A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Báo chí cách mạng là để phục vụ nhân dân, cho nhân dân và vì nhân dân

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn những người làm báo: Báo chí ta không phải để cho một số ít người xem, mà để phục vụ nhân dân, để tuyên truyền, giải thích đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ, cho nên phải có tính chất quần chúng và tinh thần chiến đấu. Vì vậy, những người làm báo phải biết lắng nghe quần chúng nhân dân và phải học cách nghĩ, cách nói, cách diễn đạt của quần chúng nhân dân.

Phóng viên Thu Phương(Báo Hà Giang) tác nghiệp ở cơ sở.                                                                       Ảnh: TƯ LIỆU
Phóng viên Thu Phương(Báo Hà Giang) tác nghiệp ở cơ sở. Ảnh: TƯ LIỆU

Người giải thích, quần chúng nhân dân là nguồn cảm hứng bất tận cho báo chí cách mạng. Nếu coi quần chúng nhân dân là đối tượng chủ yếu, là mục tiêu phục vụ của báo chí cách mạng thì sự cần cù lao động sáng tạo, những sáng kiến, những ước vọng chân chính, những việc làm hay, những gương sống tốt... của quần chúng nhân dân luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho sự sáng tạo của các nhà báo cách mạng.

Chủ đề của báo chí cách mạng phải xuất phát từ chính cuộc sống, thực tiễn lao động sản xuất, chiến đấu, học tập của quần chúng nhân dân; phải ca ngợi những cái đẹp, cái chân, cái thiện, cái mỹ trong nhân dân. Đồng thời, báo chí phải kiên quyết đấu tranh với những cái xấu, cái không thiện, cái đi ngược lại thuần phong, mỹ tục, văn hóa dân tộc, đi ngược lợi ích của nhân dân. Phải hướng dẫn, gợi mở, giới thiệu những cách làm mới, những gương điển hình sản xuất, lao động giỏi, những tấm gương nhân hậu, vị tha sẵn lòng giúp đỡ người khác... để mọi người dân đều biết mà học hỏi làm theo, nhân rộng. Mặt khác báo chí cũng phải biết khơi dậy niềm tự hào dân tộc, khát vọng, tầm nhìn, hệ giá trị văn hóa Việt Nam, hệ giá trị của người Việt Nam…

Hiện nay, trong bối cảnh thế giới, khu vực và đất nước có nhiều thay đổi, internet, mạng xã hội phổ biến toàn cầu, biên giới thông tin truyền thống của mỗi quốc gia không còn nhiều rào cản, báo chí cách mạng Việt Nam đã vượt lên những khó khăn về phương tiện, kỹ thuật, hết mình, hết sức phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng, góp phần ngăn chặn tình trạng nhiễu, loạn thông tin, định hướng thông tin kịp thời cho nhân dân. Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn nhận ra rằng, xuất hiện xu hướng thương mại hóa báo chí, nguyên tắc phục vụ nhân dân chưa thực sự được bảo đảm triệt để. “Một số cơ quan truyền thông có biểu hiện thương mại hóa, xa rời tôn chỉ, mục đích, chưa làm tốt chức năng định hướng dư luận và xây dựng con người”. Để báo chí cách mạng thực sự phục vụ nhân dân, cho nhân dân và vì nhân dân, cần thực hiện một số giải pháp chủ yếu sau:

Thực hiện tốt nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra với báo chí “Làm tốt công tác lãnh đạo, quản lý báo chí, xuất bản”. Theo đó, “các cơ quan truyền thông phải thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, đối tượng phục vụ, nâng cao tính tư tưởng nhân văn, tính khoa học, đề cao trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân. Chú trọng công tác quản lý các loại hình thông tin trên internet để định hướng tư tưởng và thẩm mỹ cho nhân dân”. Mọi hoạt động về công tác lãnh đạo, quản lý báo chí, xuất bản phải xuất phát từ mục đích phục vụ nhân dân, phục vụ Đảng, phục vụ Tổ quốc. Kiên quyết ngăn ngừa, khắc phục tình trạng thương mại hóa báo chí, xa rời tôn chỉ, mục đích, đối tượng phục vụ, chạy theo thị hiếu tầm thường của một bộ phận độc giả.

Đội ngũ những người làm báo chí cách mạng phải thực hiện tốt lời căn dặn của Bác Hồ là không ngừng trau dồi nghiệp vụ báo chí và đạo đức cách mạng. Bởi, người làm báo không có nghiệp vụ báo chí cao thì dù thực tiễn đời sống của nhân dân có phong phú, đa dạng, có giàu xúc cảm đến đâu thì nhà báo cũng không thể phản ánh được chính xác cuộc sống của quần chúng nhân dân... tệ hại hơn là người làm báo non kém về nghiệp vụ và đạo đức cách mạng sẽ khó khăn trong đấu tranh chống những quan điểm sai trái, thù địch, những luận điệu chiết trung, ngụy biện cho cái xấu, cái ác, cái thấp hèn...


Tác giả: Hán Văn Toàn (Trường sỹ quan Lục quân, Bộ Quốc phòng)
Thống kê truy cập
Hôm nay : 2.178
Hôm qua : 2.961
Tháng 07 : 7.962
Năm 2024 : 513.308