A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Bắc Mê đẩy mạnh tuyên truyền đẩy lùi các hủ tục lạc hậu trong đồng bào các dân tộc thiểu số

CTTBTG - Nhận thức được tầm quan trọng của việc tuyên truyền nâng cao nhận thức, góp phần đẩy lùi các hủ tục lạc hậu, nâng cao đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số, xây dựng huyện phát triển toàn diện và bền vững. Trong những năm qua các cấp, các ngành của huyện Bắc Mê đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền đẩy lùi các hủ tục lạc hậu và đạt được những kết quả tích cực.

Bắc Mê là huyện vùng sâu, vùng xa nằm ở phía đông của tỉnh Hà Giang, có điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn, dân số toàn huyện trên 56.000 người, với 15 dân tộc cùng chung sống, mỗi dân tộc có nét văn hóa truyền thống riêng. Bên cạnh văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số tuy đã được quan tâm bảo tồn, phát huy, song một số hủ tục, tập quán lạc hậu vẫn còn tồn tại trong đời sống đồng bào, thậm chí một số nơi còn rất nặng nề, như: tục thách cưới, tảo hôn, hôn nhân cận huyết, tang ma dài ngày, chưa đưa thi hài vào áo quan...

Ảnh: Họp Tổ xây dựng Đề án cải tiến đám tang vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Bắc Mê.

Triển khai thực hiện Chỉ thị 09 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các văn bản chỉ đạo về bài trừ hủ tục lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh, huyện đã thành lập Ban chỉ đạo bài trừ hủ tục lạc hậu cấp huyện, ban hành kế hoạch số 111- KH/HU, ngày 08/11/2021 kế hoạch thực hiện chỉ thị số 09-CT/TU, ngày 10/5/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng bài trừ các hủ tục lạc hậu ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Hà Giang; quyết định số 252-QĐ/HU, ngày 05/10/2021 quyết định thành lập tổ xây dựng đề án cải tiến đám tang trong vùng dân tộc thiểu số huyện Bắc Mê, giai đoạn 2021 -2023; Đề án số 02-ĐA/HU, ngày 16/5/2022 đề án cải tiến đám tang các dân tộc huyện Bắc Mê, giai đoạn 2022 - 2024. Ban chỉ đạo đã chỉ đạo tuyên truyền, quán triệt và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các đoàn thể, đơn vị cùng thực hiện để nâng cao hiệu quả, ý thức người dân thực hiện nếp sống văn minh. Hội phụ nữ huyện phối hợp với Phòng Tư pháp huyện tổ chức các Hội nghị tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật: Tuyên truyền về Chỉ thị số 09 về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng bài trừ hủ tục, lạc hậu ở đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết số 27-NQ/TU, ngày 01/5/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục tập quán lạ hậu, xây dựng nếp sống văn minh các dân tộc tỉnh Hà Giang giai đoạn 2022-2025; định hướng đến năm 2030; Đề án về cải tiến đám tang các dân tộc huyện Bắc Mê, giai đoạn 2022 -2024….

Từng bước thay đổi

Từ khi thực hiện Đề án số 02-ĐA/HU, ngày 16/5/2022 đề án cải tiến đám tang các dân tộc huyện Bắc Mê, giai đoạn 2022 - 2024. Cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở đã họp bàn, thống nhất đưa ra nhiều giải pháp tuyên truyền, vận động người dân xóa bỏ hủ tục để xây dựng đời sống văn hóa mới, chăm lo phát triển kinh tế, nâng cao đời sống Nhân dân. Nói thì dễ nhưng khi bắt tay vào thực hiện đời sống văn hóa mới gặp muôn vàn khó khăn, bởi những tập tục, thói quen sinh hoạt lạc hậu đã tồn tại, ăn sâu vào nhận thức của bà con. Ban đầu, khi cán bộ đến truyên truyền, vận động bà con không đồng tình ủng hộ, nhưng với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, kết hợp giữa tuyên truyền, vận động, thuyết phục với tích cực chăm lo đến đời sống của đồng bào nên dần dần, người dân đã nghe theo và thay đổi nhận thức.

