A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Để “đá” nở hoa

CTTBTG - Quản Bạ là huyện vùng cao nghèo thuộc diện đặc biệt khó khăn nằm ở phía Bắc của tỉnh Hà Giang. Quản Bạ được biết đến là huyện cửa ngõ của Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn với các quần thể địa mạo, địa chất khá đặc trưng, chủ yếu là các tầng đá xám xếp chồng và xen kẽ nhau. Đến với huyện Quản Bạ, không khó có thể nghe được câu nói rằng “Người Quản Bạ sinh ra trên đá, sống nhờ đá và chết thì hóa về với đá”. Những tảng đá xám đã gắn liền với cuộc sống của người vùng cao Quản Bạ, vậy Đảng bộ, chính quyền huyện Quản Bạ đã có giải pháp gì trong việc để “đá” nở hoa nhằm tạo sinh kế, giảm nghèo bền vững cho nhân dân tại địa phương? *

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Quản Bạ lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020- 2025 xác định: Trong nhiệm kỳ 2020- 2025, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện quyết tâm thực hiện thắng lợi 18 chỉ tiêu chủ yếu cùng 05 nhiệm vụ trọng tâm, 03 khâu đột phá trong toàn nhiệm kỳ. Trong đó, về lĩnh vực phát triển kinh tế, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đã đề ra nhiệm vụ trọng tâm đó là “Tập trung khai thác hiệu quả các tiềm năng lợi thế phát triển nhanh dịch vụ du lịch, trọng tâm là du lịch cộng đồng, sản xuất nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao; Tập trung cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế hộ, tăng thu nhập cho người dân; Quan tâm nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể; Huy động mọi nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội”. Và các khâu đột phá đó là “Đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, khai thác tiềm năng lợi thế, phát triển nông nghiệp sạch, đặc sản trở thành hàng hóa; Tạo sinh kế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân”.

Từ tổng quát đến cụ thể!

 Cấp ủy, chính quyền thị trấn Tam Sơn triển khai Nghị quyết các cấp tới từng hộ gia đình

Ngay sau khi Nghị quyết Đảng bộ huyện Quản Bạ lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 được ban hành và chính thức có hiệu lực. Ban chấp hành Đảng bộ huyện Quản Bạ tiếp tục ban hành nhiều Nghị quyết chuyên đề cho toàn nhiệm kỳ nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Đảng bộ huyện lần thứ XIX phù hợp trên từng lĩnh vực. Về lĩnh vực phát triển kinh tế, các Nghị quyết chuyên đề quan trọng được ban hành như: Nghị quyết số 02- NQ/HU ngày 10/9/2020 về phát triển cây Dược liệu giai đoạn 2021- 2025; Nghị quyết số 03- NQ/HU ngày 10/9/2020 về phát triển cây Hồng không hạt; Nghị quyết số 04- NQ/HU ngày 10/9/2020 về phát triển cây rau hoa; Nghị quyết số 13- NQ/HU về cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ, tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021- 2025... Các Nghị quyết trên sẽ được UBND huyện tiếp tục cụ thể hóa thành chương trình, kế hoạch để triển khai thực hiện tới các xã, thị trấn và nhân dân, với mục tiêu “Đưa Nghị quyết của Đảng bộ huyện thực sự đi vào cuộc sống của nhân dân”.

Xóa bỏ tư tưởng “nghèo” do đá!

Thẳng thắn nhìn nhận rằng, một bộ phận người dân tại huyện vẫn còn tư tưởng “sợ” thoát nghèo, việc chông chờ, ỷ lại vào chữ “nghèo” do đá, do điều kiện tự nhiên của vùng miền vẫn còn in sâu trong tiềm thức. Trước hết, để “đá” nở hoa tạo sinh kế thì việc xóa bỏ tư tưởng “nghèo” do đá trong một số bộ phận người dân vùng nông thôn tại huyện là nhiệm vụ cần thiết, đề ra cho huyện Quản Bạ phải có những giải pháp để thực hiện. Đề án số 10- ĐA/HU, ngày 21/01/2022 của Ban Thường vụ Huyện ủy về nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng theo phương châm 4 cùng  “cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng với đồng bào” tiếp tục là bài toán để tháo gỡ nút thắt trong công tác tuyên truyền. Với sự vào cuộc  của cả hệ thống chính trị từ huyện đến thôn, tổ dân phố tổng triển khai thực hiện như một cuộc cách mạng thay đổi tư duy với tinh thần “Miệng nói, tay hướng dẫn”, tuyên truyền một ngày chưa được thì nhiều ngày, nhiều tháng, tuyên truyền đến khi tư duy, nhận thức của người dân phải được thay đổi, hanh thông thì công tác tuyên truyền mới được coi là thành công. Đến nay, tư tưởng “nghèo” do đá đã từng bước được loại bỏ trong suy nghĩ của nhân dân tại vùng nông thôn của huyện, các hộ gia đình đã hăng hái cùng nhau thi đua, tạo nên một phong trào cải tạo những tảng đá tai mèo xám thành những mảnh vườn màu mỡ, có sự sinh sôi nảy nở màu xanh của cây trái.

