Tổng bí thư: Kiên quyết loại bỏ người tham nhũng, hư hỏng
Theo Tổng bí thư, người có đức, tài, liêm chính, thật sự vì nước, vì dân cần được bố trí vào vị trí lãnh đạo và kiên quyết loại bỏ người vướng tham nhũng, hư hỏng.
Ngày 3/1, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo Hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với địa phương, tổng kết công tác năm 2022 và kế hoạch 2023.
Ông đánh giá, năm 2022, đất nước cơ bản đạt thành tích và tiến bộ hơn năm 2021. Để phát huy thành tích đạt được, khắc phục yếu kém, các bộ ngành, địa phương "cần nhìn thẳng vào sự thật, phân tích thấu đáo, khách quan, tạo thống nhất cao về đánh giá, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm".
Tổng bí thư nhấn mạnh yêu cầu xây dựng Chính phủ, chính quyền địa phương trong sạch, liêm chính, vững mạnh, hiệu quả. Trong đó, công tác cán bộ cần làm tốt hơn để lựa chọn, bố trí những người thật sự có đức, tài, liêm chính, tâm huyết, vì nước, vì dân vào vị trí lãnh đạo bộ máy nhà nước.
"Kiên quyết đấu tranh loại bỏ những người vướng vào tham nhũng, hư hỏng; chống mọi biểu hiện chạy chức, chạy quyền, cục bộ, ưu ái tuyển dụng người nhà, người thân không đủ tiêu chuẩn", Tổng bí thư nói.
Ông yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức phải có tinh thần phục vụ nhân dân, có cơ chế khuyến khích, bảo vệ người năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Công cuộc đấu tranh chống tham nhũng phải gắn với xây dựng, hoàn thiện luật pháp, cơ chế, chính sách để "không thể, không dám, không muốn tham nhũng".
Bên cạnh đó, các cơ quan phải chấn chỉnh, loại bỏ tư tưởng bàn lùi, lo ngại rằng chống tham nhũng sẽ cản trở phát triển, làm nhụt chí, làm cầm chừng, phòng thủ, che chắn, giữ an toàn trong một bộ phận cán bộ, công chức, nhất là lãnh đạo, quản lý.
Theo Tổng bí thư, Chính phủ và các địa phương có thể phát huy ba bài học rút ra tại các hội nghị trước. Đó là kế thừa thành tựu của hơn 35 năm đổi mới và kết quả đạt được từ đầu nhiệm kỳ đến nay; tăng cường đoàn kết, thống nhất, chung sức, đồng lòng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, giải quyết kịp thời vấn đề thực tiễn đặt ra, nhất là vấn đề quan trọng, nhạy cảm, bức xúc xã hội; đồng thời tranh thủ đồng thuận, ủng hộ, góp ý của cán bộ, đảng viên, lão thành, tầng lớp nhân dân và báo chí để tạo nên sức mạnh tổng hợp, đồng tâm nhất trí cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.
Tổng bí thư bổ sung thêm bài học mới của năm 2022 là nâng cao năng lực dự báo, nhạy bén nắm bắt diễn biến mới; kịp thời, quyết liệt xử lý có hiệu quả các vấn đề; việc nào dứt điểm việc đó, không để kéo dài, gây ách tắc, lãng phí nguồn lực; thích ứng linh hoạt với tình huống mới phát sinh. Các cơ quan cần cải thiện thể chế, môi trường đầu tư kinh doanh, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực, tranh thủ mọi thời cơ để phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững.
Nhấn mạnh năm 2023 có ý nghĩa rất quan trọng trong thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị các cấp chủ động với mọi tình huống, nhất là những khó khăn, thách thức mới phát sinh, không thỏa mãn với kết quả, vì mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ năm 2023 và cả nhiệm kỳ khóa XIII rất cao, trong khi đất nước đang đối mặt với không ít khó khăn, thách thức lớn.
Chính phủ cũng phải củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế. Các cơ quan giải quyết khó khăn trước mắt và lâu dài của nền kinh tế để giữ vững đà phục hồi, tăng trưởng nhanh, bền vững, thực chất; đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn... Từ đó, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp khó khăn.
Ngoài ra, Tổng bí thư đề nghị làm tốt hơn công tác chống dịch; khai thông việc cung ứng thuốc chữa bệnh, vật tư, thiết bị y tế.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nói những chỉ đạo tình cảm, tâm huyết, sâu sắc, toàn diện của Tổng bí thư đã tạo thêm động lực, truyền cảm hứng cho Chính phủ, các địa phương khi thực hiện nhiệm vụ năm 2023.
Theo lãnh đạo Chính phủ, năm 2022, bối cảnh nhiều khó khăn nên việc cả nước nỗ lực vượt bậc, thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội có ý nghĩa quan trọng, rất đáng trân trọng. Tuy nhiên, ông lưu ý các Bộ, ngành, địa phương không chủ quan, tự mãn mà tập trung khắc phục bất cập, tháo gỡ khó khăn để đưa đất nước vững bước trên con đường đổi mới, hội nhập và phát triển bền vững.