A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Thủ tướng: 'Đừng vì bệnh thành tích mà làm tổn thương trẻ'

Thủ tướng mong thầy cô, phụ huynh không vì bệnh thành tích mà áp đặt, làm tổn thương trẻ; đồng thời tôn trọng sự khác biệt của mỗi học sinh.

 

Sáng 5/9, dự lễ khai giảng năm học 2022-2023 tại trường tiểu học Đoàn Thị Điểm (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), Thủ tướng Phạm Minh Chính nói việc dạy và chăm sóc trẻ là công việc đặc biệt, đòi hỏi kiến thức, sự kiên trì, tấm lòng bao dung, nhân ái. "Tôi hiểu các thầy cô rất vất vả vì chăm sóc, dạy dỗ mấy chục cháu là công việc không đơn giản. Nhưng chúng ta cần nỗ lực hơn nữa, để mỗi ngày trẻ đến trường là một ngày vui", lãnh đạo Chính phủ nói.

Theo ông, trường học cần giúp học sinh hình thành nhân cách về tình yêu thương, trung thực, lòng nhân ái, sự nỗ lực, sống có lý tưởng, học cách vươn lên từ khó khăn... Nguyên tắc dạy học là tôn trọng sự khác biệt của mỗi trẻ; khuyến khích sáng tạo, tìm hiểu, tiếp thu tri thức dân tộc và nhân loại; cổ vũ tư duy phản biện và khát vọng cống hiến.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh trống khai giảng năm học mới trường tiểu học Đoàn Thị Điểm, sáng 5/9. Ảnh: Nhật Bắc

Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh trống khai giảng năm học mới ở trường tiểu học Đoàn Thị Điểm, sáng 5/9. Ảnh: Nhật Bắc

Theo Thủ tướng, cha mẹ cần kết nối với con bằng tình yêu thương và khuyến khích con cái học tập. Dù mỗi đứa trẻ là một cá thể riêng biệt, vẫn có những phụ huynh gò ép, áp đặt học hành, so bì con với các bạn. Việc này "đôi khi sẽ làm tổn thương và ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất và tinh thần của trẻ".

"Tất cả chúng ta hãy cùng nhau tạo môi trường dạy dỗ, đào tạo lành mạnh, an toàn, trí tuệ cho các cháu, để mỗi đứa trẻ đều trở thành công dân toàn cầu, đóng góp xây dựng quê hương, đất nước", Thủ tướng bày tỏ.

Người đứng đầu Chính phủ chia sẻ, đến dự lễ khai giảng, ông vẫn nhớ những bài học đầu tiên được thầy cô dạy ở ngôi trường của một vùng quê miền núi nghèo, xa xôi, thiếu thốn; nhớ hình ảnh cha mẹ cần mẫn lo cho con học hành và tiến bộ. Vì vậy, theo ông, những bài học và tỉnh cảm của thầy cô hôm nay, sẽ là hành trang ý nghĩa với học sinh mai sau.

Thủ tướng mong trẻ sẽ được học về lòng biết ơn, tình yêu quê hương, đất nước; biết ơn cha mẹ, ông bà, thầy cô; sự hy sinh của hàng triệu anh hùng liệt sĩ cho nền độc lập, tự do của dân tộc; học về sự tử tế, trung thực, nhân ái, để biết yêu thương, chia sẻ với những người xung quanh, không vô cảm với xã hội...

Thủ tướng Phạm Minh Chính được học sinh trường tiểu học Đoàn Thị Điểm chào đón, sáng 5/9. Ảnh: Nhật Bắc

Thủ tướng Phạm Minh Chính được học sinh trường tiểu học Đoàn Thị Điểm chào đón, sáng 5/9. Ảnh: Nhật Bắc

"Bác nghĩ các cháu nên chăm chỉ đọc sách, chăm học ngoại ngữ, tin học, thể chất, nhất là các kỹ năng sống, kỹ năng sinh tồn như bơi lội, ứng phó động đất, cháy nổ", Thủ tướng nói với hàng trăm học sinh dự lễ khai giảng.

Theo ông, tâm hồn mỗi học sinh giống như mầm cây, ngày ngày được ông bà, bố mẹ, thầy cô vun tưới để phát triển lành mạnh, an toàn. Muốn mầm cây, trí tuệ xanh tốt, cần trang bị tri thức thông qua những trang sách.

Thủ tướng cũng chỉ đạo ngành giáo dục sớm giải quyết "ba thiếu" là thiếu giáo viên, thiếu lớp học, thiếu sách giáo khoa. Bộ Giáo dục và Đào tạo cần đề xuất cấp có thẩm quyền xây dựng chế độ phù hợp để nâng cao thu nhập giáo viên. Học sinh khuyết tật, con thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, gia đình có công, hoàn cảnh khó khăn, vùng sâu, biên giới, hải đảo... cần được quan tâm, chăm sóc "để đường đến với con chữ của các em bớt gian nan".

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thăm lớp học hòa nhập, trường tiểu học Trung Tự, sáng 5/9. Ảnh: Đình Nam

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thăm học sinh ở lớp học hòa nhập, trường tiểu học Trung Tự, sáng 5/9. Ảnh: Đình Nam

Sáng cùng ngày, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam dự lễ khai giảng năm học mới tại trường tiểu học Trung Tự (Quận Đống Đa, Hà Nội), nơi duy trì lớp học hòa nhập cho trẻ khuyết tật, tiếp thu chậm, có biểu hiện tự kỷ.

Lớp học hòa nhập tại trường có từ năm học 1985-1986 thuộc dự án của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, nghiên cứu phương pháp giảng dạy cho một số em khuyết tật, bị nhiễm chất độc da cam, chậm phát triển... Sau khi kết thúc đề tài nghiên cứu, lớp học hòa nhập tiếp tục được duy trì với sự tham gia của các giáo viên trong trường, sự hỗ trợ của Viện Khoa học Giáo dục.

Phó Thủ tướng mong muốn mô hình lớp học hòa nhập từ đây sẽ được nhân rộng ra nhiều trường khác. Ông đề nghị lãnh đạo quận Đống Đa tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện hơn nữa để các trường trên địa bàn triển khai dạy hòa nhập cho trẻ khuyết tật.

Sáng 5/9, khoảng 23 triệu học sinh cả nước dự lễ khai giảng năm học 2022-2023 trực tiếp sau hai năm phải kết hợp nhiều hình thức do ảnh hưởng của Covid-19.


Thống kê truy cập
Hôm nay : 2.861
Hôm qua : 2.462
Tháng 05 : 49.024
Năm 2024 : 348.438