Anh Mua Mí Sính, xã Tả Ván chia sẻ:
"Diện tích đất canh tác của gia đình tôi chủ yếu là đá, trước đây gia đình cũng để vườn đá tự nhiên không canh tác gì. Sau khi được cán bộ nông nghiệp xã tuyên truyền, hướng dẫn cải tạo vườn đá để canh tác nông nghiệp. Gia đình đã biết bồi đất màu, phủ lên trên bề mặt đá là 60 cm để trồng cây ăn quả, cây rau màu. Một số diện tích đá nhiều, gia đình bồi đất theo hốc để trồng cây Dược liệu Giảo cổ lam. Vừa qua, diện tích trồng rau của gia đình đã cho thu nhập, toàn bộ rau trồng được các đơn vị trường học tại xã thu mua."

Bù đất, lấp đá!

Bù đất – lấp đá là một giải pháp khắc phục tình trạng tỷ lệ đá nhiều hơn đất được huyện Quản Bạ áp dụng trong phát triển lĩnh vực nông nghiệp. Giải pháp này khi triển khai đã cho thấy sự hữu hiệu, tính khả thi cao tại thôn Thượng Sơn, thị trấn Tam Sơn; Thôn Thanh Long, xã Thanh Vân; Thôn Cốc Mạ, xã Đông Hà. Trên cơ sở đó, giải pháp bù đất- lấp đá tiếp tục được huyện Quản Bạ nhân rộng thực hiện tại các xã, thị trấn có địa hình phức tạp, chủ yếu là đá. Diện tích vườn 9.000m2 của anh Mai Minh Đình, xã Lùng Tám trước đây đã trồng một số cây ăn quả như Ổi, Táo, song do tỷ lệ đất đá nhiều, đất màu mỡ ít, cây trồng không được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng. Thời điểm đó, vườn Ổi, Táo của gia đình anh Mai Minh Đình cho sản phẩm quả nhỏ, chất lượng quả không đảm bảo để cung cấp ra thị trường. Được UBND xã Lùng Tám triển khai và thực hiện giải pháp “Bù đất- lấp đá” tại gia đình, theo hướng dẫn của cán bộ khuyến nông xã, anh Mai Minh Đình đã bỏ kinh phí mua đất màu mỡ để bồi lấp bên trên, đảm bảo dưới là đá, trên là lớp đất màu mỡ để trồng cây nông nghiệp. Đồng thời cải tạo toàn bộ 9.000m2 đất vườn của gia đình, loại bỏ việc trồng cây Táo, tập trung chăm sóc diện tích cây Ổi và trồng mới thêm một số diện tích cây Chanh tứ mùa.

Anh Mai Minh Đình, xã Lùng Tám cho biết:
"Khi đổ đất màu lên trên diện tích đá trong vườn, việc canh tác sẽ thuận lợi hơn rất nhiều, năng suất cây trồng tăng gấp 3 đến 4 lần. Nếu như năm 2020, toàn bộ diện tích 9.000 m2 vườn chỉ cho gia đình thu nhập 20 triệu đồng thì tới cuối năm 2022, sau cải tạo khu vườn của gia đình đã có nguồn thu ổn định là 120 triệu đồng."      


Vườn cây thực hiện giải pháp bù đất - lấp đá của anh Mai Minh Đình, xã Lùng Tám phát triển xanh tốt

Các vùng chuyên canh nông nghiệp trên “đá”!

