Thủ tướng: Mạnh dạn thí điểm vấn đề vượt quy định
Những vấn đề chưa có hoặc vượt quy định thì mạnh dạn thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, nóng vội, Thủ tướng yêu cầu.
Phát biểu tại phiên họp Chính phủ chuyên đề pháp luật ngày 23/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói đã quyết liệt thực hiện ba đột phá chiến lược, trong đó có xây dựng và hoàn thiện thể chế. Tuy nhiên, Việt Nam đang phát triển, nền kinh tế chuyển đổi, thực tế biến động nhanh, nhiều vấn đề phát sinh mà các quy định không theo kịp. Quá trình xây dựng thể chế trước đó chưa lường hết những yếu tố mới nên còn vướng mắc về cơ chế.
Vì vậy, cùng với mạnh dạn thí điểm các vấn đề vượt quy định, ông Chính nhắc lại quan điểm vấn đề đã chín, rõ, được thực tiễn chứng minh đúng, có hiệu quả, đa số đồng tình thì tiếp tục thực hiện. Các cơ quan xây dựng dự thảo văn bản pháp luật phải xuất phát từ thực tiễn, có tầm nhìn chiến lược để xử lý vướng mắc, điểm nghẽn. Quan điểm là hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro giữa nhà nước, người dân, doanh nghiệp; hài hòa quan hệ giữa nhà nước, thị trường, xã hội.
Chỉ đạo của Thủ tướng được đưa ra trong bối cảnh thời gian qua một số lĩnh vực gặp vướng mắc về cơ chế. Đơn cử, việc mua sắm, đấu thầu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế tại nhiều bệnh viện đang gặp khó khăn. Sáng nay, GS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, cho biết nhiều hóa chất, vật tư tại đơn vị đang cạn kiệt, có hóa chất chỉ đủ dùng trong 7 ngày. Bệnh viện Chợ Rẫy, Bạch Mai không mua được máy móc và hóa chất xét nghiệm, phải gửi bệnh nhân đến cơ sở khác chụp chiếu.
Tại cuộc họp hôm nay, về đề nghị xây dựng Luật Thủ đô sửa đổi, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu chọn lọc cơ chế đã được cho phép thí điểm tại địa phương khác, nếu thực tiễn chứng minh đúng và phù hợp điều kiện Hà Nội thì đưa vào dự thảo. Hà Nội cần có chính sách tạo động lực phát triển mới về đầu tư, tài chính, trong đó huy động hợp tác công tư, thu hút các nguồn lực. Thủ đô cũng cần có cơ chế thu hút nhân lực chất lượng cao, sử dụng nhân tài. Các lĩnh vực cần ưu tiên là đổi mới sáng tạo, kinh tế xanh, kinh tế số, tuần hoàn. Ông Chính cũng lưu ý, cần phân quyền nhiều hơn cho Thủ đô cùng với phân bổ nguồn lực phù hợp.
Về dự án Luật Nhà ở sửa đổi, Thủ tướng đề nghị đánh giá kỹ vì tác động rất lớn đến xã hội và toàn dân; liên quan đến quyền hiến định của người dân về sở hữu nhà ở. Dự thảo cần hướng tới tháo gỡ vướng mắc trong thực tế. Thủ tục hành chính cần cải cách tối đa, để người dân tiếp cận, sở hữu, mua bán, chuyển nhượng nhà ở thuận lợi. Doanh nghiệp cần được tạo điều kiện xây dựng và chuyển nhượng dự án.
Vai trò của địa phương trong quản lý, chăm lo nhà ở cho người dân cần được phân cấp mạnh mẽ hơn, nhất là xây nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. "Cần có cơ chế huy động nguồn lực khu vực tư nhân để phát triển nhà ở xã hội, nhất là áp dụng linh hoạt hợp tác công tư", ông Chính nói và yêu cầu đẩy nhanh đề án xây ít nhất một triệu căn nhà xã hội đến năm 2030.
Dự án Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi cần theo hướng "vấn đề nào thị trường làm tốt thì nhà nước không can thiệp". Các vấn đề của thị trường bất động sản như lệch pha cung cầu, giá không hợp lý, không phù hợp với người dân cần được giải quyết thông qua quy hoạch, giám sát.
Người đứng đầu Chính phủ lưu ý, khi xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản cần có quy định đặc thù về đấu giá các loại tài sản đặc biệt như thuốc đặc biệt, tần số.