Dồn sức thi công tuyến cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang
Xác định Dự án Cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang, giai đoạn 1, đoạn qua tỉnh Hà Giang là công trình trọng điểm quốc gia, các nhà thầu thi công đang nỗ lực “vượt nắng, thắng mưa” với tinh thần “ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương” để đẩy nhanh tiến độ.
Tuyến cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang được xây dựng sẽ góp phần giải quyết “điểm nghẽn” về giao thông liên kết vùng, tạo điều kiện thuận lợi để kết nối 2 tỉnh Hà Giang – Tuyên Quang với các khu vực kinh tế trọng điểm khác của vùng và của cả nước nên các cấp, ngành, địa phương liên quan đã nỗ lực, dồn sức cho công trình. Với sự quyết tâm, quyết liệt từ tỉnh đến cơ sở; sự sâu sát của lãnh đạo tỉnh, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cùng với việc triển khai nhiều giải pháp, cách làm hay, sáng tạo trong công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư đã tạo sự đồng thuận trong nhân dân sớm bàn giao mặt bằng các hạng mục cho đơn vị thi công nên hình hài của dự án đang hiện hữu từng ngày.
Hạng mục nền đường đang được nhà thầu tập trung máy móc đẩy nhanh tiến độ.
Mặc dù không nằm trong diện thu hồi đất khi tuyến đường đi qua nhưng hơn chục hộ dân tại thôn Thống Nhất, xã Quang Minh và thôn Hùng Tiến, xã Hùng An lại nằm trong diện thu hồi và di rời vật kiến trúc, hoa màu để quy hoạch điểm đổ thải thuộc gói thầu xây dựng số 03-XL. Chị Hoàng Thị Oanh, Trưởng thôn Thống Nhất cho biết: Điểm quy hoạch bãi thải rộng gần 30 ha đất của 12 hộ dân. Sau khi được tuyên truyền, bà con đã nhận thức được lợi ích dự án mang lại, nhất là phục vụ nhu cầu đi lại hàng ngày, tạo cơ hội giao thương giữa vùng, miền để phát triển kinh tế. Các hộ bị ảnh hưởng chấp thuận phương án không nhận tiền đền bù và cho phép đơn vị thi công đổ vật liệu thừa trên diện tích đã quy hoạch; sau khi có mặt bằng, các gia đình nhận lại đất và tiếp tục canh tác, sử dụng lâu dài.
Ngay từ khi thực hiện dự án, tỉnh ta đặt quyết tâm cao nhất nhằm hoàn thành theo kế hoạch. Các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy – HĐND – UBND tỉnh thường xuyên sâu sát, kiểm tra, đôn đốc tiến độ; trực tiếp trao đổi với người dân để tháo gỡ vướng mắc trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng. Chủ đầu tư, đơn vị thi công; Hội đồng bồi thường, giải phóng mặt bằng; Ủy ban MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân. Đặc biệt, UBND tỉnh thành lập Tổ công tác trực tiếp giúp đỡ huyện Bắc Quang tháo gỡ khó khăn với mục tiêu đẩy nhanh tiến độ. Công tác đền bù, giải phóng mặt bằng đã hoàn thành toàn tuyến; các khu tái định cư được huyện Bắc Quang đẩy nhanh tiến độ xây dựng, bảo đảm người dân có đất bị thu hồi khi chuyển về nơi ở mới có cuộc sống ít nhất phải bằng và tốt hơn nơi ở cũ.
Nhà thầu huy động máy móc thi công cầu qua sông đoạn xã Tân Quang (Bắc Quang).
Đến nay, khối lượng thi công của dự án đạt trên 28,3% theo hợp đồng, chủ yếu nằm ở các hạng mục như đào đắp nền đường, công trình cầu, cống, hầm chui và đường gom dân sinh. Có mặt trên đoạn tuyến thuộc gói thầu số 04-XL (Km12+500 – Km19+120) có thể cảm nhận không khí hối hả trên công trường. Để chạy đua tiến độ giữa cái nắng như đổ lửa ngày Hè, đội ngũ công nhân cùng hơn 100 máy móc thi công trên tuyến đã không quản ngại gian khó để đẩy nhanh tiến độ xây dựng các hạng mục. Từ việc chia “3 ca, 4 kíp” nên chỉ sau gần 8 tháng thi công, giá trị khối lượng ước thực hiện gần 200 tỷ đồng/764 tỷ đồng, đạt 15% giá trị hợp đồng. Hiện nhà thầu đang tập trung máy móc, thiết bị, vật tư, cấu kiện đúc sẵn để thi công các công trình thoát nước, hầm chui dân sinh.
Không giống với các địa phương khác trong tỉnh, Bắc Quang có thời tiết, khí hậu đặc thù, được xem như “rốn mưa” của Hà Giang nên gây không ít khó khăn cho nhà thầu thi công. Vừa qua, mưa lớn liên tục gây ngập úng cục bộ tại một số vị trí trên tuyến. Nguyên nhân được xác định do khi dự án thi công đào, đắp nền đường đã làm thay đổi dòng chảy tự nhiên trong khi các hạng mục thoát nước của dự án như mương dẫn nước, cầu, cống thoát nước vẫn đang trong giai đoạn thi công chưa hoàn thiện.
Bí thư Huyện ủy Bắc Quang, Hà Việt Hưng chia sẻ: Khi xảy ra tình trạng bị ảnh hưởng do mưa lớn, lãnh đạo huyện đã trực tiếp đến động viên các gia đình và đề nghị nhà thầu có biện pháp thi công thích hợp. Đồng thời, đề nghị ngành chức năng rà soát hiện trạng sử dụng đất trong phạm vi hành lang bảo vệ an toàn công trình, thẩm định mức độ ảnh hưởng; rà soát, điều chỉnh, bổ sung các hạng mục để phục vụ sinh hoạt và sản xuất của người dân.
Theo tìm hiểu, ngay khi xảy ra mưa lớn, các nhà thầu thi công chủ động khơi thông các mương và cống dẫn nước bị tắc. Đội ngũ công nhân tích cực hỗ trợ các hộ bị ảnh hưởng khơi thông bùn đất, vệ sinh nhà cửa, ruộng vườn khi nước rút. Các hộ bị ảnh hưởng được các đơn vị bảo hiểm phối hợp cùng chính quyền các xã kiểm tra, giám định nguyên nhân và mức độ tổn thất làm cơ sở giải quyết bồi thường theo điều khoản của hợp đồng bảo hiểm. Theo thông tin từ Ban quản lý Dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh – chủ đầu tư dự án: Để giải quyết triệt để hiện tượng ngập úng cục bộ trên tuyến, đơn vị đã chỉ đạo các nhà thầu tập trung hoàn thiện hệ thống mương dẫn, cống thoát nước và giao cho đơn vị tư vấn thiết kế kiểm tra, rà soát các vị trí thường xảy ra ngập cục bộ. Trên cơ sở kết quả kiểm tra sẽ đưa ra phương án thiết kế điểu chỉnh, bổ sung nhằm đảm bảo khả năng thoát nước tại các vị trí này.
Tuyến cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang sẽ tạo ra “cú hích” cho phát triển KT – XH ở Hà Giang, tỉnh ta đang dồn sức để đẩy nhanh tiến độ thi công. Ngoài sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp; nỗ lực của nhà thầu thi công, cần có sự chung tay, đồng tình ủng hộ của người dân để dự án thực sự mở ra “cánh cửa” thoát nghèo cho người dân địa đầu Tổ quốc.
KIM TIẾN