Năm 2023, là năm thứ 3 cụ thể hóa Nghị quyết Đảng bộ huyện Quản Bạ lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020- 2025, bức tranh về lĩnh vực nông nghiệp của huyện đã có nhiều khởi sắc. Những bãi đất đá trống, cằn cỗi, thiếu sức sống đã được thay đổi bằng những vườn rau, hoa, cây ăn quả xanh tốt. Đá, sỏi đã thực sự được nở hoa trở thành thu nhập cho người dân bằng chính những hướng đi đúng đắn của Đảng bộ, chính quyền huyện cùng sự thay đổi tư duy, nhận thức của nhân dân trong triển khai thực hiện, chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Vùng chuyên canh trồng cây Hồng không hạt xã Nghĩa Thuận, đặc sản vùng miền sở hữu 200ha tại các thôn Phín Ủng, Cốc Pục, Na Lình, Pả Láng xanh rì vào những ngày tháng 3 và vàng rụm quả vào những ngày cuối tháng 9 trong năm. Là khởi sắc cho trái chín về công tác tuyên truyền của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự thay đổi nhận thức của nhân dân vùng biên trong sản xuất nông nghiệp. Vụ quả Hồng không hạt năm 2022, xã Nghĩa Thuận có trên 80 ha diện tích cây Hồng cho thu hoạch quả, ước tính năng suất đạt 32 tạ/ha, sản lượng đạt trên 256 tấn quả của tổng diện tích toàn xã. Chất lượng quả đều, mượt, giòn, ngọt, nhiều cát, không có hạt. Giá bán giao động quả Hồng không hạt tại xã Nghĩa Thuận giao động từ 25.000 đồng đến 35.000 đồng/ kg. Nhiều hộ gia đình tại đây đã có thu nhập từ 70 triệu đồng đến 150 triệu đồng từ quả Hồng không hạt như gia đình ông Vàng Dung Pháng, ông Vương Trung Hùng thôn Phín Ủng, ông Mai Xuân Xèng, thôn Na Lình và còn nhiều hộ tại xã đã thoát nghèo từ loại cây ăn quả này.

Người dân xã Nghĩa Thuận thu hoạch quả Hồng không hạt

13,5 ha cây Đào được trồng trên diện tích rừng đá thuộc các thôn Sủa Cán Tỷ và Sảng Cán Tỷ, xã Cán Tỷ theo Nghị quyết số 57 của HĐND huyện Quản Bạ về mức hỗ trợ cải tạo và mở rộng diện tích cây ăn quả ôn đới kết hợp phục vụ du lịch trên địa bàn huyện giai đoạn 2021- 2025. Sau 1 năm rưỡi trồng đã cho thu về nhiều tín hiệu khả quan: Cây phát triển tốt, một số cây đã đơm hoa, kết trái, trên rừng đá Sủa- Sảng nay đã tô điểm màu xanh rì của cây trồng. Điều này, phản ánh đúng sự định hướng và vào cuộc quyết liệt của các cấp tại huyện trong việc lựa chọn cây trồng phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng để nhân dân phát triển, tạo sinh kế. Theo tính toán của UBND xã Cán Tỷ, toàn bộ diện tích 13,5 ha cây Đào trên sẽ đưa vào khai thác, phục vụ khách du lịch chụp ảnh hoa đào vào bắt đầu vào mùa Xuân năm 2024, qua đó sẽ bước đầu tạo sinh kế cho nhân dân.

UBND xã Cán Tỷ hướng dẫn nhân dân chăm sóc diện tích cây Đào

Vùng chuyên canh cây rau trái vụ gắn với liên kết bao tiêu sản phẩm trên 70 ha tại các xã Quyết Tiến, Tùng Vài, Quản Bạ, Đông Hà cũng là khởi sắc trong khởi sắc của lĩnh vực nông nghiệp sạch theo chuỗi giá trị hàng hóa chất lượng cao tại huyện Quản Bạ với những cây trồng kinh tế cao như: Cà chua, Dưa chuột, Bắp cải, Cải thảo. Năng động trong việc tìm kiếm đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp của người dân, huyện Quản Bạ đã liên kết với nhiều doanh nghiệp, HTX, cá nhân trong việc ký kết bao tiêu các sản phẩm nông nghiệp cho người trồng. Năm 2022, việc chuyên canh trồng cây rau tại huyện gắn với liên kết bao tiêu sản phẩm cho nhân dân đã có thu nhập cao gấp 4,6 đến 19 lần so với trồng lúa như: Bắp cải trái vụ năng suất 25 tấn/ha, thu lãi gần 220 triệu đồng/ha. Cà chua trái vụ năng suất 55 tấn/ha, thu lãi gần 495 triệu/ha.

Hay phải kể đến vùng chuyên canh cây Dược liệu tại các xã Quyết Tiến, thị trấn Tam Sơn và xã Quản Bạ với tổng diện tích 505ha cũng là một điển hình cho trái chín để  “đá” nở hoa, tạo sinh kế cho nhân dân tại huyện cùng cao Quản Bạ. Các HTX tại huyện đã chế biến trên 45 sản phẩm từ cây Dược liệu được trồng tại địa phương, trong đó có trên 20 sản phẩm đăng ký tham gia Đề án mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đến nay có 8 sản phẩm đạt sao cấp tỉnh, các sản phẩm còn lại đang tiếp tục hoàn thiện. Tiểu biểu như: Sản phẩm Mạnh gân hoạt cốt cao, Trà gừng cao nguyên đá, Cao Atiso, Cao Hà thủ ô, thảo dược ngâm chân, nước tắm thảo dược...

Trái chín “đậm vị ngọt”!

