A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang báo cáo kết quả Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV

CTTBTG - Tại Kỳ họp thứ Bảy - HĐND tỉnh Hà Giang khoá XVIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026, thay mặt Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang, đồng chí Lý Thị Lan, Uỷ viên Ban thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH khoá XV đơn vị tỉnh Hà Giang đã báo cáo với kỳ họp về kết quả Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV.

Đồng chí Lý Thị Lan, Uỷ viên Ban thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang khoá XV báo cáo kết quả Kỳ họp thứ Ba, Quốc hội khoá XV.

Sau 19 ngày làm việc tích cực, khẩn trương, khoa học, nghiêm túc, với tinh thần đổi mới, đoàn kết, dân chủ, trí tuệ và trách nhiệm cao, Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ nội dung, chương trình đề ra và thành công tốt đẹp. Tại kỳ họp, Quốc hội đã xem xét một khối lượng công việc lớn, quyết định nhiều nội dung quan trọng cho năm 2022 và cả giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo. Các nội dung được xem xét, quyết định tại kỳ họp đều đạt sự tập trung, đồng thuận rất cao.

Về công tác lập pháp, Quốc hội đã thông qua 05 Luật góp phần kịp thời thể chế hoá các chủ trương, đường lối của Đảng, tiếp tục cụ thể hoá Hiến pháp năm 2013, bảo đảm thực thi các cam kết quốc tế, hoàn thiện hệ thống pháp luật, gồm: Luật sở hữu trí tuệ sửa đổi; Luật kinh doanh bảo hiểm sửa đổi; Luật điện ảnh sửa đổi; Luật cảnh sát cơ động; Luật Thi đua, khen thưởng sửa đổi. Quốc hội cho ý kiến đối với 06 dự án luật, tập trung vào nguyên tắc, mục tiêu, những quan điểm lớn, chính sách quan trọng, tác động của chính sách và các nội dung cụ thể của các điều, khoản trong từng dự án luật, gồm: Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Luật Thanh tra (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện; Luật Dầu khí (sửa đổi). Nhất trí thông qua 17 nghị quyết, về một số nội dung quan trọng như: Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022; thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam; thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, phát triển tỉnh Khánh Hòa; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020; tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch và một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng quy hoạch thời kỳ 2021-2030; hoạt động chất vấn tại kỳ họp 3; thành lập đoàn giám sát chuyên đề về “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19, việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”; thành lập đoàn giám sát chuyên đề về “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030”.

Đối với hoạt động giám sát tối cao, Quốc hội đã dành nhiều thời gian xem xét các báo cáo, tờ trình và tập trung thảo luận, đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình triển khai và kết quả phát triển kinh tế - xã hội, tài chính, ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự giám sát, đồng hành của Quốc hội, sự điều hành quyết liệt, linh hoạt của Chính phủ đã tạo được sự đồng lòng, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và người dân thực hiện  tốt 2 mục tiêu khép: Kiểm soát dịch bệnh CoVID 19 và phục hồi phát triển kinh tế. Đặc biệt ngay khi triển khai chương trình phục hồi kinh tế, Chính phủ đã ban hành một loạt các chính sách, giải pháp tháo gỡnhững vướng mắc, bất cập. Kết quả đó tạo niềm tin cho người dân và động lực phát triển của đất nước. Đồng thời, Quốc hội đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém trong các ngành, lĩnh vực, phân tích nguyên nhân khách quan, chủ quan, rút ra những bài học kinh nghiệm, dự báo những thuận lợi, nguy cơ, thách thức, nhất là những tác động và khó khăn mới phát sinh do diễn biến phức tạp của tình hình địa chính trị thế giới, áp lực lạm phát gia tăng, giá xăng dầu, nguyên vật liệu và chi phí vận chuyển tăng cao, sự bất ổn của thị trường tài chính, chứng khoán, trái phiếu, bất động sản,… Quốc hội đã quyết nghị nhiều định hướng lớn, nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm để Chính phủ, các cấp, các ngành tiếp tục quyết liệt triển khai nhằm hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã được đề ra.   

Qua 6 phiên thảo luận tổ, 23 phiên thảo luận toàn thể tại hội trường, đã có 2.138 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu, tranh luận các báo cáo về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021, báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 3; xem xét báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 2. Quốc hội đã yêu cầu Chính phủ tăng cường chỉ đạo, có giải pháp siết chặt hơn nữa kỷ luật, kỷ cương tài chính, khắc phục những tồn tại, hạn chế, yếu kém, đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tiếp tục khẩn trương rà soát, giải quyết các kiến nghị của cử tri còn tồn đọng, đảm bảo việc giải quyết có chất lượng, đúng lộ trình đã báo cáo với cử tri; tập trung giải quyết dứt điểm một số kiến nghị của cử tri đã kiến nghị nhiều lần, các vấn đề nổi cộm, ảnh hưởng đến quyền  và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân.