Trước kia, các gia đình có đám thường mở cỗ linh đình từ 2 đến 3 ngày với hàng trăm mâm cỗ để mời tất cả bà con trong thôn đến dự. Nhất là việc tang, trong lúc người chết vẫn nằm ở nhà chưa đưa ra đồng, theo lệ phải cúng và ăn uống cũng được tổ chức liên tục trong các ngày cúng. Mỗi đám như vậy thường tốn kém từ 1 đến 2 con trâu, 3 đến 4 con lợn, các hủ tục cúng bái rườm rà, tiền trả công cho đội thầy cúng cao từ 3 - 4 triệu đồng, kèm theo lễ thực phẩm... Hậu quả là nhiều nhà đã phải đi vay mượn để lo việc và phải mất nhiều năm mới trả hết nợ, đời sống của người dân đã khó càng thêm khó hơn.  Một trong những thay đổi rõ nét nhất là trong đám mà của người Mông giờ người chết được đưa vào quan tài, không để trong nhà dài ngày... Đây được xem là cuộc “cách mạng” thay đổi nhận thức của đại đa số đồng bào Mông. Để làm được điều đó, là sự quyết tâm, vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể và những người có uy tín, trưởng bản, trưởng dòng họ và sự đồng thuận của Nhân dân

Ảnh: Hội Liên hiệp phụ nữ huyện phối hợp với Phòng Tư pháp huyện tổ chức Hội nghị tuyên truyền bài trừ các hủ tục lạc hậu trên đại bàn huyện Bắc Mê thị trấn Yên Phú

Với nhiều giải pháp thực hiện, thông qua các cuộc vận động, mô hình do tổ chức, đoàn thể phát động, Nhân dân trên địa bàn từng bước thay đổi tập quán trong sinh hoạt, đời sống, các hủ tục tập quán lạc hậu đang dần có được những kết quả bước đầu như tổ chức đám tang rút ngắn thời gian, bỏ một số thục tục rườm rà trong làm đám của dân tộc Tày, đã cho người chết vào áo quan trong quá trình làm đám của dân tộc Dao, Mông … Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” đi vào nền nếp và trở thành phong trào có sức lan tỏa rộng rãi tại nhiều thôn, bản. Người dân trên địa bàn nâng cao nhận thức xây dựng nhà tắm, nhà tiêu hợp vệ sinh; xây dựng, di chuyển chuồng trại chăn nuôi ra xa nơi ở; tích cực dọn vệ sinh đường làng, ngõ xóm, bảo vệ môi trường.

Ảnh chụp màn hình hội viên Hội Cựu chiến binh xã Minh Ngọc tham gia ghi hình cuộc thi online video, clip tuyên tuyền chỉ thị 09/CT - TU, ngày 27/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Giang về bài trừ các hủ tục lạc hậu ở vừng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Hà Giang bằng tiếng dân tộc

Song song với việc xóa bỏ các hủ tục, những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của từng dân tộc tiếp tục duy trì phát huy, như: Lễ hội cầu mùa, cầu mưa của dân tộc Dao đỏ xã Đường Hồng được Bộ văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia ngoài ra còn các lễ hội khác như: Lễ hội đua mảng, Tết độc lập, lễ hội gọi trăng dân tộc Tày xã Yên Định, lễ hội cúng thần rừng dân tộc Pu Péo …   Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao truyền thống của đồng bào dân tộc được tổ chức thường xuyên; vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng để tuyên truyền, vận động, giáo dục con em học tập nếp sống văn minh, tiến bộ phát huy hiệu quả. Bên cạnh đó huyện cũng triển khai nhiều giải pháp nhằm khuyến khích, phát huy người dân mặc trang phục truyền thống trong lao động sản xuất, lễ tết, các sự kiện quan trọng. Việc triển khai mặc trang phục dân tộc tại các cuộc họp, hội nghị của huyện là một cách làm hay, thiết thực trong việc gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống. Qua đó, ngày càng gắn kết cộng đồng dân tộc, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân vững chắc.

Với sự vào cuộc tích cực, công tác vận động, tuyên truyền nhân dân xóa bỏ những phong tục, tập quán lạc hậu trên địa bàn huyện Bắc Mê đã bước đầu đã có chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, đây là cuộc vận động để thay đổi cách nghĩ, cách làm của người dân, do vậy cần có thời gian lâu dài, sự tham gia, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhân dân và sự kiên trì, bền bỉ, phát huy những nhân tố tích cực.

Thanh Hiếu


Tác giả: Thanh Hiếu
Thống kê truy cập
Hôm nay : 2.184
Hôm qua : 2.961
Tháng 07 : 7.968
Năm 2024 : 513.314