Trái chín đậm vị ngọt từ những Nghị quyết cụ thể trong lĩnh vực phát triển kinh tế nói chung, phát triển lĩnh vực nông nghiệp hàng hóa nói riêng của Đảng bộ huyện Quản Bạ. Sự vào cuộc quyết liệt trong triển khai, thực hiện cụ thể hóa các Nghị quyết của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, mỗi Nghị quyết đó đã thực sự đi vào cuộc sống của đồng bào vùng cao. Những tảng đá tai mèo xám tưởng chừng cọc cằn, hiên ngang giữa đất trời Quản Bạ, nay đã được điểm màu xanh rì của các loại cây trồng.

Người dân phấn khởi về những thành quả nông nghiệp, canh tác “trên đá”.

Cuối năm 2022, tổng diện tích gieo trồng tại huyện đạt gần 16.300 ha, tăng 55 ha so với năm 2021; Thu nhập bình quân đầu người đạt 30 triệu đồng/người/ năm, tăng 5 triệu đồng/người/năm so với năm 2021; Giá trị thu nhập trên đơn vị/1ha đạt 57 triệu đồng, tăng 5 triệu đồng so với năm 2021; Tỷ lệ hộ nghèo giảm 8,21%, tăng 2,2% so với năm 2021. Những kết quả trên thực sự là những kết quả tiêu biểu, đại diện và thể hiện rõ sự sáng tạo, đổi mới trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện của Đảng bộ, chính quyền huyện Quản Bạ trong những năm qua, đổi khó khăn, thách thức thành cơ hội để bứt phá.

Nửa chặng đường trong thực hiện Nghị quyết Đảng bộ huyện lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đi qua, những “trái chín, mật ngọt” là không thể phủ nhận, điều đó đã từng bước làm thay đổi toàn diện bức tranh vùng nông thôn của huyện Quản Bạ thêm khang trang, đời sống của nhân dân ngày càng được nâng lên. Nửa chặng đường còn lại của nhiệm kỳ vẫn còn nhiều thách thức, khó khăn đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tại huyện Quản Bạ trong thực hiện các chỉ tiêu nhiệm vụ tại địa phương, quan trọng là 05 nhiệm vụ trọng tâm, 03 khâu đột phá mà Nghị quyết Đại hội đã đề ra trong toàn nhiệm kỳ. Đặc biệt, đó là mục tiêu đến năm 2025 huyện Quản Bạ phấn đấu thoát khỏi huyện nghèo đặc biệt khó khăn của tỉnh Hà Giang. Song từ câu chuyện “đá” nở hoa trở thành sinh kế cho nhân dân đã và đang cho thấy những tín hiệu thành công sẽ tiếp tục là động lực, là đòn bẩy để huyện Quản Bạ tiếp tục thực hiện hoàn thành đạt và vượt những chỉ tiêu, mục tiêu trong nhiệm kỳ 2020- 2025 đã đề ra.

Hoàng Chính

Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Du lịch huyện Quản Bạ.

-----------------------

* Bài dự thi Giải báo chí về xây dựng Đảng của Đảng bộ tỉnh lần thứ II năm 2023

Tài liệu tham khảo

  1. Nghị quyết Đảng bộ huyện Quản Bạ lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020- 2025
  2. Đề án số 10- ĐA/HU, ngày 21/01/2022 của Ban Thường vụ Huyện ủy về nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng theo phương châm 4 cùng
  3. Nghị quyết số 02- NQ/HU ngày 10/9/2020 về phát triển cây Dược liệu giai đoạn 2021- 2025.
  4. Nghị quyết số 03- NQ/HU ngày 10/9/2020 về phát triển cây Hồng không hạt.
  5. Nghị quyết số 04- NQ/HU ngày 10/9/2020 về phát triển cây rau hoa.
  6.  Nghị quyết số 13- NQ/HU về cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ, tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021- 2025...
  7.  Nghị quyết số 56 của HĐND huyện Quản Bạ khóa XX, nhiệm kỳ 2021- 2026 về mức hỗ trợ một số nội dung sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Quản Bạ năm 2021.
  8.  Nghị quyết số 57 của HĐND huyện Quản Bạ, khóa XX, nhiệm kỳ 2021- 2026 về mức hỗ trợ cải tạo và mở rộng diện tích cây ăn quả ôn đới kết hợp phục vụ du lịch trên địa bàn huyện giai đoạn 2021- 2025
  9.  Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH, QP-AN năm 2021 và Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH, QP-AN năm 2022, phương hướng, nhiệm vụ năm 2023 của UBND huyện Quản Bạ.

Tác giả: Hoàng Chính
Nguồn: Ban Biên tập
Thống kê truy cập
Hôm nay : 1.890
Hôm qua : 2.092
Tháng 04 : 71.514
Năm 2024 : 259.854