Trong thời gian diễn ra kỳ họp, đã có 5 phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn, có 133 lượt đại biểu thực hiện chất vấn, 28 lượt đại biểu tranh luận để làm rõ hơn những vấn đề quan tâm về các lĩnh vực: Nông nghiệp và phát triển nông thôn, tài chính, ngân hàng, giao thông vận tải. Các vấn đề được Quốc hội lựa chọn chất vấn là “trúng và đúng” đáp ứng được yêu cầu, mong muốn của cử tri, nhân dân và các vị đại biểu Quốc hội. Phiên chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra sôi nổi, dân chủ, trách nhiệm với tinh thần xây dựng rất cao, nội dung chất vấn ngắn gọn, cụ thể, rõ ràng, có đối thoại, tranh luận thẳng thắn, mang tính xây dựng, sử dụng tối đa hiệu quả thời gian; các ý kiến phát biểu ngắn gọn, có chất lượng, thể hiện sự tâm huyết, tinh thần trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội.

Đây cũng là lần đầu tiên tại một kỳ họp Quốc hội, có 5 dự án quan trọng quốc gia được xem xét quyết định chủ trương đầu tư gồm: Nghị quyết về Chủ trương đầu tư Dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh; Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội; Dự án xây dựng đường bộ cao tốc: Biên Hòa -Vũng Tàu; Dự án đường cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột; Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng. Đây là những dự án giao thông trọng điểm, cấp bách, bảo đảm quốc phòng, an ninh, có tác động lan tỏa, tăng cường liên kết vùng, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, các vùng và từng địa phương. Xem xét, thông qua Nghị quyết Kỳ họp thứ 3 với nhiều nội dung quan trọng, trong đó, Quốc hội đã quyết nghị: (1) Kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng; (2) Điều chỉnh một số nội dung và giải pháp nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương đầu tư xây dựng dự án đường Hồ Chí Minh; (3) Chủ trương chuyển vốn vay về cho vay lại, bảo lãnh Chính phủ thành cấp phát ngân sách nhà nước đối với một số dự án giao thông trọng điểm trước khi Luật Quản lý nợ công năm 2017 có hiệu lực. Tại Kỳ họp, Quốc hội bổ sung nội dung bất thường về công tác nhân sự vào chương trình kỳ họp, ban hành Nghị quyết bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội; phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc cách chức Bộ trưởng Bộ Y tế đối với ông Nguyễn Thanh Long vì đã có những sai phạm nghiêm trọng trong vụ án Công ty Việt Á. Kỳ họp lần này, Quốc hội đã mời đại diện Thường trực Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố về dự phiên giám sát tối cao của Quốc hội “ giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành”.

Góp phần vào sự thành công của Kỳ họp thứ Ba, Quốc hội khoá XV, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang đã chủ động triển khai các công việc, nhiệm vụ chuẩn bị cho kỳ họp như: Tổ chức tiếp xúc cử tri trước kỳ họp và báo cáo tổng hợp đầy đủ ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi Quốc hội; tổ chức các hội nghị, buổi làm việc với các cơ quan, đơn vị của tỉnh để khảo sát, lấy ý kiến tham vấn vào các nội dung liên quan theo dự kiến chương trình kỳ họp của Quốc hội. Sau kỳ họp thứ 3, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tổ chức thành công 02 đợt tiếp xúc cử tri tại 03 huyện Yên Minh, Quản Bạ và Xín Mần.Tham dự kỳ họp Quốc hội, 6/6 đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang đã tích cực, trách nhiệm tham gia các hoạt động cũng như thảo luận các nội dung tại kỳ họp.Qua các phiên thảo luận tại tổ, tại hội trường và phiên chất vấn, Đoàn Đại biểu tỉnh đã có 32 lượt thảo luận (20 lượt tại tổ; 12 lượt tại hội trường) và thực hiện 03 lượt chất vấn đối với Phó Thủ tướng Chính phủ và 02 Bộ ngành Trung ương để làm rõ các vấn đề cử tri và Nhân dân quan tâm. Ngoài tham gia tích cực, hiệu quả chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tranh thủ làm việc với các bộ ngành Trung ương về các nội dung liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, như: Làm việc với Bộ Giao thông vận tải về vấn đề nâng cấp, sửa chữa tuyến quốc lộ 34, quốc lộ 279, quốc lộ 4D đi qua địa bàn tỉnh Hà Giang; Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam-Trung Quốc đẩy mạnh hoạt động của HĐND các tỉnh biên giới; làm việc với Bộ Công an về chủ trương hỗ trợ xây dựng trụ sở các xã biên giới trên địa bàn tỉnh.

Với tinh thần tiếp tục đổi mới và luôn tự hoàn thiện, Quốc hội đã và đang ngày càng đáp ứng tốt hơn yêu cầu của thực tiễn và sự kỳ vọng của cử tri, Nhân dân.

Hoàng Huyền


Thống kê truy cập
Hôm nay : 507
Hôm qua : 4.086
Tháng 05 : 74.647
Năm 2024 : 374.061