệu lượt du khách đến thăm quan, trải nghiệm; tăng 72,06% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 73,7% kế hoạch năm 2022; trong đó khách quốc tế đạt 7.567 lượt người, khách nội địa đạt gần 1,1 triệu lượt người. Doanh thu từ du lịch đạt 2.211,3 tỷ đồng.

 

 Du Khách tham quan Làng Văn hóa du lịch Lô Lô Chải, xã Lũng Cú (Đồng Văn).

Để phục hồi và phát triển du lịch, từ đầu năm đến nay, Hà Giang đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn cho hoạt động du lịch sau thời gian dài ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, đồng thời thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước tham gia trải nghiệm như: Chương trình kích cầu du lịch tỉnh Hà Giang năm 2022 với chủ đề “Hà Giang - An toàn, bản sắc và thân thiện”; Chương trình đón những vị khách đầu tiên đến Hà Giang trong năm 2022; Chương trình “Hành quân theo bước chân anh”; Hội nghị gặp mặt các doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch năm 2022; Hội thảo “Bản sắc văn hoá dân tộc Mông và vai trò của phụ nữ trong phát triển du lịch và kinh tế xã hội tại Hà Giang”; bảo tồn, tôn tạo các điểm di sản, xây dựng các tuyến đường du lịch mới, điểm dừng chân ngắm cảnh... Qua đó, hoạt động du lịch có nhiều khởi sắc trở lại và tăng trưởng mạnh mẽ.

Kết quả, 6 tháng đầu năm 2022, lượng khách du lịch đến tỉnh đạt trên 1,1 triệu lượt người, tăng 72,06% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 73,7% kế hoạch năm 2022; trong đó khách quốc tế đạt 7.567 lượt người, khách nội địa đạt gần 1,1 triệu lượt người. Doanh thu từ du lịch đạt 2.211,3 tỷ đồng.

Được biết, trong những năm qua, dưới sự lãnh, chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự vào cuộc của các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở, nhận thức của người dân về công tác bảo tồn văn hóa gắn với phát triển du lịch đã có sự chuyển biến đáng kể. Văn hóa truyền thống các dân tộc được gìn giữ và phát huy, các lễ hội truyền thống, các làn điệu dân ca, dân vũ được duy trì, phát triển. Việc kết hợp phát triển làng nghề truyền thống với phát triển du lịch được các địa phương đặc biệt quan tâm, vừa hỗ trợ cho các làng nghề truyền thống được khôi phục, vừa góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch. Các địa phương trong toàn tỉnh đã đăng ký 35 làng văn hóa du lịch cộng đồng, trong đó có 15 làng văn hóa du lịch tiêu biểu được UBND tỉnh công nhận. Một số làng thu hút được lượng lớn khách tham quan như: Làng văn hóa du lịch cộng đồng thôn Nặm Đăm (Quản Bạ); Làng văn hóa du lịch cộng đồng thôn Hạ Thành (thành phố Hà Giang) … Thu nhập bình quân của các hộ làm dịch vụ du lịch bình quân đạt 50 - 70 triệu đồng/năm. Các làng nghề thủ công truyền thống cũng được các huyện, thành phố đầu tư khôi phục nhằm tạo sản phẩm du lịch đa dạng. Đến nay, toàn tỉnh có 41 làng nghề được công nhận, tạo ra các sản phẩm, vật phẩm, quà lưu niệm phục vụ du khách. Điển hình như: Làng nghề nấu rượu thóc Nàng Đôn (Hoàng Su Phì); Làng nghề dệt thổ cẩm huyện Quang Bình; nghề chạm bạc thủ công của người Nùng; nghề trồng và dệt vải lanh của người Mông… 

Công tác bảo tồn và phát huy các lễ hội truyền thống gắn với phát triển du lịch được đẩy mạnh. Một số lễ hội gắn với sự kiện thường niên được tổ chức như: Lễ hội hoa Tam giác mạch, Tuần văn hóa di sản Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì, Lễ hội Khèn Mông… đã từng bước trở thành thương hiệu du lịch của tỉnh. Nhiều lễ hội truyền thống được bảo tồn, phục dựng như: Lễ hội nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn, Lễ hội Bàn Vương của dân tộc Dao, Lễ hội Gầu Tào của dân tộc Mông… Các ngành chức năng cũng thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương mở các lớp dạy nhạc cụ, dân ca, dân vũ truyền thống, góp phần phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc.

Chợ phiên vùng cao là hình thức sinh hoạt văn hóa đặc sắc của cộng đồng các dân tộc Hà Giang, đã trở thành sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn du khách. Do vậy, những năm gần đây, cấp ủy, chính quyền các cấp đã chú trọng đầu tư cả về cơ sở hạ tầng và hình thức tổ chức. Nhiều hình thức sinh hoạt văn hóa được thể hiện trong chợ phiên như thổi khèn, đàn môi, hát giao duyên lồng ghép với các hoạt động bán mặt hàng thủ công mỹ nghệ, đồ lưu niệm, ẩm thực, sản vật địa phương… vừa đáp ứng nhu cầu trao đổi, mua bán hàng hóa của người dân, vừa hấp dẫn khách du lịch.

Để phát huy tiềm năng du lịch tỉnh trong thời gian tới, phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh mới đây, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Đặng Quốc Khánh yêu cầu chuẩn bị tốt hạ tầng du lịch để phấn đấu hết năm thu hút trên 2 triệu lượt khách du lịch đến với Hà Giang, đồng thời tăng cường áp dụng công nghệ số để phát triển du lịch bền vững hơn. Cùng với đó, tỉnh tiếp tục triển khai Kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch đến năm 2025 và Kế hoạch phục hồi du lịch năm 2022; đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của công tác thông tin, xúc tiến, quảng bá du lịch, ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin và công tác tuyên truyền, quảng bá; thực hiện các chương trình online “Chinh phục đỉnh Tây Côn Lĩnh” và giới thiệu sản phẩm du lịch địa chất đến du khách trong và ngoài nước; đẩy mạnh hoạt động Cổng thông tin du lịch thông minh, Tổng đài hỗ trợ du khách…/.


Thống kê truy cập
Hôm nay : 2.282
Hôm qua : 2.961
Tháng 07 : 8.066
Năm 2024 : 513.412