Lấy phiếu tín nhiệm giúp cán bộ ‘tự soi, tự sửa’
"Trên cơ sở kết quả phiếu, cán bộ tự soi, tự sửa. Nếu kết quả phiếu tín nhiệm cao là động lực động viên cán bộ hăng hái tiếp tục thực hiện chức trách, nhiệm vụ…”, bà Nguyễn Thị Thanh, Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội nói.
Trao đổi với phóng viên VietNamNet, bà Nguyễn Thị Thanh, Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội chia sẻ những vấn đề xung quanh việc sửa Nghị quyết 85 của Quốc hội về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm.
Hai giai đoạn lấy phiếu và bỏ phiếu để đảm bảo khách quan
- Xin bà cho biết vì sao phải sửa Nghị quyết 85 về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm?
Việc lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm với những người được Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn quy định tại Nghị quyết 85 của Quốc hội khóa XIII trên cơ sở cụ thể hóa Quy định 262 của Bộ Chính trị về lấy phiếu tín nhiệm với các chức danh trong hệ thống chính trị.
Năm 2022, Bộ Chính trị đã tổng kết Quy định 262, sau đó ban hành Quy định 96. So với quy định cũ, Quy định 96 có nhiều điểm mới, trong đó, đáng chú ý là quy định rõ hệ quả đối với cán bộ khi được lấy phiếu.
Nhằm cụ thể hóa Quy định 96, Ban Công tác đại biểu đang tham mưu cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội sửa đổi, thay thế Nghị quyết 85.
- So với Nghị quyết 85, việc sửa đổi về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm lần này có những điểm mới gì?
Dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 85 của Quốc hội về lấy phiếu tín nhiệm được sửa đổi 13/18 điều. Tuy nhiên, nội dung chủ yếu sửa phần hệ quả xử lý đối với kết quả lấy phiếu. Trong đó, rõ nhất là người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa đến dưới 2/3 tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND đánh giá tín nhiệm thấp có thể xin từ chức. Nếu không xin từ chức thì Quốc hội, HĐND sẽ tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp gần nhất.
Với người được lấy phiếu tín nhiệm có từ 2/3 tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND trở lên đánh giá tín nhiệm thấp, cơ quan có thẩm quyền trình Quốc hội, HĐND miễn nhiệm tại kỳ họp gần nhất. Việc này vừa nhân văn nhưng rất nghiêm khắc, thể hiện thái độ rõ ràng, nghiêm túc trong lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm.
- Vì sao trong quá trình lấy phiếu chúng ta vẫn để 3 mức tín nhiệm gồm 'tín nhiệm cao', ‘tín nhiệm’, ‘tín nhiệm thấp’ và chia thành hai giai đoạn, mà không để 2 mức là 'tín nhiệm' và 'không tín nhiệm', thưa bà?
Ở đây có hai giai đoạn là lấy phiếu và bỏ phiếu tín nhiệm. Việc lấy phiếu tín nhiệm để đánh giá mức độ tín nhiệm gồm 3 mức độ là tín nhiệm cao, tín nhiệm, tín nhiệm thấp.
Với bỏ phiếu tín nhiệm, chỉ có 2 mức là tín nhiệm và không tín nhiệm. Việc chỉ có hai mức để thể hiện rõ thái độ hay sự bất tín nhiệm với cán bộ.
Việc không làm một mà thực hiện hai giai đoạn nhằm thể hiện rõ công minh, khách quan, nhân văn, thận trọng trong đánh giá cán bộ thông qua lấy phiếu tín nhiệm. Bởi vì Quốc hội và HĐND có rất đông đại biểu, trong đó, gần 500 đại biểu Quốc hội, còn HĐND cấp tỉnh thường là 50 đại biểu, thành phố lớn 75- 95 đại biểu.
Số lượng lớn nhưng không phải tất cả đại biểu đều có điều kiện theo dõi sát được hết các hoạt động của người được lấy phiếu nên tính sát thực có thể chưa cao. Vì vậy, từ kết quả của lấy phiếu, nếu rơi vào trường hợp có quá nửa hoặc đến 2/3 tổng số đại biểu bỏ phiếu tín nhiệm thấp thì sẽ bỏ phiếu bất tín nhiệm.
Thêm vào đó, thực tế có những cán bộ du di giữa tín nhiệm cao và tín nhiệm nhưng chưa đến mức tín nhiệm thấp. Nếu chỉ có tín nhiệm cao và tín nhiệm thấp, vô hình trung làm mất đi sự đánh giá đối với người cán bộ chưa ở mức cao lắm nhưng chưa phải thấp. Khi đó, người bỏ phiếu sẽ không biết phải lựa chọn loại hình nào. Do vậy có thêm mức tín nhiệm.
