A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Công điện về việc tâp trung khắc phục và chủ động ứng phó với mưa lớn trên địa bàn tỉnh

CTTBTG - Công điện số 1689/CĐ-UBND, ngày 10/6/2024, về việc tâp trung khắc phục và chủ động ứng phó với mưa lớn trên địa bàn tỉnh của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Biên tập gửi quý độc giả nội dung Công điện.

Trong những ngày qua (từ ngày 08/6 đến 10/6/2024) trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã có xảy ra mưa lớn kéo dài; một số địa bàn có lượng mưa đặc biệt lớn như: Xã Thượng Sơn - huyện Vị Xuyên 320mm; xã Tân Lập - huyện Bắc Quang 295 mm; xã Tùng Vài - huyện Quản Bạ 195 mm; xã Niêm Sơn - huyện Mèo Vạc 161 mm. Mưa lớn đã làm 03 người chết (02 người tại huyện Hoàng Su Phì bị lũ cuốn khi đi xe qua suối; 01 người tại huyện Quản Bạ do sạt lở đường giao thông) và nhiều tài sản của nhà nước, nhân dân. Trên địa bàn tỉnh tại tuyến Quốc lộ 4C xảy ra tình trạng sạt lở tại nhiều vị trí; nhiều tuyến giao thông liên huyện, xã bị ách tắc do sạt lở; tại thành phố bị ngập úng cục bộ tại 25 vị trí gây thiệt hại lớn về tài sản của nhân dân.

Theo bản tin dự báo lúc 9h00 ngày 10/6/2024 của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh: trong 6 giờ tới có nguy cơ xảy ra lũ quét sạt lở đất cục bộ trên các khe suối nhỏ. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lũ: cấp 2.

Để tập trung khắc phục hậu quả và đảm bảo an toàn tính mạng cho người và tài sản, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra; Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu:

1. UBND các huyện, thành phố

- Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, chủ động triển khai công tác phòng, chống thiên tai kịp thời, hiệu quả theo phương châm “bốn tại chỗ”; hỗ trợ, thăm hỏi, động viên, chia sẻ với các gia đình bị thiệt hại do mưa lớn, nhất là các gia đình có người chết, gia đình chính sách, các hộ khó khăn.

- Tổ chức cứu trợ khẩn cấp lương thực, nhu yếu phẩm cho các hộ có nguy cơ thiếu đói do mưa lũ, nhất là các hộ có nhà bị đổ, lũ cuốn trôi, hộ ở vùng ngập sâu, sạt lở chia cắt, đảm bảo không để người dân bị đói, rét.

- Bố trí chỗ ở tạm cho các hộ bị mất nhà do mưa lũ; huy động lực lượng hỗ trợ người dân sửa chữa, dựng lại nhà ở, dọn vệ sinh môi trường, không để bùng phát dịch bệnh sau mưa lũ.

- Tiếp tục rà soát, chủ động sơ tán người dân ở khu vực nguy hiểm, nhất là khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét, khu vực bị ngập sâu; tiếp tục theo dõi diễn biến thời tiết và kịp thời cảnh báo đến người dân làm giảm các thiệt hại đáng tiếc có thể xảy ra. - Sửa chữa, khắc phục nhanh công trình hạ tầng thiết yếu, nhất là trạm y tế, hệ thống điện, nước sinh hoạt, công trình giao thông, thủy lợi, hồ đập bị hư hại để chủ động ứng phó với đợt thiên tại mới, nhanh chóng khôi phục sản xuất ngay sau lũ, góp phần ổn định đời sống nhân dân. - Chủ động bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn đảm bảo an toàn giao thông tại các ngầm tràn, khu vực bị ngập sâu, không để xảy ra những trường hợp thiệt hại đáng tiếc về người.

- Tổng hợp báo cáo tình hình thiệt hại khi có tình huống thiên tai xảy ra gửi về cơ quan Thường trực Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh.

2. Sở Nông nghiệp và PTNT:

- Phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, Đài KTTV tỉnh để tiếp tục có thông tin cảnh báo, chỉ đạo kịp thời khi có tình huống thiên tai.

- Đôn đốc các thành viên Ban chỉ huy tỉnh, UBND các huyện thành phố triển khai các nội dung theo chỉ đạo. - Tổng hợp báo cáo tình hình thiệt hại khi có tình huống thiên tai xảy ra về Ban chỉ đạo Quốc gia và các cơ quan theo quy định.

- Chủ trì, phối hợp với các ngành có liên quan và UBND thành phố Hà Giang rà soát, đánh giá nguyên nhân gây ngập úng cục bộ trên địa bàn thành phố Hà Giang và đề xuất giải pháp với UBND tỉnh.

3. Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh: Chỉ đạo các lực lượng vũ trang đóng trên địa bàn chủ động lực lượng, phương tiện hỗ trợ sơ tán, di dời dân cư ra khỏi khu vực nguy hiểm, tổ chức cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.

4. Sở Công thương: Thường xuyên kiểm tra, giám sát điều tiết lũ tại các hồ chứa thủy điện để đảm bảo thực hiện theo đúng quy định và quy trình vận hành liên hồ chứa.

5. Đài PTTH tỉnh, Báo Hà Giang: Tiếp tục làm tốt công tác truyền thông, hướng dẫn người dân các kỹ năng ứng phó, hạn chế rủi ro khi xảy ra thiên tai, đưa kịp thời, chính xác về diễn biến và công tác chỉ đạo phòng, chống thiên tai.

6. Các thành viên Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh: Thực hiện trực ban theo quy định; chủ động trong việc thực hiện nhiệm vụ theo chức năng quản lý nhà nước và địa bàn được phân công phụ trách về công tác PCTT và TKCN


Nguồn: Ban Biên tập
Thống kê truy cập
Hôm nay : 1.261
Hôm qua : 1.586
Tháng 12 : 41.431
Năm 2024 : 978.129