A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Xu hướng quét QR thanh toán thời chuyển đổi số

Nhiều tháng nay, Hải Vân không để ý trong ví có bao nhiêu tiền, bởi phần lớn việc thanh toán được thực hiện qua quét mã QR trên điện thoại.

 

"Tôi ăn sáng và ăn trưa ở công ty, tối về đi siêu thị, đi cafe với bạn bè... đều có thể quét QR thanh toán, trừ trực tiếp vào ví điện tử. Thỉnh thoảng mua hàng online phải chuyển khoản hoặc trả tiền mặt, phần lớn các mua sắm khác đều qua quét mã", Hải Vân, nhân viên một công ty truyền thông tại Cầu Giấy (Hà Nội), nói.

Vân bắt đầu có thói quen này từ hơn một năm nay, khi Covid-19 khiến cô ngại cầm tiền mặt. "Ban đầu tôi quét mã QR để tránh tiếp xúc. Sau này thấy tiện nên tôi dùng luôn. Hầu hết các cửa hàng hiện đều có mã QR nên không lo quên ví. Thậm chí số tài khoản ngân hàng của tôi cũng biến thành QR, có thể quét để chuyển khoản rất nhanh".

Thói quen này thậm chí theo cô cả ở những nơi không ngờ tới trước đây như khi đi xe ôm, mua hàng vỉa hè. "Có lần mua xôi không có tiền lẻ, cô bán xôi còn đưa mã QR ra để tôi quét", Vân kể. Từ một người ra đường lúc nào cũng phải mang túi xách chứa ví tiền, các loại thẻ và điện thoại, hành trang của cô giờ chỉ còn một nửa. "Tôi lo điện thoại hết pin còn hơn cả quên ví", cô nói vui.

Thế Tâm, chủ một cửa hàng tạp hóa tại Vĩnh Phúc, cũng đã quen với việc nhận thanh toán qua tài khoản thay vì chỉ tiền mặt như trước. Hơn một năm nay, cửa hàng của anh dán mã QR ở vị trí dễ nhìn nhất. Biển hiệu cũng được in thêm chữ "nhận thanh toán bằng QR".

"Khách trong làng nhiều khi không đem sẵn tiền trong người. Thay vì mua chịu ở cửa hàng khác, họ dần có thói quen qua cửa hàng tôi để quét mã. Tôi cũng chẳng cần lo đếm tiền, hay kiếm tiền lẻ trả lại... mà chỉ cần nhìn số", anh Tâm kể. Chỉ sau hơn một năm, gần một nửa khối lượng giao dịch ở cửa hàng anh là qua kênh QR.

Hải Vân, Thế Tâm và khách hàng tại cửa hàng của anh là những ví dụ điển hình của người hưởng lợi từ quá trình chuyển đổi số ngành tài chính - ngân hàng thời gian qua.

Hàng loạt mã QR của các dịch vụ thanh toán xuất hiện tại một cửa hàng. Ảnh: Quỳnh Trang

Hàng loạt mã QR của các dịch vụ thanh toán xuất hiện tại một cửa hàng. Ảnh: Quỳnh Trang

Bắt đầu phổ biến thông qua các ứng dụng ví điện tử như VNPay, MoMo, Viettel Money..., mã QR sau đó được tích hợp thẳng vào ứng dụng của các ngân hàng. Giữa năm ngoái, giải pháp VietQR của Napas ra đời đã góp phần đơn giản hóa quá trình này, cho phép người dùng của bất cứ ngân hàng nào trong hệ thống liên kết cũng có thể chuyển tiền tới ngân hàng khác chỉ bằng thao tác quét QR.

Mã QR được hiển thị dưới dạng ô vuông, chứa một ma trận các ô vuông nhỏ, có tác dụng mã hóa chuỗi ký tự, như câu lệnh máy tính, địa chỉ website... Khi quét mã bằng ứng dụng phù hợp, hệ thống sẽ giải mã và thực hiện lệnh được thiết lập sẵn. Ví dụ, trong việc thanh toán, trước đây người chuyển tiền cần chọn ngân hàng đích, gõ đúng địa chỉ, số tiền, nội dung. Nhờ QR code, những thao tác này được mã hóa và gói gọn trong một mã hình vuông nhỏ. Người dùng chỉ cần quét và hệ thống sẽ làm thay phần việc còn lại. Một số hệ thống còn cho phép người dùng tạo sẵn mã QR. Khi đến các điểm thanh toán, họ đưa mã để chủ cửa hàng quét và lấy đúng số tiền cần trả.

"Toàn bộ các thao tác chỉ vài giây, không phải tiếp xúc, cũng chẳng lo chuyển nhầm", Vân nói về lý do khiến cô trung thành với cách thức mới.