Qua tổng kết những lần lấy phiếu tín nhiệm vừa qua cho thấy việc phân biệt 3 mức giúp người bỏ phiếu có sự đánh giá thận trọng, chắc chắn, khách quan. Đồng thời, kết quả lấy phiếu giúp người cán bộ khi được tín nhiệm cao song còn một số tín nhiệm thấp sẽ phải cố gắng hoàn thiện, phấn đấu để tín nhiệm cao hơn. Với người tín nhiệm thấp, nghị quyết sửa đổi cũng quy định rất rõ sẽ có biện pháp cho từ chức, miễn nhiệm.
Động lực để cán bộ thực hiện chức trách, nhiệm vụ
- Qua tổng kết, bà có thể cho biết, kết quả lấy phiếu tín nhiệm có ý nghĩa như thế nào?
Việc lấy phiếu có giá trị thực tiễn rất lớn, giúp những người được Quốc hội, HĐND bầu, phê chuẩn có điều kiện đánh giá, nhìn lại quá trình công tác.
Trên cơ sở kết quả phiếu, cán bộ “tự soi, tự sửa”. Nếu kết quả phiếu tín nhiệm cao là động lực tinh thần rất lớn, động viên cán bộ hăng hái tiếp tục thực hiện chức trách, nhiệm vụ.
Nếu số phiếu tín nhiệm thấp tương đối nhiều là sự nhắc nhở với cán bộ xem tại sao đại biểu lại bỏ phiếu như vậy. Rõ ràng trong quá trình làm việc từ trách nhiệm đến phương pháp, kết quả chưa tốt. Đây cũng là động lực thúc đẩy cán bộ này soi lại mình, phấn đấu làm tốt hơn.
Kết quả lấy phiếu cũng là kênh để các cấp có thẩm quyền nhìn nhận, đánh giá cán bộ trong đề bạt, bổ nhiệm, quy hoạch ở các bước sau. Những người có tín nhiệm thấp phải kịp thời xem xét đưa ra khỏi quy hoạch, thực hiện quy trình, thủ tục cho từ chức, miễn nhiệm hoặc bố trí công tác khác thấp hơn mà không chờ hết nhiệm kỳ.
- Thực tế cũng có những lo ngại như với những cán bộ dám nghĩ, dám làm thì dễ bị mất phiếu khi lấy phiếu tín nhiệm?
Qua ba nhiệm kỳ Quốc hội, tôi thấy nếu đánh giá cán bộ trong thời gian ngắn, chẳng hạn chỉ 1 năm có thể xảy ra sơ suất trong việc người làm quyết liệt, dám nghĩ, dám làm nhận phiếu tín nhiệm không cao. Lý do là người bỏ phiếu không có đủ thời gian để đánh giá một cách công tâm, khách quan, sâu sát với người được lấy phiếu.
Còn khi là một quá trình dài, từ đầu nhiệm kỳ đến nay khoảng 2,5 năm và có những cán bộ tái cử từ nhiệm kỳ trước sang thì phần lớn đại biểu sẽ biết người được lấy phiếu thuộc tuýp, gu cán bộ nào. Đồng thời, cũng nhìn thấy rõ hiệu quả công việc, kết quả mà cán bộ, ngành đó mang lại.
Với thời gian như vậy thì cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám va chạm không nên lo lắng sẽ bị mọi người hiểu nhầm.
Thực tế, trong 3 khóa Quốc hội tôi tham gia thấy rất rõ, kết quả chỉ chênh nhau vài chục phiếu từ tín nhiệm cao với tín nhiệm chứ không thể có một người làm việc rất tích cực, năng động, sáng tạo lại có phiếu tín nhiệm thấp nhiều hơn người khác. Thêm đó, đại biểu Quốc hội chắc chắn đủ tỉnh táo, sáng suốt để bỏ phiếu đánh giá đúng cán bộ do mình bầu, phê chuẩn.
Trình dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 85
Tại kỳ họp thứ 5, đại diện Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình bày tờ trình về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 85 (Quốc hội khóa XIII) về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn.
Tại kỳ họp, đại biểu sẽ thảo luận tại tổ và hội trường về việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 85, trước khi đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua vào cuối kỳ họp.
Việc sửa đổi Nghị quyết 85 nhằm thể chế hóa một số nội dung mới trong Quy định 96 của Bộ Chính trị về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị. Quy định này được Bộ Chính trị ban hành hồi tháng 2/2023.