Nhờ đặc tính này, QR code đang nở rộ tại Việt Nam và là một trong những minh chứng dễ thấy về thành quả của công cuộc chuyển đổi số. Tại không ít cửa hàng từ thành phố lớn đến các địa phương, trên nền tảng thương mại điện tử, người dùng có thể bắt gặp hàng loạt loại mã QR đến từ nhiều dịch vụ thanh toán khác nhau.

Tại sự kiện kiện chuyển đổi số ngành ngân hàng trong tháng 8, Vụ Thanh toán - Ngân hàng Nhà nước đánh giá các dịch vụ ngân hàng trên nền tảng số phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là thanh toán điện tử. Trong sáu tháng đầu năm, số lượng và giá trị giao dịch qua điện thoại di động tăng lần lượt 98,3% và 84,3%, riêng giao dịch QR code tăng 86% và 127% so với cùng kỳ 2021.

"Quét QR để thanh toán đã khá phổ biến tại một số thị trường lân cận như Trung Quốc, Singapore từ nhiều năm trước. Còn tại Việt Nam, người dùng cũng đang hình thành thói quen sử dụng QR code. Tôi từng chứng kiến những người dân tộc thiểu số, ở vùng sâu vùng xa cũng cũng có thể dễ dàng thực hiện cách thức thanh toán này. Điều đó cho thấy hiệu quả rất lớn của giải pháp QR trong thanh toán số nói riêng và chuyển đổi số nói chung", ông Trần Quý, Viện trưởng Viện phát triển kinh tế số Việt Nam, đánh giá.

Các chuyên gia nhận định, tiềm năng phát triển của thanh toán mã QR vẫn còn nhiều, khi Việt Nam có 93,5 triệu thuê bao sử dụng smartphone, trong đó 73,5% là người trưởng thành, theo thống kê của Cục Viễn thông - Bộ Thông tin và Truyền thông. Tính đến tháng 7, Việt Nam có hơn 81,4 triệu thuê bao Internet di động. Đây là những điều kiện cần cho việc sử dụng thanh toán qua quét mã QR.

Người dùng quét mã QR để thanh toán ở một quán ăn tại Hà Nội. Ảnh: Lưu Quý

Người dùng quét mã QR để thanh toán ở một quán ăn tại Hà Nội. Ảnh: Lưu Quý

Bất cập của mã QR

Bên cạnh ưu điểm về tốc độ, sự tiện lợi và an toàn, việc quét mã QR trong thanh toán vẫn tồn tại một số vấn đề.

Trong trường hợp của Thế Tâm, do cần đến smartphone và liên kết với tài khoản ngân hàng, anh cho biết phương thức này chưa thể áp dụng cho người chưa có tài khoản, nhất là người già và trẻ nhỏ - nhóm khách hàng thường xuyên tại cửa hàng tạp hóa của anh. Ngoài ra, giao dịch chỉ diễn ra thuận lợi khi người dùng có smartphone và kết nối Internet, nhưng không phải khách hàng nào ở vùng quê như khu vực của anh cũng có sẵn hai điều kiện này. Do phụ thuộc vào kết nối mạng, không ít lần cửa hàng gặp lỗi thanh toán vì Internet chập chờn. "Chỉ một giao dịch bị lỗi, tôi có thể phải soát lại toàn bộ giao dịch và mất nhiều gian", anh Tâm nói.

Còn theo Hoàng Quỳnh, nhân viên văn phòng tại TP HCM, anh từng sử dụng 3-4 dịch vụ ví điện tử có tính năng quét QR. Tuy nhiên, sau khi các ứng dụng yêu cầu xác minh danh tính theo quy định năm 2020, anh chỉ giữ lại một app. "Đôi khi cửa hàng treo hàng loạt mã, nhưng là của dịch vụ tôi không dùng nên cũng không thanh toán được. Tôi mong có một nền tảng chung, chỉ cần một ứng dụng cũng có thể quét QR từ bất cứ dịch vụ thanh toán nào", Quỳnh nói.

Về mặt bảo mật, ông Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc công nghệ tại Công nghệ An ninh mạng NCS, nhận định mã QR trong thanh toán chỉ là địa chỉ để chuyển tiền nên không có nguy cơ gây lộ lọt thông tin. Tuy nhiên, ông cho rằng cũng không nên loại trừ trường hợp kẻ xấu có thể dán đè QR code lừa đảo lên trên QR code thật của cửa hàng, các địa điểm công cộng, hoặc gửi email chứa QR code giả. "Nếu không cẩn thận kiểm tra địa chỉ, người dùng rất có thể chuyển nhầm vào địa chỉ của kẻ lừa đảo", ông Sơn nói.


Thống kê truy cập
Hôm nay : 2.614
Hôm qua : 4.261
Tháng 05 : 24.384
Năm 2024 : 323.798